Ca khúc “Chắp Tay Lạy Người” của nhạc sĩ Trúc Phương – Khi thói đời khinh bạc và tình người đổi thay

Nhạc sĩ Trúc Phương là một trong những nhạc sĩ tiêu biểu nhất của nhạc vàng Việt Nam. Ngoài những ca khúc viết về tình yêu, về tâm sự người lính, ông còn viết nhạc về tình đời và tình người, tiêu biểu nhất là Thói ĐờiChắp Tay Lạy Người.

Nếu bạn là người yêu thích nhạc xưa, hãy theo dõi kênh YouTube này để nghe đọc các bài cảm nhận về âm nhạc (phân tích ý nghĩa, hoàn cảnh sáng tác, tiểu sử ca nhạc sĩ): LINK YOUTUBE  < Click

Trước năm 1975, Chắp Tay Lạy Người đã được ca sĩ Chế Linh thu thanh vào Dĩa Hát Việt Nam, sau đó các nữ ca sĩ Thanh Thúy và Dạ Hương cũng đã thu trong băng cối vào đầu thập niên 1970.


Click để nghe Dạ Hương hát trước 1975

Ca khúc này chất chứa nỗi lòng đau đớn, những ưu tư về tình đời khinh bạc với những câu hát buồn vô bờ bến ngay từ những câu hát đầu tiên:

“Tôi chắp tay xin lạy tôi, lạy người đời, lạy bạn bè, lạy em đã lừa dối.
Tôi xin lạy cơn đau, đi trên vực sâu, nghe buồn gì đâu khi chưa tỏ tình đã nói xa nhau.”

Việc “lạy người đời”, “lạy bạn bè”, “lạy người tình”, và lạy cả những cơn đau sau những gian dối này, đã thể hiện niềm đau xót tột cùng của nhân vật “tôi” trong bài hát. Đỉnh điểm của nỗi đau đó là hình ảnh “Tôi chắp tay xin lạy tôi”. Dường như đó là nỗi đau quá sức chịu đựng đã làm cho thần trí người trở nên điên đảo, chới với giữa những niềm đau, và vì đã quá nhiều lần chịu đau thương nên người trở nên sợ hết tất thảy, sợ đến cả chính mình.

Câu hát “đi trên vực sâu” thể hiện sự chông chênh trên bước đường đời, có lẽ bởi vì người không cảm nhận được tình thân ái nào từ nhân thế, từ bạn bè, và với người tình thì cũng đã xa nhau khi còn chưa kịp có lời bày tỏ.


Click để nghe Chế Linh hát trước 1975

“Tôi chắp tay xin lạy
đêm ngủ thật lạ mà lạnh đầy cô đơn buốt thịt da,
ôm mối tình liêu trai cơn mê vụt trôi xa khỏi tầm tay
để tôi nói ghét người, yêu người.”

Đêm thật lạ, đầy nỗi suy tư, không giống như là nhiều đêm trước, bởi vì người đang thổn thức với niềm cô đơn lạc lõng đến vô cùng khi đã nhận ra rằng cuối cùng thì cuộc tình mơ tưởng bấy lâu chỉ là một làn sương mờ ảo ảnh. Càng cố ôm vào mối tình liêu trai ấy thì càng bẽ bàng, như là cố bắt lấy những hư không của một thứ mộng ảo phù du. Lòng thấy giận người, nhưng càng giận thì càng yêu và không thể nào quên được.

Đoạn nhạc này cho thấy được sự tài hoa của nhạc sĩ Trúc Phương với cách dùng chữ thật tuyệt diệu, chỉ với 4 câu ngắn ngủi nhưng người nghe cảm nhận được sự cô đơn đến lạnh người…

 “Khơi thêm đau vết thương đời mang,
nhớ yêu đương nỗi nhớ bàng hoàng

Bạn thân trở mặt, người yêu xa dấu tay ôm
Lạy người cho tôi biết buồn nên ơn sâu đã thành oán hờn.”

“Vết thương đời mang” đã trở thành sâu sắc, khơi lại chỉ thêm buồn. Người tình thì xa, bạn thân cũng trở mặt. Đoạn nhạc này gợi nhớ đến bài hát nổi tiếng về tình đời – tình người khác cùng của nhạc sĩ Trúc Phương là Thói Đời:Bạn quên ta tình cũng quên ta nên chung thân ta giận cuộc đời”, hoặc trong bài Tự Tình Trong Đêm với câu hát: “Tôi lặng lẽ cúi đầu, cúi đầu. Buồn tình nhân, buồn nhân thế thêm sâu.

Như vậy có thể thấy nỗi đau này của nhạc sĩ là có thật, nỗi đau đã thành những ám ảnh khó quên nên đã nhiều lần xuất hiện trong bài hát, chứ không đơn thuần là nỗi đau thương mơ hồ nào đó được tác giả hư cấu ở trong âm nhạc.

“Lạy người cho tôi biết buồn, nên ơn sâu đã thành oán hờn” – Khi tình đời đổi trắng thay đen, những thân ái ngày cũ càng nhiều thì càng trở thành những oán hờn sâu đậm của hôm nay. Tuy nhiên, người cũng xin lạy tạ ơn những nỗi buồn đó, là những trải nghiệm đã thành bài học khó quên trong đời.

Phiên khúc cuối cùng của ca khúc là lời từ biệt của người để lại. Sau những đau thương, ai cũng muốn quay về với sự bình yên để bước tiếp được trên đường đi tới:

“Tôi chắp tay xin cảm ơn thật vội vàng
để được bình yên trên bước ngựa hoang.
Khi u hoài phôi pha ghi trong bài ca cho người phụ ta
lời tha thiết cũng thành xa lạ.”

Sau những buồn thương dài vô tận, người chỉ còn muốn “bình yên trên bước ngựa hoang”, và trước khi bỏ lại tất cả sau lưng, người muốn gửi lại lời “cảm ơn” đến tình đời – tình người vì những bài học thấm thía ở đời sau khi đã trải qua biết bao nhiêu dập vùi khổ đau. Câu hát này có lẽ cũng đúng với suy nghĩ của nhạc sĩ Trúc Phương, dù trải qua bao nhiêu sóng gió thì ông vẫn không trách oán, nên vào những năm tháng cuối đời, ông đã viết một ca khúc có tựa đề là Xin Cám Ơn Đời, như là lời cám ơn đến những tột đỉnh hạnh phúc và tận cùng nỗi đau mà ông đã đi qua.


Click để nghe Thanh Thúy hát trước 1975

Những ca khúc viết về tỉnh đời như là Chắp Tay Lạy Người, Thói Đời Tự Tình Trong Đêm, dù không phải là những bài nổi tiếng nhất trong sự nghiệp nhạc sĩ Trúc Phương, nhưng lại có ý nghĩa lớn trong cuộc đời của ông, bởi vì trong những ngày tháng cuối đời, ông nhiều lần phải chứng kiến những thói đời khinh bạc và sự bạc bẽo của tình người, giống như chính những lời ca mà người nhạc sĩ tài hoa đã viết ra vào hơn 20 năm trước đó.

Bài: Minh Hiếu – Đông Kha
Bản quyền bài viết của nhacxua.vn

Exit mobile version