Ca khúc “Thương Về Miền Trung” (Duy Khánh) và nỗi niềm của những người con xa quê

Miền Trung thường được gọi là “miền thùy dương” trong thi ca văn học, miền quê nghèo và phải hứng nhiều cơn thiên tai mỗi năm, nhưng bù lại có phong cảnh biển hồ sông núi hữu tình, trở thành nguồn cảm hứng bất tận cho các văn nghệ sĩ sáng tác. Trong số nhiều ca khúc viết về Huế, bài hát Thương Về Miền Trung của nhạc sĩ Duy Khánh là một trong những ca khúc hay và nổi tiếng, đã ở lại lâu dài trong lòng nhiều người yêu mến nhạc trong suốt gần 60 năm qua:

Đã bao lâu rồi không về Miền Trung thăm người em
Nắng mưa đêm ngày cách trở, giờ xa xôi đôi đường
Người ơi, có về miền quê hương thùy dương
Nước chảy còn vương bao niềm thương, cho nhắn đôi lời.

Những người con của Miền Trung khi xa quê, dẫu lưu lạc khắp bốn phương trời, ai cũng luôn nhớ về miền quê vốn chịu nhiều thiên tai bão lũ, thương về người quê hiền lành chất phác nhưng giàu lòng nhân hậu bao dung.

Câu mở đầu bài hát: “Đã bao lâu rồi không về Miền Trung thăm người em” đã mở lời cho bản tâm tình ca về nỗi nhớ quê hương của chàng trai tha hương, xa người em gái mến thương để ra đi từ lâu lắm chưa về thăm lại quê nhà.

Thân trai dặm ngàn sương gió khắp nơi chưa về thăm, nhưng dù xa xôi cách trở sơn khê, miền Trung vẫn luôn ở trong nỗi nhớ, canh cánh bên lòng của người con xa quê. Khi nỗi nhớ dâng cao, niềm thương dâng tràn, ước ao gì mình về thăm lại Miền Trung cho thỏa dạ nhớ mong… Nhưng đời trai còn ngược xuôi, không trở về thăm miền Trung được, đành gửi lời tâm sự theo câu hát nhắn gửi đượm thắm tình quê: ”Người ơi, có về miền quê hương thùy dương”.

Miền Trung đã được gọi là “Miền thùy dương” từ câu hát “Về miền Trung, miền thùy dương bóng dừa ngàn thông” trong nhạc phẩm Về Miền Trung của Phạm Duy. Bởi vì ở miền Trung ngày đó, dọc theo bờ biển nơi nào cũng có trồng cây Dương Liễu. Nhạc sĩ đã thi vị hóa thành cây Thùy Dương (theo tên Hán Việt là cây liễu rũ).

“Nước chảy còn vương bao niềm thương” là nước chảy của dòng sông quê miền Trung của kỷ niệm, hay là nước chảy của dòng thời gian trôi mau trong hiện tại, là dòng chảy nào đi nữa cũng đều vương vấn bao nỗi niềm của người đi, mong chuyến về thăm lại miền Trung.


Click để nghe Duy Khánh hát trước 1975

Dẫu xa muôn trùng tôi vẫn còn thương sao là thương
Nhớ ai xuôi thuyền Bến Ngự đẹp trăng soi đêm trường
Và nhớ tiếng hò ngoài Vân Lâu chiều nao
Ước hẹn thề duyên nhau dài lâu Xa rồi còn đâu.

Người ơi có về, cho tôi nhắn đôi lời, chỉ “đôi lời” thôi mà hàm hết nỗi nhớ thương khi người nghe nhạc cảm được tình yêu sâu nặng của chàng trai trong câu “Dẫu xa muôn trùng tôi vẫn còn thương sao là thương”. Cảm nhận được tình yêu dành cho quê hương của người đi xa dẫu “muôn trùng” cách trở vẫn còn thương quê nhà sao quá là thương.

Bến Ngự đẹp nên thơ những khi xuôi thuyền giữa đêm trăng và bến Vân Lâu vang vọng những câu hò mái nhì mái đẩy, là hai bến của sông Hương và đã trở thành hai bến sông nổi tiếng trong thi ca – âm nhạc. Ở những nơi thơ mộng trữ tình như thế, đôi mình đã từng bên nhau cùng thưởng thức cảnh đẹp của Huế, cùng lắng nghe những câu hò điệu lý mười thương yêu quá quê mình.

Từng câu hát như từng lời nhắc nhở kỷ niệm êm đẹp gửi về miền Trung, cho người nghe như lửng lờ trôi thuyền theo sông Hương về ngày tháng mộng mơ năm nào, bây giờ đã xa rồi còn đâu. Cụm ca từ “Xa rồi còn đâu” đột ngột nối theo dòng bổng trầm cung bậc hồi tưởng êm đềm, rồi cũng bất thần chấm hết câu, đem đến cảm xúc cho người nghe niềm tiếc nhớ mênh mang về những ngày vui qua mau.

Em ơi chờ anh về
Dù cho năm tháng xóa mờ thương nhớ
Đêm nao trăng thề, đá vàng ước hẹn đẹp lòng người đi.

Em biết chăng em
Đã bao Thu rồi vắng lạnh lòng trai đi ngàn phương
Mỗi khi sương chiều xóa nhòa phồn hoa nơi phố phường
Người ơi! Nếu còn vầng trăng soi dòng Hương
Núi Ngự còn thông gieo chiều buông Tôi vẫn còn thương.

Anh sẽ về để cùng em sống trọn vẹn tình quê, sống tròn câu hẹn thề đợi chờ ngày nào chúng ta cùng thề ước. Những cung thương bậc nhớ gửi theo lời nhắc nhở: “Em ơi chờ anh về…” nghe dạt dào nỗi da diết hoài mong về ngày mai sum họp.

Lòng trai đi ngàn phương, đã bao lâu rồi chỉ một phương nhớ về miền Trung yêu dấu. Đã bao lâu rồi lòng trai vẫn vắng lạnh ”mỗi khi sương chiều xóa nhòa phồn hoa nơi phố phường”. Nao lòng và đầy thương cảm: Dù đi qua muôn nẻo đường xa lạ, lòng người tha hương vẫn nhớ về cảnh cũ người xưa. Qua lời nhạc, người nghe cũng phải cảm thương cảm động trước những lời chân tình thủy chung, trước sau như một của chàng trai gửi trọn tình yêu về quê hương: Nếu trăng còn soi dòng Hương, thông còn reo núi Ngự thì tôi vẫn còn thương!


Click để nghe chính tác giả Duy Khánh hát Thương Về Miền Trung vào thập niên 1960

Đã nhiều lần nghe ca khúc Thương Về Miền Trung, tôi đều nghe cảm xúc từ những nhịp điệu yêu thương từ lâu lắng đọng nỗi nhớ quê, dâng tràn lên theo từng lời ca nhắn gửi nhắn gửi tâm tình của người xa xứ. Tâm tình của người nghe nhạc đã xúc động và đồng cảm với nỗi nhớ quê của những người con đi xa miền Trung, càng đi xa càng “vẫn còn thương sao là thương”.

Tác giả của bài hát này được ghi trong nhạc tờ phát hành năm 1962 là nhạc sĩ Duy Khánh. Tuy nhiên cách đây không lâu, vợ và con gái của cố nhạc sĩ Châu Kỳ lại khẳng định Thương Về Miền Trung là một sáng tác của Châu Kỳ.

Tác giả ca khúc này thật ra là của ai thì vẫn còn đang có sự tranh cãi, bài viết này xin tạm thời để tên người sáng tác là Duy Khánh dựa theo tờ nhạc đã phát hành, và những tài liệu in ấn của ngày xưa còn lưu lại. Ở dưới đây là mặt sau của 1 tờ nhạc, liệt kê danh sách những sáng tác của Duy Khánh từ năm 1962 trở về trước đó.

Sau bài hát này, nhạc sĩ Duy Khánh tiếp tục sáng tác thêm bài Sao Không Thấy Anh Về với nội dung tiếp nối với ca khúc Thương Về Miền Trung và được đặt tên là Thương Về Miền Trung 2, có lời hát như sau:

Anh nói rằng:
“Anh sẽ về thăm quê miền Trung,
Dù năm tháng dài đường xa lạnh lùng”

Dòng sông Hương còn trôi,
Vừng trăng xưa còn soi,
Sao không thấy anh về thăm anh ơi…

Bài: Trương Đình Tuấn
Bản quyền bài viết của nhacxua.vn

Exit mobile version