Ca sĩ Hoàng Oanh kể về kỷ niệm với bài hát ‘Chuyến Tàu Hoàng Hôn’

Bài viết này được chính ca sĩ Hoàng Oanh viết, kể về câu chuyện nhỏ thú vị xung quanh bài hát bất hủ: Chuyến Tàu Hoàng Hôn. Ca sĩ Hoàng Oanh là cử nhân văn chương của đại học Văn Khoa Sài Gòn, có lẽ vì vậy mà khả năng viết của cô rất tốt, và cô thường có những bài viết nhỏ kể về những kỷ niệm đáng nhớ trong cuộc đời ca hát của mình…

Mùa hè năm 1962, nhạc phẩm Chuyến Tàu Hoàng Hôn ra đời trong một ngày mưa đầu mùa ly biệt. Nhạc sĩ Minh Kỳ là người đặt nhạc và khi hoàn tất, chú đã mang bản nhạc đến nhờ nhạc sĩ Hoài Linh đặt lời. Bản nhạc được viết tại Thị Nghè giữa năm 1962 và ngay sau đó đã được Nhà xuất bản Tinh Hoa Miền Nam (của nhạc sĩ Lê Mộng Bảo) ấn hành và tái bản nhiều lần trong suốt những năm của thập niên 60.

Hoàng Oanh và Chuyến Tàu Hoàng Hôn (Ảnh: Khương Duy)

Đây cũng khoảng thời gian Hoàng Oanh khởi đầu cộng tác với các Hãng dĩa và băng nhạc lớn của Miền Nam Việt Nam như: Việt Nam của cô Sáu Liên, Sóng Nhạc của bác Tám Oanh, Continental của chú Nguyễn Văn Đông… Và bản nhạc đầu tiên, Hoàng Oanh thâu thanh vào dĩa nhựa 45 vòng cũng là một sáng tác của hai chú Minh Kỳ và Hoài Linh: Nếu Một Mai Anh Biệt Kinh Kỳ.

“Người ơi, một mai nếu tôi đi rồi
Thì nghìn lần thương cũng thế mà thôi!”

Sau khi dĩa hát Nếu Một Mai được phát hành (với ảnh bìa là nữ danh ca Minh Hiếu), Hoàng Oanh được nhạc sĩ Lam Phương trao cho bài hát Đèn Khuya. Liền sau đó, hai chú nhạc sĩ Lê Dinh và Anh Bằng trao cho Hoàng Oanh bản nhạc Đôi Bóng. Còn nhạc sĩ Minh Kỳ và Hoài Linh thì gửi gắm cho Hoàng Oanh một tác phẩm nữa, đó là bản Chuyến Tàu Hoàng Hôn lừng danh – hợp soạn của hai chú. Hoàng Oanh thâu thanh cả 4 nhạc phẩm nầy đầu tiên vào năm 1963 và không thể ngờ là các bài hát nầy lại có sức sống mãnh liệt và lan tỏa đến hơn sau nửa thế kỷ.

“Tâm tư cô đơn trách con tầu nỡ sao đành
Đem yêu thương đi đến nơi nao cách đôi tình
Đường bao nhịp nối, tình trăm nghìn mối
Hướng theo một bóng người…”

Khi chọn thực hiện dĩa hát Việt Nam 45 vòng M. 3347-48: Đôi Bóng, Hãng dĩa Việt Nam và các nhạc sĩ đã mời Hoàng Oanh ca 2 bài hát: Đôi Bóng và Chuyến Tàu Hoàng Hôn, chị Minh Hiếu ca Thư Về Biên Khu của bác Nguyễn Hữu Thiết, Phương Dung hát Trăm Mến Nghìn Thương của nhạc sĩ Hoài Linh. Cả 4 bài hát đều do nhạc sĩ Nghiêm Phú Phi làm hòa âm và là trưởng ban nhạc đệm đàn cho các nữ ca sĩ hát, lúc bấy giờ tại phòng thâu thanh của Hãng Việt Nam ở Chợ Cũ. Theo ý kiến của cô Sáu và hai chú Minh Kỳ – Hoài Linh, Hoàng Oanh sẽ hát phần lời thứ 2:

“Chiều nay, chuyến xe đi khi bóng ngả xế tà
Nhịp xe lướt nhanh nhanh dồn khúc vang quân hành ca…”

Thay vì hát lời 1 quen thuộc hơn là:

“Chiều nao, tiễn nhau đi khi bóng ngả xế tà
Hoàng hôn đến đâu đây mầu tím dâng trong hồn ta…”

Vì theo giải thích của các tác giả, lời ca của phần thứ 2 gợi tả hình ảnh người lính gần gũi hơn: “Nhắn em ơi đừng thương, chí trai anh ngàn phương; Người trai vì nước đi xây tình quê hương…” Hay: “Người ơi, chí nam nhi khi đã gửi sa trường…” Nó phù hợp với thời chinh chiến lúc bấy giờ, hàng vạn người trai theo “chí nam nhi” lên đường nhập ngũ. Nên đó là lý do mà Hoàng Oanh đã hát lời thứ 2 trước, thay vì hát lời 1 – là lời tả tình nhiều hơn – mà sau nầy rất quen thuộc với thính giả Việt Nam khắp bốn phương.

Để trả lời một câu hỏi của các bạn trẻ, câu cuối của lời thứ 2: “Ánh trăng chan hòa chiếu RIÊNG cho mình và ta…” là Hoàng Oanh hát đúng theo lời ca gốc của bản nhạc. Nhưng khi bài hát được tái bản, các chú nhạc sĩ có đặt thêm một chữ “thương”:

“Ánh trăng chan hòa chiếu THƯƠNG cho mình và ta…”

Như vậy, khi các ca sĩ thâu âm câu nhạc cuối nầy, hát “chiếu thương” cũng không hề sai!

Trước năm 1975, Hoàng Oanh chỉ hát Chuyến Tàu Hoàng Hôn vào dĩa nhựa 45 vòng và trên các chương trình Tân nhạc của Đài phát thanh mà không thâu âm vào băng Cassette hay Akai. Mãi cho đến khi sang Hải Ngoại, khi thực hiện cuốn Cassette Hoàng Oanh số 7: Buồn Trong Kỷ Niệm, Hoàng Oanh mới thâu âm lại nhạc phẩm Chuyến Tàu Hoàng Hôn sau 20 năm (với lời ca thứ nhất). Bài hát sau đó được đưa vào cuốn CD Hoàng Oanh số 1: Nhạc Vàng Tuyển Chọn và Video Tiếng hát Hoàng Oanh 1: Hai Vì Sao Lạc.

Hẳn quý vị còn nhớ trong băng nhạc nầy, Hoàng Oanh đã ngâm 4 câu thơ trước khi hát Chuyến Tàu Hoàng Hôn:

“Ôi, cố hương xa nửa Địa cầu
Nghìn trùng kỷ niệm vẫn theo nhau
Đêm nay, ta đốt sầu lưu lạc
Trong khói men nồng hạnh phúc xưa…”

(Thơ: Thanh Nam)


Click để nghe Hoàng Oanh hát Chuyến Tàu Hoàng Hôn

Và người có sáng kiến lấy tiếng kèn réo rắt và nhịp trống bập bùng làm nhạc khí chánh trong phần hòa âm cho bài hát, đó là người nhạc sĩ rất thương mến của chúng ta: Nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ. Đây cũng là một bài hát kỷ niệm của Hoàng Oanh với chú Thơ.

Đến khi Thúy Nga có chương trình Nhạc Vàng Muôn Thuở vào năm nay (2016), Ban giám đốc của Trung tâm có nhã ý mời Hoàng Oanh hát lại một nhạc phẩm Nhạc Vàng kỷ niệm. Và Hoàng Oanh đã chọn trình bày bài hát Chuyến Tàu Hoàng Hôn, Hoàng Oanh thâu vào “một đêm không trăng sao” với hòa âm thật “cổ kính” của nhạc sĩ trẻ Tùng Châu.

Lần nầy, Hoàng Oanh chọn ngâm những câu thơ trong bài thơ Những Bóng Người Trên Sân Ga của thi sĩ Nguyễn Bính vì nhận thấy hồn thơ rất phù hợp ý nhạc.

Trong lần thâu âm nầy, Hoàng Oanh có ý hát cả hai lời của bài hát viết từ năm 1962. Cả hai lời Hoàng Oanh đều thích hết, nhưng thích lời thứ 2 hơn. Và bao năm qua, Hoàng Oanh mong có dịp được hát phần lời mà mình thích.

Nên nhân cơ hội nầy, Hoàng Oanh đã đề nghị với cô Ngọc Thủy (Marie To) là Giám đốc của Trung tâm Thúy Nga: Là để Hoàng Oanh hát hết lời 1, qua nhạc dạo, rồi sau đó khi trở lại Điệp khúc, Hoàng Oanh sẽ hát phần Điệp khúc lời 2 (thay vì hát lại Điệp khúc lời 1).


Click để xem Chuyến Tàu Hoàng Hôn trên sân khấu Paris By Night

Nhưng vì thời lượng của chương trình và phần ngâm thơ dài với 6 câu thơ, nên khi hát trở lại Điệp khúc, cô Thủy đã đề nghị cắt bớt nửa điệp khúc (của phần lời thứ 2).

Và trước đó, trong phần Điệp khúc lời 1, Hoàng Oanh có đổi vào đó hai câu đã cắt:

“Xe lăn êm êm lúc ga chiều sắp lên đèn
Mưa thu bay bay vắt ngang trời ướt vai mềm…”

Như một sự pha hòa để bài hát được trọn vẹn hơn. Và Hoàng Oanh cũng thích hình ảnh “Xe lăn êm êm lúc ga chiều sắp lên đèn”“Mưa thu bay bay vắt ngang trời” hơn trong phần lời 1. Vì khi bài hát được trình diễn, Thúy Nga có chiếu lên hình ảnh của chuyến tàu và sân ga, nên khi chúng ta nghe đến câu “Xe lăn êm êm lúc ga chiều sắp lên đèn” sẽ dễ hình dung ra một con tàu đang chập chờn lăn bánh trong sương tỏa, nên Hoàng Oanh đã chọn thay câu nhạc đó. Đó là những nguyên do giải thích cho những thắc mắc của các bạn trẻ yêu nhạc và yêu thích tiết mục Chuyến Tàu Hoàng Hôn trong thời gian vừa qua.

“Hoàng hôn dần buông,
Mà ai còn đứng im trong chiều sương xuống…”

Và Hoàng Oanh rất bất ngờ sau khi cuốn Paris By Night 119: Nhạc Vàng Muôn Thuở được phát hành, bài hát Chuyến Tàu Hoàng Hôn lại được rất nhiều khán thính giả xưa và nay yêu mến nồng hậu. Điều nầy gây cho Hoàng Oanh một mối xúc động khắc ghi trong tâm trước những ân tình sâu đậm của quý vị. Và Hoàng Oanh có cảm tưởng rằng: Có phải đây là mối cảm thông sâu sắc của thính giả với Hoàng Oanh trước một Chuyến Tàu Hoàng Hôn đã lăn bánh qua dòng thời gian 53 năm và ước mong sẽ còn trôi xa mãi đến chân trời…

CHUYẾN TÀU qua bến HOÀNG HÔN
Năm mươi năm vẫn tâm hồn Việt Nam.

Hoàng Oanh
Tháng 10 – 2016

(Nguồn: facebook Hoàng Oanh)

Exit mobile version