Trang Mỹ Dung – một trong những nữ ca sĩ trước 75 được công chúng yêu mến – lần đầu chia sẻ chuyện đời, chuyện nghề và bình thản nhìn lại những biến cố lớn nhất trong đời
Ca sĩ Trang Mỹ Dung tên thật là Trương Thị Mỹ Dung, sinh năm 1951 tại Phan Thiết. Tên tuổi cô gắn liền với ca khúc Hai Mùa Mưa. Cô được mệnh danh là giọng ca “Giọt buồn trong mưa” bởi thể hiện thành công hàng loạt bài nhạc vàng viết về mưa.
Tham gia trong một chương trình truyền hình sắp phát sóng, Trang Mỹ Dung có dịp hồi tưởng lại quãng thời gian đầu bước chân vào con đường âm nhạc. Đầu năm 1967, cô tham gia cuộc thi “Tuyển lựa ca sĩ” với bài hát “Nửa Đêm Ngoài Phố” của nhạc sĩ Trúc Phương. Thời điểm đó, bài hát Nửa Đêm Ngoài Phố đang rất nổi tiếng với giọng hát Thanh Thuý, nên khán giả đã gọi Trang Mỹ Dung là “Thanh Thuý mới”.
Cũng trong lần thi này, Trang Mỹ Dung may mắn được gặp nhạc sĩ Anh Bằng, ông khen giọng ca của cô và khuyến khích trở thành ca sĩ, nhận cô vào học trong lớp nhạc Lê Minh Bằng.
Trang Mỹ Dung vẫn nhớ mãi ngày 9/8/1967, ngày đầu tiên cô được thu băng ca khúc Hai Mùa Mưa của nhạc sĩ Anh Bằng. Âm điệu trữ tình hòa với lời bài hát mang đầy tính tự sự, êm dịu và nỗi buồn man mác, cộng với giọng hát lạ của Trang Mỹ Dung, nhạc phẩm nhanh chóng được khán giả đón nhận. Bản thu âm đầu tiên góp phần thay đổi cuộc đời Trang Mỹ Dung khi cô được nhiều hãng đĩa khác mời cộng tác và có mặt trong các đoàn văn nghệ đi lưu diễn từ miền Nam ra miền Trung, có khi sang Lào. Sau đó, dù trình bày rất nhiều nhạc phẩm với nhiều chủ đề khác nhau, của nhiều nhạc sĩ tài danh, nhưng khán giả vẫn luôn nhắc đến Trang Mỹ Dung với Hai Mùa Mưa.
Nghe bản thu âm Hai Mùa Mưa trước năm 1975 của Trang Mỹ Dung với phần hoà âm của nhạc sĩ Y Vân
Trang Mỹ Dung tiết lộ, nhạc sĩ Anh Bằng thân thiết với cả nhà của cô. Ông còn lấy tên 3 người em của cô ghép lại thành “Hoa Linh Bảo”, làm bút danh cho các sáng tác của ông, trong đó có ca khúc nổi tiếng Đổi Thay.
Bồi hồi nhớ lại kỷ niệm ngày đầu đi hát, Trang Mỹ Dung tiết lộ những đại nhạc hội thời ấy khán giả mến mộ, cổ vũ nhiệt tình mỗi khi cô lên sân khấu, hay khi đi hát tỉnh, dù xa xôi nhưng họ đều mua vé đến xem. Kỷ niệm hài hước mà Trang Mỹ Dung nhớ mãi là một lần đi hát, ông bầu Duy Ngọc bước ra giới thiệu “giọng hát liêu trai” Trang Mỹ Dung. Khán giả sau khi nghe cô hát đã đùa và nói chệch thành “giọng ca lai trai” vì chất giọng đặc biệt khàn trầm của cô.
Bên cạnh chất giọng, Trang Mỹ Dung cho biết, tính của cô rất trầm, hiền lành nên thường được các nhạc sĩ chọn cho các ca khúc buồn, không phải nhạc sôi động. Trang Mỹ Dung cũng tiết lộ, những ca khúc trữ tình đã giúp cô nuôi được cả gia đình, phụ cha mẹ nuôi những đứa em ăn học thành người.
Trước thắc mắc rằng, liệu có phải thường hát các ca khúc buồn nên vô tình bị vận vào cuộc đời và cuối cùng chọn cuộc sống độc thân hay không, Trang Mỹ Dung phủ nhận. Nữ ca sĩ khẳng định, tất cả là do duyên, cô không phải độc thân trọn đời vì trước đó đã có gia đình nhưng lại không có “duyên con cái”. Hai người chia tay nhau, một thời gian sau đó chồng cũ qua đời và cô sống một mình cho đến nay.
Nhắc lại, cuộc đời đi hát đầy biến cố, Trang Mỹ Dung cho biết, cô từng có thời gian bị chấn thương đến mức phải tạm dừng ca hát một thời gian:
“Năm 1973, trong chuyến đi lưu diễn miền Trung, xe của tôi bị lật khiến xương hàm bể, người đầy thương tích. Tôi phải cột hàm không thể ăn uống và tạm dừng ca hát một thời gian. Một lần khác khi đang quay hình, tôi bước xuống từ sân khấu và bị hụt chân té, bị nứt xương phải nằm viện nhiều tháng. Sau năm 1975, tôi nghĩ bản thân chẳng thể nào đi hát nhưng sau đó tìm cách trở lại sân khấu và chọn những ca khúc thích hợp với bản thân để hát”.
Tuy nhiên, theo Trang Mỹ Dung, biến cố lớn nhất cuộc đời cô là việc ra đi mãi mãi của người mẹ thân yêu: “Năm 1997 thì mẹ tôi mất, đó là một biến cố quan trọng nhất trong cuộc đời tôi”.
Theo Lam Anh (motthegioi.vn)