Ca khúc “Vì Tôi Là Linh Mục” (nhạc sĩ Nguyễn Đức Quang) và sự cuồng tín vào tình yêu của chàng thi sĩ Nguyễn Tất Nhiên

Nguyễn Tất Nhiên là một nhà thơ, nhưng tên tuổi và đóng góp của ông cho âm nhạc còn gây ảnh hưởng lớn hơn cả cho thơ ca. Bởi những tứ thơ, những ý tưởng của ông luôn gây cho khán giả sự ngỡ ngàng, lôi cuốn bất ngờ, đặc biệt là qua nét nhạc của nhạc sĩ Phạm Duy.

Nhưng có một bài hát được phổ từ thơ Nguyễn Tất Nhiên mà không phải của nhạc sĩ Phạm Duy, cũng rất được yêu thích, vẫn mang cùng một phong cách ngôn ngữ đậm chất Nguyễn Tất Nhiên, đó là Vì Tôi Là Linh Mục của nhạc sĩ Nguyễn Đức Quang.


Click để nghe Khánh Ly hát Vì Tôi Là Linh Mục trước 1975

Nguyễn Tất Nhiên tên thật là Nguyễn Hoàng Hải, ngay từ lúc còn nhỏ ông đã làm thơ rất hay, tuy nhiên, thần trí, đầu óc của ông lúc nào cũng mơ mộng, suy tư. Thời đi học, bạn bè thường trêu chọc Nguyễn Tất Nhiên bằng tên gọi Hải Khùng hay Hải Ngáo. Năm 1972, Nguyễn Tất Nhiên dù đã nhận được giấy gọi ngập ngũ vào học tại trường Võ Khoa Thủ Đức lại bị cho về với lý do “tâm thần bất ổn”.

Nguyễn Tất Nhiên là một người ngoại đạo, nhưng trong thơ của ông luôn có sử dụng những hình tượng của Thiên Chúa Giáo như Chúa, thánh giá, kinh thánh, linh mục, tín đồ, ma soeur,… Những ca từ và âm hưởng của nó tạo cho dòng thơ của Nguyễn Tất Nhiên một màu sắc siêu nhiên, ẩn mật, mê mị người nghe chìm trôi trong dòng suy tưởng hư thực của tác giả.

Dòng thơ mới lạ của Nguyễn Tất Nhiên được nhạc sĩ Phạm Duy và Nguyễn Đức Quang yêu thích và phổ nhạc thành nhiều ca khúc nổi tiếng như Hai Năm Tình Lận Đận, Em Hiền Như Ma Soeur, Thà Như Giọt Mưa, Cô Bắc Kỳ Nho Nhỏ, Vì Tôi Là Linh Mục,… Trong đó gây tranh cãi nhất phải kể đến ca khúc Vì Tôi Là Linh Mục, bởi thoạt nghe qua lời hát, lời thơ, người nghe dễ hiểm lầm thành sự báng bổ đức tin Thiên Chúa.

Tuy nhiên, theo góc nhìn của người viết, “linh mục” trong lời hát không phải là vị linh mục của nhà thờ, một con chiên ngoan đạo của Thiên Chúa Giáo, mà đó là một con chiên cuồng tín của “Tình Yêu”, chọn hiến thân mình cho tình yêu, rao “giảng lời tình nhân gian”. Vậy nên, vị “linh mục” đó chẳng có một chút tín lý, đức tin, chuẩn mực nào của người tu đạo:

Vì tôi là linh mục không mặc chiếc áo dòng

Vì tôi là linh mục giảng lời tình nhân gian

Vì tôi là linh mục chưa rửa tội bao giờ…”

Tình yêu đã được tác giả thi vị hoá, được tôn sùng, nâng tầm thành một thứ đức tin. Nhưng đức tin đó đã chẳng thể giữ “tín đồ” duy nhất khỏi “đi hoang”:

Vì tôi là linh mục có được một tín đồ
Nhưng không là thánh thần nên tín đồ đi hoang 

Trong thực tế, Nguyễn Tất Nhiên thời trai trẻ đã yêu một cô gái tên Duyên, tuy nhiên tình cảm của hai người đã không đi đến đâu, để lại cho nhà thơ niềm tiếc nuối vô hạn và là nguồn cảm hứng để ông sáng tác nên rất nhiều thi phẩm hay, trong đó có bài thơ “Linh Mục” được nhạc sĩ Nguyễn Đức Quang phổ nhạc thành ca khúc “Vì Tôi Là Linh Mục”.

Bởi vì quá yêu, quá tin, quá tôn sùng tình yêu, nên khi tình yêu sụp đổ thì “linh mục” cũng chết đứng, ề chề:

Vì tôi là linh mục giảng lời tình nhân gian
Nên không còn tiếng khóc, nên không còn tiếng trách
Nên không biết kêu than
Nên tôi rất bơ vơ, nên tôi rất dại khờ 

Vì tôi là linh mục tưởng đời là hạnh phúc
Nên tin lời thiếu nữ như tin vào Đức Chúa
Câu kinh sớm chưa yêu, câu kinh tối chưa mê
Vẫn mất mát ê chề 

Mất vì tin, tín đồ là người tình
Có ngờ đâu người tình là ác quỷ
Ác quỷ đầy quyền năng giam tôi trong tín đồ
Tín đồ là người tình 

Người tình bỏ tôi đi thiêu hủy lòng tin si
Người tình bỏ tôi đi thiêu hủy lời kinh xưa
Người tình bỏ tôi đi giáo đường buồn lê thê
Lời chia xa … 

Vì tôi là linh mục chưa rửa tội bao giờ
Nên âm thầm qua đời, tội ác còn trong tôi
Vì tôi là linh mục, vì tôi là linh mục
Người ơi một linh mục rất dại khờ…

Những hình ảnh ví von độc đáo và có lẽ là duy nhất trong thơ ca Việt: “tín đồ là người tình”, “người tình là ác quỷ”, “ác quỷ đầy quyền năng giam tôi trong tín đồ”. Từng câu chữ nặng trịch dằn xuống, đau khổ, kiệt quệ, đầy ai oán khiến tất cả trở nên hầm tối không lối thoát. Bởi “linh mục” đã tự cột chặt đời mình vào “đức tin”, nên dù có vật vã, đau khổ vẫn không thể tự đào thoát, đành mòn mỏi, âm thầm, câm lặng chết trên cây thập giá tình yêu.

Bài hát này đã được Khánh Ly hát đầu tiên trước năm 1975, tuy nhiên phiên bản hay nhất của Vì Tôi Là Linh Mục có lẽ là qua giọng hát rất đặc biệt của Don Hồ:


Click để nghe Don Hồ hát Vì Tôi Là Linh Mục

Bài: Niệm Quân
Bản quyền bài viết của nhacxua.vn

Exit mobile version