Ca khúc “Giọt Mưa Trên Lá” của nhạc sĩ Phạm Duy – Thế giới thu nhỏ trong một hạt mưa nhỏ bé

Nhạc sĩ Phạm Duy được nhiều người công nhận là tên tuổi lớn nhất của tân nhạc Việt Nam, nếu xét về mặt số lượng ca khúc nổi tiếng và được yêu thích, lẫn số lượng bài hát, và những chủ đề âm nhạc phong phú mà ông đã sáng tác. Không có thống kê chính thức, nhưng có lẽ trong suốt sự nghiệp trải dài cùng cuộc đời hơn 90 năm của mình, nhạc sĩ Phạm Duy đã sáng tác hơn 1000 bài hát, và vì số lượng lớn như vậy nên ông đã chia tác phẩm của mình thành những chủ đề khác nhau, bao quát tất cả các thể loại, hầu như ở chủ đề nào, thể loại nhạc nào cũng có bóng dáng của Phạm Duy, và đều có những ca khúc nổi tiếng của ông.

Nếu bạn là người yêu thích nhạc xưa, hãy theo dõi kênh YouTube này để nghe đọc các bài cảm nhận về âm nhạc (phân tích ý nghĩa, hoàn cảnh sáng tác, tiểu sử ca nhạc sĩ): LINK YOUTUBE  < Click

Những chủ đề âm nhạc của Phạm Duy được ông gọi tên là Bé Ca, Nữ Ca, Bình Ca, Rong Ca, Hương Ca, từ Thiền Ca, Đạo Ca cho đến Tục Ca, và một thế loại không nhiều người biết đến là Tâm Ca (nhạc viết từ trái tim) gồm có 10 bài, được nhà xuất bản Lá Bối in năm 1965, với lời giới thiệu như sau:

“Không một bài ca nào làm rung động được lòng người mà lại không phát xuất từ trái tim. Vì vậy, không phải chỉ những bài được in trong tập này mới là những bài tâm ca của Phạm Duy. Tuy nhiên Lá Bối ghi nhận rằng những bài tâm ca được trình bày trong đây, tuy cũng phát xuất từ trái tim, tuy cũng là ngôn ngữ khóc cười theo mệnh nước, vẫn còn mang một sắc thái đặc biệt: đó là tính cách tâm linh nội hướng và ý hướng điều hợp…”

Bài hát nổi tiếng nhất trong 10 bài Tâm Ca này là bài số 4 mang tên Giọt Mưa Trên Lá.


Click để nghe danh ca Thái Thanh hát Giọt Mưa Trên Lá

Chủ đề Mưa xuất hiện rất nhiều trong tân nhạc Việt Nam từ xưa đến nay, nhưng mưa của Phạm Duy trong Giọt Mưa Trên Lá hoàn toàn khác biệt, không chỉ là những giọt nước rả rích gợi lòng sầu cho nhân thế, mà nó vượt thoát lên tất cả để mang ý nghĩa rộng lớn hơn, đó là giọt nước thiên nhiên từ trời mà nhìn vào đó có thể thấy cả một thế giới mênh mông chỉ trong giọt mưa nhỏ bé, tinh khiết, bao hàm tất cả các khía cạnh trên trần đời, đó là những niềm vui và nỗi buồn, của sinh và tử, của người già và bé thơ, của người trần và thánh nhân…

Giọt mưa trên lá mặn đắng như là nước mắt đau thương của mẹ già lúc nhận xác con, giọt mưa cũng long lanh như giọt nước mắt mừng của người thiếu đón chồng về sau cơn tang bồng. Giọt mưa trên lá như là giọt nước mắt đầu tiên của đứa bé mới chào đời, và cũng như là giọt lệ mãn nguyện hạnh phúc tình già. Giọt mưa trên lá  là giọt nước mắt dành cho tình đầu, cho cuộc tình sau cuối, hoặc cũng là để khóc cho cuộc tình xa cách nhau một đời.

Giọt mưa rớt trên chiếc lá giữa trần gian đã có thể chứa đựng phép nhiệm mầu của Phật về làm xoa dịu vết thương trần thế, hoặc cũng như là giọt máu chảy từ tim Chúa bị đóng đinh trên thánh giá để đền thay cho tội lỗi loài người.

Giọt mưa rơi trên lá, hòa vào đất mẹ, trở về đại dương, rồi lại hóa thành mây, như là một vòng tuần hoàn của tử sinh ở đời, bao la, vĩnh viễn.

Giọt mưa trên lá tiếng nói thầm thì
Bóng dáng Phật về xoa vết thương trần thế
Giọt mưa trên lá tiếng nói tinh khôi
Lúc Chúa vào đời xin đóng đanh vì người

Giọt mưa trên lá tiếng khóc chơi vơi
Thế giới lạc loài chưa thoát ra phận người
Giọt mưa trên lá cố gắng nguôi ngoai
Nói với loài người: xin cứ nuôi mộng dài.

Theo nhạc sĩ Phạm Duy cho biết, ông sáng tác Giọt Mưa Trên Lá chỉ trong vỏn vẹn 15-20 phút, đó là thời gian rất ngắn, trong một thời khắc nào đó của thiên tài để cho ra đời một tuyệt phẩm thật đặc biệt.


Click để nghe Dalena hát Giọt Mưa Trên Lá (song ngữ Việt – Anh)

50% câu hát trong bài này đều nhắc đến giọt mưa – một tinh túy từ trời. Nhưng sao lại là “giọt mưa nằm trên lá”? Có lẽ đó là sự giao hòa giữa trời và đất, của âm và dương, là biểu hiện của tình yêu thanh xuân, với đầy đủ những cung bậc cảm xúc được mô tả bằng một loạt tính từ trong đoạn nhạc cuối cùng: bối rối, bồi hồi, ráo riết, miệt mài, bỡ ngỡ,  xôn xao, cuống quít, dạt dào, thấp thoáng, bơ vơ, khép nép, đợi chờ, bùi ngùi. Giọt mưa trên lá như là giọt nước mắt hạnh phúc của mối tình tròn vẹn, tình đầu là tình cuối, là giọt nước mắt đợi chờ nhau trong lúc “chia cách nhau vài giờ”. Nhưng trên thế gian này đâu phải ai cũng có được may mắn như vậy, khi đó thì giọt mưa trên lá như là giọt nước mắt để khóc vì “xa cách nhau một đời”.

Bài hát này đã được ca sĩ người Mỹ Steve Addiss soạn lời tiếng Anh, và được Mitch Miller & The Gang thu thanh vào đĩa hát, phát hành tại Hoa Kỳ vào năm 1966. Bài hát mang tên The Rain on the Leaves, tên chính thức khác là A Ballad From Vietnam, mời bạn nghe lại bản thu âm đặc biệt này sau đây:


Click để nghe

Cũng trong năm 1966, nhạc sĩ Phạm Duy có chuyến công tác sang Mỹ. Thời điểm đó ông đang là công chức tại Trung Tâm Điện Ảnh, giáo sư của trường Quốc Gia Âm Nhạc, làm việc hàng tuần với các Đài Phát Thanh và là người cộng tác với Phòng Điện Ảnh của Sở Thông Tin Hoa Kỳ. Đối với người Mỹ, nhạc sĩ Phạm Duy là một nhân vật văn hóa đại diện cho Việt Nam. Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ có một bộ phận tên là Bureau of Educational and Cultural Affairs, chuyên phụ trách việc mời những nhà văn hoá ở trên thế giới tới thăm Hoa Kỳ. Qua sự giới thiệu của Toà Đại Sứ ở Saigon, văn phòng này chính thức mời ông đến thăm Hoa Kỳ.

Tại đây ông dự các đại nhạc hội dân gian, và ngẫu nhiên được tham gia vào chương trình dân ca Pete Seeger trên truyền hình. Tại đây ông đã hát một số bài dân ca Việt Nam, rồi cả bài Giọt Mưa Trên Lá, lời Việt lẫn lời Anh. Ngay sau đó nhóm Mitch Miller đã thu thanh bài này vào dĩa hát. Mời các bạn nghe lại Phạm Duy hát Giọt Mưa Trên Lá trên truyền hình Mỹ:


Click để xem

Bài: Đông Kha
Bản quyền bài viết của nhacxua.vn

Exit mobile version