Nhạc sĩ Ngô Thuỵ Miên là một trong những nhạc sĩ hiếm hoi đứng ngoài những trào lưu, thị hiếu và thị trường âm nhạc. Dù là một trong những nhạc sĩ nổi tiếng nhất của âm nhạc Việt Nam, nhưng Ngô Thuỵ Miên chọn một cuộc sống lặng lẽ và không tham gia nhiều vào các sinh hoạt văn nghệ. Có lẽ bởi, âm nhạc với Ngô Thuỵ Miên chỉ là một cuộc rong chơi của tâm hồn chứ không phải là mục đích sinh kế và cái sự “ở ẩn” của ông trong giới nghệ thuật cũng là để giúp ông thăng hoa trọn vẹn với âm nhạc của riêng mình. Nhạc sĩ từng tâm sự: “Tôi không viết nhạc để sống, mà tôi sống để viết nhạc… Nếu đời hay người đời chia sẻ được với tôi thì đó là một niềm vui”.
Nhắc đến âm nhạc Ngô Thuỵ Miên, người ta nghĩ ngay tới dòng nhạc tình sang trọng, dịu dàng mà bay bổng; nghĩ ngay tới những giọng ca bất hủ đã thành danh cùng những “miên tình khúc” như Thái Thanh, Tuấn Ngọc, Lệ Thu, Khánh Ly, Elvis Phương, Khánh Hà, Duy Quang,…
Mùa xuân được xem là mùa đơm chồi nầy lộc của tình yêu, và dù là một nhạc sĩ gần như cả sự nghiệp chỉ chung thuỷ duy nhất với dòng nhạc về tình yêu, nhưng trong rất nhiều những nhạc phẩm làm mê say lòng người của nhạc sĩ tài hoa Ngô Thuỵ Miên, chỉ có 2 lần mùa xuân hiện diện. Ngoài Em Còn Nhớ Mùa Xuân được sáng tác năm 1975, còn có Tình Khúc Mùa Xuân, mang lời nhạc nhẹ nhàng, rất đỗi dịu dàng và thanh nhã:
Tình yêu đó cho em
tháng năm trên từng phím Xuân lay
đóa môi xinh dòng tóc mây bay
Click để nghe Sĩ Phú hát Tình Khúc Mùa Xuân
Bằng những lời ca tình tự sâu lắng và nhẹ nhàng, nhạc sĩ kéo người nghe lãng du vào miền yêu đương của một thời xuân mộng. Ở đó, có một chàng trai trẻ đã đem tình yêu của mình trao cho một người con gái: “Tình yêu đó cho em tháng năm trên từng phím xuân lay”. Nhạc sĩ đã sử dụng những hình ảnh ví von rất thi vị, kín đáo, đa tầng ngữ nghĩa. Với hình ảnh “phím xuân”, người nghe có thể hiểu ngay hàm ý chỉ tuổi trẻ của nhạc sĩ và chỉ với một từ “lay” duy nhất, ta biết rằng đó là những tháng ngày hạnh phúc thanh xuân lay động, rung rinh trong tình yêu. Và người con gái trong mối tình ngọt ngào đó cũng được khắc hoạ ấn tượng chỉ bằng vài nét vẽ phớt qua: “đóa môi xinh dòng tóc mây bay”. Chẳng cần phải nhiều câu nhiều chữ cũng có thể thấy rõ sự nâng niu, nồng đượm của mối xuân tình ấy.
Mùa thu lá heo may gọi về
Mùa đông nắng hanh trên tuổi thề
Mình đan nắng ru mây ước mơ xa vời
Dòng ký ức ùa về qua những khung hình quay thật chậm: “mùa thu lá heo may gọi về”, “mùa đông nắng hanh trên tuổi thề”. Đôi tình nhân nắm tay nhau đi qua bao mùa thu, bao mùa đông bàng bạc như vậy. Những bức tranh mùa thu, mùa đông chẳng có gì khác biệt nhưng vẫn ám ảnh, níu gọi, day dứt mãi không nguôi. Ấy là bởi, đó là những “mùa” duy nhất, tháng năm duy nhất họ bên nhau cùng “đan nắng ru mây” xây “ước mơ xa vời”. Có thể thấy, với âm nhạc Ngô Thuỵ Miên, ngôn ngữ tình yêu chẳng cần “đao to búa lớn”, chẳng cần lồng lộn nhớ thương. Chỉ có sự dìu dịu, mêng mang mà vẫn tha thiết, nồng nàn, sâu đậm mãi hoài:
Một hôm gió xuân sang
Mây lang thang cài tóc em mang
Đến thăm em chiều nắng miên man
Nhưng tình yêu dù ở cung bậc nào cũng luôn có những thử thách, thăng trầm mà những người trong cuộc ít nhất một lần phải nếm trải.
Rồi thu đến sao em giận hờn
Rồi đông đến sao em lạnh lùng
Đường phố vắng thênh thang ru buồn gót chân
Những người yêu nhau có khi đến với nhau bằng những duyên phận thật bất ngờ và khi tan vỡ cũng chỉ cần vài lý do rất vu vơ. Có nhiều cuộc chia tay mà rất nhiều năm sau, những người trong cuộc vẫn không thể hiểu nổi nguyên nhân. Tình yêu đến và đi như một thứ định mệnh, chuyển biến khôn lường, để lại bao câu hỏi không lời giải đáp, chỉ có nỗi buồn, nỗi cô đơn là hiển hiện, rõ ràng, vầy vò trái tim thương đau.
Click để nghe Tuấn Ngọc hát Tình Khúc Mùa Xuân
Chiều còn mưa bay
Ướt bước chân mòn lãng du
Ướt áo cho tình thấm sâu
Ướt đóa môi hồng hững hờ
Rũ ướt cung đàn
Buồn dâng mây tím giăng ngang
Buồn vương ân ái phai tàn
Những lời ca mềm lơi, rả rích mà thấm sâu, đẩy nỗi buồn qua nhiều chiều góc, cuốn người nghe chìm trôi vào dòng tâm trạng miên man. Nỗi sầu buồn như một ma trận vây kín tâm hồn người, tuy chẳng vần vũ, cào xé mà chỉ lãng đãng, lất phất như “mưa bay” nhưng vẫn đủ để “ướt” cả một đời người. Dù có cố “rũ ướt cung đàn” thì nỗi buồn sầu ấy vẫn phảng phất đâu đó “dâng mây tím giăng ngang”, “vương ân ái phai tàn”, bởi mối tình xưa kia dù đã vỡ tan, thì tình yêu vẫn còn đó, tựa như những đốm lửa âm ỉ, thi thoảng lại bùng lên trong cơn tình sầu.
Mùa xuân đến chưa em?
Bước chân ai dìu tiếng mưa đêm
Vắng xa đưa dòng tóc mây bay
Mùa thu vẫn chưa nguôi giận hờn
Mùa đông vẫn chưa thôi lạnh lùng
Dòng lá cuốn em mang trôi dài mãi trôi
Chỉ một câu hỏi nhỏ mà vỡ oà bao cảm xúc dồn nén: “Mùa xuân đến chưa em”? Tình yêu trở lại chưa em? Có còn hy vọng nào cho cuộc tình dĩ vãng? Những lời hát trầm buồn da diết cất lên tái hiện tình cảnh não nề của chàng trai si tình, đang một mình rảo bước trên đường khuya, đêm vắng, sũng lạnh dưới mưa, mãi không thôi quên được hình bóng của người yêu cũ. Những lời ca kết lại, nhưng dư âm của khúc nhạc vẫn còn đó, phảng phất những bóng hình, dấu vết của mối tình xuân mộng dở dang, đầy nuối tiếc.
Click để nghe Kim Tuấn hát Tình Khúc Mùa Xuân trước 1975
Tình Khúc Mùa Xuân là một trong 17 tình khúc hay nhất được nhạc sĩ Ngô Thuỵ Miên sáng tác trong khoảng thời gian từ năm 1965 đến năm 1972. Đến năm 1974 thì được nhạc sĩ chính tay tuyển chọn và thực hiện trong băng nhạc mang tên “Miên Tình Ca”. Băng nhạc này đã được thực hiện chỉn chu và kỹ lưỡng dưới sự giám sát trực tiếp của nhạc sĩ Ngô Thuỵ Miên, phần hoà âm của nhạc sĩ Văn Phụng và phần thu thanh của một loạt giọng ca bất hủ: Thái Thanh, Khánh Ly, Lệ Thu, Thanh Lan, Xuân Sơn, Châu Hà, Duy Trác, Sơn Ca, Kim Tuấn, và Duy Quang. Nhiều đánh giá cho rằng, “Miên Tình Ca” có thể được xem là băng nhạc hay nhất của âm nhạc Việt trước năm 1975. Bởi toàn bộ 17 ca khúc trong băng nhạc đều trở thành những giai điệu bất hủ, được mến mộ và yêu thích đến tận ngày nay dù gần 50 năm đã trôi qua. Riêng về nhạc phẩm Tình khúc mùa xuân, nam ca sĩ Kim Tuấn là người thu thanh theo đúng ý kiến chỉ đạo của nhạc sĩ Ngô Thuỵ Miên. Vậy nên, bản thu thanh của ca sĩ Kim Tuấn chính là bản gốc chính xác nhất của bản nhạc.
Sau năm 1975, 2 nam danh ca là Sĩ Phú và Tuấn Ngọc với chất giọng nam trầm ấm, da diết, đầy tự sự cũng đã rất thành công khi thể hiện ca khúc này.
Bài: Niệm Quân
Bản quyền bài viết của nhacxua.vn