Cuộc đời và sự nghiệp ca sĩ Thanh Mai – Búp bê khả ái của làng nhạc Sài Gòn trước 1975

Khán giả của làng nhạc Sài Gòn trước 1975 đến nay có lẽ vẫn còn nhớ đến ca sĩ Thanh Mai với một vóc dáng nhỏ nhắn, khuôn mặt bầu bĩnh dễ thương và giọng hát tươi vui trong những ca khúc nhạc trẻ vào đầu những năm 1970. Đã có một thời đôi song ca Quốc Dũng – Thanh Mai làm khuấy động các sân khấu Sài Gòn và rất được khán giả trẻ yêu mến.


Click để nghe Thanh Mai – Thanh Lan song ca Búp Bê Không Tình Yêu

Thanh Mai được khán giả gọi biệt danh là “búp bê Thanh Mai”, vì rất được yêu thích với ca khúc nhạc ngoại lời Việt của Vũ Xuân Hùng tên là Búp Bê Không Tình Yêu, song ca cùng với Thanh Lan trong băng Tình Ca Nhạc Trẻ 1 mà bạn có thể nghe lại ở bên trên. Ngoài ra, nếu hình lại những hình Thanh Mai vào tuổi 18, đôi mươi sau đây, có thể thấy cô có gương mặt bầu bĩnh xinh xắn như là búp bê.

Ca sĩ Thanh Mai tên thật là Nguyễn Thị Ngọc Mai, sinh năm 1955. Cô bắt đầu con đường ca hát khi mới 10 tuổi trong ban nhạc thiếu nhi của Xuân Phát.

Đến năm 14 tuổi, lần đầu tiên cô được biểu diễn đón ca trên Đài truyền hình với ca khúc Bức Họa Đồng Quê của nhạc sĩ Văn Phụng. Một thời gian ngắn sau đó, cô được có mặt trong các chương trình của ban văn nghệ Phòng 5 Cảnh sát dã ᴄhến. Tuy không nhận thù lao nhưng bù lại cô được trau dồi kỹ thuật, được tập dợt, và biểu diễn trên sân khấu nên để có thêm kinh nghiệm trong những ngày đầu chập chững bước vào con đường ca hát chuyên nghiệp.


Click để nghe Thanh Mai hát Cơn Gió Thoảng trước 1975

Năm 17 tuổi, Thanh Mai bắt đầu đi hát phòng trà, đầu tiên là các phòng trà nhỏ như Chiều Tím, sau đó là phòng trà Chi Lăng của nhạc sĩ Nguyễn Hữu Thiết, và nhà hàng Hồng Hoa. Thời gian đó nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 là trưởng ban nhạc ở nhà hàng Hồng Hoa, nhận thấy tiềm năng của cô ca sĩ nhỏ tuổi này, ông quyết định nhận làm học trò. Thanh Mai kể lại rằng trước thời điểm đó, cô đã hát ở phòng trà Nam Đô và gây được ấn tượng với một vũ công tại đây là bà Ngọc Hân – chính là vợ của nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9, và bà Ngọc Hân đã kể trước với chồng về cảm tình đối với cô ca sĩ xinh xắn này. Vì vậy khi đến phòng trà Hồng Hoa và hát ca khúc Giã Từ Đêm Mưa, Thanh Mai đã dễ dàng gây ấn tượng với nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9.

Thanh Mai và thầy là nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9

Sau khi nhận làm học trò, nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 tận tình hướng dẫn Thanh Mai về nhạc lý, và kết hợp cô với một ca – nhạc sĩ trẻ ăn khách thời đó là Quốc Dũng.

Thời điểm đó Quốc Dũng đã rất nổi tiếng, đặc biệt là với ca khúc “Mai” giành giải thưởng Kim Khánh năm 1973. Thanh Mai cũng cho biết nhạc sĩ Quốc Dũng đã viết ca khúc nổi tiếng với lời hát: “Mai, anh đã quen một ngày…” này từ trước khi quen biết cô, nhưng sau này rất nhiều người nhầm tưởng nhân vật Mai trong bài hát này là Thanh Mai.

Khi Thanh Mai – Quốc Dũng thử giọng thấy thích hợp, nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 liền đưa cặp song ca lên trình bày ca khúc Ai Đưa Em Về trên Đài truyền hình. Sau đó đôi song ca rất được yêu thích với Tóc Mai Sợi Vắn Sợi Dài của nhạc sĩ Phạm Duy.

Đây là thời điểm Thanh Mai vẫn chưa hát nhạc trẻ mà tiếp tục gắn bó với dòng nhạc trữ tình cô đã theo đuổi từ khi mới vào nghề. Trong một lần gặp Tùng Giang, nhạc sĩ này đã khuyên Thanh Mai nên thử hát nhạc trẻ, thích hợp với sự tươi vui, trẻ trung của cô cả về ngoại hình lẫn giọng hát. Bài nhạc trẻ đầu tiên Thanh Mai hát là Cuộc Tình Xưa trong băng nhạc trẻ Tùng Giang 2.


Click để nghe Thanh Mai hát Cuộc Tình Xưa trong băng Tùng Giang 2

Sau đó Quốc Dũng đã đề nghị cả 2 hát những bài nhạc trẻ tự sáng tác, từ đó những ca khúc ông viết riêng cho đôi song ca Thanh Mai – Quốc Dũng ra đời, như là Bên Nhau Ngày Vui, Quê Hương Và Mộng Ước. Thanh Mai cũng rất thành công với những bài hát khác của Quốc Dũng viết riêng cho cô, như Cơn Gió Thoảng, Anh Về Giữa Mùa Xuân…


Click để nghe Thanh Mai & Quốc Dũng hát Quê Hương Và Mộng Ước

Không chỉ nổi tiếng trong âm nhạc, với gương mặt xinh xắn, Thanh Mai còn ghi được dấu ấn với lĩnh vực điện ảnh.

Trong một lần đi xem đá banh tại sân Cộng hòa, Thanh Mai tình cờ gặp nhạc sĩ Lam Phương và được ông mời tham gia vào bộ phim Gác Chuông Nhà Thờ do Túy Hồng (vợ của nhạc sĩ Lam Phương) sản xuất. Sau khi thử vai thành công trong cuốn phim đầu tiên này, đạo diễn Lê Hoàng Hoa đã tiếp tục mời Thanh Mai tham gia phim Bẫy Ngầm được trình chiếu vào năm 1972. Trong phim này Thanh Mai vào vai con gái của nhân vật do tài tử Lê Quỳnh đóng. Nhờ vai diễn này, cô vinh dự được nhận giải nữ diễn viên phụ xuất sắc nhất, đây là giải thưởng về văn học nghệ thuật do đích thân tổng thống trao tặng.

Thời gian sau, Thanh Mai lại được tham gia một cuốn phim hài kinh điển và nổi tiếng của Sài Gòn là Năm Vua Hề Về Làng vào năm 1974, công chiếu vào tháng 2 năm 1975. Phim này có những diễn viên nổi tiếng nhất Sài Gòn khi đó là La Thoại Tân, Thẩm Thúy Hằng, Thanh Nga, Thành Được, Tùng Lâm…

Khi sự nghiệp của Thanh Mai đang thênh thang rộng mở thì buộc phải chấm dứt sau năm 1975. Thời điểm này cô lấy chồng là một người mang 2 dòng máu Việt-Ấn đã có quốc tịch Pháp trước đó. Năm 1977, gia đình Thanh Mai chuyển sang Pháp. Tại Âu Châu, thị trường âm nhạc không sôi động bằng ở Mỹ, và trong nhiều lần được mời lưu diễn ở Mỹ, Thanh Mai yêu thích cuộc sống tại đây với những sinh hoạt văn nghệ rất sôi động.

Hè năm 1984, Thanh Mai sang Cali hát ở phòng trà Tự Do 1 tháng, sau đó cô quyết định cùng gia đình sang Mỹ sinh sống.

Được nhiều cộng đồng Việt Nam tại đây đón chào nồng nhiệt, Thanh Mai tiếp tục sinh sống bằng nghề ca hát. Cuốn Tình Ca Nhạc Trẻ có tiếng hát Thanh Mai cùng với Jo Marcel, Tùng Giang, Duy Quang, Elvis Phương đã bán rất chạy, nên cô tiếp tục tự phát hành cuốn số 2,3,4 và các cuốn nhạc New Wave.

Công việc của một nghệ sĩ thường phải đi lưu diễn nhiều nơi, các ngày lễ không bao giờ có mặt ở nhà để vui cùng gia đình, Thanh Mai tâm sự rằng nhiều lúc cô thấy tủi thân. Trong một lần đi show hát ở một khách sạn tại Houston nhân dịp năm mới, vào khoảnh khắc giao thừa, nhìn quan khách khui champagne và chuyện trò vui vẻ với nhau, những người ca sĩ ngồi nhìn nhau và chạnh lòng nhớ về gia đình. Ca sĩ Thanh Mai nói rằng từ sau lần đó, cô nhận thấy rằng đời ca sĩ hát giúp vui cho mọi người, nhưng bản thân mình thì lại thấy tủi thân, nên từ đó cô suy nghĩ nhiều về ý định nghỉ hát. Năm 1988, chồng của cô mở nhà hàng mang tên Thanh Mai ở khu Litte Saigon, cô phụ chồng quản lý, đồng thời vẫn đi hát, nhưng sau đó quyết định giã từ nghiệp diễn để chuyên tâm quản lý nhà hàng, vì thấy rằng không thể làm tốt cùng lúc 2 việc.

Từ đó về sau, Thanh Mai chỉ thỉnh thoảng xuất hiện ở 1 vài sân khấu trong những dịp đặc biệt, trong đó có lần tái hợp cùng nhạc sĩ Quốc Dũng trên sân khấu Paris By Night năm 2005.

Giờ đây tuổi đã ngoài 60 nhưng ca sĩ Thanh Mai vẫn còn nét đẹp hồn nhiên của một thời Sài Gòn trước 1975.

Bài: Đông Kha
Bản quyền bài viết của nhacxua.vn

Exit mobile version