Ca sĩ Ngọc Hạ – Tiếng hát đượm tình quê hương

Ca sĩ Ngọc Hạ tên thật là Nguyễn Kim Tuyến, sở hữu giọng hát mezzo-soprano cao và thường biểu diễn các ca khúc mang âm hưởng dân ca và nhạc trữ tình, tiền chiến.

Ngọc Hạ sinh ngày 23 tháng 12 năm 1980 tại Hội An, là con út trong một gia đình gồm có 7 anh chị em. Năm 1986 Ngọc Hạ cùng gia đình vào định cư ở tỉnh Đồng Nai. Cô vào học ở Sài Gòn một thời gian sau đó và đạt nhiều giải thưởng về ca hát.

Ngọc Hạ qua Mỹ định cư vào tháng 3 năm 2000 thuộc diện bảo lãnh. Sau một năm ở San Francisco, cô về sống San Jose nơi có nhiều người Việt sinh sống và tiện cho việc đi làm hay tham gia các hoạt động nghệ thuật.

Thời gian đầu, gia đình của Ngọc Hạ không ủng hộ cô theo sự nghiệp âm nhạc. Tuy nhiên sau nhiều cuộc thi ca hát, mọi người dần chấp nhận và động viên cô theo nghề. Ngọc Hạ được học thanh nhạc từ rất sớm, vào những năm 15, 16 tuổi và sau đó quyết tâm theo hẳn nghề ca hát. Cô chọn tên Ngọc Hạ để ghi danh tham dự một cuộc thi hát. Lý giải cho tên này, Ngọc Hạ giải thích trước khi đi hát cô rất thích làm thơ, lấy bút danh là Thi Hạ, còn chữ Ngọc được lấy từ chữ lót của người bạn họ Lê – “đứa em bà con cô cậu” của cô.

Ngọc Hạ đã đại diện tỉnh Đồng Nai dự thi hát nhạc truyền thống vào năm 1995 và đoạt giải khuyến khích. Năm 1996, Ngọc Hạ được vào vòng chung kết giải “Tiếng Hát Truyền Thanh TP. Hồ Chí Minh”. Năm 1997, cô đoạt giải nhì “Tiếng Hát Truyền hình Đồng Nai” và giải nhất “Tiếng Hát Truyền hình Bình Dương” và được vào vòng chung kết giải “Tiếng Hát Truyền hình TP. Hồ Chí Minh”. Cũng trong năm 1997, Ngọc Hạ đoạt Huy Chương Bạc trong một cuộc thi dân ca do Nhà Văn Hóa Phụ Nữ Sài Gòn tổ chức với nhạc phẩm “Ru Con Bắc Bộ”.

Khi còn ở Việt Nam, cô còn đoạt giải 3 “Tiếng Hát Truyền hình Sài Gòn” và đã nhiều lần xuất hiện trên những chương trình truyền hình như “Nhạc Chủ Đề”, “Nhạc Truyền thống” và đặc biệt là chương trình “Nhịp Cầu Âm nhạc”, là một trong những chương trình được nhiều người theo dõi.

Sau khi đến Mỹ vài tháng, Ngọc Hạ đã gửi CD thu thanh vài nhạc phẩm do cô trình bày đến một số trung tâm nhạc, nhưng ban đầu không có trung tâm nào giúp cô đạt được ước mơ. Mùa hè năm 2001, Ngọc Hạ gặp Nguyễn Ngọc Ngạn trong dịp một chương trình do Trung tâm Thúy Nga tổ chức tại San Jose và xin địa chỉ, sau đó gửi một CD mẫu sang Toronto để nhờ ông giới thiệu với trung tâm Thúy Nga nhưng thư bị bưu điện trả về.

Sau vài lần khó khăn nữa, cô mới được Trung tâm Thúy Nga nhận ra tài năng và quyết định mời cộng tác vào năm 2002, từ chương trình Paris By Night 63 với ca khúc Mái Đình Làng Biển, một ca khúc dân gian đương đại, là sở trường của cô khi còn ở trong nước. Tuy nhiên thể loại này không được khán giả hải ngoại ưa chuộng. Các chương trình Paris By Night sau đó, Ngọc Hạ hát các ca khúc nhạc trữ tình, tiền chiến là Nhớ Nhau của nhạc sĩ Tuấn Khanh và Buồn Tàn Thu của nhạc sĩ Văn Cao.

Đến Paris By Night 66 trong cùng năm 2002, Ngọc Hạ đã thực sự gây được chú ý khi hát ca khúc Mùa Xuân Của Mẹ (Trịnh Lâm Ngân) với tiếng hát trong trẻo đầy cảm xúc. Ngọc Hạ cũng được yêu thích khi song ca rất ăn ý với Trần Thái Hòa và Quang Lê trong các chương trình sau đó.

Từ năm 2006, cô trở thành ca sĩ tự do. Ngoài Trung tâm Thúy Nga, cô còn cộng tác với Trung tâm Asia, Trung tâm Vân Sơn, Trung tâm Tình.

Ca sĩ Ngọc Hạ chinh phục được khán thính giả với tiếng hát trong trẻo và nghệ thuật diễn tả tình cảm qua những ca khúc do cô trình bày, cũng như “bằng giọng hát trau chuốt, những đoạn lên cao được vuốt thật ngọt”. Cô chọn lọc ca khúc kỹ càng, thường là những bản nhạc có thể chuyên chở tình cảm quê hương, con người với lời lẽ mượt mà, hoài niệm và tìm cho mình nét riêng trong việc hát lại những nhạc phẩm vang bóng một thời.

Ca sĩ Ngọc Hạ được đánh giá là có giọng hát không bị gò bó trong một thể loại cụ thể nào và “biến hóa trong tất cả các cung bậc biểu cảm”, lúc nhẹ nhàng sâu lắng trong các bài pop ballad, lúc tràn đầy năng lượng khi hát ở quãng rất rộng trong Dòng Sông Xanh (Le beau Danube blue, Lời Việt của Phạm Duy), và đầy kịch tính với Con Cò (Lưu Hà An) với phong cách rock mang chất liệu dân gian, “Trên Đỉnh Phù Vân” (Phó Đức Phương) với chất chầu văn hiện đại.

nhacxua.vn tổng hợp

Exit mobile version