Ca khúc Thuyền Viễn Xứ, được nhạc sĩ Phạm Duy phổ nhạc từ bài thơ cùng tên vào khoảng năm 1953, bài hát thể hiện tâm tư hoài nhớ, khắc khoải của những người con xa xứ.
Click để nghe Lệ Thu hát Thuyền Viễn Xứ trước 1975, nhạc sĩ Phạm Duy nói lời dẫn
Lúc gần cuối đời, khi đã rở về sinh sống ở Việt Nam, nhạc sĩ Phạm Duy tâm sự: “Bài nào viết ra tôi đều thích cả, nhưng trong đó Thuyền Viễn Xứ là một trong những bài tôi thích nhất. Tiếc là tôi không gặp lại được tác giả bài thơ hay đó. Nó là kỷ niệm của một thời đất nước loạn ly, những kẻ xa quê lòng luôn hướng về quê cha đất tổ”. Thích nhạc phẩm này như vậy, có lẽ bởi gần như suốt cuộc đời mình Phạm Duy đã lênh đênh khắp chốn trên con thuyền viễn xứ. Dù có mải miết, say đắm hoa thơm, cỏ lạ khắp đường ngang lối dọc trên những miền đất lạ thì tình hoài hương, thương nhớ về cố xứ vẫn thấp thoáng đâu đó, ẩn giấu trong trái tim người nghệ sĩ.
Tác giả bài thơ Thuyền Viễn Xứ mà nhạc sĩ Phạm Duy tiếc nuối vì không được gặp ở trên chính là nữ thi sĩ Huyền Chi. Trong một tập nhạc in những ca khúc mình, nhạc sĩ Phạm Duy đã cố gắng tìm kiếm tin tức của nữ tác giả bài Thuyền Viễn Xứ bằng cách ghi phía dưới bài hát một câu hỏi: “Huyền Chi, cô ở đâu?”. Những năm tháng cuối đời, khi trở về sinh sống ở Việt Nam, nhạc sĩ Phạm Duy có lần nhắn tin mong được gặp lại nữ tác giả nhưng bà từ chối với lý do bận chăm sóc chồng.
Nhạc sĩ Phạm Duy gặp tác giả Huyền Chi một lần duy nhất vào năm 1952, tại Sài Gòn, khi nữ thi sĩ còn là một cô gái 18 tuổi, vừa in tập thơ đầu tiên với 22 bài thơ, gom góp trong những sáng tác từ năm 16 tuổi đến năm 18 tuổi. Ngoài phụ giúp công việc buôn bán của mẹ, Huyền Chi còn phụ trách chuyên mục thơ cho Tạp chí Phụ Nữ của bà Nguyễn Thị Lan Phương. Lần đó, Huyền Chi đến xem lại tập thơ mang tên “Cởi Mở” của mình vừa in xong tại nhà in báo Sống Chung trên đường Trần Hưng Đạo, Quận Nhứt. Tình cờ khi đó, nhạc sĩ Phạm Duy cũng có mặt ở đó và bà Đào, chủ nhà in đã giới thiệu Huyền Chi với ông. Khi nghe bà Đào giới thiệu về tập thơ vừa in xong của Huyền Chi, nhạc sĩ ngỏ ý xin một tập thơ về xem thử để có bài nào phù hợp thì xin được phổ nhạc. Phạm Duy khi đó cũng mới chỉ 32 tuổi, nhưng đã là một nhạc sĩ tên tuổi và được mến mộ tại Sài Gòn. Nữ thi sĩ trẻ Huyền Chi vui vẻ tặng nhạc sĩ một tập thơ có chữ ký của mình mà không hề ngờ rằng một bài thơ trong tập thơ của ông đã lọt vào “mắt xanh” của người nhạc sĩ thiên tài mà sau này đã trở thành một trong những ca khúc bất hủ của âm nhạc Việt.
Nói thêm về nữ thi sĩ Huyền Chi. Bà tên thật là Hồ Thị Ngọc Bút, là con gái út trong một gia đình có 6 người con. Cha bà là ông Hồ Văn Ánh, sinh ra và lớn lên ở Nam Định. Ông Ánh là một trong những kỹ sư hoả xa đầu tiên do người Pháp đào tạo những năm đầu thập niên 1930 trong chiến lược xây dựng hệ thống hoả xa ở Đông Dương. Những năm 1940, ông Hồ Văn Anh làm giám đốc hoả xa ở Nha Trang, Phan Thiết, Phan Rang. Do đặc thù công việc phải quản lý, vận hành hệ thống hoả xa nên ông phải di chuyển rất nhiều nơi, gia đình vợ con ông được bố trí riêng một toa xe lửa để di chuyển và tuỳ nghi sử dụng. Sáu anh chị em trong gia đình Huyền Chi do đó cũng được sinh ra rải rắc ở khắp nơi. Bản thân Huyền Chi sinh ra ở Sài Gòn, đi học tiểu học ở Phan Thiết, rồi sau đó lại phiêu bạt trở lại Sài Gòn theo những biến cố thời cuộc. Những năm đầu thập niên 1950, khi cha và hai anh chị bị kẹt ở miền Bắc do chiến tranh chia cắt, mẹ cô cùng 4 người con còn lại mở một sạp vải tại chở Bến Thành để kinh doanh. Những cuộc chia ly, đi ở kéo dài suốt những năm tháng ấu thơ và sự chia cắt của gia đình kẻ Nam người Bắc đã tạo nên mạch nguồn sáng tạo để Huyền Chi viết lên những dòng thơ đầy cảm xúc, buồn sầu, sâu lắng trong bài thơ Thuyền Viễn Xứ dù tuổi đời còn rất trẻ.
Click để nghe Thái Thanh hát năm 1953, lúc đó nữ danh ca mới 19 tuổi
Dưới đây là nguyên văn bài thơ Thuyền Viễn Xứ của cô gái trẻ 18 tuổi Huyền Chi:
Ra khơi sương khói một chiều
Thùy dương rũ bến tiêu điều ven sông
Lơ thơ rớt nhẹ men lòng
Mây trời pha ráng lụa hồng giăng ngang
Có thuyền viễn xứ Đà Giang
Một lần dạt bến qua ngàn lau thưa
Hò ơi! Câu hát ngàn xưa
Ngân lên trong một chiều mưa xứ người
Đường về cố lý xa xôi
Nhịp sầu lỡ bước, tiếng đời hoang mang
Sau mùa mưa gió phũ phàng
Bến sông quay lại, hướng làng nẻo xa
Lệ nhoà như nước sông Đà
Mái đầu sương tuyết lòng già mong con
Chiều nay trời nhẹ xuống hồn
Bao nhiêu sương khói chập chờn lên khơi
Hai bờ sông cách biệt rồi
Tần Yên đã nổi bốn trời đao binh
Ngàn câu hát buổi quân hành
Dặm trường vó ngựa đăng trình nẻo xưa
Biết bao thương nhớ cho vừa
Gửi về phương ấy mịt mờ quê hương
Chiều nay trên bến muôn phương
Có thuyền viễn xứ lên đường… lại đi…
Và nhạc phẩm Thuyền Viễn Xứ do nhạc sĩ Phạm Duy viết lại lời và phổ nhạc:
Chiều nay sương khói lên khơi
Thùy dương rũ bến tơi bời
Làn mây hồng pha ráng trời
Sóng Đà Giang thuyền qua xứ người
Thuyền ơi! viễn xứ xa xưa
Một lần qua dạt bến lau thưa
Hò ơi! giọng hát thiên thu
Suối nguồn xa vắng, chiều mưa ngàn về
Nhìn về đường cố lý
Cố lý xa xôi
Đời nhịp sầu lỡ bước
Bước hoang mang rồi
Quay lại hướng làng
Đà Giang lệ ướt nồng
Mẹ già ngồi im bóng
Mái tóc tuyết sương
Mong con bạc lòng
Chiều nay gửi tới quê xưa
Biết là bao thương nhớ cho vừa
Trời cao chìm rơi xuống đời
Biết là bao sầu trên xứ người
Mịt mờ sương khói lên hương
Lũ thùy dương rủ bóng ven sông
Chiều nay trên bến muôn phương
Có thuyền viễn xứ, nhổ neo lên đường
Trong bài thơ của mình, tác giả Huyền Chi đã sử dụng thể thơ lục bát đằm thắm, đầy truyền thống để bày tỏ cõi lòng. Nhưng qua bàn tay nhào nặn của tài năng âm nhạc Phạm Duy thì lớp áo thơ lục bát ấy đã được cởi bỏ hoàn toàn, không còn dấu vết. Những lời hát khi trầm khi bổng, khi ngắn khi dài đầy tự do, phóng khoáng như lớp áo tân thời mới mẻ trùm lên con Thuyền Viễn Xứ mang đến một hồn cốt mới mẻ, gần gũi cho toàn bộ khúc nhạc.
Và nếu sáng tác của nữ thi sĩ trẻ chịu ảnh hưởng khá nhiều của các điển tích Đường thi cổ điển, nhuốm cái sầu buồn mang mang của những người già thì nhạc sĩ Phạm Duy ngược lại dường như cố kéo nhạc phẩm của mình ra khỏi cái không khí u tịch, hoài cổ đó bằng cách loại bỏ bớt những điển tích, điển cố, những viện dẫn cổ xưa, đẩy lời ca về gần hơn với tâm trạng, tình cảm chất phác, chân phương của người Việt. Ví dụ như nhạc sĩ quyết định “bỏ hẳn” khổ thơ thứ 5 ra khỏi lời hát:
Hai bờ sông cách biệt rồi
Tần Yên đã nổi bốn trời đao binh
Ngàn câu hát buổi quân hành
Dặm trường vó ngựa đăng trình nẻo xưa
Khi bắt được tứ thơ trong hai câu thơ sầu: “Lệ nhoà như nước sông Đà/ Mái đầu sương tuyết lòng già mong con”, nhạc sĩ liền khai triển rộng mở hơn và đẩy những rung cảm lên một tầng bậc mới, xoáy vào tim người nghe những lời hát chan chứa, nghẹn ngào mà thắm thiết, gần gũi:
“Quay lại hướng làng
Đà Giang lệ ướt nồng
Mẹ già ngồi im bóng
Mái tóc tuyết sương
Mong con bạc lòng”
Còn khi đọc hai câu thơ: “Đường về cố lý xa xôi/ Nhịp sầu lỡ bước, tiếng đời hoang mang”, nhạc sĩ đã viết lại thành:
“Nhìn về đường cố lý
Cố lý xa xôi
Đời nhịp sầu lỡ bước
Bước hoang mang rồi”
Có thể thấy rõ, cái buồn trong bài thơ Thuyền Viễn Xứ của Huyền Chi là cái buồn sầu mang mang của lòng người, cái buồn nhuốm vào vạn vật, cái riêng hoà vào cái chung của thời cuộc, của thế thái nhân tình, một cái buồn rất… cổ thi truyền thống, còn nỗi buồn trong khúc nhạc của Phạm Duy là cái buồn sâu thẳm trong lòng, cái buồn riêng rẽ, cá nhân của một người con xa xứ, gửi lòng thương nhớ của mình về quê mẹ.
Thuyền Viễn Xứ, dù là một bài hát được phổ từ thơ nhưng sự khác biệt về ý tứ trong lời thơ và lời hát lại không quá khó để hiểu. Bởi khi sáng tác bài thơ, Huyền Chi chỉ mới là một cô thiếu nữ 18 tuổi, chưa từng trải đời, sự sâu lắng và sắc sảo trong hồn thơ của Huyền Chi phần nhiều là do tưởng tượng như sau này bà đã thổ lộ. Khi có người hỏi vì sao trẻ tuổi mà làm thơ buồn thế, Huyền Chi trả lời: “Tôi tưởng tượng thôi mà!”. Sự tưởng tượng và cả học hỏi của Huyền Chi từ những tiền bối đi trước có lẽ là chất xúc tác chính làm nên hồn cốt của bài thơ.
Còn với Phạm Duy, khi gặp gỡ bài thơ, ông đã ngoài 32 tuổi, đã là một nhạc sĩ có ít nhiều tiếng tăm và cả sự trải đời. Vậy nên, khi bắt gặp một tứ thơ ưng ý, hợp với tâm trạng của mình – một người đã từng lênh đênh qua nhiều bận, có lẽ ông đã rất tâm đắc liền bắt tay vào phổ nhạc cho thơ. Nhưng đồng thời với sự phổ nhạc đó, bằng những trải nghiệm và cả nhạy cảm trong âm nhạc, Phạm Duy nâng tứ thơ của Huyền Chi lên một tầng bậc cảm xúc cao hơn, tinh tế và sắc sảo hơn, gạt bỏ bớt những hình ảnh vòng vo ngoài lề. Bằng cách đó, nhạc phẩm Thuyền Viễn Xứ đã đi thẳng vào lòng người, đánh động những tình cảm, tâm tư ẩn giấu sâu thẳm trong trái tim của những người con xa xứ và trở thành một trong những nhạc phẩm hay nhất, là món ăn tinh thần quý giá của những phận người viễn xứ.
Rất nhiều nghệ sĩ đã chọn Thuyền Viễn Xứ để thể hiện nhưng có lẽ không ai hát hay hơn tiếng hát “vàng mười” của nữ danh ca Lệ Thu. Tiếng hát cao vút, chân phương, giản dị, đầy cảm xúc đã lột tả trọn vẹn tâm tư, tình cảm, cảm xúc nghẹn ngào, nức nở từ tận đáy lòng của những đứa con phương xa luôn hướng về quê mẹ:
Chiều nay gửi tới quê xưa
Biết là bao thương nhớ cho vừa
Trời cao chìm rơi xuống đời
Biết là bao sầu trên xứ người
Bài: Niệm Quân
Bản quyền bài viết của nhacxua.vn