Ca khúc “Thương Tình Ca” và chuyện tình đặc biệt của nhạc sĩ Phạm Duy: “Nhịp chân êm êm thánh thót, đừng cho trăng tan dưới gót…”

“…Tôi lại gặp được tình yêu. Tôi không lẩn tránh nó dù biết không giữ nó được suốt đời. Cuộc tình khởi sự bằng bài Thương Tình Ca :

Nếu bạn là người yêu thích nhạc xưa, hãy theo dõi kênh YouTube này để nghe đọc các bài cảm nhận về âm nhạc (phân tích ý nghĩa, hoàn cảnh sáng tác, tiểu sử ca nhạc sĩ): LINK YOUTUBE  < Click

Dìu nhau đi trên phố vắng
Dìu nhau đi trong ánh sáng
Dắt hồn về giấc mơ vàng, nhẹ nhàng
Dìu nhau đi chung một niềm thương…

Biết rằng có ngày phải chia xa nhau nhưng vẫn hứa :

Dìu nhau sang bên kia thế giới
Dìu nhau nương thân ven chín suối
Dắt dìu về tới xa vời, đời đời
Dìu nhau đưa nhau vào ngàn thu…”

Đó là một đoạn trong phần hồi ký cuộc đời của nhạc sĩ Phạm Duy, ông cho biết về hoàn cảnh sáng tác ca khúc Thương Tình Ca, là một trong những bản tình ca đích thực đầu tiên vào thập niên 1950, sau một thời gian dài ông chỉ sáng tác nhạc ca tụng quê hương và con người Việt Nam.


Click để nghe Lệ Thu hát Thương Tình Ca trước 1975

Bài hát Thương Tình Ca được ra đời năm 1956, tức là một năm trước khi chuyện tình của nhạc sĩ Phạm Duy và một cô gái trẻ chính thức bắt đầu, như lời ông kể lại trong hồi ký:

“Một chiều mùa Thu 1957, tôi tỏ tình với Alice và được nàng ban cho một cái ừ lặng lẽ. Lúc đó, tôi có ngay quyết định là mối tình này cũng phải cao thượng như mối tình giữa tôi và Hélène. Tôi bỏ ra 10 năm để xây dựng một cuộc tình mà kết quả là một số bản tình ca soạn ra để riêng tặng nàng, từ Thương Tình Ca (1956) cho tới Chỉ Chừng Đó Thôi (1975). Nàng cũng viết ra khoảng 300 bài thơ để tặng tôi”.

Bài Thương Tình Ca là ca khúc khởi đầu cho câu chuyện tình nổi tiếng của nhạc sĩ Phạm Duy, đó là mối tình tròn 10 năm đã được ông kể lại trong nhiều bài tình ca nổi tiếng vẫn còn được công chúng yêu thích cho đến ngày nay. Chuyện tình đó là một phần đời quan trọng của nhạc sĩ, là tác nhân để ông sáng tác những ca khúc nổi tiếng nhất trong sự nghiệp của mình. Ông đã kể về chuyện tình đó như sau:

“Vì vấn đề chênh lệch tuổi tác cũng như vì tôi không muốn làm phiền những người chung quanh một lần nữa, tôi quyết định ngay từ lúc đầu rằng đây chỉ là một mối tình giữa hai tâm hồn mà thôi. Tôi cố gắng tránh mọi đụng chạm về xác thịt và tôi hãnh diện để nói rằng nàng vẫn là một trinh nữ khi rời xa tôi để bước chân lên xe hoa về nhà chồng. Là một nghệ sĩ, tôi cần tình yêu để sáng tác, giống như con người cần khí trời để thở. Tôi không cần phải chiếm đoạt ai cả, nhất là chiếm đoạt một người con gái còn ít tuổi. Giữa chúng tôi, không có ràng buộc, trói chặt nhau. Mỗi cuối tuần gặp nhau, thế là quá đủ”.


Click để nghe Duy Trác hát Thương Tình Ca

Dìu nhau đi trên phố vắng
Dìu nhau đi trong ánh sáng
Dắt hồn về giấc mơ vàng, nhẹ nhàng
Dìu nhau đi chung một niềm thương.

Nhịp chân êm êm thánh thót
Đừng cho trăng tan dưới gót
Chớ để mộng vỡ mơ tàn, dịu dàng
Đừng cho không gian đụng thời gian.

Trong Thương Tình Ca, chúng ta thấy được hình ảnh một đôi tình nhân đang thiết tha dìu nhau đi trên con đường chỉ có 2 người, và trên thế gian cũng dường như chỉ có 2 người. Họ là duy nhất của nhau, trọn vẹn dành cho nhau. Đôi tình nhân đi chung trong một niềm thương, bước chân êm êm thánh thót trên con đường đầy ánh sáng, đó là những bước đi thăng hoa trong giấc mộng tình yêu lộng lẫy, như là đi giữa lối trăng sao, dìu nhau thật nhẹ nhàng chớ để cho mơ tàn, trăng tan dưới gót, và đừng để cho “không gian đụng thời gian”.

Có một hình ảnh mang yếu tố siêu hình trong câu hát này mà chúng ta hiếm thấy trong âm nhạc Việt Nam: Như thế nào là “không gian đụng thời gian”? Đó có thể là cách để tôn vinh tình yêu, cho rằng tình yêu là thứ duy nhất vĩnh cửu trên đời này, tất cả những thứ khác rồi cũng sẽ tan biến đi khi không gian đụng thời gian, nghĩa là đến tận cùng của không gian và thời gian. Đó là 2 yếu tố quan trọng trong cấu thành của vũ trụ, thể hiện bằng 3 chiều không gian và 1 chiều thời gian, rồi khi “không gian đụng thời gian”, bốn chiều hợp nhất, thì vũ trụ tan thành hư vô.

Theo tác giả Lê Hữu, lúc sinh thời nhạc sĩ Phạm Duy đã giải thích câu hát này là “yêu như thế là đẩy tình yêu đến tận cùng hai cõi sống, chết”, vậy nên đôi tình nhân yêu hết mình, đưa nhau vào cõi vô biên, rồi cho đến khi có sang cả bên kia thế giới rồi thì vẫn còn yêu, vẫn cùng dìu nhau nương thân ven chín suối, trọn vẹn bên nhau đến nghìn thu sau:

Đưa nhau vào cõi vô biên
Có chim uyên tình thiêng
Hát ru êm triền miên
Đưa nhau vào chốn không tên, mặc đời quên
Không bến, không thuyền, hết câu nguyền.

Dìu nhau sang bên kia thế giới
Dìu nhau nương thân ven chín suối
Dắt dìu về tới xa vời, đời đời
Dìu nhau đưa nhau vào nghìn thu.

Ngoài ca khúc Thương Tình Ca viết cho người tình Alice (thường được biết đến với tên khác là Lệ Lan). Alice là con gái của một phụ nữ mang 2 dòng máu Việt – Anh tên là Helene. Vào thời trẻ, nhạc sĩ Phạm Duy đã từng có mối quan hệ tâm giao trên mức bạn bè với Helene, khi ông vẫn còn rong ruỗi dọc con đường Cái Quan đi theo gánh hát Đức Huy. Đó là tại Phan Thiết năm 1944, khi Helene đã có 2 người con và vừa ly dị chồng.

Giữa chàng du ca và người thiếu phụ trẻ tuổi có một cuộc tình rất nhẹ nhàng, theo Phạm Duy viết trong hồi ký thì đó là một mối tình trong sáng. Hai người đều biết có sự yêu mến lẫn nhau nhưng không ai dám lên tiếng yêu đương. Có thể vào lúc đó, Phạm Duy mang mặc cảm tự ti của anh hát rong trong gánh, và nàng cũng chưa thoát ra được lối sống goá phụ thầm lặng. Họ chỉ được coi là đang ở mấp mé một cuộc tình. Suốt một tháng trời, hai người dạo chơi trên phố xá đông đảo hay trên bãi cát vắng vẻ, nói với nhau những chuyện trên trời dưới bể, nhưng không bao giờ dám nắm tay nhau hay nói những lời ân ái.

Khi Phạm Duy rời Phan Thiết, giã từ Helene để theo gánh hát vào Nam, bà đã tiễn Phạm Duy trên sân ga xe lửa. Trên bước đường giang hồ, Phạm Duy trao đổi nhiều bức thư (và cả những bài thơ) với Helene. Chuyện tình của họ dừng lại ở những chuyện gặp gỡ, gần nhau, hát và đọc cho nhau nghe những lời ca, lời thơ rồi chia tay nhau, gửi cho nhau những lá thư màu xanh màu tím… Thời gian trôi qua, Phạm Duy sau đó gần như đã hoàn toàn quên lãng người góa bụa trẻ tuổi.

Trong hồi ký, nhạc sĩ Phạm Duy kể lại rằng vào năm 1956, ông tình cờ gặp lại Helene khi đang lang thang trước chợ Bến Thành. Lúc này Helene đã có chồng mới và có thêm 3 người con nữa, 2 người con riêng đã lớn. Helene mở lời:

– Nếu “ông” rảnh rỗi, xin mời lại chơi. Nhà ở ngay đầu đường Trần Hưng Đạo kia kìa…

Phạm Duy theo Helene về nhà, hai người con riêng là Alice và Roger chạy ra nắm tay ông để chào. Phạm Duy ngỡ ngàng khi thấy Alice vì cô giống mẹ như đúc. Cũng như các nữ sinh khác, Alice đã biết tới những bài hát của ông như Tình Kỹ Nữ, Bên Cầu Biên Giới, Tình Ca, Tình Hoài Hương… Có lẽ trong tiềm thức của cô thiếu nữ 16 tuổi này đã có dư hương vòng tay bế bồng của Phạm Duy lúc cô mới lên bốn, nên cô quấn quít người nhạc sĩ như người quen biết từ lâu.

Trong suốt một năm, hằng tuần, Phạm Duy lái xe hơi tới đón Alice đi chơi. Cô không thích người cha dượng, nên ít khi tâm sự với mẹ. Thay vào đó Phạm Duy là người được nghe Alice trút bầu tâm sự của một thiếu nữ vào tuổi dậy thì. Alice là người rất giống mẹ, cả về khuôn mặt, giọng nói lẫn suy nghĩ, nên Phạm Duy có cảm tưởng được quay ngược thời gian sau 12 năm. Khi hẹn hò với Alice, Phạm Duy bắt gặp lại cùng gương mặt, giọng nói, cùng câu chuyện mà Phạm Duy đã trò chuyện với Helene 12 năm trước đó.

Một chiều mùa Thu 1957, Phạm Duy tỏ tình với Alice, chuyện tình đã kéo dài đến 10 năm với những bản tình ca soạn riêng cho Alice là Cho Nhau, Thương Tình Ca, Cỏ Hồng, Ngày Đó Chúng Mình, Chỉ Chừng Đó Thôi, Kiếp Nào Có Yêu Nhau, Nha Trang Ngày Về… và bài hát chia tay mang tên Nghìn Trùng Xa Cách năm 1968, khi Alice lên xe hoa theo chồng.

Bài: Đông Kha
Bản quyền bài viết của nhacxua.vn

Exit mobile version