Cảm nhận âm nhạc: “Chiều Trên Phá Tam Giang”(Trần Thiện Thanh & Tô Thùy Yên) – Tình yêu âu lo và niềm nhớ bất tận

Bài thơ Chiều Trên Phá Tam Giang của nhà thơ Tô Thùy Yên được cố nhạc sĩ Trần Thiện Thanh dùng đoạn 2 để phổ thành nhạc. Đó là đoạn nhớ về người yêu ở hậu phương và gởi về nàng tình yêu và nỗi nhớ của mình, và trở thành một bài hát gây ấn tượng mạnh mẽ trong tâm hồn thế hệ trẻ thời bấy giờ.

Và mãi cho đến ngày hôm nay, mỗi lần nghe lại bài hát, tôi vẫn như đang sống và hòa mình với nỗi đau, nỗi lo sợ của tuổi trẻ khi mà chiến tranh có thể cướp đi người yêu thương của mình không chừa một ai. Ngôn ngữ âm nhạc có sức lôi cuốn mạnh mẽ, thơ ca bản chất đã có nhạc điệu nhưng qua kết hợp với âm nhạc, bài thơ như một sức bật, nó là cơn bão quét sạch những mưu toan lợi lọc tầm thường. Và giờ chỉ còn lại gì? là nỗi nhớ bất tận, nỗi nhớ quay quắt điên cuồng:

“Chiều trên phá Tam Giang,
Anh chợt nhớ em
Nhớ ôi niềm nhớ
Ôi niềm nhớ đến bất tận
Em ơi, em ơi!”

Ngôn ngữ nhạc của Trần Thiện Thanh trong đoạn này thật cuốn hút. Người nghe như bị chìm ngập trong nỗi nhớ của người lính ở chiến trận. Chúng ta lưu ý giai điệu lúc đầu chậm nhưng rồi chuyển qua từ “Nhớ” thì tiết điệu nhạc nhanh hơn, diển tả nỗi cảm xúc dâng trào: “Nhớ ôi! Niềm nhớ! Ôi niềm nhớ. Đến bất tận. Em ơi! Em ơi!”

Nỗi nhớ đó qua miền ký ức của anh, đâu là những kỷ niệm? Anh đã liên tưởng thói quen mỗi ngày, từng sinh hoạt của em:

“Giờ này thương xá sắp đóng cửa
người lao công quét dọn hành lang
giờ này thành phố chợt bùng lên
để rồi tắt nghỉ sớm

ôi Sàigòn, Sàigòn giờ giới nghiêm
ôi Sàigòn Saigòn mười một giờ vắng yên
ôi em tôi!
Sàigòn không buổi tối”

Ý niệm hiện hữu của người yêu làm người tình buốt giá. Anh đang nối dài hiện hữu tại miền giới tuyến cháy bỏng với Sài Gòn yêu dấu mang dấu vết, chia sẻ chiến tranh. Sài Gòn buổi tối, với những buổi hẹn hò, đi nhà hàng, ăn tối. Và khi chúng mình ra về, Sài Gòn đã về khuya, chúng mình đi qua hành lang của thương xá Tax, ở đó người lao công quét dọn hành lang, để còn ra về kịp trước giờ giới nghiêm.

Ôi Sài Gòn giờ giới nghiêm mà tiếng động, sự rộn ràng của một sức sống vụ tắt ngúm. Anh nhớ Sài Gòn ở đó có em, những thói quen hàng ngày, những công việc em làm thứ hai, thứ ba, thứ tư,… những sở thích của em. Những giờ phút em rời Thư viện để đi rong chơi, anh biết em đang nghĩ đến ngày thi mà tương lai thúc hối, không trì hoãn. Chúng ta đang sống trong thời chiến và mọi ước muốn, suy nghĩ, dự phóng đều trở nên mong manh, dễ tan biến như những bọt bong bóng xà phòng:

“Giờ này có thể trời đang nắng
em rời thư viện đi rong chơi
hàng cây viền ngọc thạch len trôi
nghĩ đến ngày thi tương lai thúc hối

căn phòng nhỏ cao ốc vô danh
rồi nghĩ tới anh
rồi nghĩ tới anh
nghĩ tới anh…

Giờ này có thể trời đang mưa
em đi dưới hàng cây sướt mướt
nhìn bong bóng nước chạy trên hè
như đóa hoa nở vội

giờ này em vào quán nước quen
nơi chúng ta thường hẹn
rồi bập bềnh buông tâm trí
trên từng đợt tiếng lao xao”

Yêu làm sao những thói quen, những vẽ vời cho tương lai của em. Anh biết giờ này em đang nghĩ tới anh, nghĩ tới anh!

Ở đâu cũng cho chúng ta những kỷ niệm. Không gian nào, thời gian nào em còn nhớ? Những ngày nắng em rời thư viện rong chơi sau khi đã học xong cho kịp ngày thi. Những ngày mưa em đi dưới hàng cây sướt mướt, nhìn bong bóng nước chạy trên hè như đóa hoa nở vội. Phải chăng đó là tình yêu của chúng ta? Và những buổi hẹn hò nhau trong quán nước, làm sao anh quên.

Các hình ảnh, hàng cây sướt mướt, bong bóng nước chạy trên hè, bập bềnh buông tâm trí, tiếng lao xao gợi cho ta sự giới hạn, ý thức mong manh của những người tình, vội vàng, tội nghiệp.

Bằng giai điệu chậm, kể lể và được kết thúc bằng cuối đoản khúc về nỗi nhớ người yêu khôn nguôi được lặp đi lặp lại, Trần Thiện Thanh đã thổi một luồng âm nhạc đẩy sự xúc cảm của cô Sinh viên bé bỏng Sài Gòn lên cao độ, rất dễ thương mà cũng rất bi ai!

“Giờ này thành phố chợt bùng lên
em giòng lệ vẫn rất chảy tuôn
nghĩ đến một điều em không rõ

nghĩ đến một điều em sợ không dám nghĩ
đến một người đi giữa chiến tranh
lại nghĩ tới anh
lại nghĩ tới anh
nghĩ tới anh… “

Đến đoản khúc cuối thì đã rõ. Khi thành phố chợt bùng lên, em dòng lệ chảy tuôn, nghĩ đến một điều em không rõ, nghĩ đến một điều em sợ không dám nghĩ, đến một người đi giữa chiến tranh, lại nghĩ tới anh, nghĩ tới anh, nghĩ tới anh,… Em không dám nghĩ tới nhưng anh biết, cái chết với em là một điều rất kinh khủng. Chết là gì? làm sao chúng ta có kinh nghiệm về cái chết?

Chết là một thỏa hiệp, một cái bắt tay rất lạnh lùng. Chúng ta sống có nghĩa là chúng ta đang chết. Do đó chúng ta nếu chọn lựa được một cái chết hào hùng thì tốt bao nhiêu. Nhưng nỗi sợ hãi của em thì anh trân trọng và anh hằng đọc trong từng ý nghĩ trong đôi mắt của em. Ôi em yêu dấu! nếu có một ngày không còn anh.

Bài hát “Chiều Trên Phá Tam Giang” tôi đã nghe qua hai người hát: Ca sĩ Thanh Lan, cố nhạc sĩ Nhật Trường.

Khi nghe bài hát này, cảm xúc của tôi dâng trào. Tôi thương Sài Gòn, thành phố một thời huy hoàng, những hàng cây, những con đường, những khu thương xá, những rạp chiếu phim một thời chất chứa biết bao nhiêu kỹ niệm,…

Tiếng hát của Thanh Lan ngày nào là tiếng khóc nức nở của cô sinh viên bé bỏng Sài Gòn, kể lể với người yêu cuộc sống của mình trong thành phố chiến tranh, ban ngày nghe tiếng đạn vang xa ở ngoại ô. Ban đêm nghe sự yên ắng của thành phố Sài Gòn giờ giới nghiêm, lo lắng cho số phận của người tình ngoài chiến trận.

Tiếng hát Nhật Trường là sự thể hiện tình cảm của người lính chiến ngoài chiến trường lo lắng về hậu phương, nơi không có giao tranh nhưng có lựu đạn cay, có pháo kích, có giới nghiêm, gửi gắm về em, người yêu ở thành phố, hình dung những sinh hoạt của người tình với nỗi nhớ khôn nguôi.

Nguồn: Tuấn Nguyễn

Exit mobile version