Ca khúc Đêm Xuân (Dạ Khúc) và chuyện tình Phạm Duy – Thái Hằng

Những ca khúc tân nhạc viết về Mùa Xuân được sáng tác vào đầu những năm 1950 vốn không phải là ít, nhưng để những tác phẩm của giai đoạn này vẫn được phổ biến và quen thuộc với công chúng cho đến tận ngày nay là điều rất khó, vì nó còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Đêm Xuân (Dạ Khúc) của Phạm Duy là một trong những tác phẩm như vậy, không có quá nhiều người biết về ca khúc này ngoài những thính giả lâu năm.

Nếu bạn là người yêu thích nhạc xưa, hãy theo dõi kênh YouTube này để nghe đọc các bài cảm nhận về âm nhạc (phân tích ý nghĩa, hoàn cảnh sáng tác, tiểu sử ca nhạc sĩ): LINK YOUTUBE  < Click

Danh ca Thái Hằng là “bóng hồng” xuất hiện trong bài hát, và cũng là người đầu tiên thu âm Đêm Xuân năm 1951 (nghe nhạc ở cuối bài viết này), sau đó sang thập niên 1960 thì có thêm Thái Thanh, Mai Hương, Thanh Lan, còn về sau thì rất hiếm người hát lại.

Bài hát này thường được biết tới với cái tên Đêm Xuân Dạ Khúc, tuy nhiên tên chính thức được ghi trong tờ nhạc phát hành năm 1953 là Đêm Xuân (Dạ Khúc), nghĩa là bài hát này có 2 tên: Đêm Xuân, hoặc Dạ Khúc.

Đêm Xuân (Dạ Khúc) được nhạc sĩ Phạm Duy sáng tác vào năm 1949, ngay sau cưới nữ ca sĩ Thái Hằng, và là ca khúc “Xuân ca” đầu tiên của ông. Trong hồi ký, nhạc sĩ nói về ca khúc này như sau:

“Tôi soạn bài xuân ca đầu tiên là ĐÊM XUÂN để tặng cho người vợ yêu quý vừa kết hôn là Thái Hằng. Bài này đậm đà, thắm thiết, chứa chan hạnh phúc. Trong sáng tác, đây là lần thứ sáu tôi nói tới cây đàn. Bây giờ là tiếng đàn báo tin Xuân đã về và hạnh phúc đã tới”

Trong tờ nhạc của nhà xuất bản Tinh Hoa, tác giả cho biết ca khúc này thuộc “chuyện ca Khối Tình”, vậy rất có thể đây chính là tiền truyện của ca khúc Khối Tình Trương Chi mà Phạm Duy đã sáng tác 4 năm trước đó. Điều đó là có cơ sở vì một lần nữa hình ảnh nàng Mỵ Nương lại xuất hiện trong tác phẩm này, có thể chàng nhạc sĩ Phạm Duy đã so sánh hình ảnh người yêu là Thái Hằng với nàng công chúa trong tích xưa, và nàng Mỵ Nương đã mê đắm tiếng đàn của chàng Trương Chi cũng giống như Thái Hằng mến tài âm nhạc của Phạm Duy, như trong hồi ký ông đã viết :

“Đến với Thái Hằng, tôi còn có một ưu điểm mà người khác có thể không có, đó là cái tài mọn của tôi trong âm nhạc. Tài nghệ nhỏ nhoi này cũng đã được nhiều người công nhận, từ Tướng Tư Lệnh Nguyễn Sơn rất giỏi về văn nghệ, qua những nhà văn hoá lão thành như Đặng Thái Mai, Nguyễn Đức Quỳnh… tới đông đảo quần chúng là bộ đội hay dân quê nhưng nó chỉ xuyên qua loại nhạc hùng có ích lợi cho kháng chiến mà thôi. Tôi gọi đó là cái tài hùng (!) Riêng đối với Thái Hằng , bây giờ tôi trổ luôn cái tài hèn ra là việc soạn nhạc tình và soạn lời Việt cho nhạc cổ điển.”

Trước khi gặp nhạc sĩ Phạm Duy, ca sĩ Thái Hằng đã trải qua một lần mất mát, khi người yêu là Trần Văn Nhung đã hy sinh năm 1945 trong cách mạng tháng 8, để lại người yêu vừa tròn 18 tuổi cùng mối tình dang dở. Mấy năm sau đó, Thái Hằng vẫn không quên được tình đầu và lúc nào cũng mang nặng một mối sầu. Nhạc sĩ Phạm Duy biết hết những điều đó, và ông đã an ủi nàng bằng tiếng đàn như ông viết trong hồi ký như sau:

“Thái Hằng có một giọng hát rất dịu dàng, hiền hoà, hợp với tính tình của nàng. Tôi đệm đàn cho Thái Hằng hát những bài hát tiền chiến trong đó có một bài hát của Lương Ngọc Châu nhan đề Ải Mai Pha rút ra từ một vở tiểu-ca-kịch nào đó của nhạc sĩ này. Đây là lời than khóc của một thiếu nữ trước cái chết của vị hôn phu mang tên là Đoàn Thăng. Bài hát phản ánh rất trung thực tâm hồn của Thái Hằng lúc đó :

Từng đoàn quân kéo lên chốn biên thùy
Chàng Đoàn yêu dấu nay đã qua đời.
Buồng hồng tang vắng
Lệ nồng khăn trắng, oán hoài.

Dù chàng đã thác em vẫn một lòng
Bền lòng trinh tiết cho xứng danh chàng…”

Sau khi giúp Thái Hằng trút hết những tâm sự buồn qua bài hát nơi buồng hồng tang vắng và có lệ nồng khăn trắng này, chàng nhạc sĩ phải nhờ đàn chim thay mặt báo tin cho nàng rằng: Xuân đã về trong giấc mộng… Nàng cứ việc yêu câu hát buồn đang lả lướt trong màn trăng, nhưng xin nàng hãy yêu luôn cả trời thanh vắng đã đón đưa tới “chàng”, về bên một hạnh phúc mới để quên đi nỗi buồn quá khứ. Đó là ý nghĩa của đoạn đầu bài Đêm Xuân:

Ðêm qua say tiếng đàn
Ðôi chim uyên tới giường
Chim báo tin Xuân đã về trong giấc mộng

Em yêu câu hát buồn
Lả lướt trong màn trăng
Yêu trời thanh vắng đón đưa em tới chàng
Hồn em chùng đêm tối
Tình em còn chơi vơi
Lòng em yêu rồi xin đừng nhạt phai
Ðừng nhạt phai…

Câu hát như lời an ủi của “chàng” đối với “nàng” trong sự mất mát trước đó, cuộc tình dầu chưa biết sẽ về đâu, nhưng nếu như lòng đã yêu thì xin hãy đừng nhạt phai.

“Chưa quen nhau lúc đầu
Em nghe theo tiếng sầu
Ôi khúc ca nuôi mối tình muôn sắc màu”

Nếu ở đoạn 1 của bài hát là lời an ủi và động viên, thì ở đoạn 2 này có sự bỡ ngỡ lúc ban đầu. Có lẽ là giai đoạn này họ chưa biết quá rõ về nhau, cũng giống như Mỵ Nương chỉ mê đắm tiếng đàn mà chưa biết dung mạo chàng Trương, nên nàng cũng chỉ biết nghe theo tiếng sầu của khúc đàn. Nhưng rồi như có một phép màu đã làm nàng thức tỉnh và say đắm.

“Em phôi pha tháng ngày
Vì lúc trăng về đây
Vắng đàn đêm ấy
Đã ru trái tim này”

Khúc hát và tiếng đàn đã nung nóng trái tim dường như đã nguội lạnh từ lâu của nàng sau cuộc tình buồn trước đó. Trong hồi ký Phạm Duy viết rằng:

“Trong những bài hát của tôi soạn ra từ trước tới nay, đây là lần thứ sáu tôi nói tới cây đàn. Khi trước là cây đàn bỏ quên côi cút, là tiếng đàn tôi, tiếng đàn chết chóc trên đường dương thế xa vời, là tiếng đàn trầm vô tư bên chiếc cầu biên giới, là cung đàn thờ ơ của tình kỹ nữ hay là cung đàn Nam Thương, Nam Ai thở than của khối tình Trương Chi. Bây giờ là tiếng đàn báo tin Xuân đã về và hạnh phúc đã tới. Tiếng đàn đêm ấy sẽ ru trái tim này.”

“Hồn em tìm nương náu
Tình em chờ thương đau
Lòng em chưa tàn
Xin đừng phụ nhau
Đừng phụ nhau .”

Hồn nàng đã trở lại tìm nơi nương tựa, và tình yêu của nàng đang tìm chỗ trú ẩn tránh thương đau, lòng nàng cũng đã trở lại và rồi câu kết như nhắc nhở cả hai: Xin đừng phụ nhau.

Nếu trong tích xưa, khi biết sự thật về chàng Trương thì Mỵ Nương đã ruồng bỏ chàng dẫn đến uất hận và qua đời. Khác với cuộc tình thương đau đó, Thái Hằng – Phạm Duy thành hôn năm 1949 và đã đi cùng nhau đến hết chặng đường còn lại của cuộc đời, vượt qua bao sóng gió và được xem là một trong những cuộc tình đẹp nhất của làng văn nghệ (dù sau đó gia đình cũng đã trải qua không ít sóng gió).

Sau đây, mời các bạn nghe lại Đêm Xuân Dạ Khúc, bản thu đầu tiên năm 1951, ban nhạc Võ Đức Thu với giọng ca Thái Hằng, là nguyên mẫu của bài hát:


Click để nghe

Bài: Nguyễn Thanh Phong
Biên tập: Đông Kha
Bản quyền bài viết của nhacxua.vn

Exit mobile version