Ca từ trong nhạc xưa: “Trốn phong ba, em làm dâu nhà người”

Nhạc sĩ Lam Phương lập gia đình với nữ kịch sĩ xinh đẹp Túy Hồng từ năm 1959 khi ông mới 22 tuổi. Khi đó Lam Phương đã là một nhạc sĩ nổi tiếng với các bài hát Kiếp Nghèo, Chuyến Đò Vỹ Tuyến, Bức Tâm Thư… Tuy nhiên nhiều năm sau đó, Lam Phương vẫn trải qua nhiều mối tình thoáng qua với các nữ sĩ nổi tiếng của miền Nam, để rồi từ đó trở thành nguồn cảm hứng để sáng tác nhiều bài hát bất hủ: Chờ Người, Tình Bơ Vơ, Biển Tình, Phút Cuối, Thành Phố Buồn…

Bài hát Thành Phố Buồn được Lam Phương sáng tác khoảng đầu thập niên 1970 khi ông đang trải qua mối tình với ca sĩ Hạnh Dung. Cô ca sĩ này không nổi tiếng vì chỉ hát trong Biệt Đoàn Văn Nghệ Trung Ương, hát cho lính nghe. Khi quen biết Hạnh Dung, Lam Phương sáng tác bài Bọt Biển để ghi dấu kỷ niệm hai người hẹn hò bên bờ đại dương, và bài Giọt Lệ Sầu, Lam Phương viết khi thấy tình yêu bế tắc. Bế tắc có nghĩa là sẽ chẳng đi đến đâu, cho nên ngay từ buổi đầu gặp gỡ, Lam Phương đã không giấu được niềm lo âu qua các tác phẩm anh viết tặng Hạnh Dung:

“Thôi là hết em đi đường em
Tình duyên mình có bấy nhiêu thôi…” (Tình Nghĩa Đôi Ta Chỉ Thế Thôi)

Hoặc:

“Lạy trời con được bình yên
Tình yêu đó giết con trong ưu phiền

Ôi! Mấy đêm nay, tôi cố quên người
Lại càng yêu thêm!” (Lạy Trời Con Được Bình Yên)

Một lần, Lam Phương theo Biệt Đoàn ra công tác ngoài Côn Đảo, trình diễn cho các đơn vị quân đội ngoài ấy. Đêm cuối cùng mọi người gặp nhau họp mặt liên hoan để tiễn chân các cô ca sĩ sáng mai về Sài gòn trước. Lam Phương tạm biệt Hạnh Dung vì anh phải tạm nán lại Côn Đảo vài hôm nữa. Ông viết bài Phút Cuối rất cảm động:

“Chỉ còn gần em một giây phút thôi
Một giây nữa thôi là xa nhau rồi
Người theo cánh chim về vui với đời
Để lòng thương nhớ cho kiếp đơn côi!”

Đáng nói nhất là một lần Lam Phương đi công tác trên Đà Lạt. Ông đi một mình không có Hạnh Dung, rồi ray rứt nhớ người yêu bởi Hạnh Dung và ông đã từng hẹn hò nhiều lần tại thành phố sương mù này. Ngồi trong căn nhà trọ lưng chừng đồi nhìn xuống khu phố đìu hiu ngày chủ nhật, ông tha thiết nhớ Hạnh Dung và viết ngay bài Thành Phố Buồn:

“Thành phố buồn nhớ không em
Nơi chúng mình tìm chút êm đềm

Quỳ bên em trong góc giáo đường
Tiếng kinh cầu dệt mộng yêu đương
Chúa thương tình, sẽ cho mình, mãi mãi gần nhau”.

Trong bài hát này, có câu hát nhạc sĩ Lam Phương viết:

Rồi từ đó TRỐN phong ba, em làm dâu nhà người. 

Tuy nhiên, hầu hết các ca sĩ Việt Nam đều hát ‘CHỐN phong ba em làm dâu nhà người’. Cách hát như vậy đã làm thay đổi nội dung bài hát. Gần đây ca sĩ Phương Dung trả lời phỏng vấn và chỉ đích danh ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng hát sai chữ này, sau đó ca sĩ Đàm cũng phản hồi và cảm ơn Phương Dung đã chỉ ra lỗi sai này.

Tuy nhiên, vẫn có nhiều thính giả không đồng ý và cho rằng lời đúng của bài hát phải là “chốn phong ba”. Để làm rõ hơn về câu chữ này, chúng ra có thể lật lại tờ nhạc gốc do chính tác giả phát hành trước năm 1975, và thấy tờ nhạc ghi rõ là “TRỐN phong ba”. Xem hình bên dưới:

Chúng ta hãy làm rõ ý nghĩa khác biệt giữa 2 câu hát: “trốn phong ba”“chốn phong ba” như sau:

1. Rồi từ đó Trốn phong ba, em làm dâu nhà người. 

Ý nghĩa: Cuộc tình giữa hai người yêu nhau tha thiết nhưng gặp phải phong ba bão táp. Phong ba ở đây cụ thể là người con trai (tác giả Lam Phương) đã có gia đình. Biết cuộc tình này sẽ không thành, người con gái tìm cách TRỐN khỏi phong ba cuộc tình, để về làm dâu nhà người khác.

2. Rồi từ đó Chốn phong ba, em làm dâu nhà người. 

Ý nghĩa: Ở nơi chốn phong ba, người con gái về nhà chồng làm dâu người khác.

Hai ý nghĩa này thoạt nhìn thì đều hợp lý. Tuy nhiên chúng ta nên tôn trọng tác giả, khi mà tờ nhạc gốc ghi ý của tác giả là TRỐN phong ba.

Nghe lại lời nhạc Chế Linh hát trước 1975, người nghe có cảm giác là Chế Linh hát “CHỐN phong ba”. Tuy nhiên trong lần gặp mặt gần đây, người viết có dịp hỏi trực tiếp ca sĩ Chế Linh và được ông xác nhận là ông hát chữ TRỐN, nhưng ngôn ngữ miền Nam nghe gần với chữ CHỐN. Có lẽ từ đó mà các ca sĩ trẻ sau này hát nhầm theo?

Trước 1975, bài Thành Phố Buồn còn có bản thu âm của ca sĩ Thanh Tuyền, và cô phát âm rõ ràng chữ “Trốn phong ba”.

Nhạc sĩ Lam Phương là một nhạc sĩ đa cảm, dễ rung động trước cái đẹp. Vì vậy mà ông đã yêu rất nhiều người phụ nữ, để rồi từ những cuộc tình không đoạn kết đó đã trở thành nguồn cảm hứng dạt dào để ông sáng tác những tác phẩm để đời. Đó là các mối tình với ca sĩ Thúy Nga, Bạch Yến, Minh Hiếu…

Khán giả yêu nhạc có lẽ phải cảm ơn những chuyện tình buồn đó của nhạc sĩ Lam Phương. Có thể những cuộc tình ngoài luồng đó của Lam Phương chỉ là thoáng qua chứ không sâu đậm. Ông mô tả các mối tình đó trong âm nhạc với quá nhiều cảm xúc, làm cho khán giả nghĩ là nó rất sâu sắc và bi lụy. Nhưng thực ra đó chỉ là tính ước lệ trong nghệ thuật.

Tuy nhiên có thể chính những cuộc tình thoáng qua đó cũng là lý do mà người vợ của Lam Phương – nữ kịch sĩ Túy Hồng – ôm mối sầu hận trong lòng, để rồi sau năm 1975, Túy Hồng đã bỏ Lam Phương để theo tình mới, để lại ông lênh đênh với những nỗi buồn tủi khôn nguôi cho đến tận bây giờ.

Đông Kha

 

Exit mobile version