Ca khúc Chú Cuội (nhạc sĩ Phạm Duy) – Chuyện tình nàng tiên nga trong một đêm trăng rằm

Vào thuở đầu tân nhạc, Trung Thu và trăng rằm là một trong những chủ đề được các nhạc sĩ nổi tiếng sáng tác, dù hiếm nhưng cũng có một số ca khúc là Chú Cuội (nhạc sĩ Phạm Duy), Thằng Cuội (nhạc sĩ Lê Thương), sau đó còn có Chị Hằng (nhạc sĩ Minh Kỳ), và phổ biến nhất có lẽ là Rước Đèn Tháng Tám (nhạc sĩ Vân Thanh) đã được nhiều thế hệ thiếu nhi biết đến và yêu thích đến tận ngày nay.

Nhắc đến Trung Thu, không thể không nhắc đến nhân vật chú Cuội, một biểu tượng quen thuộc trong đêm trăng rằm tháng tám. Với nhạc sĩ Phạm Duy, hình ảnh Cuội ngồi gốc cây đa không chỉ là hình tượng trong truyện cổ tích, mà ông còn liên tưởng tới mối tình của chú Cuội cùng nàng tiên nga nơi cung Hằng.

Chú Cuội của Phạm Duy không giống với Thằng Cuội của Lê Thương cả đời phải “ôm một mối mơ”, và cũng không có một kết thúc buồn như trong tích xưa.

Nhạc Phạm Duy đã sáng tác ca khúc mang tên Chú Cuội vào năm 1949, vào lúc chuyện tình của ông với nữ danh ca Thái Hằng đã tròn ước nguyện, là năm họ trở thành vợ chồng. Thái Hằng chính là nguyên mẫu cô Hằng trong ca khúc Chú Cuội, và cũng trong nhạc phẩm này, nhạc sĩ Phạm Duy đã tự ví mình là Cuội. Trong tờ nhạc bài Chú Cuội xuất bản đầu thập niên 1950 tại Sài Gòn, nhạc sĩ Phạm Duy ghi lời đề tựa là “Tặng Chị Hằng”, thể hiện sự trân trọng, thương yêu của ông đối với vợ.

“Trăng soi sáng ngời
Treo trên biển trời
Tình ơi

Một đàn con trai
Rủ đàn con gái
Ra ngồi nhìn trăng

Ra nghe chú cuội
Ngồi gốc cây đa
Cuội ơi

Để trâu ăn lúa
Nhìn mây theo gió
Miệng ca bồi hồi”

Đoạn mở đầu bài hát mô tả hình ảnh ở một vùng quê xưa thanh bình, có đàn em bé trai gái rủ nhau ra ngắm trăng trằm. Trăng sáng ngời đẹp tựa Hằng Nga, cùng với đó là sự xuất hiện của chú Cuội với hình ảnh liên quan đến điển tích đã được nhiều người biết đến trong câu đồng dao quen thuộc:

Chú Cuội ngồi gốc cây đa
Để trâu ăn lúa gọi cha ời ời…


Click để nghe Ái Vân hát Chú Cuội

Ở đoạn bài hát sau đó, chúng ta có thể thấy nhạc sĩ Phạm Duy đã tự ví mình là Cuội để kể chuyện cho đám trẻ nghe về chuyện chú Cuội say mê sắc đẹp của cô Hằng, nguyện lên cung vắng để được ở gần nàng chứ quyết không về lại dương gian:

“Ta yêu cô Hằng
Đêm xưa xuống trần
Nàng ơi

Nàng về dương gian
Tìm người nuôi nấng
Cung đàn Hằng Nga

Xin đôi cánh vàng
Mượn chiếu mây non
Cuội ơi

Cuội theo ánh sáng
Cuội lên cung vắng
Cuội không về làng”

Trong hồi ký của mình, nhạc sĩ Phạm Duy đã nói về ca khúc này như sau: “Ngày xửa ngày xưa, có chú chăn trâu tên là Cuội, ngồi ở dưới gốc đa, mặc kệ cho trâu ăn lúa, chú nhìn mây bay theo gió và xin ai cho mình một đôi cánh vàng, hoặc cho mượn một cái chiếu mây non để chú theo ánh sáng lên cung trăng và không trở về làng nữa. Lý do là vì: Chị Hằng xuống trần để tìm người nuôi nấng cung đàn Hằng Nga. Chú Cuội bị Hằng Nga quyến rũ nên bay lên trời, chứ không phải vì nó mắc tội nói dối rồi bị đầy lên cung trăng”.

“Ánh trăng vàng bên người đẹp yêu chồng
Khúc nghê thường quên đường về dương gian”

Về lại cung Hằng, Hằng Nga và chú Cuội thành đôi và sống những ngày thần tiên, cùng vui tươi ca hát đến quên đường về. Mối tình của họ sáng tỏa như ánh trăng vàng soi chiếu muôn nơi, đến tận cùng cả những tăm tối nơi dương thế:

Ánh trăng vàng, kìa ánh trăng vàng
Đời dương thế có người trong đêm tối
Chờ cao chiếu mối tình của Hằng Nga
Đời đời mọc trăng tơ sáng loá.

Khi lời yêu đã tỏ, cuộc tình nồng thắm, thì đôi uyên ương trở lại về nhà:

“Trăng soi tóc thề
Đưa trai gái về
Tình ơi

Nửa đường thôn quê
Gặp đàn em bé
Hát vè một câu”

Bài hát kết thúc bằng câu chuyện có hậu của chuyện tình Hằng Nga và chú Cuội. Trên đường trở về lại dương thế, họ gặp một đàn em bé ở bên đường thôn quê, hát câu vè ca tụng tình yêu mặn mà:

Câu thơ:
Chú Cuội m
à lấy tiên nga

Cuội ơi
Để Trâu ăn lúa
Ngồi trên lưng gió
Tình yêu mặn mà.”

Hình ảnh “để trâu ăn lúa” thể hiện sự ham chơi của chú Cuội, rất tương đồng với bản tính lãng tử của nhạc sĩ Phạm Duy, ưa thích “ngồi trên lưng gió” và viễn du khắp nơi. Dù là trước hay sau khi lập gia đình, ông vẫn có những chuyến hành trình vạn dặm rong ruổi khắp nơi.


Click để nghe danh ca Thái Hằng hát Chú Cuội từ thập niên 1950

Trong ca khúc này, nhạc sĩ Phạm Duy tự ví mình như chú Cuội, một kẻ phàm phu trần tục, với chủ ý muốn nâng cao hình tượng của vợ mình là Thái Hằng, vốn là một tiểu thư đài các được ví như tiên nga, là người trong mộng của không ít văn nghệ sĩ thời đó ở vùng tản cư Thanh Hóa, nơi gia đình Thái Hằng có quán cafe Thăng Long là địa điểm lui tới quen thuộc của giới tinh hoa trí thức một thời.

Trong hồi ký, nhạc sĩ Phạm Duy kể lại:

“Vào đầu năm 1949, sau khi tất cả mấy anh em Phạm Đình Viêm (tức Hoài Trung), Phạm Đình Chương, Thái Hằng, Băng Thanh (tức Thái Thanh) đã gia nhập các ban văn nghệ quân đội của Liên Khu IV rồi thì hai ông bà Thăng Long cũng rời Chợ Đại di cư vào Thanh Hoá để được sống gần gũi các con.

Hai ông bà tới một nơi gọi là Chợ Neo, cách làng Ngò khoảng vài cây số, thuê lại căn nhà lá của một nông dân tên là Cò Mại và mở một quán phở vẫn lấy tên là Quán Thăng Long.

Chợ Neo là một chợ quê rất bé, trước kia chỉ có lèo tèo vài gian nhà trống dùng làm nơi họp chợ của dân điạ phương, bây giờ thì có thêm khoảng trên hai chục cửa hàng là những túp nhà lá do dân di cư dựng lên. Quán Thăng Long nằm ở ngay trước mặt một ngôi chùa nhỏ, chung quanh chùa có đào nhiều hố tránh máy bay.

Phạm Duy và Thái Hằng (thứ 2,3) từ bên trái sang

Vì cùng là đội viên của đoàn văn nghệ quân đội và vì không có ai là người quyến thuộc cho nên vào những ngày nghỉ, tôi thường hay theo Phạm Đình Viêm và Thái Hằng về chơi quán Thăng Long.

Đã quen biết hai ông bà từ ngày ở Chợ Đại cho nên tôi được ưu đãi. Tôi được ăn uống, nghỉ ngơi và ngủ luôn tại quán, giường ngủ là hai cái bàn trong quán ăn kê xát lại nhau. Cùng với Viêm, Chương, Thái Hằng, Băng Thanh, chúng tôi ngồi đàn hát với nhau suốt ngày hoặc cùng với đội viên của đoàn văn nghệ đóng quân ở gần đây, kéo nhau ra sông máng để tắm táp, bơi lội.

Khi nhìn thấy mấy cô trong đoàn mặc maillot de bain nhảy plongeon xuống nông giang thì bộ đội đi hành quân trên bờ đê đã… điên lên.

Khi còn ở Chợ Đại, tôi cũng thoáng biết tới cô con gái lớn của Quán Thăng Long, được nghe cô đánh đàn guitare hawaiwenne và hát chung với mấy người anh, nhưng lúc đó tôi không năng tới quán ăn này để tán tỉnh nàng – như thường lệ mỗi khi gặp bất cứ người đẹp nào – bởi vì tôi còn đang quá bận bịu với những chuyện vui chơi của tôi.

Vả lại lúc bấy giờ cũng có khá nhiều cây si được trồng tại quán Thăng Long. Các chàng si này, nếu phải mài kiếm dưới trăng để so kiếm, lại toàn là những tình địch trong nghề như Đinh Hùng, Huyền Kiêu, Bùi Xuân Phái, Ngọc Bích…

Thái Hằng (ngoài cùng bên trái)

Vào tới Khu IV, tuy cùng hoạt động chung với nhau trong đoàn văn nghệ, nhưng tôi và Thái Hằng chỉ là hai người bạn đồng đội và sống riêng biệt. Mới đầu tôi chỉ thấy Thái Hằng là người hiền lành, xinh xắn, dễ thương nhưng ít vui và rất hà tiện trong sự biểu lộ tình cảm. Nay được ở gần nàng luôn luôn và vì tôi là người lém lỉnh cho nên nàng không thể im hơi lặng tiếng được nữa. Thế là chuyện này chuyện nọ được trao đi đổi lại như giữa bất cứ một đôi trai gái nào.

(…)

Sau gần sáu tháng đi chung với nhau trong đoàn văn nghệ cũng như ở chung với nhau tại Quán Thăng Long và sau khi đã ôm được nàng vào lòng rồi, tôi chính thức hỏi Thái Hằng làm vợ…”

Nguyễn Thanh Phong – Đông Kha biên soạn
(nhacxua.vn)

Exit mobile version