Ca sĩ Kim Loan (Căn Nhà Ngoại Ô) lên tiếng về mối “oan tình” với tổng thống Nguyễn Văn Thiệu

Chuyện tình ca sĩ Kim Loan và tổng thống Nguyễn Văn Thiệu là một scandal rất nổi tiếng hồi thập niên 1960 trong làng nghệ thuật giải trí và cả chính trường Sài Gòn. Những người sống ở thời điểm đó, có lẽ không ai biết về tai tiếng này của ông tổng thống cũng như ca sĩ Kim Loan.

Nếu bạn là người yêu thích nhạc xưa, hãy theo dõi kênh YouTube này để nghe đọc các bài cảm nhận về âm nhạc (phân tích ý nghĩa, hoàn cảnh sáng tác, tiểu sử ca nhạc sĩ): LINK YOUTUBE  < Click

Ca sĩ Kim Loan được ông bầu là nhạc sĩ Nguyễn Đức nhận dạy từ lúc còn nhỏ khi mới vừa được 8-9 tuổi. Qua sự dẫn dắt này, Kim Loan đã trở thành một giọng ca đầy triển vọng. Năm 1966, khi mới 17 tuổi, Kim Loan đã ra mắt công chúng với bài hát “Căn Nhà Ngoại Ô” của nhạc sĩ Anh Bằng và ngay lập tức trở nên nổi tiếng.

Thời điểm đó Kim Loan còn rất trẻ nhưng nổi trội về nhan sắc, có khuôn mặt đẹp, nụ cười thật tươi, sóng mũi thanh tú, vầng trán băng sương, mái tóc buông dài và cài nơ thật đẹp. Vóc mình cô cao nhưng không thanh, bàn tay cô hơi thô, dáng đi cô không yêu kiều uyển chuyển. Nhưng cô ăn mặc đẹp, lộng lẫy mà không lố bịch.

Tiếng hát Kim Loan tuy nồng ấm nhưng vẫn còn hơi thô ráp. Cô hát rất chân phương nên không biết bào mỏng ở vài chỗ để tiếng hát được mịn màng. Mặc dù vậy, chất giọng đặc biệt cùng với gương mặt khả ái này vẫn nhận được sự ái mộ đặc biệt qua các bài hát Ngoại Ô Buồn, Gõ Cửa, Căn Nhà Ngoại Ô…

Thời hoàng kim của giọng ca Kim Loan là tính từ năm 1966 đến năm 1969, là thời điểm cô đột ngột sang Đức để du học. Từ đó đã xuất hiện không biết bao nhiêu lời bàn tán về sự việc này, nhiều người cho rằng Kim Loan phải “chạy trốn” vì liên quan đến bê bối tình ái với đương kim tổng thống.

Trong nhiều bài viết của các báo chí hiện nay có mô tả lại câu chuyện rất ly kỳ, có thể tóm tắt như sau:

Trong một lần hát phục vụ cho lính biệt động quân ở trại Đào Bá Phước, ca sĩ Kim Loan gặp ông Nguyễn Văn Thiệu đang đến dự buổi lễ của binh chủng. Vẻ đẹp kiềm diễm của cô ca sĩ chưa được 20 tuổi đã lọt vào mắt xanh của tổng thống. Sau đó Kim Loan đã trở thành “vợ bé” của ngài tổng thống một cách bí mật được khoảng gần một năm. Sự việc đến tai bà đệ nhất phu nhân, vì sợ ảnh hưởng đến địa vị chính trị của tổng thống nên đã có một cuộc dàn xếp êm thấm để Kim Loan sang Tây Đức ở.

Sự việc có liên quan đến nhiều người nên tin tức bị lộ ra ngoài, rồi những lời đồn thổi ác ý đã vây quanh sự việc này cho đến nhiều năm sau đó.

Sự nghiệp của người đẹp – ca sĩ Kim Loan coi như chấm dứt tại Việt Nam vào năm 1969. Cô định cư tại thành phố Cologne, Đức. Đúng một năm sau đó thì cô làm đám cưới với một Việt kiều.

Trong một buổi trả lời phỏng vấn trên tờ Tạp Chí VĂN HÓA Số 115, Tháng 8-9 năm 2006, Kim Loan đã nhắc đến những lời đồn đại xung quanh sự kiện chấn động công chúng này, và cho rằng đó là 1 “oan tình” mà cô phải mang trong mình bấy nhiêu năm, cô cũng phủ nhận tất cả mối liên hệ đối với ông tổng thống. Nguyên văn ở dưới đây:

– Thưa anh, Kim Loan ở Cologne.

– Thưa anh, ngày xưa, những ngày mới đến nước Đức, Loan học khoa Xã hội Sư phạm, Loan học chưa tốt nghiệp đã được Bộ Xã Hội của chính phủ Đức mời làm việc, Loan đã là nhân viên của Bộ Xã Hội Đức và nhiều cơ quan chính quyền Đức trong nhiều năm. Đồng thời Loan vừa đi làm vừa học thêm, nhờ học được mấy năm Khoa Cosmotology, Loan vào làm việc ở những mỹ viện, Loan đã mở Thẩm Mỹ Viện riêng của Loan từ 30 năm nay. Với Loan, việc đi qua Cali hay đi đâu để hát, là việc cần phải thu xếp chớ không dễ dàng.

– Thưa vâng. Nếu được khán giả chấp nhận, cho là còn hát được, còn nghe được thì Loan sẽ dành nhiều thì giờ hơn để ca hát phục vụ quí vị đồng hương.

– Kính thưa anh, kính thưa quý vị, Loan từ nhỏ sống trong gia đình, gia đình của Loan là một đại gia đình có ông ngoại, bà ngoại, dì, cậu… Ba Loan phải về ở rể trong nhà Mẹ của Loan. Thời trẻ, Loan đi đâu cũng đi cùng với mẹ, với dì, với cậu, không bao giờ Loan đi một mình.

Loan sống như thế cho đến ngày Loan ra ngoại quốc. Khi ông Lê Huy Linh Vũ và ông Đại tá Thọ mời Loan đóng phim, thì lần nào Loan đi đóng phim cũng có dì Tám của Loan đi theo. Loan thích hát từ nhỏ, là học trò của nhạc sĩ Nguyễn Đức từ lúc Loan mới 8-9 tuổi cho đến năm 17 tuổi rưỡi là năm Loan nổi tiếng. Kỷ niệm của Loan ở ngoài gia đình, ngoài đời rất ít.

– Thưa anh, năm ấy tự dưng có chuyện đồn, rồi người ta nói đến ông Tổng Thống, người ta nói rằng Loan vào hát trong Dinh Độc Lập… Thực sự tới bây giờ Loan chưa biết Dinh Độc Lập ra làm sao.

Còn cái chuyện đồn đại thì Loan nhớ là Loan sang Đức năm 1969, Loan lập gia đình ở Đức năm 1970, đến năm 1972 hay 1973, con trai của Loan bị bịnh, Loan cứ ra vào nhà thương lo cho con. Cùng lúc ấy, Loan được thư bà dì của Loan viết từ Việt Nam gửi sang, bà kể bà rất tức vì ở Sài Gòn người ta đồn bậy về đời tư của Loan.

Loan không cho là quan trọng, nhưng những người thân trong gia đình như Mẹ của Loan, những bà dì, bà thím của Loan thì tức lắm. Còn anh Minh chồng Loan thì anh nói chuyện đó không ảnh hưởng một tí nào đến hạnh phúc vợ chồng của Loan. Ngày 6/11/1969 Loan qua Đức, ngày 6/11/1970 ở Đức, Loan với anh Minh làm đám cưới. Ngày lấy chồng Loan 21 tuổi. Từ năm 1970 cho tới bây giờ đã hơn ba mươi năm.

– Như Loan nói trước đó, anh chưa hỏi Loan đã nói là tự dưng người ta bày ra cái chuyện kỳ cục ấy. Loan chắc rằng những người đặt chuyện đó có ý muốn làm mất uy tín của ông Thiệu lúc ông tranh cử độc diễn. Họ muốn ông ta mang tiếng lăng nhăng, bồ bịch với nữ ca sĩ. Những nữ ca sĩ ở Sài Gòn thì họ đâu dám ghép với ông ấy, họ lựa người đi ngoại quốc không cãi được thì họ gán tội. Nếu năm ấy Loan còn ở Sài Gòn, nghe chuyện ấy chắc Loan đã làm toáng lên rồi (cười). 

– Thưa không. Không. Loan đã nói với anh là Loan chưa một lần vào Dinh Độc Lập. 

– Thưa anh, ông Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu thì Loan không có gặp lần nào hết. Mà nói thiệt, nếu Loan gặp ông Thiệu, Loan sẽ hỏi:Thưa Tổng thống, tôi không gặp ông lần nào, tại sao lại có chuyện kỳ cục vậy?”

Bị oan, tức thì hỏi vậy thôi, Loan biết là ông Tổng thống cũng là nạn nhân của chuyện đồn với ác ý. Nhưng Loan nghĩ những người có trách nhiệm phải nói chuyện đó không có. Loan thấy bà Thiệu vô tình quá đỗi, là vợ của ông Tổng Thống, bà phải biết ông chồng bả có làm cái việc đó hay không! Đáng lý bà phải đính chánh cho ông chồng, phải giữ danh dự cho Loan, nhưng bà đã không làm việc đó. Vì thế Loan nói thiệt là Loan có sự thất vọng về bà Nguyễn Văn Thiệu.

Còn ông Nguyễn Cao Kỳ thì có một lần Loan gặp hai ông bà ăn phở ở Bolsa, Loan có lại chào Thiếu Tướng, ổng chào lại và nói chuyện qua loa rồi thôi. Với ông Nguyễn Cao Kỳ, Loan không có chuyện gì đáng nói cả.

Trong lần xuất hiện trên talkshow The Jimmy Show gần đây, ca sĩ Kim Loan có giải thích về việc bỏ sang Đức du học về thẩm mỹ khi đang ở đỉnh cao của sự nghiệp. Lúc đó cô mới 20 tuổi, cảm thấy không còn thích hợp với nghề ca hát với nhiều sự đua chen, cộng với việc gia đình không khuyến khích nên cô đã sang Đức từ năm 1969, nơi có người cậu ruột ở đó.

(nhacxua.vn tổng hợp và biên soạn)

Exit mobile version