Ca khúc “Thu Vàng” của nhạc sĩ Cung Tiến – Nỗi nhớ về một mùa thu xưa tràn ngập sắc hương

Ở Việt Nam, nếu nhắc đến mùa thu, thì đó thường là nhắc đến mùa thu ở Hà Nội, và nhắc đến Hà Nội, người ta cũng thường nhớ về những mùa thu, đó hai khái niệm không thể chia lìa. Hà Nội có bao nhiêu mùa thu thì có bấy nhiêu lớp người ngẩn ngơ, xuýt xoa, ngắm nhìn, thương nhớ. Mùa Thu Hà Nội chưa bao giờ là một đề tài cũ trong thơ văn nhạc họa, chưa bao giờ phai nhạt trong tâm hồn những người con xa xứ.

Nếu bạn là người yêu thích nhạc xưa, hãy theo dõi kênh YouTube này để nghe đọc các bài cảm nhận về âm nhạc (phân tích ý nghĩa, hoàn cảnh sáng tác, tiểu sử ca nhạc sĩ): LINK YOUTUBE  < Click

Nhạc sĩ Cung Tiến cũng không ngoại lệ. Theo lời kể của nhạc sĩ Cung Tiến, ông viết ca khúc Thu Vàng năm 1953, khi mới rời Hà Nội vào Sài Gòn. Bài hát được viết trong nỗi nhớ nhung về những tháng ngày thơ ấu ở quê nhà, và trong lời đề tặng của ca khúc, ông viết: “Tặng Hà Nội của những ngày thơ ấu”.

Trong âm nhạc Việt Nam, có rất nhiều nhạc sĩ mà tài không đợi tuổi. Văn Cao từng gây ngỡ ngàng với một Buồn Tàn Thu từ năm 16 tuổi, thì với Cung Tiến người ta lại càng thảng thốt hơn khi biết Thu Vàng là một trong hai sáng tác đầu tay của ông được viết khi mới chỉ 14-15 tuổi. Tuy nhiên, nếu Buồn Tàn Thu của Văn Cao nặng trĩu tâm tư, dày đặc những hình ảnh và bóng dáng nhân vật tự sự, thì Thu Vàng của Cung Tiến là một mùa thu vô cùng tinh khôi, trẻ trung, thanh thoát, được giới mộ điệu xưng tụng là mùa thu đẹp nhất trong âm nhạc.

Cùng trong năm 1953, nhạc sĩ Cung Tiến cho ra đời hai nhạc phẩm nổi tiếng là Hoài Cảm Thu Vàng. Nhưng nếu Hoài Cảm nặng trĩu nỗi lòng thương nhớ “cố nhân”, thì với Thu Vàng, cậu học trò Cung Tiến trở lại với đúng lứa tuổi thật của mình, lứa tuổi đẹp nhất đời người, tuổi thần tiên. Lứa tuổi vô lo, vô nghĩ, chưa nhuốm u sầu, nhưng đã dần chạm vào những cung bậc đẹp nhất của đời sống. Qua lăng kính mộng mơ của tuổi, mọi thứ dường như trở nên long lanh, tươi đẹp, rực rỡ lạ kỳ: tình yêu đầu tiên, những rung động đầu đời, những người bạn, những ký ức học trò, những ước mơ,… Đó phải chăng là thứ quà tặng mà cuộc sống đã ban tặng riêng cho tuổi trẻ.

Vậy nên, trước khi lắng nghe ca khúc, bạn hãy ngồi xuống, chọn một thức uống yêu thích, rũ bỏ hết mọi ưu phiền đang vương vít tâm hồn để có thể tận hưởng trọn vẹn vẻ đẹp của “mùa thu tinh khôi nhất trong âm nhạc” qua lời kể của chàng nhạc sĩ khi còn ở tuổi măng tơ::

Chiều hôm qua lang thang trên đường
Hoàng hôn xuống, chiều thắm muôn hương
Chiều hôm qua mình tôi bâng khuâng
Có mùa Thu về, tơ vàng vương vương

Với hai câu hát đầu tiên, có thể hình dung ra cảnh tượng một cậu học trò đang thong thả rải bước một mình trên đường chiều, bỗng bất chợt giật mình nhận ra “hoàng hôn xuống, chiều thắm muôn hương”. Mùa Thu mỗi năm lại đến rồi đi trong vòng quay miên viễn của thời gian, chưa bao giờ đổi dời. Cậu học trò đã lớn lên qua 14 lần mùa thu Kinh Bắc như vậy, nhưng chỉ “chiều hôm qua” cậu mới phát hiện ra cảnh sắc xinh đẹp, quyến rũ của mùa thu khi hoàng hôn buông xuống. Chỉ đến “chiều hôm qua” cậu mới thấy “bâng khuâng” vì “có mùa Thu về, tơ vàng vương vương”. Chỉ với 4 chữ “tơ vàng vương vương”, vẻ đẹp óng ả, lóng lánh, vàng rượm của mùa Thu đã được lột tả thật tinh tế, gợi cảm.

Cảnh sắc quyến rũ, lóng lánh của thu vàng đã thu hút hết mọi sự chú ý của cậu. Những thứ rất đỗi bình thường của mùa thu bỗng trở nên tươi mới, lạ kỳ. Lần đầu tiên trong đời, cậu học trò biết rung cảm trước cảnh sắc mùa thu; phát hiện ra những dấu vết, chuyển động của mùa thu; biết ngắm nhìn, hít vào hết cả hương sắc của mùa thu. Vậy nên, trong lời hát, lời kể, nghe như có sự hưng phấn và xúc động đặc biệt. Lời kể tuôn trào, tự nhiên, hào hứng, kể mà không cần ai hỏi, không cần lý do; Kể trong niềm hứng khởi, say mê, để chia sẻ và được nói ra điều mình tâm đắc:

Một mình đi lang thang trên đường
Buồn hiu hắt và nhớ bâng khuâng
Lòng xa xôi và sầu mênh mông
Có nghe lá vàng não nề rơi không?

Và có lẽ cũng lần đầu trong đời, cậu phát hiện ra những tầng bậc cảm xúc khác nhau trong tâm hồn mình, vậy nên một loạt từ láy đã diễn tả cảm xúc đã được nhắc đến trong lời ca: buồn hiu hắt, nhớ bâng khuâng, lòng xa xôi, sầu mênh mông, não nề,..

Không chỉ là hát, mà đây hẳn là một cuộc dạo chơi giữa mùa thu của ngôn từ trong âm nhạc, và cậu học trò mà tâm hồn vừa chớm nở, bắt đầu biết quan sát, biết cảm nhận sâu sắc hơn những vẻ đẹp của đất trời, thiên nhiên, lần đầu tiên đón nhận những cảm xúc tinh khôi, nồng nhiệt, chộn rộn khó tả.


Click để nghe Thanh Lan hát trước 1975

Trong sự hứng khởi của lần đầu tiên, có cả niềm tự hào rất “trẻ con” của nhạc sĩ học trò. Thay vì kể: Tôi nghe được cả tiếng lá vàng não nề rơi xuống, thì cậu lại hỏi ngang “có nghe lá vàng não nề rơi không?”. Câu hỏi giống như một sự “khoe khéo” rằng tôi đã nghe được âm thanh đặc biệt đó và đưa ra một lời thách đố nho nhỏ với những người bạn để thử xem họ có nghe được như mình không, có khám phá ra những thứ mình vừa phám phá không.

Có thể thấy, dù là một nhạc sĩ thành công ở tuổi dậy thì, thì trong nhạc của mình, thấp thoáng dưới những tâm sự có vẻ già dặn vẫn là một cậu học trò với những suy nghĩ rất hồn nhiên, trẻ trung:

Mùa thu vàng tới là mùa lá vàng rơi
Và lá vàng rơi, khi tình thu vừa khơi
Nhặt lá vàng rơi, xem màu lá còn tươi
Nghe chừng đâu đây màu tê tái

Từng câu hát, từng ý thơ giản dị nối đuôi nhau bật ra tinh nghịch, thanh thoát và trong trẻo lạ kỳ. Những vần “ơi” (tới, rơi, khơi) liên tục xuất hiện ở giữa câu, cuối câu, rồi lại giữa câu, cuối câu như một cuộc rượt đuổi, đùa dai đầy lém lỉnh, cho đến chữ cuối cùng của câu thứ ba thì đột ngột thoát ra, biến mất. Hát mà như chơi, chơi với vần, chơi với chữ, chơi đùa với âm nhạc, giống như những cuộc đuổi bắt, đào thoát bất ngờ của trò chơi cút bắt.

Những câu hát hồn nhiên, tinh nghịch như vậy hẳn những tâm hồn “già nua” chẳng bao giờ có thể viết được bởi nó mang một vẻ ngây ngô, ngơ ngẩn, vòng vèo có phần buồn cười của những thứ mà ai cũng biết, chẳng có gì đáng để kể, để nói, kiểu như mùa mưa thì có mưa, mưa thì ướt, ướt thì lạnh,… Nhưng với góc nhìn tươi trẻ, hồn nhiên của cậu học trò, thì những phát hiện đó vô cùng mới mẻ, tuyệt diệu. Chúng khiến cậu trở nên phấn khích, hưng phấn kỳ lạ.

Trong suốt những năm tháng ấu thơ của mình nơi quê nhà, chắc không ít lần cậu nhặt lá rụng để chơi đồ hàng như bao đứa trẻ khác, và không ít lần được nhìn thấy lá vàng rơi xuống, trải thảm khắp nơi. Nhưng đây là lần đầu tiên cậu “nhặt lá vàng rơi”, để “xem màu lá còn tươi”, lần đầu tiên cậu ngắm nhìn kỹ một chiếc lá để rồi phát hiện thêm một gam màu vô cùng đặc biệt, mới mẻ: “màu tê tái”. Đó thực sự là một phát kiến tuyệt vời, lần đầu tiên xuất hiện trong thơ ca Việt Nam. Đó không phải là sắc màu thông thường của sự vật, thứ có thể nhìn thấy bằng mắt, mà phải nghe bằng trái tim.


Click để nghe Mỹ Thể hát trước 1975

Chiều hôm qua lang thang trên đường
Nhớ nhớ, buồn buồn với chán chường

Mùa thu trong thi ca bao giờ cũng buồn, sầu, sâu lắng, ngồn ngộn tâm sự nhưng cái buồn, cái chán chường của mùa thu trong Thu Vàng lại được kể bằng một giọng điệu rất tinh nghịch, hồn nhiên. Một kiểu giận hờn, sầu buồn vu vơ, ngúng nguẩy: “nhớ nhớ, buồn buồn với chán chường”. Đó không phải là cái buồn u uẩn, lẩn khuất, giấu kín trong tâm hồn mà là cái buồn mênh mông, xa xôi, “tôi buồn không hiểu vì sau tôi buồn”, nỗi buồn bày ra trên mặt, buồn cho cả thế giới biết rằng tôi đã biết buồn, buồn mà không luỵ. Nỗi buồn rất đặc trưng của lứa tuổi “dở dở ương ương”, buồn đó rồi vui ngay được:

Chiều hôm nay trời nhiều mây vương
Có mùa Thu Vàng bao nhiêu là hương

Ca khúc kết lại bằng một bức tranh thu dịu dàng, tinh khôi, mê hoặc với “mây vương”, với “mùa thu vàng bao nhiêu là hương”. Cách gieo từ thật đắt “mây vương” và “bao nhiêu là hương” khiến cho người nghe, dù lời ca đã dứt, cứ vương vít, lấn quấn mãi không thể thoát khỏi cái mùa thu vàng rượm của buổi chiều hôm ấy. Chiều thu đầu tiên.

Trong cuộc đời mỗi người có rất nhiều những khoảnh khắc đầu tiên mà ấn tượng và sự hưng phấn để lại tưởng như không bao giờ phai nhạt. Lần đầu trong đời nếm thử que kem mát lạnh, ngọt lim, tan nhanh trên đầu lưỡi; lần đầu đứng trước biển, chạm chân trần lên cát; lần đầu chạm mắt với một cô gái mà những rung cảm để lại chấn động cả tâm hồn; lần đầu rụt rè nắm những ngón tay thon mềm của người yêu,… Nhưng có mấy ai kể lại được, truyền lại được nguyên cái cảm xúc đó bằng lời, bằng chữ. Với Thu Vàng, nhạc sĩ Cung Tiến đã tái hiện lại những khoảnh khắc rung động đầu đời ngọt ngào và tinh tế, mà nhiều người trong chúng ta đã bỏ lỡ hoặc quên mất tự bao giờ.

Có thể nói, nếu Văn Cao có một “Mùa Xuân Đầu Tiên” náo nức, tràn ngập sắc hương, thì với ca khúc Thu Vàng, Cung Tiến cũng có một “mùa thu đầu tiên” trong trẻo, trinh nguyên, lóng lánh sắc hương.

Bài: Niệm Quân
Bản quyền bài viết của nhacxua.vn

Exit mobile version