Bài hát Bông Cỏ May được nhạc sĩ Trúc Phương sáng tác vào khoảng thập niên 1960 khi ông là một người lính đóng quân ở Đồng Xoài, tỉnh Phước Long trước đây, nay là tỉnh Bình Phước.
Vùng đất Đồng Xoài, Đồng Phú cách đô thành Saigon khoảng 100km, thuộc vùng núi và có khí hậu nổi tiếng là đêm lạnh như cao nguyên, ngày nắng như Tây Ninh. Vì vậy trong bài có câu hát:
Đường hành quân nắng cháy da người…
và
Nhiều khi trong giấc mộng mồ hôi kêu tên em…
Câu hát này ám ảnh người viết từ thuở nhỏ, vì không hiểu “mồ hôi kêu tên em” nghĩa là gì. Có 1 ca sĩ nào đó đã hát thành “Nhiều khi trong giấc mộng mồ CÔI kêu tên em…” Giấc mộng mồ côi có vẻ hợp lý, nhưng khi xem lại trong tờ nhạc gốc và các phiên bản hát trước 75, từ chính xác là “mồ hôi”. Vì vậy câu này có thể giải thích là đời lính rất gian lao, đóng quân ở vùng đất nhọc nhằn, giấc ngủ không trọn vẹn với mồ hôi đầy người, mệt mỏi về tâm hồn, đau đớn về thể xác, nhưng vẫn nhớ gọi tên người yêu trong giấc ngủ chập chờn. Ngoài ra “mồ hôi kêu tên em” còn gợi lại những hình ảnh ái ân cuồng nhiệt mà anh lính từng trải qua với người yêu.
Nội dung bài hát này có vẻ như khá đơn giản, nhưng khi suy nghĩ kỹ hơn 1 chút về nội dung, người nghe nhạc sẽ thấy thú vị khi phát hiện có những chi tiết mô tả tình yêu nồng nhiệt của tuổi trẻ trong thời chiến.
Những ngày chưa nhập ngũ
Anh hay dắt em về vùng ngoại ô có cỏ bông may
Ở đây êm vắng thưa người, còn ta với trời
Thời gian vào đêm, rừng sao là nến
Khói sương giăng lối cỏ quen.
Những ngày chưa nhập ngũ, anh lính hay đưa người yêu đi chơi vùng ngoại ô thành đô. Có khi đi đến tận đêm, sương lạnh, nhưng lòng vẫn ấm áp vì có “rừng sao là nến”. Ngày xưa các cô gái chắc là phải bạo lắm mới đồng ý đi chơi với người yêu đến đêm khuya. Mà lại đi rất nhiều lần vì “lối cỏ quen”.
Tóc mây thơm mùi cỏ đưa anh thoát xa dần
Vùng trần gian với những ưu tư
Cỏ may đan gấu chân tròn đường tim bước mòn
Sợ khi người đi để thương, để nhớ
Tiếng yêu đương ai nỡ chối từ.
2 câu đầu của khổ này mô tả hình ảnh lãng mạn, nồng nhiệt của đôi tình nhân: “đưa anh thoát xa dần”…
Anh lính đã sắp lên đường ra trận, sợ khi người đi thì không thể chịu được nỗi nhung nhớ xa xôi: “sợ khi người đi để thương để nhớ”, nên cô gái chấp nhận trao thân cho người tình: Tiếng yêu đương ai nỡ chối từ.
Sau này khi đã nhập ngũ ở miền xa, nơi vùng “nắng cháy da người”, đến đêm “ngủ trên cỏ may”, anh lính trận nghe mùi hương cỏ vương vấn lại nhớ đến những đêm xưa được ở bên cạnh người yêu cùng hương cỏ may…
Trong bài câu hát này mà đa số ca sĩ hát sai:
Cỏ may đan GẤU chân tròn, đường TIM bước mòn
Bị hát sai thành:
Cỏ may đan DẤU chân tròn, đường ĐI bước mòn
“GẤU chân” tức là GẤU của quần, phần dưới cùng của ống quần bị cỏ may đan dính vòng tròn xung quanh ống quần. Chứ DẤU chân thì không thể hình tròn được.
(Sau 1975, nhạc sĩ Trần Tiến có viết 1 bài hát dành tặng các anh thương binh (trong chiến tranh chống Trung Quốc), bài hát tên là Dấu Chân Tròn Trên Cát. Dấu chân của người thương binh có hình tròn trên cát là do chân đã cụt, mang chân giả có đế hình tròn in trên cát. Còn bài hát Bông Cỏ May của Trúc Phương mô tả anh lính chiến nên dấu chân không hình tròn được)
Chỉ có rất ít ca sĩ hát đúng lời bài này là Duy Khánh, Chế Linh, Quang Lập. Ngoài ra Thiên Trang cũng hát đúng khi song ca cùng Huy Sinh. Nhưng khi hát solo, Thiên Trang cũng hát sai như hầu hết các ca sĩ khác.
Rất nhiều ca sĩ không hát đúng lời bài này là: Giang Tử, Tuấn Vũ, Trường Vũ, Đặng Thế Luân, Phương Dung, Phượng Mai, Sơn Tuyền…
Ca sĩ Hương Lan có hát bài này cả trước và sau năm 1975, bản thu âm trước 75 cô hát đúng, nhưng sau 1975 lại hát sai.
Đông Kha (nhacxua.vn)