Ca khúc “Để Gió Cuốn Đi” của Trịnh Công Sơn: “Sống trong đời sống cần có một tấm lòng…”

Trong số các bài hát nổi tiếng của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, có lẽ ai cũng biết đến Để Gió Cuốn Đi – một ca khúc thường được hát nhiều trong các dịp tổng kết chiến dịch từ thiện của các tổ chức, với lời hát như sau:

Nếu bạn là người yêu thích nhạc xưa, hãy theo dõi kênh YouTube này để nghe đọc các bài cảm nhận về âm nhạc (phân tích ý nghĩa, hoàn cảnh sáng tác, tiểu sử ca nhạc sĩ): LINK YOUTUBE  < Click

Sống trong đời sống cần có một tấm lòng
để làm gì em biết không?
Để gió cuốn đi…

Chỉ qua 3 câu hát ngắn này, chúng ta đã có được một bài học to lớn ở đời, sống với nhau với tấm lòng, sống tử tế với nhau ở đời. Đó là những câu hát thật bình dị, chân chất, không cao siêu hoa mỹ ngôn từ, nhưng dễ đi vào lòng người, và ở lại rất lâu…


Click để nghe Khánh Ly hát Để Gió Cuốn Đi

Câu hát “để gió cuốn đi” này từng gây ra một tranh luận nhỏ về ý nghĩa của nó. Lâu nay người ta vẫn hiểu ý nghĩa rằng “để gió cuốn đi” nghĩa là “sự quên đi” khi ta làm một việc thiện xuất phát ở lòng từ tâm. Để gió cuốn đi vào quên lãng, không cần nhắc tới, không cần ai biết để làm gì…

Tuy nhiên cũng có người nói rằng làm việc tốt mà lại để đi vào quên lãng, không ai biết tới thì thật lãng phí. Lòng tốt, sự yêu thương cần sự lan tỏa để nhiều người biết đến và hưởng ứng. Cũng như trong tự nhiên, hạt giống cần gió cuốn đi để lan tỏa, duy trì sự sống, và lòng tốt cũng như vậy.

Có vẻ ý nghĩa mà nhạc sĩ Trịnh Công Sơn thật sự muốn nói tới trong bài hát nghiêng về ý kiến đầu. Đó là: có một tấm lòng dù không làm gì cả, chỉ là để gió cuốn đi.

Trong cuốn băng 50 Năm Đời Vẫn Hát mà ca sĩ Khánh Ly thực hiện hồi thập niên 1990, có phần đối thoại sau đây:

Khánh Ly: Thưa anh Trịnh Công Sơn. Mấy chục năm trước, anh đã nhắc nhớ em: Sống trong đời sống cần phải có một tấm lòng, dù không làm gì cả, dù chỉ để gió cuốn đi. Hôm nay sau gần 20 năm anh em gặp lại, ở một nơi không phải là quê hương của mình, em thật sự muốn biết đối với anh điều gì quan trọng nhất?

TCS: Tấm lòng. Và tất cả từ ngàn xưa cho đến ngàn sau, (…) sống có một tấm lòng, sống tốt với nhau… sống tử tế với nhau. Tử tế là anh phải có một tấm lòng đối với người khác, nếu anh không có tấm lòng thì anh không thể nào tồn tại trong cuộc sống này cả.

Tuy 2 ý kiến đã nhắc tới ở trên có vẻ đối nghịch nhau, nhưng nếu xem xét lại, thì vẫn có thể bổ trợ cho nhau. Ta làm việc tốt một cách vô tư và vô vụ lợi, tấm lòng đó để gió cuốn đi xa. Để rồi gió cuốn đi cũng có thể là gió vô tình loan tỏa tình yêu thương đến những người xung quanh, và lòng tốt được nhân rộng, lan tỏa khắp đến mọi người.

Nếu nhìn với ý nghĩa rộng như vậy, thì ca khúc Để Gió Cuốn Đi như là một thông điệp gửi đến mọi người hãy sống chân tình với nhau, vượt qua căn bệnh vô tâm và thờ ơ giữa người và người. Bài hát được ra đời cách đây vài chục năm, nhưng đến nay dường như vẫn có nguyên giá trị, vì cuộc sống càng tiện nghi, con người lại càng rời xa nhau nhiều hơn.

Tuy nhiên nếu đi sâu vào từng lời hát của bài Để Gió Cuốn Đi, thì dường như đây chỉ là lời sự rất riêng tư và cá nhân về một mối tình đã xa của nhạc sĩ:

Gió cuốn đi cho mây qua dòng sông
Ngày vừa lên hay đêm xuống mênh mông
Ôi trái tim đang bay theo thời gian
Làm chiếc bóng đi rao lời dối gian…

Qua thời gian thì trái tim vẫn đi rao những lời dối gian cho chính mình, nghĩ rằng buồn đau đã thực sự đi vào quên lãng, nghĩ rằng gió có thể thổi cuốn đi hết những muộn phiền, quên đi những sầu não cuộc đời… Nhưng kỳ thực đó chỉ là những lời tự dối lòng mình mà thôi. Gió có cuốn đi, mây có lang thang bao ngày rồi, mà nỗi buồn cuộc tình ngày cũ vẫn còn buốt trái tim:

Những khi chiều tới cần có một tiếng cười
Để ngậm ngùi theo lá bay
Rồi nước cuốn trôi, rồi nước cuốn trôi

Hãy nghiêng đời xuống nhìn suốt một mối tình
Chỉ lặng nhìn không nói năng
để buốt trái tim, để buốt trái tim

Buổi chiều thường gợi đến một điều gì sắp tàn, đưa lòng người vào nỗi cô đơn và quạnh vắng, lúc đó cần có một tiếng cười để làm dịu lòng mình, dù chỉ là để “ngậm ngùi theo lá bay” và “nước cuốn trôi” đi mà thôi. Dù có một chút ngậm ngùi, nhưng lòng vẫn bình yên chấp nhận những gì xảy đến, bởi vì trong cuộc sống rất nhiều khi có những thứ ta không mong muốn, nhưng nó vẫn đến như một định mệnh. Nếu chấp nhận những điều đó như là một điều hiển nhiên, người sẽ thấy cõi lòng được bình an lạ thường.

Trong trái tim con chim đau nằm yên
Ngủ dài lâu mang theo vết thương sâu
Một sớm mai chim bay đi triền miên
Và tiếng hót vang trong trời gió lên

“Con chim” được nhắc đến trong câu hát này là hình tượng của một tình yêu đã ngủ dài lâu trong trái tim người, con chim vốn đã bị hằn lên những vết thương sâu, những dấu tình sầu ngày cũ. Đến nay, khi người đã ngộ ra rằng cần phải giải thoát khỏi những tâm tư trĩu nặng, thả trôi phiền muộn theo gió bay xa, cũng là lúc mà một sớm mai chim được bay đi triền miên và hát vang trong trời gió lộng, lời hát của tình yêu đã bị nén đau ở trong lòng một thời gian quá dài. Khi đã buông bỏ được, người sẽ thấy lòng bình yên, đó là triết lý của nhà Phật tuy rất giản đơn nhưng mấy người có thể ngộ được?

Hãy yêu ngày tới dù quá mệt kiếp người
Còn cuộc đời ta cứ vui
Dù vắng bóng ai, dù vắng bóng ai…

Dù cuộc sống có mỏi mệt, thậm chí là có nghiệt ngã, thì còn cuộc đời ta hãy cứ vui. Đó là lời tự nhủ của nhạc sĩ họ Trịnh, và người nghe nhạc nào cũng cảm thấy rằng lời khuyên đó cũng dành cho chính mình. Vẫn hãy cứ yêu người, yêu đời, dù vắng bóng ai, dù tình yêu không được đáp lại, thì vẫn hãy cứ yêu, vì không phải chỉ yêu để cho người, mà là còn yêu cho chính mình. Vì suy cho cùng, tình yêu là thứ duy nhất có ý nghĩa vĩnh cửu ở trên đời này.

Như vậy có thể thấy, bài hát Để Gió Cuốn Đi vốn là lời tự nhủ, tự sự, tự khuyên mình của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, nhưng 3 câu đầu tiên của bài hát, dù rất giản đơn, nhưng lại có ý nghĩa thật rộng lớn về tấm lòng ở đời. Vì nếu ai cũng làm theo, cũng đều có một tấm lòng với niềm vô vụ lợi, và lan tỏa được yêu thương, thì cuộc sống này đã tốt đẹp lên biết bao nhiêu lần rồi.

Bài: Đông Kha
Bản quyền bài viết của nhacxua.vn

Exit mobile version