ADVERTISEMENT
Nhạc Xưa
  • Trang Chủ
  • Nhạc Xưa
  • Cảm xúc âm nhạc
  • Xuất xứ bài hát
No Result
View All Result
Nhạc Xưa
No Result
View All Result
Home Bài viết Bàn Tròn Âm Nhạc

Ca khúc “Đóa Hoa Vô Thường” và hành trình tìm về cội nguồn tâm thức của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn

2021/04/01
0
Ca khúc “Đóa Hoa Vô Thường” và hành trình tìm về cội nguồn tâm thức của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn


Nghe podcast cảm nhận ca khúc Đóa Hoa Vô Thường

Ca khúc Đoá Hoa Vô Thường được nhạc sĩ Trịnh Công Sơn sáng tác từ khoảng nửa thế kỷ trước, đã được nữ ca sĩ Khánh Ly thu âm trong băng nhạc Hát Cho Quê Hương Việt Nam trước năm 1975. Tuy nhiên, cùng với những biến cố thời cuộc, ca khúc này gần như đã bị quên lãng suốt 20 năm sau đó, cho tới giữa thập niên 1990 mới bắt đầu được hát lại, ở hải ngoại là Khánh Ly, và ở trong nước là Hồng Nhung.

Trong gia tài âm nhạc của Trịnh Công Sơn, bài Đoá Hoa Vô Thường là trường hợp khá đặc biệt. Đây có thể xem là ca khúc có thời lượng dài nhất của tân nhạc (nếu không tính các bản trường ca). Nội dung của Đoá Hoa Vô Thường cũng tách khỏi hoàn toàn ba chủ đề chính trong nhạc Trịnh là Tình Yêu, Quê Hương và Thân Phận. Thoạt nghe qua những lời hát, nhiều người có thể nhầm lẫn đây là một nhạc phẩm mang chủ đề về Tình Yêu bởi những ca từ bay bổng, lãng mạn, thấp thoáng hình ảnh của những đôi trai gái. Tuy nhiên, vượt thoát ra ngoài khuôn khổ của tình yêu, cuộc hành trình của nhạc sĩ họ Trịnh tựa như hành trình đi tìm “chân kinh”. Đó không phải là hành trình dặm trường gió bụi, mà là hành trình tìm kiếm, luận giải và ngộ ra từ trong chính tâm thức của nhạc sĩ.


Click để nghe Khánh Ly hát Đóa Hoa Vô Thường

Lúc sinh thời, khi được hỏi về cảm hứng sáng tác ca khúc này, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã nói:

Sau khi xem loạt tranh thiền về trâu và người tìm trâu, tôi bỗng có cảm hứng viết về một cái gì tương tự như những tranh thiền đó. Và cuối cùng “Đóa Hoa Vô Thường” ra đời. Trong tranh người đi tìm trâu…, trong “Đóa hoa vô thường” tôi đi tìm bóng dáng một con người.

Có thể nói, vì bài hát mang đầy “thiền ngữ” nên không dễ để hiểu nếu chỉ nghe một vài lần thoáng qua. Tuy nhiên người yêu nhạc có thể dễ dàng cảm thấy bị cuốn hút vào những lời hát mênh mông, bay bổng, lãng đãng và xa xăm như những bản du ca kỳ bí và mê hoặc:

Xem bài khác

Những giọng hát tiên phong của nhạc vàng bolero Việt Nam

Tặng “bông” cho ca sĩ/tài tử có từ khi nào?

Tìm em tôi tìm mình hạc xương mai
Tìm trên non ngàn một cành hoa khôi
Nụ cười mong manh, một hồn yếu đuối
Một bờ môi thơm, một hồn giấy mới 

Em là ai? Như thường lệ những bóng hồng trong âm nhạc Trịnh bao giờ cũng được khắc hoạ sơ sài bằng vài ba nét vẽ lớt phớt: mình hạc sương mai, nụ cười mong manh, bờ môi thơm,… Không tên tuổi, không gương mặt, không vóc dáng, không có bất kỳ đặc điểm nhân dạng nào để tìm kiếm. Tất cả chỉ là một hình bóng vu vơ, hư thực. Và Em ở đâu? Nhạc sĩ không biết. Không ai biết cả. Nhưng chắc chắn một điều, hành trình tìm kiếm kia chẳng phải là hành trình đi tìm Tình Yêu, thứ cảm xúc hữu hình với những bản thể hữu hình.

Nhạc sĩ họ Trịnh kia chỉ mượn hình ảnh Em như một phép ẩn dụ để kể về một cuộc hành trình rất khác. Hành trình của những kẻ đi tầm Đạo.

Tìm em tôi tìm, nhủ lòng tôi ơi
Tìm đêm chưa từng, tìm ngày tinh khôi
Tìm chim trong đàn ngậm hạt sương bay
Tìm lại trên sông những dấu hài 

Tìm em xa gần, đất trời rộn ràng
Tìm trong sương hồng, trong chiều bạc mệnh
Trăng tàn nguyệt tận
Chưa từng tuyệt vọng đâu em 

Nhưng cuộc tìm kiếm nào có dễ dàng, rất nhiều lúc mù mịt, khó khăn đến không tưởng: Tìm đêm chưa từng, tìm ngày tinh khôi, tìm chim trong đàn ngậm hạt sương bay, tìm lại trên sông những dấu hài,…

Theo triết lý Đạo Phật, con đường tu đạo là con đường mà mỗi người phải tự mình khai phá, tự mình khai mở trí tuệ, tự mình giác ngộ, không ai có thể cầm tay, dắt đi. Hai câu hát: “Tìm chim trong đàn ngậm hạt sương bay/ Tìm lại trên sông những dấu hài” chính là nói về quan niệm này. Những dấu hài trên dòng sông dù là sông băng rồi cũng sẽ tan đi chẳng thể nhìn thấy, những con chim ngậm hạt sương bay không thể nào thấy được bằng mắt thường, chỉ có thể tìm và thấy bằng một trí tuệ minh mẫn, những trải nghiệm và sự kiên trì:

Tìm trong vô thường có đôi dòng kinh, sấm bay rền vang
Bỗng tôi thấy em dưới chân cội nguồn 

Rồi một ngày, giữa những biến thiên của đời sống vô thường, Tôi đã tìm được Em. Tôi chợt nhận ra, Em nào có ở đâu xa, mà ngay ở “dưới chân cội nguồn”. Những dòng kinh kệ, triết thuyết của những bậc tiền nhân giống như một thứ phương tiện, nhưng mỗi người phải tự học cách để sử dụng những phương tiện đó. Khi một người đã đủ trí tuệ, đủ sự sáng suốt thì những lời kinh kệ đó mới thực sự hữu dụng, mới trở thành tiếng “sấm bay rền vang”, chấn động thân tâm, khai mở trí huệ:

Tôi mời em về đêm gội mưa trong
Em ngồi bốn bề thơm ngát hương trầm
Trong vườn mưa tạnh, tiếng nhạc hân hoan
Trăng vàng khai hội một đóa hoa quỳnh 

Xin được mượn lời tác giả Minh Tuệ Đỗ Minh (trong một bài đăng trên trang Thư Viện Hoa Sen) đã có những diễn giải rất hay về đoạn nhạc này:

“Trong biến thiên không ngừng thay đổi của vạn pháp hữu vi gọi là vô thường, tôi đã thấy được những lời kinh vang lên tiếng vọng sấm sét của người xưa. Giữa những lời kinh đó, tôi đã bất ngờ rung cảm được một đôi dòng chỉ thẳng về phía cội nguồn: “trực chỉ chân tâm”. Tôi thấy em, tôi đã thấy tôi chân thật của chính mình. Tôi trân trọng đảnh lễ cái suối nguồn xưa tinh khôi ấy, như nước mưa cam lồ gội rửa bụi trần, làm trong mát tâm tôi giữa mùi hương trầm bốn phương thơm ngát”.

Thì ra Em chính là cái “chân tâm”, là “Phật tính” ban sơ, thuần khiết, trinh nguyên ở trong Tôi mà Tôi đã lãng quên, đã bỏ bê tự bao giờ:

Từ nay tôi đã có người
Có em đi đứng bên đời líu lo
Từ nay tôi đã có tình
Có em yêu dấu lẫy lừng nói thưa 

Từ em tôi đã đắp bồi
Có tôi trong dáng em ngồi trước sân 

Những lời ca hân hoan, reo ca, đầy xúc động giữa cung nhạc véo von đẩy người nghe vào một trạng thái bay bổng, lâng lâng khó tả. Bao nhiêu năm tháng, Tôi ngụp lặn trong đời sống với những ham mê, vọng tưởng, tranh đua, sầu khổ. Tôi quên mất Em nhưng giờ Tôi đã lại thấy Em, giống như một người bạn cũ lâu ngày gặp lại, tâm hồn Tôi được hồi sinh, tình yêu trong Tôi được hồi sinh. Tôi hân hoan đón nhận, reo ca rộn rã, thẳng thớm đứng lên “bên đời líu lo”, “lẫy lừng nói thưa”, và lại miệt mài vun xới, “đắp bồi” để Tôi có thể trở lại là Em, trở lại với suối nguồn trinh nguyên và ban sơ của chính Tôi.

Để rồi, một ngày, Tôi và Em, tuy hai mà một, hoà hợp cùng nhau, thẳng tiến trên một hành trình duy nhất. Hành trình của những kẻ du ca, rao giảng những lời kinh:

Mùa đông cho em nỗi buồn
Chiều em ra đứng hát kinh đầu sông
Tàn đông con nước kéo lên
Chút tình mới chớm đã viên thành 

Từ nay anh đã có người
Biết ơn sông núi đáp đền tiếng ca
Mùa xuân trên những mái nhà
Có con chim hót tên là ái ân 

Sen hồng một nụ, em ngồi một thuở
Một thuở yêu nhau có vui cùng sầu
Từ rạng đông cao đến đêm ngọt ngào 

Sen hồng một độ, em hồng một thuở xuân xanh
Sen buồn một mình
Em buồn đền trọn mối tình 

Một chiều em đứng cuối sông
Gió mùa Thu rất ân cần
Chở lời kinh đến núi non
Những lời tình em trối trăng

Một thời yêu dấu đã qua
Gót hồng em muốn quay về
Dù trần gian có xót xa
Cũng đành về với quê nhà 

Hành trình du ca của người nghệ sĩ mang “chân tâm”, mang những tâm nguyện hướng thiện không bắt đầu từ mùa Xuân mà bắt đầu từ một mùa Đông buồn, nghiệt ngã và lạnh lẽo. Vòng quay thời gian chậm rãi rời đi từ Đông sang Xuân, từ Xuân sang Hạ, rồi đến Thu. Trạng thái cơ thể và tinh thần, không gian, thời gian cũng theo đó mà chuyển đổi không ngừng: đứng rồi ngồi, vui rồi sầu, đầu sông, cuối sông, viên thành rồi lại trối trăn, quay về,…

Toàn bộ đoạn hát là những ca từ bay bổng, lãng đãng, vừa ẩn mật, vừa mơ hồ như sương như khói thật khó để lý giải cặn kẽ nhưng vẫn cuốn hút, mê hoặc, truyền cảm đến kỳ lạ. Một chút buồn, một chút tâm tư, một chút xót xa, bịn rịn khi chia ly, khi trối trăng nhưng không hề sầu muộn, bi luỵ mà an nhiên, tĩnh tại đến lạ kỳ. Có lẽ bởi người nhạc sĩ đã hiểu, đã chấp nhận sự vô thường của đời sống, chấp nhận Đến và Đi, Hội Ngộ và Chia Ly như một lẽ thường? Chấp nhận và chuẩn bị cho những sự hoán đổi khác vào đời sống:

Từ đó trong vườn khuya
Ôi áo xưa em là
Một chút mây phù du
Đã thoáng qua đời ta 

Từ đó trong hồn ta
Ôi tiếng chuông não nề
Ngựa hí vang rừng xa
Vọng suốt đất trời kia 

Từ đó ta ngồi mê
Để thấy trên đường xa
Một chuyến xe tựa như
Vừa đến nơi chia lìa 

Từ đó ta nằm đau
Ôi núi cũng như đèo
Một chút vô thường theo
Từng phút cao giờ sâu 

Từ đó hoa là em
Một sớm kia rất hồng
Nở hết trong hoàng hôn
Đợi gió vô thường lên 

Từ đó em là sương
Rụng mát trong bình minh
Từ đó ta là đêm
Nở đóa hoa vô thường… 


Click để nghe Hồng Nhung hát Đóa Hoa Vô Thường

Thiền sư Thích Minh Niệm (tác giả cuốn sách Hiểu Về Trái Tim) đã có những lời dẫn giải giúp người nghe hiểu rõ hơn về ca khúc Đóa Hoa Vô Thường như sau:

“Đóa hoa nào rồi cũng sẽ tàn phai theo lẽ tự nhiên vô thường của trời đất. Em cũng vậy, em cũng vô thường, hình hài, ý niệm, cảm xúc, vết thương và cả linh hồn của em nữa, đâu có cái gì là giữ nguyên một trạng thái cố định ở trong trời đất này đâu. Và chính tôi cũng vậy, cái thấy của tôi về em cũng không thể nào là bất di bất dịch. Nhưng mà đóa hoa vô thường thì nó sẽ tái sinh, làm thân, làm lá, làm nụ, làm hoa cho kiếp mới, còn em, em vô thường rồi em sẽ đi về đâu? Em tan vào tôi, em tan vào tất cả mọi người. Em tan vào vạn sự vạn vật xung quanh em, tan từ trong quá khứ, tan trong từng khoảnh khắc của hiện tại, và cả trong tương lai nữa. Cho nên nếu như em có thể chấp nhận được, thân mạng của em không chỉ gói gọn trong hình hài, trong linh hồn bé nhỏ này, mà nó còn là tất cả những gì ở ngoài kia đang không ngừng diễn ra và nuôi dưỡng em, thì em sẽ vượt thoát được vô thường, em sẽ không còn sợ vô thường nữa. Em sẽ thấy mình luôn có mặt khắp muôn nơi, và đó chính là pháp thân của em, là bản thể chân thật của em. Vậy thì tìm em, tôi nên tìm một đóa hoa vô thường, hay tôi nên đi tìm một đóa hoa chân thường?” 

Trong một bài phỏng vấn lúc gần cuối đời, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn từng nói:

“Tôi đang cố gắng quên Phật Giáo như một tôn giáo. Tôi muốn đó là thứ triết học siêu thoát mà ai cũng cần phải học, ngay cả những người thuộc tôn giáo khác. Mỗi người phải nỗ lực để xây dựng cho bằng được một ngôi chùa tĩnh lặng trong lòng mình và nuôi lớn Phật tính trong chính bản thân thành một tượng đài vững chắc. Nó sẽ giúp cho ta nhìn thế giới khác đi, nhìn cuộc sống khác đi. Với tôi, Phật Giáo là một triết học làm cho ta yêu đời hơn chứ không phải làm cho ta lãng quên cuộc sống.”

Đoá Hoa Vô Thường cũng là một nhạc phẩm như vậy, dù nghiêng nhiều về triết lý thiền môn, nhưng nội dung không hề “lánh đời”, “ẩn dật” mà lộng lồng những ý niệm hài hoà với đời sống. Một đời sống vô thường nhưng đầy sắc màu và cung bậc, tràn ngập tình yêu thương.

Bài: Niệm Quân
Bản quyền bài viết của nhacxua.vn

Tags: trịnh công sơn
ShareTweetPin

Xem bài khác

Câu chuyện chưa kể về nàng Diễm trong 2 ca khúc Diễm Xưa và Hạ Trắng (nhạc sĩ Trịnh Công Sơn)
Bàn Tròn Âm Nhạc

Câu chuyện chưa kể về nàng Diễm trong 2 ca khúc Diễm Xưa và Hạ Trắng (nhạc sĩ Trịnh Công Sơn)

Mối tình của nhạc sĩ họ Trịnh với nàng thơ xứ Huế (thực ra là gốc Bắc) tên là Ngô...

by admin
March 28, 2024
Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn và những lần trả lời phỏng vấn
Bàn Tròn Âm Nhạc

Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn và những lần trả lời phỏng vấn

Sau đây, mời các bạn đọc lại những bài phỏng vấn nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Đó có thể chỉ...

by admin
October 25, 2023
Tìm hiểu ý nghĩa ca khúc “Vết Lăn Trầm” của Trịnh Công Sơn
Xuất xứ bài hát

Tìm hiểu ý nghĩa ca khúc “Vết Lăn Trầm” của Trịnh Công Sơn

Chủ nghĩa hiện sinh du nhập vào Việt Nam mạnh mẽ từ những năm thập niên 1960, ảnh hưởng cả...

by admin
July 17, 2023
Cảm xúc khi nghe Chiếc Lá Thu Phai của Trịnh Công Sơn
Cảm xúc âm nhạc

Cảm xúc khi nghe Chiếc Lá Thu Phai của Trịnh Công Sơn

Không biết tự bao giờ tôi có thói quen ngồi một mình, lặng đi trước những ca khúc của Trịnh....

by admin
June 22, 2023
Chuyện đời thực của Khánh Ly và Trịnh Công Sơn, từ sân trường Văn Khoa trở thành đôi nghệ sĩ huyền thoại
Bàn Tròn Âm Nhạc

Chuyện đời thực của Khánh Ly và Trịnh Công Sơn, từ sân trường Văn Khoa trở thành đôi nghệ sĩ huyền thoại

Hơn 60 năm đã trôi qua kể từ ngày những bản Trịnh ca đầu tiên ra mắt công chúng, chưa...

by admin
June 25, 2022
Sự hiện diện của danh ca Thanh Thúy trong nhạc Trịnh: Ướt Mi, Thương Một Người
Bàn Tròn Âm Nhạc

Sự hiện diện của danh ca Thanh Thúy trong nhạc Trịnh: Ướt Mi, Thương Một Người

Nữ danh ca Thanh Thúy là một trong những ca sĩ nổi tiếng của dòng nhạc vàng, hát nhạc vàng...

by admin
June 22, 2022

Tags

anh bằng anh việt thu châu kỳ chế linh duy khánh giao tiên hoài linh hoàng nguyên hoàng oanh hoàng thi thơ hoàng trang huỳnh anh khánh ly lam phương lê dinh lê minh bằng lê thương lê uyên phương lệ thu minh kỳ mạnh phát nguyễn tất nhiên nguyễn văn đông ngân giang ngô thụy miên ngọc lan như quỳnh phạm duy phạm đình chương saigon collection song ngọc thanh sơn thanh thúy thái thanh tiểu sử ca sĩ tiểu sử nhạc sĩ trúc phương trường sa trầm tử thiêng trần thiện thanh trịnh công sơn từ công phụng văn cao vũ thành an y vân
Liên hệ Ban Biên Tập

bbt@nhacxua.vn

DMCA.com Protection Status

No Result
View All Result
  • Trang Chủ
  • Nhạc Xưa
  • Cảm xúc âm nhạc
  • Xuất xứ bài hát

© 2020 NhacXua.VN - Nhạc Xưa Thời Báo.