Bài hát Thương Về Miền Trung được biết đến là một trong những ca khúc nổi tiếng nhất của nhạc sĩ Duy Khánh, được sáng tác và phát hành nhạc tờ lần đầu tiên vào năm 1962. Tuy nhiên cách đây không lâu, con gái của nhạc sĩ Châu Kỳ lại khẳng định đây là bài hát của nhạc sĩ Châu Kỳ. Vậy bài hát này thực sự là của ai sáng tác?
Xin điểm qua một số mốc thời gian của bài hát Thương Về Miền Trung với số phận long đong:
Trước năm 1975, bài hát Thương Về Miền Trung được khán giả biết đến qua phần sáng tác và trình bày của ca – nhạc sĩ Duy Khánh. Bài hát được viết và phát hành năm 1962.
Tờ nhạc bài Thương Về Miền Trung, bản phát hành lần đầu năm 1962 (nguồn ảnh: Võ Thuyết Thẩm)
Sau năm 1975, tất cả các bài nhạc vàng đều bị cấm lưu hành, trong đó có bài Thương Về Miền Trung.
Từ năm 1991, nhà nước có chính sách mở cửa, cởi trói cho các tác phẩm văn hóa miền Nam, nhiều bài hát nhạc vàng (không viết về lính hoặc không nhắc tới chiến tranh) đã được cấp phép lưu hành trở lại. Tuy nhiên có các nhạc sĩ bị “cấm về nhân thân”, tức là có một số nhạc sĩ bị cấm tất cả bài hát mà họ sáng tác, cho dù bài hát chỉ đơn thuần là về tình yêu, quê hương. Các nhạc sĩ bị cấm về nhân thân điển hình là Hoàng Thi Thơ, Phạm Duy… và Duy Khánh (lý do bị cấm về nhân thân sẽ được giải thích ở bên dưới). Vì vậy bài hát Thương Về Miền Trung, mặc dù chỉ nói về quê hương miền Trung, nhưng nếu ghi tác giả là Duy Khánh thì sẽ không được cấp phép hát ở trong nước vào thời điểm đó. Vì bài hát này quá hay, nên các ca sĩ muốn hát thì phải “lách luật”, bằng cách đổi tên người sáng tác thành Minh Kỳ để được cấp phép hát trong băng nhạc trong nước.
Vì sao Minh Kỳ được mà Duy Khánh lại không được? Lý do là thời điểm đó (năm 1991), bộ Văn Hóa có chính sách “cấm về nhân thân” đối với các nhạc sĩ được xác nhận là “bỏ nước ra đi”. Năm 1988, Duy Khánh đã sang Mỹ, bị cấm về nhân thân. Trong khi đó nhạc sĩ Minh Kỳ đã bị tử thương khi đang ở trong trại tù từ tháng 8-1975, nên không bị tội danh bỏ nước ra đi. Vì vậy các bài nhạc không viết về lính của nhạc sĩ Minh Kỳ đều được phép lưu hành trong nước. Ngoài ra còn có trường hợp nhạc sĩ Trần Thiện Thanh. Mặc dù Trần Thiện Thanh có rất nhiều bài hát viết về lính, nhưng đến tận năm 1994, ông mới ra nước ngoài, nên chính sách “nhân thân” hồi năm 1991 không áp dụng đối với ông. Vì vậy nhiều bài nhạc của Trần Thiện Thanh đã được hát từ đầu thập niên 1990 ở trong nước là Gặp Nhau Làm Ngơ, Chiếc Áo Bà Ba, Tình Có Như Không, Bảy Ngày Đợi Mong, Tình Đầu Tình Cuối…
Trở lại trường hợp bài Thương Về Miền Trung bị gán tên sáng tác là Minh Kỳ trong băng đĩa, kéo dài khoảng 20 năm. Cho đến khi thông tin dễ được tiếp cận hơn, người nghe nhạc đã tìm được các tờ nhạc phát hành trước năm 1975, ghi rõ nhạc sĩ sáng tác là Duy Khánh. Ngoài ra từ sau năm 2010, nhạc vàng được phổ biến rộng rãi hơn chứ không còn bị khắc khe như hồi năm 1991, nhiều nhạc sĩ miền Nam như Duy Khánh, Anh Bằng, Lam Phương, Hoàng Thi Thơ… không còn bị cấm về “nhân thân”, nên bài hát Thương Về Miền Trung được trả lại đúng tên nhạc sĩ sáng tác là Duy Khánh.
Tờ nhạc bài Thương Về Miền Trung, tái bản năm 1964
Tuy nhiên vào năm 2016, trong một chương trình ca nhạc tôn vinh nhạc sĩ Châu Kỳ, gia đình của nhạc sĩ Châu Kỳ lên tiếng cho rằng Thương Về Miền Trung là bài hát do Châu Kỳ sáng tác. Thông tin này được đăng tải trên hầu hết các báo lớn trong nước. Thông tin cụ thể như sau:
Châu Huyền Khanh, con gái của nhạc sĩ Châu Kỳ, nói rằng cha cô viết ca khúc này vào khoảng thập niên 1940, khi phát hiện ra nam ca sĩ Duy Khánh và đưa anh từ Quảng Trị vào Sài Gòn lập nghiệp. Ông đã giao bài hát cho nam ca sĩ thể hiện đầu tiên. Để quảng bá cho tên tuổi Duy Khánh, cố nhạc sĩ quyết định lấy tên anh làm bút danh cho Thương về miền Trung. Vậy nên các khán giả đều cho rằng đây là sáng tác của Duy Khánh.
Châu Huyền Khanh kể: “Khi ba tôi còn sống, có lần ông xem tivi thấy để sai tên bài hát của mình thì vỗ đùi và bảo: ‘Ủa bài này của cha mà sao để Minh Kỳ?’. Lúc đó cha tôi đã lớn tuổi, thấy bài hát của mình được hát nhiều thì mừng chứ không nghĩ đến chuyện yêu cầu đính chính. Ông cũng không bận tâm nhiều”.
Người viết đã tìm hiểu nhiều tư liệu để xác minh bài hát này có đúng là của Châu Kỳ sáng tác như lời của cô Châu Huyền Khanh hay không.
Trước tiên, dựa theo lời kể của Châu Huyền Khanh, bài hát được sáng tác trong thập niên 1940. Tuy nhiên, tất cả các tài liệu còn lại từ trước 1975 đều ghi rằng bài hát được phát hành lần đầu năm 1962 với tên Duy Khánh (Duy Khánh tên thật là Nguyễn Văn Diệp, đến cuối thập niên 1950, ông mới dùng nghệ danh Duy Khánh khi hát và sáng tác). Nếu nhạc sĩ Châu Kỳ viết bài hát Thương Về Miền Trung vào thập niên 1940, khán giả có quyền đặt câu hỏi vì sao ông không phổ biến bài hát này ngay lúc đó, mà chỉ phổ biến các bài hát Trở Về, Từ Giã Kinh Thành… của ông trong thập niên 1940. Vì sao chờ đến tận năm 1962, ông mới “giao” bản nhạc này cho Duy Khánh?
Thời điểm Duy Khánh mới vào Sài Gòn để ca hát, ông đi hát một thời gian dài với tên là Hoàng Thanh, sau đó mới đổi nghệ danh thành Duy Khánh vào cuối thập niên 1950, đầu thập niên 1960, khi ông đã rất nổi tiếng với các bài nhạc “dân ca mới” của Phạm Duy. Việc này trái ngược với thông tin của Châu Huyền Khanh đưa ra, cho rằng: “Châu Kỳ phát hiện ra nam ca sĩ Duy Khánh và đưa anh từ Quảng Trị vào Sài Gòn lập nghiệp. Ông đã giao bài hát cho nam ca sĩ thể hiện đầu tiên. Để quảng bá cho tên tuổi Duy Khánh, cố nhạc sĩ quyết định lấy tên anh làm bút danh cho Thương về miền Trung”.
Khi “Hoàng Thanh” đổi tên thành “Duy Khánh”, ông đã là ca sĩ tên tuổi. Thời điểm ca khúc Thương Về Miền Trung được phát hành năm 1962, Duy Khánh đã 26 tuổi, trở thành nam ca sĩ nổi tiếng nhất của dòng nhạc vàng, không cần Châu Kỳ phải “quảng bá tên tuổi” cho nữa.
Dựa theo các tờ nhạc phát hành trước năm 1975, ở mặt sau đều ghi rõ Thương Về Miền Trung là một sáng tác của Duy Khánh được viết vào năm 1962 (xem hình bên dưới).
Vì sự thành công ngoài mong đợi của bài hát Thương Về Miền Trung, nhạc sĩ Duy Khánh đã viết tiếp bài Thương Về Miền Trung 2 với tên khác là Sao Không Thấy Anh Về, cũng rất được yêu thích.
Thương Về Miền Trung 2 do nhạc sĩ Duy Khánh sáng tác
Theo nhạc sĩ Phượng Vũ, tác giả của bài hát Áo Nhà Binh do Duy Khánh hát, Phượng Vũ có mối quan hệ thân tình với Duy Khánh hồi còn đi học, Phượng Vũ cho biết ông biết rõ văn phong, ý tình và nét lãng tử phong lưu của Duy Khánh, nên Phượng Vũ quả quyết rằng nét nhạc của bài Thương Về Miền Trung chắc chắn của Duy Khánh sáng tác.
Ngoài ra, trong một clip phỏng vấn Duy Khánh ở ở ngoại năm 1988 (ngay sau khi ông qua Mỹ), Duy Khánh đã xác nhận tình cảm sâu đậm của ông dành cho xứ Huế nên ông đã sáng tác nhiều bài nhạc về Huế như Thương Về Miền Trung, Sao Không Thấy Anh Về, Bao Giờ Em Quên, Sầu Cố Đô… (xem ở giây thứ 20, video bên dưới). Nếu Thương Về Miền Trung của Châu Kỳ sáng tác rồi ký tên Duy Khánh, thì nhạc sĩ Duy Khánh không bao giờ dám khẳng định như vậy.
Doạn phỏng vấn Duy Khánh năm 1988 (xem ở giây 20)
Với những thông tin như bên trên, khán giả có thể tự đưa ra kết luận ai là tác giả thật sự của ca khúc Thương Về Miền Trung. Tuy nhiên đó cũng chỉ là suy đoán dựa trên những tài liệu tìm được. Sự thật đôi khi rất khác. Thời điểm trước 1975, thỉnh thoảng có trường hợp nhạc sĩ đưa thêm tên ca sĩ làm đồng sáng tác để “lăng-xê” ca sĩ, như trường hợp bài Ngày Xưa Anh Nói của Thúc Đăng & Thanh Tuyền.
Châu Kỳ đã qua đời từ năm 2009, ông là một trong những nhạc sĩ nhạc vàng nổi tiếng nhất trước 1975. Cho dù không có Thương Về Miền Trung thì ông vẫn có một gia tài đồ sộ với Con Đường Xưa Em Đi, Sao Chưa Thấy Hồi Âm, Khuya Nay Anh Đi Rồi, Giọt Lệ Đài Trang… Sinh thời ông cũng chưa bao giờ tự nhận là ông sáng tác bài Thương Về Miền Trung. Có thể do một sự nhầm lẫn nào đó mà bài hát Thương Về Miền Trung vẫn đang bị tranh cãi ai mới là người thực sự sáng tác.
Giờ đây cả Duy Khánh lẫn Châu Kỳ đều đã thành người thiên cổ, chỉ có hai nhạc sĩ này mới có quyền lên tiếng khẳng định sự thật. Dù là ai sáng tác, Thương Về Miền Trung đã trở thành tài sản chung của người dân miền Trung và khán giả nghe nhạc vàng.
Đông Kha