Ca khúc “Tình Có Như Không” (nhạc sĩ Trần Thiện Thanh) – Bài hát về tình yêu học trò tinh khôi nhưng mong manh và dễ vỡ

Nhạc sĩ Trần Thiện Thanh, tức ca sĩ Nhật Trường, từ lâu đã được nhiều người xưng tụng là một trong tứ trụ nhạc vàng, là những tên tuổi lừng lẫy vừa là ca sĩ, vừa là nhạc sĩ nhạc vàng được yêu thích nhất. Trong tứ trụ đó, có lẽ Trần Thiện Thanh là người nổi tiếng nhất nếu chỉ xét về khía cạnh sáng tác. Dù được xếp vào thể loại nhạc vàng đại chúng, nhưng nhạc của ông được đánh giá là đầy sự mỹ cảm, có sự trau chuốt và nắn nót về ca từ và ngữ điệu để bài hát trở nên đẹp một cách lãng mạn.

Nếu bạn là người yêu thích nhạc xưa, hãy theo dõi kênh YouTube này để nghe đọc các bài cảm nhận về âm nhạc (phân tích ý nghĩa, hoàn cảnh sáng tác, tiểu sử ca nhạc sĩ): LINK YOUTUBE  < Click

Cũng như hầu hết các ca khúc thể loại nhạc vàng khác, nhạc Trần Thiện Thanh đa số là nhạc buồn, nhưng trong đó ít có sự bi lụy mà mang được nét hào hoa rất riêng, đặc biệt là có những bài hát dù mang nội dung buồn mà giai điệu thì vẫn vui tươi, tiêu biểu trong số đó là Tình Có Như Không, viết theo gam trưởng, như đa số bài nhạc của cùng nhạc sĩ:


Click để nghe Nhật Trường hát Tình Có Như Không trước 1975

Tình là tình nhiều khi không mà có
Tình là tình nhiều lúc có như không
Tình xôn xao như giọt nắng lên cao
Cho lòng mình mang mang như làn khói

Tình trôi qua như là giấc chiêm bao.
Ôi tình đầu bỡ ngỡ cơn mộng du.

Tình là tình nhiều khi không mà có.
Tình là tình nhiều lúc có như không
Tình cho đi, cho từ lúc quen sơ
Cho thật nhiều, vẫn ngỡ chưa từng cho.

Tình yêu trong bài hát này là tình đầu ban sơ ở tuổi học trò, vào lúc con tim bắt đầu biết rung động những nhịp đầu. Ai lớn lên thì cũng đã từng trải qua cảm giác khác lạ, bỡ ngỡ của tuổi mới chớm biết yêu người. Vì lần đầu được trải qua những cảm xúc xao động một cách lạ lẫm, nên thấy tình yêu vừa có vẻ lớn lao, ảo diệu như làn khói mang mang hư ảo, có lúc lại thấy chỉ như là trong giấc chiêm bao, lúc có, lúc thì lại không…

Tình yêu của thuở học trò dù là còn dại khờ, ngây ngô, nhưng vẫn là thứ tình cảm thuần khiết nhất, tinh khôi và hồn nhiên nhất chỉ có thể trải qua được một lần ở tuổi mới lớn. Tình yêu tuổi học trò chắc chắn là chưa bị pha lẫn với những tính toán vị kỷ thường tình giống như khi người ta đã thực sự bước vào đời, phải đối mặt với muôn trùng những khó khăn khắc nghiệt của cuộc sống. Tình yêu tuổi học trò dù không cuồng nhiệt như tình yêu lúc trưởng thành, nhưng người ta vẫn yêu hết mình, cho nhau thật nhiều không hề toan tính, cũng không bao giờ là thấy đủ, vẫn cứ ngỡ rằng chưa từng cho.

Tình cho đi, nhưng chẳng nói năng chi.
Nên ngập ngừng, mãi mãi mối tình câm.

Dù có như vậy thì tình yêu tuổi học trò vẫn chỉ là thứ tình ngây dại, cứ ngập ngừng không dám ngỏ, chỉ lặng lẽ làm những gì mình nghĩ là tốt nhất cho người mình yêu, để rồi mãi mãi đó chỉ là mối tình câm chưa từng thổ lộ.

Tình một ngày tình xa ôi tình nhớ.
Tình gặp rồi tình cứ nói vu vơ
Nhưng mà lòng thì vẫn cứ như thơ
Và cuộc đời thì vẫn cứ như mơ

Tình là tình tìm nơi đâu cũng có
Tình gặp rồi nhiều lúc có như không

Tình yêu học trò dù đôi khi chỉ là thứ tình cảm mông lung, mơ hồ, nhưng vì người ta chưa biết cách kiểm soát cảm xúc của mình nên nếu không được gặp nhau thì cảm giác rằng nỗi nhớ đến cuồng điên, rồi khi có được gặp thì cũng chỉ là nói với nhau những câu chuyện vu vơ, dù trong lòng vẫn ngập đầy cảm giác ấm áp khó tả, lâng lâng như là được sống trong mơ. Tình học trò vụng về, ngây dại như vậy nên được tác giả ví như là có cũng như không.

Chiều hôm kia trên đường phố anh qua
Anh tình cờ quen em bên hàng nước
Hàng mi thanh dưới vừng tóc em xanh
Cho đường chiều xao xuyến cơn mộng lành.

Rồi tình chợt bừng lên như lửa nóng.
Rồi tình là một tiếng sét trên không

Ở đoạn tiếp theo, chúng ta được biết rõ hơn về hoàn cảnh quen biết của 2 người, về nhân dáng yêu kiều của cô nữ sinh, dù chỉ được mô tả qua một câu duy nhất: “Hàng mi thanh dưới vừng tóc em xanh”. Cuộc tình đó không phải là đến một cách nhẹ nhàng qua thời gian dài chung lớp như thường thấy ở các tình yêu học trò khác, mà đây là “tình yêu sét đánh”, chỉ là sự gặp gỡ thoáng qua cũng đủ để rung động và rồi “bừng lên như lửa nóng”.

Tình yêu học trò còn măng tơ, chưa trải sự đời, nên luôn có sự lúng túng, vụng về, nhưng đó là sự vụng về đáng yêu của người mới biết yêu lần đầu:

Này em ơi có phải lúc ta yêu,
ta vụng về chới với trong biển khơi.
Này em ơi, em đẹp quá đi thôi,
Áo học trò trắng xóa trong hồn tôi.

Ớ kìa tình nào chờ em nơi đường vắng.
Ớ kìa tình nào là những ngón tay đan
Thôi thì mình đành đứng mãi xa trông.
Lại một lần tình có cũng như không….

Tuy nhiên, đến cuối cùng thì tình học trò vẫn chỉ là một cái gì đó rất mong manh, dễ vỡ. Dễ rung động thì cũng dễ dàng tuột qua tay. Ở tuổi chưa thể tự quyết định được tương lai của mình thì không ai có thể hẹn ước được điều gì cao xa, đó là lý do mà đa số tình học trò xưa và nay đều tan vỡ, tất cả những gì còn lại chỉ là chút kỷ niệm đẹp của một thời tuổi hoa niên.

Với nhiều người, tình yêu học trò là thứ nếu không có thì thấy thiếu, mà nếu có thì cũng không thể giữ được lâu dài, cho nên nhạc sĩ Trần Thiện Thanh đã gọi đó là “Tình Có Như Không”.

Bài: Đông Kha
Bản quyền bài viết của nhacxua.vn

Exit mobile version