Năm 1988, khi đã ngấp nghé ở tuổi thất thập cổ lai hy, nhạc sĩ Phạm Duy cho xuất bản tập nhạc Mười Bài Rong Ca. Mở đầu tập nhạc này là một bản nhạc mà theo ông nói, là bản nhạc tình của tuổi 70, cũng là ca khúc chủ đề toàn toàn bộ “tập nhạc & tape nhạc” mang tựa đề Người Tình Già Trên Đầu Non. Bài hát chủ đề này vẽ lên một hình ảnh người tình già đứng trên đầu non, rẽ mây chập chờn để nhìn xuống bóng hoàng hôn đang dần tàn.
Thời gian dành cho “người tình già” đó không còn là bao lâu, nhưng có hề gì, ông vẫn còn muốn tiếp tục khám phá, vẫn còn muốn trải nghiệm thế gian mênh mông vời vợi, nên vẫn lững thững đi qua bao lũng sâu, đèo cao, leo lên trên thế kỷ dài để rồi sẽ tái hồi sau những cuộc tử sinh mà ông gọi là “sống chết lung linh”.
10 Bài Rong Ca này còn có những ca khúc quen thuộc là Hẹn Em Năm 2000, Nghìn Thu, và ấn tượng nhất là Nắng Chiều Rực Rỡ – bài Rong Ca số 6, một ca khúc khai thác chủ đề mà không mấy khi được thấy trong âm nhạc, đó là tuổi già, thuở hoàng hôn của cuộc đời.
Click để nghe Tuấn Ngọc hát Nắng Chiều Rực Rỡ
Nếu như đời người kéo dài trong một ngày, thì buổi chiều chính là lúc đời người đã về dần đến cuối, là thời điểm vẫn được gọi là “tuổi xế chiều”. Ở tuổi này, thường là người ta chỉ biết dõi mắt trông về dĩ vãng, để nhớ về một thời kiêu hãnh trong quá khứ, hoặc là để tiếc về những điều vẫn chưa làm được, rồi buồn bã đếm thời gian ít ỏi còn lại của cuộc đời đang cạn dần.
Tuy nhiên nhạc sĩ Phạm Duy không như vậy. Với ông thì sáng, trưa, hay chiều, mỗi thời khắc đều có những cái đẹp riêng, đều có thể thăng hoa. Nắng chiều của Phạm Duy không tàn tạ như nhiều thi nhân xưa đã nhiều lần mô tả, mà nó vẫn lung linh, mang toàn bộ niềm khao khát sống một cách mãnh liệt nhất. Đó chính là ý nghĩa của tựa đề bài hát “Nắng Chiều Rực Rỡ”:
Chớ buồn gì trong giây phút chia lìa
Khi chiều về lung lay trúc tre
Chớ buồn gì khi tan nắng đêm về
Cho thuận đường âm dương bước đi
Khi chiều về, nắng đã tan, bóng đêm chực chờ chuẩn bị ập xuống cuộc đời, cũng là lúc mà người ta bắt đầu nhìn thấy được phút chia lìa sẽ đến. Đó là khoảnh khắc của âm và dương sắp giao hòa, là hình ảnh mô tả nỗi chết đầy ấn tượng mang đậm dấu ấn của nhạc sĩ họ Phạm.
Từng vạt nắng chói chan
Còn chảy loang trước hiên
Từng vạt nắng ấm êm
Còn là bao ước nguyện…
Khi nhìn thấy phút chia lìa đang nhập nhoạng chờ đợi ở phía trước, “người” nhủ rằng xin chớ buồn. Hãy nhìn ra trước hiên nhà, để thấy được sinh khí của đời sống đang tụ lại thành vạt nắng chói chang chảy loang vỉa hè, thắp lên bao ước nguyện vẫn còn ngập đầy trong quả tim không hề già cỗi của “người tình già”:
Ước nguyện thầm cho đôi lứa ân cần
Nuôi thật dài hoàng hôn ái ân
Ước nguyện rằng khi đêm chết chưa về
Nắng chiều hồng tươi hơn nắng trưa…
Người tình già tuổi thất thập vẫn vô cùng khát khao sự sống, vẫn trọn vẹn yêu đời, đôi lứa vẫn ân cần, nên muốn rằng thời gian sẽ thật dài dành cho buổi hoàng hôn. Đó không phải là hoàng hôn của nỗi sợ hãi, của những người già không còn động lực sống, mà đó là “hoàng hôn ái ân”.
Đó cũng không phải là sự “níu kéo trong vô vọng”, mà là “nuôi” – một hành động hoàn toàn chủ động, không hề mặc kệ hay là phó thác cho thời gian.
Với người đàn ông, tuổi đời sung sức nhất thường là ở tuổi trung niên, là ban trưa. Với nhạc sĩ Phạm Duy, thậm chí rằng ông thấy rằng “Nắng chiều hồng tươi hơn nắng trưa”. Nắng chiều dù đã dần tắt nhưng vẫn hồng tươi và mang đầy ý nghĩa đối với cuộc đời, vẫn đẹp đẽ và rực rỡ như thuở thanh xuân:
Em có thấy không nắng chiều rực rỡ
Em có thấy không nắng đẹp còn đó
Nắng còn nắng lê thê thì đêm ơi vội gì
Nắng còn nắng bao la thì xin đêm đợi chờ
Khi người tình già vẫn còn thấy được nắng chiều rực rỡ, rạng ngời, vẫn đang lê thê kéo dài suốt buổi hoàng hôn, thì sẽ thấy rằng bóng đêm hãy còn lâu lắm, vẫn còn thời gian để tận hưởng những hương vị ngọt ngào của đời sống tuyệt vời, là từng giây phút quý giá mà cuộc đời đã ban tặng.
Đến cuối cùng, nắng chiều dù có rực rỡ như thế nào, hoàng hôn có đẹp đẽ dường nào, có kéo dài ra được bao lâu, thì rồi vẫn sẽ nhường lại không gian cho bóng đêm, khi đó thì người đã mãn nguyện vì đã tận hưởng trọn vẹn từng phút giây của kiếp sống không còn điều gì hối tiếc, và đã sẵn sàng bước qua đường âm dương mà ai cũng phải một lần tới:
Chớ lịm người nghe anh sắp qua đời
Anh chỉ còn bên em chút thôi
Nếu phải lìa xa nơi thế gian này
Còn một ngày vui, muôn nỗi vui
Cuộc đời này thật đẹp, dù chỉ còn một ngày để sống thì cũng xin đừng chối bỏ, vì nó vẫn chứa đựng muôn nỗi vui, dứt khoát không có sự sợ hãi và buồn đau.
Cuộc tình anh với em
Chỉ còn giây phút thôi
Thì tình xin cứ coi
Là nghìn tia nắng rọi
Thế kỷ này đang trong nắng ban chiều
Cho lòng người bâng khuâng nhớ nhau
Trước cửa vào trăm năm rất xa vời
Trong chiều đời, yêu nhau rất lâu.
Nhạc sĩ Phạm Duy là tên tuổi lớn nhất của tân nhạc đã để lại cho hậu thế hàng ngàn ca khúc nhiều thể loại và chủ đề khác nhau. Có thể thấy trong bất kỳ chủ đề âm nhạc nào cũng đều thấy có Phạm Duy hiện diện. Ngay cả với những chủ đề mà hiếm có người chạm đến, người ta cũng thấy ông dấn thân vào, và hầu hết đều là thành công, để lại dấu ấn trong lòng công chúng yêu nhạc.
Với Nắng Chiều Rực Rỡ, nhạc sĩ Phạm Duy thể hiện tư tưởng nhân văn cho một kiếp nhân sinh. Dù ở bất kỳ giai đoạn nào của cuộc sống, người ta cũng cần trọn vẹn với đó, yêu đời đến tận những phút giây cuối cùng.
Bài: Đông Kha
Bản quyền bài viết của nhacxua.vn