Cái đòn gánh, hình ảnh quen thuộc của người cần lao

Từ thuở xưa, cái đòn gánh luôn gắn liền với hình ảnh những bà cô, bà dì quang gánh cần lao. Hình ảnh đó đã đi vào văn thơ và nhạc hoạ và quen thuộc với người Việt Nam từ nông thôn cho đến thành thị. Những người Sài Gòn xưa và nay hẳn không thể quên được các cô bán tàu hủ, gánh chè, gánh hàng hoa trên đường phố, hoặc các cô thôn nữ gánh lúa trên đường về, là hình ảnh rất đẹp đã đi vào nhạc Phạm Duy, Văn Cao trong các ca khúc Gánh Lúa, Ngày Mùa, Vợ Chồng Quê…

Bóng người thấp thoáng cuối đường thanh vắng.
Bước đều mà quang gánh nặng vai… (Gánh Lúa – Phạm Duy)

Ở bài này, nhacxua.vn xin giới thiệu 1 số bài viết về hình ảnh thân thương của quang gánh:

***

Đã từ rất lâu rồi chiếc quang gánh đã trở thành một vật dụng rất thân quen của người dân Việt Nam. Chiếc quang gánh đã đồng hành, hỗ trợ cho những người dân lao động trong những công việc hàng ngày từ gánh lúa gạo, gánh nước đến gánh con đi làm. Nó giúp người nông dân vận chuyển hàng hóa một cách gọn gàng và thuận tiện nhất.

Không ai rõ chiếc quang gánh có mặt tại Việt Nam từ khi nào. Nhưng chắc chắn nó chính là một sản phẩm gắn liền và được sáng tạo nên từ văn hóa của vùng đất có nhiều cây tre. Chiếc quang gánh gồm chiếc đòn gánh và một đôi quang đặt ở hai đầu của chiếc đòn gánh. Chiếc đòn gánh được làm bằng tre còn đôi quang có thể làm bằng nhiều chất liệu như: mây, tre, dây thép… hoặc bện bằng thừng.

Để làm ra những chiếc đòn gánh tưởng chừng rất đơn giản nhưng thực chất là một công việc rất mất thời gian và trải qua rất nhiều công đoạn khác nhau. Những thanh tre để làm nên chiếc đòn gánh phải là những gốc tre già và thẳng. Tre được chọn sẽ được ngâm dưới nước trong vòng hai tháng sau đó đem đi phơi khô và được hun khói để tăng thêm độ chắc chắn. Mỗi gốc tre sẽ được chẻ thành hai mảnh rồi đẽo, uốn cho thật thẳng tạo thành đòn gánh.

Nhìn chiếc quang gánh ai cũng nghĩ có thể dễ dàng sử dụng nhưng thực tế người sử dụng cũng phải mất thời gian học và cách làm quen mới có thể gánh được. Từ những bước đi thật uyển chuyển cho đến cách đặt đòn gánh trên vai thật chuẩn xác. Vai người gánh phải được đặt chính giữa chiếc đòn gánh, hai bên chiếc quang phải được chia đều trọng lượng sao cho thật cân bằng thì người gánh mới dễ di chuyển.

Đến nay, khi du khách tới Việt Nam, vẫn có thể dễ dàng bắt gặp những chiếc quang gánh cùng bà con lao động trên các con phố, hàng quán vỉa hè cho đến những ruộng đồng nơi thôn quê tạo thành một bức tranh nhuốm màu xưa cũ mang đậm nét đặc trưng của người Việt Nam. Chiếc quang gánh đã là một đề tài để những người làm nghệ thuật khai thác. Những nhà nhiếp ảnh, họa sĩ đã rất thành công khi sử dụng hình ảnh chiếc quang gánh để giới thiệu về đất nước Việt Nam cần cù trong lao động.

***

Không biết tự bao giờ cái đòn gánh đã trở thành vật thân thiết trong mỗi gia đình người Việt. Riêng đối với tôi, đó còn là một vật thiêng liêng bởi thời cơ cực, má tôi đã dãi dầu với đôi quang gánh hàng chục năm trời mưu sinh nuôi sống anh chị em tôi.

Vì thế mà đi đến đâu tôi cũng thích ngắm nhìn cây đòn gánh, không hiểu sao tôi yêu quý nó lạ thường! Khi đến thăm Bảo tàng văn hóa Khmer Nam phần ở Trà Vinh, tôi bồi hồi đứng ngắm nhìn mãi một dãy đòn gánh treo trên vách: Những chiếc đòn gánh xa xưa đã trở thành huyền thoại của cư dân vùng đất mới. Nó thanh thoát như một cánh cung, được chạm trổ tinh vi ở hai đầu – mỗi chiếc là một tác phẩm nghệ thuật thật tuyệt vời. Tôi tưởng tượng người xưa đã yêu quý nó như người nghệ sĩ yêu quý cây đàn, càng ngắm nhìn, tôi càng hiểu được lòng trân quý của người cư dân nông nghiệp Nam phần với công cụ lao động của mình trong những ngày đầu lập cư ở vùng đất mới!

Điều đặc biệt thú vị với chiếc đòn gánh này là nó có một đầu nhọn như đòn xóc. Ngoài việc làm thêm nhiệm vụ đòn xóc, khi dừng lại nghỉ ngơi người ta cắm đầu nhọn xuống đất để tránh dính bùn vào thân đòn gánh và khi cần có thể làm chiếc giá treo quần áo một cách tiện lợi.

Buổi tối ở Trà Vinh, nghe tiếng rao “chí mà phủ” (chè mè đen), tôi bước ra trước hiên nhà: người chủ gánh hàng rong dừng lại bên lề đường, đặt gánh chè xuống và dựng chiếc đòn gánh bên vách cửa. Tôi cúi nhìn thật kỹ: chiếc đòn gánh to bản, thẳng và vuông vức ở hai đầu – chiếc đòn gánh của cư dân người Hoa: thực dụng, chắc chắn.

Tôi bỗng nhớ đến bài hát Cái đòn gánh của người “các chú”, cái đòn gánh mang trên mình nó cả một nền văn hóa của một dân tộc giỏi về thương mại. Thời ấu thơ tôi thường nghe cha tôi hát theo điệu Ngũ điểm (một bản vắn của âm nhạc cung đình). Tôi xin ghi lại cả lời và nhạc:

Bên Tàu nị ở bên Tàu.
Bên Tàu nị mới sang qua.
Sang Nam Việt bán buôn làm giàu.

Hồi trước nị có cái đòn gánh.
Hồi trước nị buôn bán chè khô.
Chè khô bán mì tô.
Lô lố lô lô vực nị đem về Tàu.

Hồi đó những người Hoa đến buôn bán ở miền Trung được gọi là người “các chú” do người dân Quảng đọc trại từ hai tiếng “khách trú”, chỉ người từ nơi khác đến.

Sau này, trong những năm rong ruổi khắp miệt vườn Nam bộ, tôi rất ít nghe đến từ các chú, mà chỉ bắt gặp những từ “hia”, từ “chế” hết sức gần gũi, thân thương. Và tôi hiểu rằng chính tôi cũng là người khách trú.

Từ chiếc đòn gánh lúa, gánh nước của cư dân nông nghiệp đến gánh hàng rong của người khách trú, gánh xiếc, gánh hát đã ra đời cùng với sự hình thành chữ quốc ngữ và nền nhạc mới dựa trên ký âm pháp phương Tây. Và trong những khúc ca về những chuyện tình xót xa, lãng mạn chiếc đòn gánh lại trở thành một nốt đoạn trường:

Hương ơi!
Sao tiếng hát em, nghe vẫn dạt dào, nghe vẫn ngọt ngào.
Dù em ca những lời yêu đương
hay chuyện tình gãy gánh giữa đường… (Bài Hương ca vô tận – Trầm Tử Thiêng).

Và, trong những bản tình ca, có lẽ ít người nặng lòng như nhạc sĩ Phạm Duy. Chỉ vài nốt nhạc đơn sơ, ông đã vẽ bản đồ Tổ quốc: “Hỡi anh! Gánh gạo trên đường. Chàng ơi! Gạo Nam gạo Bắc. Đòn miền Trung gánh đừng để rơi. Chàng! Chàng ơi! Gánh đừng để rơi…”.

Tôi ao ước đến một ngày hè, rời bục giảng, trở lại quê nhà, sà vào cây đòn gánh, gánh nước tưới vườn rau, như tuổi thơ tôi sà vào lòng mẹ..

Có những cuộc đời gắn liền với chiếc đòn gánh cả trong giấc ngủ, và phải chăng vì làm ăn lương thiện, lòng thanh thản mà khi dừng lại nghỉ bên đường, chiếc đòn gánh đã trở thành một chiếc gối mềm!

Ở quê tôi người dân quê không bao giờ dùng đòn gánh để đánh người khác, vì đây là vật mưu sinh, tạo nên sự sống, chứ không phải là vũ khí để hại người. Và, khi chiếc đòn gánh gãy, tháp lại vẫn không dùng được nữa thì người ta sẽ đốt đi hoặc gác lên trần nhà chứ không chụm củi hay bỏ một nơi nào đó thiếu trang nghiêm.

Có một điều thật thú vị với chiếc đòn gánh mà các nhà y học ít quan tâm: đó là khi ta gánh lúa, hay gánh nước tưới cây, chiếc đòn gánh sẽ thường xuyên tác động vào các huyệt đạo Kiên ngoại du, Kiên ngung và Kiên tĩnh trên vai… và tôi lại nghĩ đến má tôi: luôn trầm tĩnh, nhẫn nhịn, hiền hòa, ăn gì cũng biết ngon, nằm đâu cũng ngủ được… Bởi đời má bao giờ cũng có cây đòn gánh kĩu kịt trên vai.

Nguồn: Lê Đình Bích

***

Những người phụ nữ quê tôi không ai không biết đến chiếc đòn gánh vì ai cũng đã từng hơn một lần gánh nó trên vai.

Quê tôi miền Trung nghèo lắm. Từ những bé gái mới lớn lam lũ giúp mẹ thổi cơm gánh nước, đôi vai nhỏ như oằn xuống với một cánh tay bấu vào thân đòn nặng trĩu còn tay kia dùng lấy thăng bằng gánh hai thùng nước sóng sánh – đến những bà mẹ già lập cập gánh những bó rau, bụi cải hay con gà con vịt thong dong ra chợ bán.

Rồi những đứa em, người chị, hầu như cứ rảnh việc, buông tay ra là động đến chiếc đòn gánh. Gánh lúa, gánh phân, gánh mạ non, gánh nước… Toàn bộ công việc nặng nhọc đặt trên vai người phụ nữ. Đàn ông quê tôi lại ít thấy gánh gồng gì. Dĩ nhiên là họ làm những việc khác có khi còn nhọc nhằn hơn nhưng ít khi động đến chiếc đòn gánh…

Tôi nhớ như in lúc tôi còn là thằng bé sáu, bảy tuổi, chiều chiều ra đứng trên đầu cầu sông Kênh đón mẹ đi chợ về. Rướn người trên thành cầu sắt thật cao, tôi đưa mắt hướng về phía chợ. Hễ cứ thấy từ xa ai đó đang quang gánh bước đi là lòng tôi lại thấp thỏm mừng vì nghĩ đó là mẹ mình. Cái dáng tất bật, lam lũ của những người đàn bà quê tôi hầu như ai cũng giống nhau. Cho nên, tôi thường nhìn lầm. Tôi đợi từ xa và dõi mắt nhìn chằm chằm vào dáng đi vất vả cũng với hai cánh tay, một nắm trên thân đòn và một lấy thăng bằng, buông lỏng theo từng bước chân như chạy. Không lẫn vào đâu được, đúng là bước chân của mẹ tôi. Bước chân mẹ lạ lắm, có gì đó như lo toan, vội vã, nhẫn nhục, nhọc nhằn trong mỗi nhịp đi hối hả. Nhưng khi bóng người đàn bà kẽo kịt gánh gồng đến gần, thì lại không phải. Niềm vui biến mất, gương mặt buồn xo, tôi lại ngồi xuống thành cầu đợi mẹ tôi.

Cuối cùng thì mẹ cũng xuất hiện! Từ xa, nhận ra mẹ, tôi đã ba chân bốn cẳng chạy ùa tới mừng rỡ. Tôi chẳng quan tâm gì đến mồ hôi mồ kê trên gương mặt mẹ chảy ròng ròng vì mệt, vì nắng rát mà điều quan trọng nhất là nhìn vào hai cái mẹt đong đưa hai bên đòn gánh dưới cái quang bằng dây thép uốn tròn. Quà của tôi nằm ở đó! Khi thì là chiếc bánh mì, vài viên kẹo dẻo, một lóng mía ghim, có khi là mấy thứ đồ chơi rẻ tiền bằng nhựa… Thích nhất là được mẹ mua cho bánh bò ông ba tàu ngoài cổng chợ. Tôi mê bánh bò ông thì ít mà thích con gái ông thì nhiều! Chẳng là con ông học cùng lớp với tôi. Nó học giỏi nhì lớp, còn tôi hạng nhất. Bọn trẻ con thường cắp đôi tôi với con Lẻm, tên nó. Không biết nó nghĩ gì không chứ riêng tôi thì thích! Mà cũng lạ, không ai như tôi, mới học đến lớp hai, lớp ba mà đã biết mắc cỡ khi gặp nó… Nhưng đó là chuyện hồi con nít…

Không cần đợi mẹ đồng ý, tôi đã lục mẹt lấy quà của mình vì biết mẹ chỉ mua cho tôi. Nhà có mấy chị em, ba mất sớm mà tôi là con trai duy nhất nên mẹ thương tôi hơn cả. Trăm lần như một, chiều nào mẹ đi chợ về, sau khi bán hết mớ rau cải, bầu bí trồng ở vườn nhà, thế nào mẹ cũng dành tiền ki cóp mua cho tôi ít quà. Tôi cầm gói bánh bò tung tăng chạy trước, mẹ gánh cặp mẹt đi sau. Không nhìn vào mắt mẹ nhưng biết chắc mẹ đang cười nhìn tôi hạnh phúc. Đôi gánh nhẹ hẫng trên vai mẹ và thỉnh thoảng mẹ còn nói vói theo nhắc yêu tôi: Ranh con, chạy vừa vừa chứ, té ngã bây giờ!

Tôi thật không biết chiếc đòn gánh do ai nghĩ ra và xuất hiện đầu tiên vào lúc nào nhưng quả thật, đó là một dụng cụ tuyệt vời để di chuyển vật nặng từ nơi nầy đến nơi khác bằng sức người ở quê tôi… Nó được làm bằng cây tre già ngâm nước càng lâu càng tốt, để tre dẻo, chắc và khỏi mục. Tôi đã thơ thẩn hàng giờ nhìn người ta đục đẽo chiếc đòn gánh. Thật cũng lắm công phu! Sau khi chỉ lấy đoạn gốc tre già ngâm nước chừng vài tháng, người ta làm hai chiếc máng ở hai thân đòn. Hai cái máng nầy phải giống nhau như một, giữa khắc một cái rãnh sâu dùng để móc quang vào cho khỏi lệch. Cái máng nầy cũng lắm chuyện. Gặp tay thợ đẽo giỏi, nó là hình tròn, hình ô van có khi còn được tạc vào dấu thập hoặc chữ vạn mà tôi không biết để làm gì. Có lẽ lấy hên mua may bán đắt khi gánh trên vai chiếc đòn gánh ấy chăng, hay chỉ là khắc lên cho đẹp… Chưa hết, còn phải gọt đẽo thân đòn cho thật thẳng, đoạn ở giữa mỏng hơn hai bên đầu làm đòn đong đưa cho nhẹ sức hơn khi gánh nặng… Khoảng hơn tiếng đồng hồ đẽo gọt thì chiếc đòn gánh ra đời. Nó có thể dùng hết đời nầy đến đời khác trong một gia đình quê tôi vì hiếm khi bị gãy. Đến khi nước bóng ở thân đòn nổi lên màu đen mun thì không biết chiếc đòn đã thấm biết bao nhiêu mồ hôi từ trên đôi vai những người đàn bà tần tảo.

Nhưng chiếc đòn gánh của mẹ tôi không chỉ có thế. Nó còn là một trời kỳ diệu. Nó mang đến tuổi thơ tôi những niềm vui háo hức tràn trề, cả những giấc mơ đẹp đẽ nhất trên đời. Còn gì sung sướng hơn khi được đặt ngồi vào một đầu quang, đầu bên kia là trái bầu trái bí mẹ gánh suốt dọc đường ra chợ. Tôi cứ ngồi im như thế trên suốt con đường làng, hấp háy đôi mắt hãnh diện nhìn quanh xem có đứa bạn học nào để mà vểnh mặt lên, tự hào được ngồi gánh mẹ. Tôi cũng không buồn khi thấy chỉ mấy con trâu, con bò dọc đường làng chào tôi kêu nghé ọ và những đứa trẻ chăn trâu nhìn theo cười chế giễu. Tôi biết chúng nó ganh tỵ vì không được ngồi gánh như tôi. Và vì tôi nặng hơn mấy trái bầu bí ở gánh bên kia nên mẹ phải đưa vai chệch về phía tôi để giữ thăng bằng. Mệt lắm nhưng mẹ vui. Tôi biết được điều ấy trên đôi mắt long lanh, hài lòng bừng lên trên mặt mẹ.

Đến gần chợ là tôi dứt khoát bảo mẹ cho xuống, có năn nỉ mấy cũng không chịu ngồi thêm. Tôi sợ con Lẻm, con ông ba tàu bán bánh bò đầu cổng chợ nhìn thấy. Vì sao sợ nó cười, tôi không biết nhưng rõ là tôi thích được nhìn nó xuất hiện với hai chiếc nơ xinh xắn, chạy lò cò trước cổng, mắt tròn xoe nhìn tôi và gật đầu chào. Tôi làm như ngó lơ, chạy lúp xúp theo mẹ, mắt liếc thật nhanh vào con Lẻm còn tay thì cứ cầm dây quang phía sau chiếc đòn gánh mà nhắc để khỏi mắc cỡ: Đi nhanh lên mẹ, con đói bụng lắm rồi!

Tuổi thơ tôi và chiếc đòn gánh mẹ như không hề rời nhau. Cũng có những hôm không bán được hàng, mẹ quảy gánh về mà không có quà cho tôi. Tôi cứ cầm lấy đòn gánh mẹ mà khóc tấm tức, dỗ mấy cũng không nín. Tôi nghĩ mẹ không thương tôi hoặc là quà của tôi mẹ đã cho ai mất rồi. Tôi chẳng nhìn lên mắt mẹ để thấy mẹ buồn như thế nào vì không tiền mua quà cho đứa con cưng. Có hôm mẹ tủi thân cứ nhìn tôi, ôm tôi mà khóc.

Nhưng cũng có lúc, chiếc đòn gánh với tôi là cả một cơn ác mộng! Tôi nhớ có lần đi hái trộm xoài non của bác Hai Trầu cạnh nhà. Bác Hai qua méc mẹ và chuyện đã xảy ra… Tôi mới bước chân về đến cửa, mẹ tìm hoài không thấy roi nên sẵn cây đòn gánh, mẹ phát vào mông tôi mấy cái. Dĩ nhiên là mẹ phát nhẹ thôi vì chiếc đòn gánh thì to bảng mà mông tôi thì nhỏ. Nhưng mà đau thấu trời xanh. Ghê thật là cái vị đòn làm bằng cây tre già ngâm nước! Nó thấm vào thấu bên trong, đau và nhức buốt hơn mọi loại roi nào khác. Tôi chỉ còn cách quỳ xuống đất nức nở mà xin lỗi mẹ vì đau và sợ ăn đòn tiếp.

Tối đó, mẹ vừa khóc vừa bôi dầu nhị thiên đường vào mông tôi đã nổi lên mấy vết hằn đỏ. Mẹ dằn vặt mình vì đã giận đánh con. Tôi làm bộ quay mặt vào tường không nhìn mẹ. Tôi giận, mẹ hỏi gì cũng không nói và thiếp đi lúc nào không hay. Khi thức dậy vẫn còn thấy mẹ ngồi chằm chằm nhìn tôi, nghẹn ngào: Mẹ đánh con bậy quá. Nhưng ai bảo con hư…

Lúc ấy, với đôi mắt nhạt nhoè, tôi chỉ muốn ôm mẹ mà khóc. Vì hờn, tủi thân hay còn giận mẹ, tôi không biết. Nhưng tôi biết chắc một điều là mẹ yêu thương tôi vô bờ bến!

Chiếc đòn gánh của mẹ, với tôi còn là những kỷ niệm không thể nào quên! Khi tôi đã lớn, nhà nghèo, mẹ hàng ngày trĩu nặng nó trên vai. Khi thì gánh phân, gánh gạo đi bán, khi thì gánh nước, gánh hàng tảo tần nuôi tôi ăn học. Những năm tháng còn là sinh viên, mỗi dịp nghỉ hè về quê, tôi lại ra cầu sông Kênh đón mẹ đi chợ về. Nhưng mẹ giờ đã yếu lắm! Mẹ không còn gánh nặng được nhưng phải cố, vì tôi. Hình hài mẹ nhỏ quắt lại, đôi vai như muốn run lên theo bước chân, môi mắm chặt mỗi lần mẹ cố sức. Duy đôi mắt mẹ thì không hề thay đổi! Đôi mắt vẫn ánh lên niềm hạnh phúc và tự hào nhìn đứa con trai phổng phao, chững chạc sắp trưởng thành. Tôi đứng lặng trên cầu, rơm rớm nhìn vào thân thể và đôi vai gầy guộc của mẹ oằn xuống dưới mỗi bước đi… Tôi muốn lao vào ôm mẹ mình nhưng đã không làm như vậy. Cho mãi đến tận bây giờ, tôi vẫn ân hận trách mình vì điều ấy.

Ngày ấy, mẹ vẫn thường nói vui: Chính nhờ chiếc đòn gánh của mẹ nuôi con ăn học đấy! Mẹ mong khi mẹ không còn đụng đến nó nữa thì con đã trưởng thành. Còn giờ thì vì con, mẹ đâu, nó đó…

Bây giờ tôi đã thành đạt. Sự nghiệp, công danh đến muộn nhưng cuối cùng cũng đến. Mẹ mừng hơn ai hết. Con Lẻm ông ba tàu bán bánh bò ngoài cổng chợ giờ là vợ sắp cưới của tôi. Ngày tôi lấy vợ, từ dưới quê mẹ lên thăm. Xuống bến xe đón mẹ, tôi thật ngỡ ngàng khi mẹ cứ hí hoáy tìm một vật gì để dưới gầm xe. Tìm mãi, sau cùng mẹ mới lôi được ra cây đòn gánh! Thì ra thói quen, mẹ mua cau trầu mừng đám cưới tôi và cứ nghĩ sẽ đến nhà tôi với đòn gánh trên vai và cặp quang sắt rỉ! Tôi buồn cười và hơi bực bội về sự lẩm cẩm của mẹ. Ai đời lên đến thành phố rồi mà còn đem theo nào quang nào gánh, dáng đi cứ tất bật, lo âu như ngày nào. Ngoài việc mướn xe chở cau trầu, tôi còn phải kêu thêm một chiếc xích lô chở riêng cặp quang và chiếc đòn gánh theo về vì không biết để đâu. Bảy mươi tuổi, có khi mẹ lẩn thẩn rồi cũng nên. Tôi nhủ thầm như vậy.

Mừng đám cưới tôi có mấy ngày, mẹ đòi về nằng nặc. Nhà không ai trông nom, vườn tược, gà heo không ai chăm sóc, mẹ bảo thế! Hầu như đêm nào ở nhà tôi mẹ cũng thức trắng, trằn trọc không ngủ. Mẹ lo những việc không đâu, nào ai biết được. Thỉnh thoảng mẹ lại ngồi dậy, húng hắng ho. Tôi làm sao dỗ giấc ngủ, lo lắng đòi mẹ uống thuốc nhưng mẹ bảo không sao. Me lo chuyện rau mọc nhiều không ai cắt bán, lo gà vịt không ai cho ăn, lo nước trong lu không ai gồng gánh … Đúng mẹ lẩm cẩm thật rồi!

Tôi và con Lẻm mời mẹ ở lại luôn trên thành phố với vợ chồng tôi nhưng mẹ nhất định không chịu. Mẹ ở không quen chốn đông đúc, ồn ào hơn nữa còn phải chăm mộ bà nội, ba con dưới quê, ở lâu làm sao được, mẹ nói cái lý của mẹ. Cái lý của các bà mẹ thì lúc nào cũng thuyết phục được bất kỳ ai trên đời chứ chẳng phải riêng tôi.

Ngày mẹ ra bến xe về quê ngoài quà mừng của vợ chồng tôi gửi bà con lối xóm vẫn là chiếc đòn gánh đã lên nước theo cùng. Nhìn dáng mẹ tất bật, hối hả, lòng tôi trào dâng niềm thương vô bờ bến nhưng biết làm sao giữ mẹ. Đến lúc nầy, mẹ mới móm mém cười, chắc là muốn chúng tôi đừng buồn khi chia tay:

– Đó, con thấy không? Nhờ đem theo đòn gánh mà khi về, mẹ mới mang hết mấy thứ quà con gửi cho lối xóm. Không có nó, mình mẹ bê sao nổi!

Tôi nhận ra mẹ mình có lý. Một đời mẹ tảo tần đắm đuối vì con với chiếc đòn gánh cùng theo mẹ đi suốt bao năm trời gian khổ mãi cho đến khi con đã trưởng thành vẫn còn mãi lo âu.

Rồi mẹ tôi qua đời! Tuổi già và những căn bệnh triền miên không cho mẹ ở lại cùng tôi mãi. Cuộc chia ly đớn đau cuối cùng rồi cũng đến! Trong nỗi đau mất mẹ, tôi chỉ còn biết lặng người, xót tím tâm can.

Lúc nhập quan, khi người ta đưa hình hài nhỏ bé, khô quắt của mẹ vào quan tài, ngoài những bộ đồ cũ nát mẹ vẫn thường mặc khi còn sống cùng những vật dụng thường dùng, tôi chợt nhớ đến chiếc đòn gánh đã đi theo suốt đời cùng mẹ. Nó vẫn nằm đó, trong góc nhà kia, vẫn ánh lên thứ nước màu đen tuyền với cái thân đòn hình như cong lên vì vất vả. Chợt nghĩ về những ngày ấu thơ gian khổ, chợt nghĩ về tình yêu bao la, thắm thiết của mẹ, tôi trào dâng nước mắt.

Tôi nhớ đến lời mẹ tôi khi còn sống: mẹ đâu thì nó đó – chiếc đòn gánh ấy! Và cố thuyết phục mọi người xin đưa cây đòn theo cùng mẹ sang thế giới bên kia. Ai cũng cản tôi nhưng cuối cùng thì họ xiêu lòng. Vậy là trong quan tài mẹ tôi lại có thêm chiếc đòn gánh đã từng một thời bôn ba cùng mẹ.

Khi mọi người ra về sau lễ tang, còn một mình ngồi bên mộ mẹ, tôi đã khóc như chưa bao giờ được khóc như thế. Rồi cũng sẽ qua hết mọi khổ đau, hạnh phúc, mọi cao sang, quyền quý kể cả những vụn vặt thấp hèn trên đời nầy nhưng tôi biết, hình ảnh mẹ tôi và chiếc đòn gánh nhọc nhằn ngày xưa sẽ theo mãi tôi đến suốt quãng đời còn lại…

Nguồn: Nguyễn Minh Phúc

***

Văn minh cái đòn gánh

Trong thơ thì có: “Gánh gạo đưa chồng tiếng khóc nỉ non” (Ca dao), trong nhạc thì có “Gánh, gánh, gánh… Gánh lúa về…” (Gánh Lúa – Phạm Duy và Lê Yên). Về địa lý, người ta ví đồng bằng sông Nhị và đồng bằng sông Cửu Long như hai thúng gạo, miền Trung là cái đòn gánh. Phạm Duy viết: “Gạo Nam, gạo Bắc, đòn miền Trung, gánh đừng để rơi.”

Vì đòn gánh làm bằng tre, rất uyển chuyển làm cho người gánh bớt đau vai và thấy nhẹ, nên người Tây dịch chữ đòn gánh là fléau, lấy từ nghĩa của động từ flechir là bẻ cong, còng, làm xiêu, làm dịu, oằn, giảm bớt, hạ xuống. Sở dĩ người Tây phải dịch là vì xứ họ cũng như Tây phương, Mỹ, Nga không có đòn gánh.

Như mọi người biết, cây tre rất đa dụng. Trước hết, tre làm hàng rào, bảo vệ từng nhà, từng làng. Giặc cướp, quân xâm lăng khó vượt qua được những lũy tre làng để tiến vào làng nên nhiều nhà sử học cho rằng, cây tre, lũy tre đã góp phần vào việc giúp người Việt Nam giữ vững nền độc lập. Đó là nói về chiều sâu, chiều xa. Gần gủi và cụ thể thì tre giúp người Việt Nam làm nhà như cột kèo, phên vách, cửa nẽo, kết tranh; làm dụng cụ như thúng, mũng, trẹt, nong… và đòn gánh, đòn xóc.

Người không chuyên thì chỉ gánh được một vai, thường là vai phải. Có người gánh được cả hai vai, nhất là những người phải gánh đường xa. Lúa gánh từ đồng về nhà có khi cũng xa lắm. Gạo gánh từ nhà ra chợ bán cũng xa lắm. Nhứt là mấy bà gánh cá như tôi nói ở trên thì lại quá xa. Vì vậy, khi gánh một vai bên nầy lâu quá, mỏi thì người ta đổi qua vai kia. Trên đường dài, người gánh phải đổi vai nhiều lần như vậy.

Trong cuốn Brother Enemy của Nayan Chanda, ông ta khen người Việt Nam sáng trí, đã đổi vai cho cầu Long Biên khi cầu nầy bị máy bay Mỹ bắn hỏng một bên vài. Có nghĩa là xe hơi từ Hải Phòng lên, khi qua cây cầu nầy, thay vì chạy bên phải thì xe hơi lái qua bên trái. Phía phải yếu không chịu sức nặng của xe được.

Người ta phải tập mới gánh được. Mấy cô gái quê, 15, 17 tuổi là phải tập gánh. Không biết gánh, công việc đồng áng tất phải trở ngại. Ban đầu, người ta gánh vài ba chục ký. Sau đó, khi gánh quen, bớt đau vai thì trọng lượng gánh được tăng lên. Đàn ông lực lưỡng, nếu quen, có thể gánh tới 150kg.

Những gia đình ở gần sông, phần đông các cô các bà đều biết gánh nước. Tắm giặt có thể ở sông, nhưng phải gánh nước về nhà để nấu ăn. Ngày xưa, người ta gánh nước trong cái thùng gỗ, thùng tre trét nhựa đường cho khỏi chảy. Sau nầy, khi có dầu hôi thì người ta thường dùng thùng dầu hôi để gánh nước. Thùng dầu hôi hiệu Con Gà (Có hình con gà bên hông) hay Con Sò (Có hình con sò bên hông) dung tích 20 lít, nặng 20Kg. Hai thùng hai đầu là 40kg. Gánh 40kg đi lên dốc bờ sông, nhiều khi đường trơn trợt, cũng là một khổ nạn.

Tuy nhiên, nước sông khi trong khi đục, khi dơ khi sạch, nhứt là khi có nước lũ thì nước đục ngầu, không nấu ăn được. Để có nước nấu ăn, ở thôn quê, người ta thường đào giếng. Làng có những cái giếng chung, xây bằng gạch hay đá. Giếng rộng và sâu, đủ nước cho nhiều gia đình. Giếng thường đào bên cạnh gốc đa để có bóng mát cho mấy bà mấy cô ngồi giặt giũ hay chuyện trò. Giếng làng là nơi tập trung cho mấy cô thông minh; thông minh nên “nhiều chuyện”. Đi gánh nước cũng là dịp mấy cô gặp nhau để “nhiều chuyện”, chuyện nầy chuyện kia, chuyện mấy cô mấy cậu, chuyện ông nọ bà kia. Có khi mấy bà mẹ bực con mình gọi mỉa là “chuyện ông huyện to d…”

Người gánh nước giếng phải mang theo cái gàu; gàu mo hay gàu sắt, gàu tre. Trong “Xóm giếng Ngày Xưa” Tô Hoài tả cảnh kéo nước “Cái gáo mo kêu lạt sạt bên thành giếng, tiếng những người con gái kéo nước khúc khích giỡn nhau”. Đó là cảnh thanh bình của đất nước. Hơn nửa thế kỷ nay, mất dần đi vì chiến tranh.

Trước 1945, Pháp “cai trị và bóc lột dân ta rất tàn tệ” nhưng thành phố nào cũng có nhà máy nước cho dân chúng dùng. Nhà nào giàu có thì bắt ống vô tận nhà, còn không thì có “phông-ten” (fontaine) công cộng, tức là chỗ lấy nước chung, cứ mang thùng ra đó xách nước sạch, lọc kỹ đem về nhà dùng. Các ngã ba, ngã tư đầu xóm thường có “phông ten”. Các cô gái đi ở đợ cho nhà chủ, thường đem đòn gánh và thùng ra quây nước ở đây (Gọi là quây vì phong ten có tay quay cho nước chảy ra). Người ta thường gọi các cô ở đợ ra gánh nước ở phông ten là “Ma-ri phông ten”. Mấy cô nầy, có khi cũng lắm chuyện, chuyện nhà chủ, chuyện ông bà chủ, chuyện thầy cô và cũng lắm khi giành bồ của nhau, và cũng lập phe lấy đòn gánh đánh nhau sứt đầu chảy máu, phú lít (police) phải can thiệp.

Dĩ nhiên, cái đòn gánh cũng đi vào chiến tranh. Một người cháu thua tôi khoảng 5 tuổi – nhà thơ Quốc Lân – kể lại rằng anh khó quên cảnh chạy giặc năm 1945. Năm ấy, gia đình anh từ Huế chạy về làng quê, cách Huế khoảng 20km. Bà dì của anh, còn trẻ, để anh ngồi trong một cái thúng, đầu gióng bên kia là nồi niêu song chão và áo quần. Anh ta được ngồi thúng suốt trên quảng đường 20km như vậy cũng mỏi lắm. Chuyện nầy cũng làm tôi nhớ chuyện bà chị tôi. Năm 1947, chị khoảng 15 tuổi, bị bệnh, cũng được ông anh tôi gánh chạy tản cư như vậy.

Bạn đọc có biết cái đòn gánh tạo ra cái áo nối vai hay không?

Người Huế, nói chung là người miền Trung, không như người Nam, mỗi khi ra đường đều mặc áo dài. Mặc áo dài mà đòn gánh đằn vai thì chỗ đòn gánh đặt lên vai áo mau sờn, mau rách. Chỗ vai áo thì đã sờn mà cái áo còn tốt nên người ta cắt miếng vải nối vai. Cái áo trở thành áo nối vai, có khi đồng màu, có khi không. Tôi từng thấy những cái áo dài đen hay nâu nối vai vải trắng. Cái áo nối vai chứng tỏ cho người ta thấy nỗi khó khăn, gian khổ, vất vả của người đàn bà Việt Nam. Nói tới “Áo Dài Việt Nam” mà quên cái áo nối vai là một thiếu sót lớn!

Cách đây ít lâu, đọc cuốn “Hiền Lương Chí Lược” của một ông chú họ, nói về quê nội tôi, tôi thấy ông chú dùng chữ “Đòn gánh đằn vai” để mô tả sự đảm đang của người đàn bà quê nội tôi. Nó cũng có nghĩa như buôn tảo bán tần vậy. Hễ buôn bán thì “đòn gánh đằn vai”. Mấy tiếng ấy, lâu ngày đã quên, nay có người nhắc lại, tôi thấy xúc động lắm. Quả thật, người đàn bà Việt Nam gian khổ, vất vả biết bao nhiêu.

Người ta nói cây tre là biểu tuợng văn hóa nông thôn Việt Nam. Do đó, tôi mới đặt đề bài là “Văn hóa cái đòn gánh” vì đòn gánh từ cây tre mà ra.

Đó là nói về mặt tốt, tích cực. Nó không có mặt tiêu cực hay sao?

Có chứ!

Khi “văn hóa cái đòn gánh” trở thành tiêu cực thì cái đòn gánh thành đòn xóc, như tôi có mô tả cái đòn xóc ở trên. Đòn xóc nhọn hai đầu nên nó xóc đầu nào cũng được. Những người nói bên nầy cũng được, nói bên kia cũng xuôi thì người ta chê là kẻ “Đòn xóc nhọn hai đầu!”

Nguồn: Tuệ Chương – Hoàng Long Hải

nhacxua.vn biên soạn, tổng hợp

Exit mobile version