Ca sĩ khoác áo mới cho nhạc xưa: Sự lựa chọn mạo hiểm

Các giọng ca trẻ, thậm chí các ngôi sao đã thành danh trong làng nhạc Việt chọn quay trở lại với dòng nhạc xưa để phát triển sự nghiệp âm nhạc dường như đang trở thành một xu hướng mới hiện nay. Phải chăng thị trường nhạc Việt đang thiếu những ca khúc hay, hay chỉ đơn giản là ca sĩ muốn chạy theo thị hiếu của khán giả yêu nhạc?

Nếu bạn là người yêu thích nhạc xưa, hãy theo dõi kênh YouTube này để nghe đọc các bài cảm nhận về âm nhạc (phân tích ý nghĩa, hoàn cảnh sáng tác, tiểu sử ca nhạc sĩ): LINK YOUTUBE  < Click

Nếu như trước đây, nhạc nhẹ và nhạc thị trường vốn là lựa chọn của nhiều ca sĩ trẻ nhằm đáp ứng theo thị hiếu của số đông khán giả yêu nhạc thì hiện nay việc lựa chọn dòng nhạc xưa dường như lại trở thành “mốt”.

Ca sĩ Đức Tuấn là một trong những nam ca sĩ hiếm hiện nay khi có lượng phát hành đĩa nhạc lớn, thể nghiệm nhiều dòng nhạc khác nhau. Năm 2019, Đức Tuấn đánh dấu sự đổi mới khi cho ra mắt album với 9 ca khúc của nhạc sĩ Trần Thiện Thanh. Với cách tiếp cận mới là sự pha trộn giữa pop truyền thống, soul và jazz… các tác phẩm của nhạc sĩ Trần Thiện Thanh qua giọng ca của Đức Tuấn trở nên lạ lẫm trên nền jazz.

Thị trường âm nhạc luôn chuyển động, các ca sĩ thị trường lựa chọn làm mới nhạc xưa cũng không ngoại lệ. Thủy Tiên là ca sĩ theo đuổi dòng nhạc ballad, những ca khúc dành cho tuổi teen. Tuy nhiên, chị đã không “đóng đinh” với dòng nhạc được coi là sở trường, lựa chọn album bolero với tựa đề “Đôi mắt người xưa”, Thủy Tiên tạo nên sự khác biệt. Sau 4 năm ấp ủ, Hồ Quỳnh Hương cũng chào sân với album “Hương xưa 1”. Trong chương trình The Master of Symphony, Hồng Nhung kết hợp Lệ Quyên trong ca khúc “Thành phố buồn” và Thu Phương hát “Con đường xưa em đi”… hay Đàm Vĩnh Hưng mang cả dàn nhạc giao hưởng lên sân khấu để hát bolero trong liveshow âm nhạc.

Có một điều bất ngờ có những ca sĩ ngoại đạo với thể loại nhạc xưa vẫn hát, thậm chí ra album nhạc vàng. Một Hà Trần khi kết hợp nhiều dòng nhạc như jazz, latin, semi, acoustic, classic… trong album “Tình ca qua thế kỷ”. Đặc biệt, nghệ sĩ Thái Bảo chuyên trị các ca khúc nhạc đỏ (nhạc cách mạng) đã phát hành đĩa CD nhạc xưa mang tên “Giấc mơ vô thường” với một loạt ca khúc nhạc xưa nổi tiếng như “Bài không tên số 2”, “Bài không tên cuối cùng” (Vũ Thành An), “Ướt mi” (Trịnh Công Sơn), “Cho người tình lỡ” (Hoàng Nguyên), “Thu sầu” (Lam Phương), “Sang ngang” (Đỗ Lễ), “Nửa hồn thương đau” (Phạm Đình Chương), “Niệm khúc cuối” (Ngô Thụy Miên), “Mùa đông của anh” (Trần Thiện Thanh)…

Với quan điểm làm mới dòng nhạc xưa, Thái Bảo chia sẻ: “Khi hát những ca khúc đã quen thuộc từ lâu, bạn phải tạo ra được một dấu ấn riêng đủ mạnh thì mới có thể chinh phục khán giả. Bạn hát giống những người đi trước thì bạn tự xóa mình. Bạn hát dở hơn những người đi trước, bạn cũng không có cơ hội được nhớ đến. Làm mới, ở một nghĩa nào đó là bắt buộc, là cần thiết, nếu không bạn ra sản phẩm chỉ tốn công sức. Tôi nghĩ rằng, làm mới thế nào cũng phải giữ cho được tinh thần gốc của ca khúc, không được làm sai lệch nó đi. Khi tôi hát những bản nhạc xưa, trước tiên tôi cần những bản phối mới và riêng giọng hát, trung thực với cảm xúc của mình”.

Ca sĩ trẻ Hà Lê đã lựa chọn nhạc Trịnh Công Sơn để thực hiện dự án Trịnh Contemporary (nhạc Trịnh đương đại) là một quyết định bất ngờ và táo bạo. Theo chia sẻ của Hà Lê, Trịnh Contemporary không chỉ dừng lại ở việc hát (cover) nhạc Trịnh, mà sẽ thêm vào đó các yếu tố đương đại để tạo sự mới mẻ. Hà Lê cho biết, anh muốn kết nối nhiều hình thức nghệ thuật khác để tìm tòi, thử nghiệm nhạc Trịnh Công Sơn như: âm nhạc, điện ảnh, nhạc kịch, vũ đạo, biểu diễn, nhiếp ảnh… Dự án bao gồm “Hạ trắng”, “Diễm xưa” và “Mưa hồng” – kết hợp với Bùi Lan Hương. Ngoài ra, sẽ thực hiện một album phòng thu Trịnh Contemporary, dự kiến được trình làng vào tháng 9-2019. Ngoài ra là phim ngắn, thậm chí nhạc kịch từ âm nhạc Trịnh Công Sơn.


Hà Lê hát Diễm Xưa

Tuy nhiên, một ca sĩ với xuất pháp điểm là một rapper, sở trường hihop như Hà Lê chuyển sang nhạc Trịnh đương đại khiến khán giả ngờ vực. Trong khi đó, lùm xùm từ vụ việc Bùi Lan Hương phá cách bài hát “Mưa hồng” đã gây phẫn nộ cho khán giả. Cụ thể, trong đường links đăng tải lên trang cá nhân, Bùi Lan Hương “khoe” việc làm mới ca khúc “Mưa hồng” của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn nhưng lại tự ý đổi lời ca khúc, cho rằng, đó là ca khúc phái sinh đã gây ra phản ứng trái chiều. Dư luận lên tiếng chỉ trích giọng ca từng đạt giải Nghệ sĩ mới của năm tại giải thưởng âm nhạc uy tín Cống hiến 2019. Một ca sĩ trẻ có năng lực chuyên môn khi tốt nghiệp Á khoa thính phòng, opera tại Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam, trở thành hiện tượng của chương trình Sing my song 2018 lại phá cách dòng nhạc của một nhạc sĩ tên tuổi, ghi dấu ấn với khán giả.

Giới chuyên môn nhận định rằng, sự thiếu hiểu biết và văn hóa ứng xử của ca sĩ trẻ hiện nay trở lên báo động. Không phủ nhận, việc thể hiện cái tôi cá nhân khẳng định được cá tính âm nhạc của ca sĩ. Song, âm nhạc là sự tổng hòa của nhiều yếu tố và người nghệ sĩ, khi đã nhập cuộc trong làng nhạc cần phải tuân thủ mọi luật chơi. Đặc biệt, với việc làm mới ca khúc, ca sĩ không chỉ chạy theo thị hiếu mà cần phải tôn trọng nhạc sĩ, tôn trọng chính ca khúc mình thể hiện. Sự tìm hiểu cặn kẽ về nguồn gốc, bối cảnh ca khúc do nhạc sĩ viết sẽ là tư liệu chắt lọc để ca sĩ truyền tải cảm xúc chân thật nhất với khán giả. Nếu không, ca sĩ trẻ tự đẩy mình “chệch đường ray” khỏi thị trường âm nhạc mà thôi.

Theo Mộc Miên (Pháp luật & Xã hội)

Exit mobile version