Ca khúc “Em Lễ Chùa Này” (Phạm Thiên Thư – Phạm Duy) – Từ thơ đến nhạc và trở thành bất tử

Em Lễ Chùa Này là một ca khúc đẹp, từ ý thơ đến lời ca và giai điệu. Đó là một sự kết hợp hoàn hảo của nhà thơ tài năng, dồi dào ý tưởng Phạm Thiên Thư và một trong những nhạc sĩ xuất sắc nhất của nền âm nhạc Việt Nam, nhạc sĩ Phạm Duy. Nếu chỉ nói riêng về tài năng phổ nhạc cho thơ, chuyển thơ thành nhạc, có lẽ không ai tài năng qua nhạc sĩ Phạm Duy. Trong tất cả những nhà thơ được Phạm Duy chọn thơ để phổ nhạc, Phạm Thiên Thư có nhiều thơ hơn cả.

Nếu bạn là người yêu thích nhạc xưa, hãy theo dõi kênh YouTube này để nghe đọc các bài cảm nhận về âm nhạc (phân tích ý nghĩa, hoàn cảnh sáng tác, tiểu sử ca nhạc sĩ): LINK YOUTUBE  < Click

Việc gặp gỡ Phạm Thiên Thư trên con đường âm nhạc của mình, đối với Phạm Duy, như một mối duyên định mệnh, ảnh hưởng sâu sắc đến tâm thức âm nhạc của ông.

Ông từng chia sẻ: “Khi tôi gặp thi sĩ Phạm Thiên Thư (cựu tu sĩ, pháp danh Tuệ Không) vào năm 1971 là tôi như thoát xác, vượt ra khỏi những đắng cay, chán chường và bế tắc của Tâm ca, Tâm phẫn ca, Vỉa hè ca… Tôi muốn tạm bỏ việc xưng tụng cái nhất thời để tìm về cái muôn đời, nghĩa là tạm bỏ việc soạn nhạc nhân hòa để soạn nhạc nhiên hoà, tạm bỏ soạn nhạc tình cảm, xã hội để soạn nhạc tâm linh…”.

Phạm Thiên Thư thì bộc bạch: “Tôi gặp nhạc sĩ Phạm Duy như một ngọn núi gặp một đám mây”, và cũng không ít lần, Phạm Thiên Thư thừa nhận, ông vô cùng bất ngờ khi nghe những ca khúc Phạm Duy phổ nhạc từ thơ ông. Âm nhạc phiêu lãng, bay bổng của Phạm Duy đã nâng thơ Phạm Thiên Thư lên một tầm vóc cao hơn và cũng đời hơn.

Khi chọn phổ nhạc bài thơ Thoáng Hương Qua (có nơi ghi là Một Thoáng Hương Qua) của thi sĩ Phạm Thiên Thư thành ca khúc mang tên Em Lễ Chùa Này, nhạc sĩ Phạm Duy nói bài thơ này được chọn là vì “cả hai chúng tôi đều muốn quay về xưng tụng những gì thuộc về văn minh Việt Nam, như ngôi chùa cổ ở miền Bắc là nơi lúc còn nhỏ tôi thấy đôi kẻ tình nhân thường hẹn nhau tới dâng hương cầu nguyện…”

Bởi lẽ cả hai ông đều có chung những ký ức tuổi thơ êm đềm ở những vùng quê Bắc Bộ trước khi Nam tiến.

Bài thơ Thoáng Hương Qua – Nhân chứng cho mối tình buồn và thánh thiện nơi cổng chùa

Với gia tài thơ ca đồ sộ, những bài thơ tình lay động tâm can và cuộc đời có tới 3 người vợ, hẳn ít ai biết rằng Phạm Thiên Thư đã có gần 10 năm xuống tóc đi tu trước khi lăn lộn vào đời.

Theo lời kể của Phạm Thiên Thư, năm 1954, khi ông 14 tuổi, từ quê nhà Hải Phòng, ông cùng gia đình di cư vào Sài Gòn. Sau khi học xong Tú tài, Phạm Thiên Thư theo học tại trường Phật học Vạn Hạnh và xuống tóc đi tu vào năm 1964. Trong thời gian tu học tại chùa từ 1964 – 1973, ông vô tình chứng kiến mối “hương tình” của một chú tiểu trong chùa và một cô bé Phật tử. Nhưng tình yêu chưa kịp đơm bông, nở nhuỵ, thì cô bé qua đời, cảm xúc trước hoàn cảnh bi thiết đó, ông đã viết bài thơ Thoáng Hương Qua.

Cũng theo lời kể của nhà thơ thì cả chú tiểu và cô bé Phật tử khi đó mới chỉ chừng 15-16 tuổi. Cô thường xuyên lui tới chùa nghe chú tiểu tụng kinh, đánh chuông. Họ đứng gần nhau và cùng lặng im đọc kinh, cầu nguyện:

Ðầu xuân em lễ chùa này
Có búp lan vàng khép nép
Vườn trong thoáng làn hương bay
Bãi sông lạc con bướm đẹp

Vào hạ em lễ chùa này
Trên đồi trái mơ ửng chín
Lò hương có làn trầm bay
Vờn trên bờ tóc bịn rịn

Giữa thu em lễ chùa này
Lầu chuông có con chim hót
Tiếng ca theo làn gió may
Lá vàng sương gieo nhẹ hạt

Sang đông em lễ chùa này
Ngoài sân có mưa bụi bay
Hắt hiu trong cành gió bấc
Vườn chùa rụng cánh lan gầy

Đúng như tên gọi của bài thơ, trong bốn khổ thơ đầu tiên, tất cả chỉ là “thoáng hương qua”, thanh thanh, dịu dịu. Mối tình chỉ vỏn vẹn đổi trao ở những cái nhìn ngỡ như vô tình. Dường như chưa bao giờ họ nhìn vào mắt nhau, chưa bao giờ trò chuyện, chỉ là những khoảng khắc bất chợt thoáng qua nhau mỗi khi cô gái lên chùa lễ Phật nhưng đã ghi dấu sâu sắc trong lòng.

Có lẽ do ảnh hưởng của tính cách Phật giáo, tình yêu trong thơ Phạm Thiên Thư bao giờ cũng vậy, thanh thoát, kín đáo và thánh thiện vô ngần. Suốt bốn mùa xuân, hạ, thu, đông, ngày qua tháng lại, cô bé vẫn lên chùa lễ Phật, chú tiểu vẫn làm các công việc thường lệ của người tu, tình cảm của họ vẫn chỉ dừng lại ở những cảm xúc đầu tiên từ mùa xuân, không thay đổi, không nhạt đi, cũng không nồng đậm thêm.

Cảnh sắc bốn mùa được miêu tả rõ ràng, sắc nét, như không hề vướng bận hay bị chi phối bởi bất kỳ cảm xúc, tình cảm nào.

Những cô cậu thiếu niên mới ở độ tuổi 15-16 này xưa thường vô cùng nhạy cảm, nhưng cũng rất nhút nhát, nên những mối tình học trò ở độ tuổi này bao giờ cũng ngây thơ, trong sáng, bẽn lẽn, rụt rè vô cùng. Hoàn cảnh của đôi nam nữ trong bài thơ còn ngặt nghèo hơn, vì nơi họ gặp gỡ là chốn thiền môn, chàng trai còn là một chú tiểu đang tu học tại chùa. Dù giữa họ có xao động thì việc thể hiện tình cảm hay gần gũi là không thể

Tuy nhiên, cảm xúc của bài thơ đã được đẩy lên một nhịp khi cô bé qua đời và được đưa tới an táng tại chùa:

Cuối đông đưa em tới đây
Trong lòng áo quan gỗ trắng
Tóc em tơ óng làn mây
Cội hoa tưởng ai trầm lặng…

Đến tận lúc này, chàng trai mới dám nhìn kỹ cô gái, và nhận ra: “tóc em tơ óng làn mây”. Cô gái đã rời xa cõi thế, nhưng chàng trai cứ ngỡ cô đang say ngủ, đang chỉ nằm im đó “trầm lặng” mà thôi.

Em vừa nằm xuống đất này
Vườn trong có bông đào nở
Con bướm chập chờn hương bay
Quơ sợi râu vàng bỡ ngỡ

Hoa vẫn nở trong vườn chùa, bướm vẫn rập rình bay lượn, chàng trai vẫn mơ hồ, không tin điều vừa xảy ra.

Nắm đất nào vừa lấp mộ
Có con chim hót đầu cành
Tiếng tan trên giòng suối xanh
Nước ơi sao buồn nức nở

Khi mộ vừa mới lấp, tiếng chim hót não lòng đưa tiễn cô như vỡ tan ra hoà cùng tiếng suối chảy. Chàng trai lúc này mới bàng hoàng nhận ra cô gái thực sự đã đi rồi. Cảm xúc vỡ oà, chàng trai thốt lên: “Nước ơi sao buồn nức nở”. Chìm đắm trong dòng cảm xúc sầu muộn, chàng trai thì thầm bên mộ cô gái:
Bây giờ tôi biết em đâu.

Nhưng là người từng được học giáo lý của nhà Phật, hiểu được lẽ thường tình của tạo hoá, chàng trai sực tỉnh:

Cuối vườn nụ mai nhiệm mầu
Vừa thoát làn hương trinh bạch
Em ơi! Mây đã qua cầu…

Chàng biết rằng, duyên phận kiếp này của cô gái có chừng đó thôi, cô đã chuyển kiếp rồi, và “mây đã qua cầu rồi”, hương xuân đã bay đi. Hiểu được điều đó, tâm trạng của chàng trai cũng nhẹ nhàng hơn, mọi u sầu cũng theo đó mà tan đi. Vậy nên dễ hiểu được tại sao, dù viết cho một mối tình tan vỡ, nhà thơ Phạm Thiên Thư lại đặt tựa bài là Thoáng Hương Qua thật nhẹ nhàng, thanh thoát mà không phải là cái tên nào khác. Cái buồn trong bài thơ là cái buồn man mác, buồn mà không bi luỵ, cái vui trong bài thơ ở đoạn đầu cũng là cái vui nhẹ nhàng, vui mà không ồn ã, náo động.

Từ Thoáng Hương Qua đến Em Lễ Chùa Này

Nếu Phạm Thiên Thư chọn thơ 6 chữ khi viết Thoáng Hương Qua, thì khi chuyển thể qua âm nhạc, nhạc sĩ Phạm Duy lại viết lại thành câu 7 chữ. Có thể thấy toàn bộ phần bố cục nội dung, ý nghĩa, hình ảnh trong thơ Phạm Thiên Thư được Phạm Duy giữ lại hầu như nguyên vẹn, ông chỉ sắp đặt lại câu chữ và thay đổi chút ít hình ảnh cho phù hợp với tiết tấu âm nhạc.


Click để nghe Thái Thanh hát Em Lễ Chùa Này trước 1975

Cái khéo léo của vị nhạc sĩ tài năng kia là khi chuyển thơ thành nhạc là đã mang gần như trọn vẹn cái hồn cốt thanh thoát của bài thơ vào trong ca khúc. Nhưng cái tài hoa hơn cả của Phạm Duy là ông đã nâng bài thơ lên, bay bổng hơn và cũng trần thế hơn, đẩy ý thơ của Phạm Thiên Thư tới gần với mỹ cảm của người đời hơn. Có lẽ vì vậy mà không ít người nghe ca khúc Em Lễ Chùa Này  dễ bị “hẫng” khi đọc lại bài thơ gốc, bởi sự nhẹ nhàng, “ảo diệu” của bài thơ.

Cái nhịp vui trầm vừa, dịu dàng ở nửa đầu bài thơ Thoáng Hương Qua của Phạm Thiên Thư đã được Phạm Duy nâng lên một nhịp khi chuyển thành âm nhạc:

Ðầu mùa Xuân cùng em đi lễ
Lễ chùa này vườn nắng tung bay
Và ngàn lau vàng mầu khép nép
Bãi sông bay một con bướm đẹp

Mùa Hạ qua cùng em đi lễ
Trái mơ ngon đồi gió mơn man
Từ lò hương làn trầm nghi ngút
Khói hương thơm bờ tóc em vờn

Rồi mùa Thu cùng em đi lễ
Có con chim đậu dưới gác chuông
Hoà lời ca vào làn sương sớm
Gió heo may rụng hết lá vàng

Vào mùa Ðông cùng em đi lễ
Lễ chùa này một thoáng mưa bay
Và ngoài sân vài cành khô gẫy
Gió lung lay một cánh lan gầy

Với ca khúc, Phạm Duy đã mạnh dạn thay đổi, đã lồng ghép thêm một số ngôn từ náo động hơn, gợi tình hơn như: “tung bay”, “mơn man”, “nghi ngút”, “hoà lời ca”,”lung lay”,…

Trong thơ, Phạm Thiên Thư dùng hình ảnh khói trầm bay “vờn trên bờ tóc”, thì trong nhạc trở thành “bờ tóc em vờn”, chuyển trạng thái của cô gái từ thế bị động sang chủ động.

Tàn mùa Ðông vào chùa bỡ ngỡ
Tiễn đưa em trong áo quan này
Từng cội hoa trầm lặng thương nhớ
Tóc em xưa tơ óng như mây

Vườn chùa đây vào nằm trong đất
Nép bên hoa đây những hoa vàng
Vườn đào thơm chập chờn cánh bướm
Bướm quơ râu ngơ ngác bay ngang

Mộ của em mộ vừa mới lấp
Có con chim nào hót trên cây
Lời của chim chìm vào tiếng suối
Suối xanh lơ buồn khóc ai hoài

Rồi từ đây vườn chùa thanh vắng
Ðến thăm em ngày tháng qua mau
Một nụ mai vừa nở trong nắng
Hỡi em ơi! Mây đã qua cầu
Hỡi em ơi! Mây đã qua cầu…

Ở nửa sau của ca khúc, nỗi u sầu của chàng trai khi cô gái qua đời cũng được đẩy lên cao hơn, dai dẳng hơn. Trong thơ, chàng trai chỉ lấp ló đâu đó, thẫn thờ buồn bã. Còn trong nhạc, hình ảnh chàng trai kề cận tiễn đưa, lộ rõ niềm thương nhớ, buồn khóc bi luỵ xuất hiện với tần xuất dày đặc hơn. Cô gái mất đi rồi thì “vườn chùa thanh vắng” hơn, hay cõi lòng chàng trai hoang lạnh hơn. Và nỗi đau tình đó cũng dằng dai hơn, chàng vẫn thường “đến thăm” cô gái dù “ngày tháng qua mau”.

Ở câu hát cuối cùng: “Hỡi em ơi! mây đã qua cầu” – không phải là lời thì thầm của chú tiểu rằng “Em ơi, mây đã qua cầu”, em ra đi thanh thản nhé… Mà là tiếng gọi lớn của chàng trai si tình: “Hỡi em ơi!”. Tiếng gọi bật thoát ra, không thể kìm giữ được, ủ trong đó là sự luyến tiếc, nhớ thương khôn nguôi của chàng trai dành cho cô gái.

Có thể thấy, cả bài thơ của Phạm Thiên Thư và ca khúc phổ nhạc của Phạm Duy đều hay xuất sắc. Nếu Phạm Thiên Thư đứng ở góc độ của một người từng là tu sĩ suốt gần 10 năm viết thơ tình, thì Phạm Duy đời hơn rất nhiều vì đã trải qua vô số cuộc tình. Nhưng cái hay của Em Lễ Chùa Này cũng là ở đó, Phạm Duy đã khéo léo kết hợp chất men huyền bí của Phạm Thiên Thư, thứ mà ông thiếu vào trong những ca từ bay bổng, lãng mạn của ông.

Ca khúc Em Lễ Chùa Này từ khi ra mắt được rất nhiều nghệ sĩ chọn để thể hiện, nhưng chỉ khi giọng hát mê hồn, thoát tục của Thái Thanh cất lên những lời ca tuyệt đẹp ấy, thì ta mới biết chắc chắn rằng, đây chính xác là một bộ ba hoàn hảo, khó có thể thay thế dành cho ca khúc này: Phạm Thiên Thư – Phạm Duy – Thái Thanh.

Mời các bạn nghe ca khúc Em Lễ Chùa Này qua giọng ca Thái Thanh:


Click để nghe Thái Thanh hát Em Lễ Chùa Này

Bài: Niệm Quân
Bản quyền bài viết của nhacxua.vn

Exit mobile version