Ca sĩ Huy Sinh là một cái tên được khá nhiều người biết đến của làng nhạc vàng hải ngoại trong thập niên 1980. Nhiều khán giả vẫn còn nhớ đến Liên Khúc Chiều Mưa của Huy Sinh hát cùng Ngọc Lan và Lưu Hồng trong băng nhạc Asia hồi 30 năm trước.
Giọng hát Huy Sinh trầm ấm, thanh âm chuẩn mực không cầu kỳ, phong cách dung dị đã gây ấn tượng với khán giả hải ngoại, đặc biệt là khoảng thời gian nửa sau của thập niên 1980.
Tuy nhiên thời gian sau đó, tên tuổi của Huy Sinh không còn xuất hiện thường xuyên trong làng nhạc. Bài viết này sẽ phần nào giải thích lý do vì sao, cũng là điều đã làm cho khán giả yêu mến anh thắc mắc bấy lâu nay.
Liên Khúc Chiều Mưa (Huy Sinh, Ngọc Lan, Lưu Hồng)
Huy Sinh tên thật là Huỳnh Xinh, sinh năm 1960 ở Vĩnh Long, là áp út trong một gia đình có 8 người con. Năng khiếu ca hát của anh đã được thể hiện từ rất nhỏ nên đã được nhiều giải thưởng trong các cuộc thi hát của tỉnh khi mới hơn 10 tuổi và được mời hát cho những buổi tiệc lớn của những nhân vật cấp cao tại địa phương từ trước năm 1975. Cha qua đời từ khi mới được 7 tuổi, Huy Sinh được mẹ rất yêu thương và chiều chuộng nên thấy con yêu thích ca hát đã mời thầy đến tận nhà dạy nhạc lý và kỹ thuật, nhờ vậy nên anh có được chút ít căn bản về âm nhạc.
Năm 1977, Huy Sinh được 17 tuổi, có đoàn xiếc Ngọc Minh về diễn ở Vĩnh Long, trong đoàn có thành phần gồm nhiều ca sĩ nổi tiếng Sài Gòn từ trước 1975, như là Sơn Ca, Trang Thanh Lan, Thanh Hùng, và cả Nhật Trường. Nhưng khi đoàn đến nơi diễn, Nhật Trường có việc gấp phải quay về Sài Gòn nên đoàn thiếu một giọng ca nam. Qua sự giới thiệu của thầy dạy nhạc, giám đốc đoàn xiếc đã đến tận nhà Huy Sinh để xin phép gia đình cho gia nhập đoàn đi lưu diễn. Được chấp thuận, từ đó Huy Sinh theo đoàn đi trình diễn ở khắp các tỉnh miền Tây trong vài năm trước khi rời Việt Nam để sang Mỹ cùng một người chị vào năm 1980.
Thời gian này sinh hoạt ca nhạc tại thành phố San Jose vẫn còn rất ít, không có gì đáng nói. Chỉ có duy nhất một phòng trà mang tên “Café Du Monde” do một nhóm sinh viên đứng ra tổ chức, đã trở thành một nơi để những người Việt ly hương đến nghe nhạc giải khuây hầu vơi đi phần nào nỗi buồn xa xứ.
Huy Sinh khi đó mới ở tuổi 20, thỉnh thoảng được một người quen biết lớn tuổi hơn rủ đến Café Du Monde để nghe nhạc. Một lần Huy Sinh lên sân khấu hát tặng người bạn mình nhạc phẩm Tiếng Hát Học Trò, chủ phòng trà nhận thấy giọng hát có tiềm năng nên đã mời cộng tác thường trực. Thời đó làng nhạc hải ngoại còn sơ khai và rất hiếm có các nhân tố mới, nên có thể nói Huy Sinh là một trong những ca sĩ đầu tiên của thế hệ ca sĩ nổi lên ở hải ngoại, sau đó mới là Ngọc Lan, Kiều Nga, Tuấn Vũ…
Việc được mời đi hát phòng trà chuyên nghiệp cũng là một dịp may đối với một người đam mê ca hát từ nhỏ như Huy Sinh, giọng ca của anh bắt đầu gây được nhiều chú ý trong giới nghe nhạc phòng trà lẫn bầu sô, trong đó có nhạc sĩ Ngọc Chánh, người vừa mới khai trương vũ trường đầu tiên của mình trên đất Mỹ là Maxim’s, và muốn tìm những giọng hát hay để mời cộng tác.
Từ khi bắt đầu bước lên sân khấu Maxim’s, Huy Sinh chính thức bước vào con đường ca hát chuyên nghiệp và được nhạc sĩ Ngọc Chánh đặt cho nghệ danh là Huy Sinh. Cùng với nữ ca sĩ Kim Anh, Huy Sinh hát thường trực cho vũ trường Maxim’s và được khán giả yêu mến.
Mọi việc đang thuận lợi thì vũ trường Maxim’s bị cháy năm 1984, nhạc sĩ Ngọc Chánh quyết định chuyển về Orange County và thành lập vũ trường mới mang tên Ritz, trở thành nơi được xem là lò xuất thân của rất nhiều ca sĩ hải ngoại thành danh trong thời gian sau đó.
Huy Sinh cũng theo Ngọc Chánh xuống Orange County để cộng tác với Ritz, đồng thời được thu thanh trong một số băng cassette cũng do Ngọc Chánh thực hiện. Kể từ đó sự nghiệp của Huy Sinh tương đối thuận lợi và gặp được nhiều may mắn, anh được mời đi lưu diễn càng ngày nhiều tại các tiểu bang Mỹ cũng như những thành phố lớn tại Canada cùng với những nữ ca sĩ đình đám vào giữa thập niên 1980 là Jennie Mai, Ngọc Lan, Kiều Nga, Như Mai…
Cũng trong thời gian này, Huy Sinh là một trong số rất ít ca sĩ được xuất hiện trên video vào thời điểm những băng video đầu tiên được thực hiện ở hải ngoại.
Năm 1985, Huy Sinh lập gia đình với một đồng hương ở Vĩnh Long. Đó là cô gái tên Dung, trong một lần tình cở đến Ritz nghe nhạc, cô đã nhận ra Huy Sinh chính là người láng giềng khi còn ở Việt Nam lúc cả 2 còn rất nhỏ. Sau khi có vợ con, sự nghiệp Huy Sinh tiếp tục thăng tiến vượt bực, nhận lời cộng tác thêm với các phòng trà Diamond, Majestic, nhận đi show xa và thu băng rất nhiều với các trung tâm.
Tuy nhiên chính sự thăng tiến đó của sự nghiệp đã làm cho gia đình Huy Sinh trở nên lục đục, vì vợ tính hay ghen, trong khi chồng lại là người của công chúng, thường xuyên vắng nhà. Vài năm sau, vợ của Huy Sinh đề nghị chuyển về Houston sinh sống để được sống gần gia đình, thuận tiện chăm sóc con đang tuổi lớn. Dù biết rằng rời Cali thì sự nghiệp ca hát sẽ gặp nhiều bất lợi, nhưng vì thương vợ con, Huy Sinh vẫn chấp nhận.
Vào thời đó (năm 1990) tình hình sinh hoạt ca hát ở Houston khá lặng lẽ so với không khí văn nghệ rất sôi động ở miền Nam California. Đó là thời điểm đỉnh cao của làng nhạc hải ngoại với sự xuất hiện của nhiều nghệ sĩ mới, những chương trình ca nhạc được tổ chức thường xuyên, cùng với sự ra đời của rất nhiều trung tâm băng nhạc.
Về sống ở Houston, Huy Sinh hầu như không có hoạt động văn nghệ gì trong những năm đầu tiên vì còn lạ ở nơi mới. Chỉ có duy nhất một lần anh được mời về California thu âm trong băng nhạc Tình Khúc Chiều Mưa cho trung tâm Dạ Lan (tiền thân của trung tâm Asia) với một số ca sĩ nổi danh. Từ sau đó, những hoạt động âm nhạc của Huy Sinh có liên quan đến California xem như ngưng hẳn.
Tâm trạng Huy Sinh lúc đó rất chán nản khi nhớ đến sân khấu, đến ánh đèn, với không khí của các vũ trường và những khuôn mặt khán giả quen thuộc. Phần khác, anh luôn bị giằng co giữa bổn phận đối với gia đình và niềm đam mê ca hát. Chỉ thỉnh thoảng Huy Sinh bay trở về Cali hát 1, 2 đêm hát tại vũ trường Majestic rồi lại quay về sống với gia đình bên vợ và 2 con nhỏ.
Sự nghiệp ca hát của Huy Sinh vì thế không được tiếp nối liên tục, tên tuổi dần dần ít còn được khán giả nhắc tới trong lúc càng ngày càng có nhiều ca sĩ trẻ xuất hiện tại nam California vào những năm đầu thập niên 1990.
Mất đi nhiều cơ hội tốt để phát triển sự nghiệp, bù lại Huy Sinh được giống tròn với bổn phận chu toàn với gia đình và hài lòng với công việc làm sổ sách, giấy tờ cho một văn phòng nha sĩ ở Houston.
Tuy nhiên số phận trớ trêu khi hạnh phúc đó cũng không kéo dài được lâu, Huy Sinh gần như suy sụp khi được bệnh viện thông báo vợ anh bị ung thư gan vào năm 1998. Đến năm 2000, người vợ trút hơi thở cuối cùng lúc mới 36 tuổi. Cả một vùng trời đen tối hiện ra trước mắt Huy Sinh khi anh phải sống trong cảnh gà trống nuôi con. Lúc đó người con đầu mới 15 tuổi, người thứ hai được 13 tuổi.
Trước sự mất mát lớn lao này, cuộc sống của Huy Sinh trở nên hụt hẫng chưa từng thấy cùng với trách nhiệm đối với hai con đè nặng trên hai vai. Sau khi cân nhắc nhiều lần, Huy Sinh quyết định chuyển về nơi anh đã đặt chân tới lần đầu tiên trên đất Mỹ là San Jose, cũng là nơi anh gặp được nhiều may mắn trong những ngày đầu đi hát, với hy vọng rằng biết đâu San Jose lại sẽ mang đến những may mắn lần nữa như cách đó trong 20 năm.
Tuy nhiên tại chốn cũ, về nơi được mệnh danh là Thung Lũng Hoa Vàng, Huy Sinh đã không còn cơ hội để phát triển khả năng ca hát nữa vì đã có sự xuất hiện của rất nhiều giọng hát trẻ hơn, với nhu cầu thị hiếu của khán giả cũng đã rất khác so với thời thập niên 1980. Muốn có một chỗ đứng trong làng nhạc không phải là một việc dễ dàng nữa.
Lần cuối cùng Huy Sinh hát ở đại nhạc hội là trong Asia 75
Tên tuổi Huy Sinh một thời ăn khách hồi thập niên 1980, đến nay người ta ít thấy anh xuất hiện trong các chương trình lớn. Lần gần nhất anh tham gia một đại nhạc hội thu hình là từ năm 2014, trong cuốn Asia 74 hát chung với ca sĩ Thiên Trang bài Bông Cỏ May, và Asia 75, cũng trong năm 2014, trong một liên khúc hát chung với Ngọc Đan Thanh và Thiên Trang. Kể từ đó đến nay, cùng với những khó khăn chung với đồng nghiệp khi làng ca nhạc hải ngoại bị thoái trào, khán giả ít còn thấy sự xuất hiện của Huy Sinh trên sân khâu nữa.
Đông Kha (nhacxua.vn) thực hiện
Dựa theo bài của cố nhà báo Trường Kỳ