Cảm xúc về ca khúc “Biệt Ly” (Doãn Mẫn) – Tiếng còi tàu như xé đôi lòng…

Biệt Ly là một trong những ca khúc đầu tiên của tân nhạc Việt Nam, là ca khúc tiêu biểu nhất của âm nhạc thời tiền ᴄhιến: lãng mạn, đẹp đẽ và ca từ như một bài thơ. Cho dù ca khúc này viết về nỗi chia ly buồn tan tác, nhưng lời nhạc vẫn có nét thơ mộng, ngọt ngào.

Khi nói về hoàn cảnh sáng tác bài này, nhạc sĩ Doãn Mẫn tâm sự:

“Tôi viết Biệt Ly năm tôi vừa 20 tuổi. Hồi đó, cha tôi làm việc ở ga Hàng Cỏ, Hà Nội. Nhà ở gần ga nên tôi thường hay ra ga chơi. Chứng kiến nhiều cuộc chia tay đầy nước mắt trên sân ga, nhất là những đôi trai gái yêu nhau nhưng vì hoàn cảnh phải ly biệt. Điều đó khơi dậy trong lòng tôi nhiều cảm xúc và tôi có ý định sáng tác một bài hát về đề tài chia ly. Tôi nghĩ rằng tôi sáng tác bài Biệt Ly với rất nhiều kỷ niệm. Qua những cuộc chia ly mà tôi được chứng kiến ở sân ga Hà Nội, ở bến cảng Hải Phòng đã cho tôi rất nhiều xúc động.”

Những năm cuối thập kỷ 1930, ga Hàng Cỏ ở Hà Nội là nơi chia ly của nhiều đôi tình nhân. Đó là thời điểm các thanh niên gia nhập lính lê dương cho quân đội Pháp. Và Biệt Ly là ca khúc được nhạc sĩ Doãn Mẫn viết cho những cuộc chia tay trên sân ga buồn của những đôi tình nhân thuở ấy.

Ga Hà Nội năm xưa

Tân nhạc thời kỳ 1954-1975 đã chứng kiến sự ra đời của không biết bao nhiêu chuyện tình buồn trên sân ga: Tàu Đêm Năm Cũ, Hai Mùa Mưa, Chuyến Tàu Hoàng Hôn, Chiều Sân Ga, Người Tình Không Đến, Hai Chuyến Tàu Đêm, Buồn Ga Nhỏ… Quang cảnh tiễn đưa trên sân ga cùng với tiếng còi tàu não nùng tiễn đưa đã gợi biết bao nhiêu niềm thương nỗi nhớ, và Biệt Ly ra đời năm 1939 chính là ca khúc đầu tiên viết về những buổi chia ly này. Cùng thời điểm đó, những thi sĩ nổi tiếng của thời tiền ᴄhιến như Tế Hanh, Nguyễn Bính cũng tỏ lòng thương cảm đối với sân ga và con tàu:

Sao nhà ga ấy sân ga ấy
Chỉ để cho lòng dấu biệt ly? (Nguyễn Bính)

Tôi thấy tôi thương những chiếc tàu
Ngàn đời không đủ sức đi mau (Tế Hanh)

Có lẽ ai cũng cảm thấy buồn khi nghe tiếng còi tàu rời sân ga, bởi vì nó báo hiệu giờ chia tay, bởi vì đoàn tàu khuất rồi nhưng tiếng còi tàu thì vẫn còn văng vẳng, như hình bóng người thân còn mãi trong tâm tưởng.

Chúng ta hãy cùng “phòng trà nghỉ chân nghe Thái Thanh ca biệt ly” như sau:


Click vào hình để nghe Thái Thanh ca Biệt Ly

Biệt ly nhớ nhung từ đây
Chiếc lá rơi theo heo may
Người về có hay…

Biệt ly, sóng trên dòng sông
Ôi còi tàu như xé đôi lòng
Và mây trôi nước trôi
Ngày tháng trôi cùng lướt trôi

Có cuộc ly biệt nào mà không buồn, không để lại đong đầy niềm nhớ. Nhưng đoạn đầu của bài hát không trực tiếp nhắc về nỗi buồn, chỉ mượn cảnh để tả nỗi lòng: Chiếc lá rơi theo heo may… Đó là những lời hát để nói thay nỗi lòng của người bước chân lên tàu ra đi, ngoái về trông theo và tự hỏi: “Người về có hay…?” Người về có hay biết rằng nỗi lòng của người ra đi cũng buồn khác gì người ở lại, rơi giữa lưng chừng như chiếc lá lạc lõng trong một buổi heo may.

Nếu có thứ âm thanh nào mang nhiều nỗi thống thiết nhất, như là một thứ báo hiệu giờ chia tay đã điểm ở trên sân ga, thì đó chính là tiếng còi tàu. Nhạc sĩ Doãn Mẫn đã ví rằng nó như có thể xé đôi được cõi lòng, cũng giống như Tế Hanh đã từng mô tả nó như là tiếng “rúc nghe rền rĩ”:

Lâu lâu còi rúc nghe rền rĩ
Lòng của người đi réo kẻ về…

Nhất là những buổi chiều mùa Ðông đất trời u ám, cái tiếng nặng nề, thê thiết của còi tàu đó, chỉ nghe thôi người ta đã đủ sợ chia ly, đừng nói là phải làm chia ly thực sự. Biệt ly đã chia cách đôi người đến những nẻo đường không ai có thể biết trước, như là sóng trên dòng sông, như là mây nước lướt trôi theo dòng thời gian miên viễn.

Đôi tình nhân chỉ gặp nhau trong khoảng thời gian ngắn ngủi chỉ được tính bằng phút, rồi người về u buồn, người đi nhớ thương, không ai biết khi nào mới được tái ngộ. Bởi vì ở thời điểm 80 năm trước, chia tay như vậy là ngàn xa biền biệt:

Mấy phút bên nhau rồi thôi
Đến nay bóng em mờ khuất
Người về u buồn khắp trời
Người ra đi với ngàn nhớ thương

Mấy phút bên em rồi thôi
Dáng em sống trong hồn tôi
Xa cách ta còn tìm đâu ngày vui

“Người ra đi” với ngàn nhớ thương, trái tim sẽ cùng nhịp đập buồn thương với “người về”, đó là nỗi u buồn như là bao trùm cả thế gian. Đôi người chỉ gần nhau được mấy phút trước khi đoàn tàu chầm chậm lăn bánh rời thành phố, người cố ngoảnh mặt lại để nhìn về hình dáng người yêu đứng giữa sân ga buồn, trông thật nhỏ bé và lẻ loi. Cho đến khi bóng người hoàn toàn mờ khuất như tan vào hư vô, người trên tàu mới thở dài tự nhủ: “xa cách, ta còn tìm đâu ngày vui”?

Nhạc sĩ Phạm Duy từng nói rằng cả một dòng nhạc tiền ᴄhιến đã thoát thai từ Đường Thi. Trong đó, chúng ta thấy nỗi buồn rất đẹp và rất thơ, và ca từ của nhạc được ảnh hưởng từ thơ Đường. Biệt Ly là 1 trong những ca khúc đầu tiên của dòng nhạc tiền ᴄhιến, và mang đầy đủ phẩm chất của nhạc tiền ᴄhιến đó:

Biệt ly ước bao đường tơ
Réo rắt trong muôn hương mơ
Thành sầu tiễn đưa

Biệt ly ước mong hoàng hôn
Êm đềm về ru ấm tâm hồn
Người yêu đương cách xa
Đành sống vui cùng gió sương.

Xin mời các bạn nghe lại 1 số phiên bản khác của Biệt Ly thu âm trước 1975:


Click để nghe giọng hát Anh Ngọc


Click để nghe giọng hát Thanh Thúy


Click để nghe giọng hát Lệ Thu


Click để nghe giọng hát Khánh Ly


Click để nghe giọng hát Tiny Yong (Thiên Hương)

Bài: Đông Kha
Bản quyền bài viết của nhacxua.vn

Exit mobile version