Hầu hết những người yêu thơ và nhạc đều biết đến nhạc phẩm Áo Lụa Hà Đông của nhạc sĩ Ngô Thụy Miên phổ thơ Nguyên Sa vào năm 1971. Ca khúc này nhanh chóng được khán giả đón nhận vì giai điệu mượt mà trữ tình, và vì được phổ từ một bài thơ nên ca từ của bài hát rất đẹp.
Nắng Sài Gòn anh đi mà chợt mát
Bởi vì em mặc áo lụa Hà Đông
Anh vẫn yêu màu áo ấy vô cùng
Anh vẫn yêu màu áo ấy vô cùng
Lụa Hà Đông nổi tiếng là đẹp, mỏng mềm mà gợi sự ấm áp. Người thiếu nữ vốn đã đẹp rồi, mặc vào thêm áo lụa Hà Đông càng tăng thêm nét đẹp mềm mại và quý phái. Giữa cái nóng thiêu đốt của Sài Gòn, người thi sĩ chợt trông thấy tà áo lụa được dệt từ nơi quê xa mà từ lâu chưa thể về thăm lại, trong lòng dâng lên một niềm cảm xúc như là chợt có một dòng suối mát tuôn trào, thấy yêu vô cùng màu áo đã gợi lại nỗi nhớ về quê hương, nơi ông từng sống từ thuở bé cho đến năm 16 tuổi rồi du học sang Pháp. Dù có đi xa nơi đâu, nỗi hoài vọng cố quận vẫn luôn ở trong lòng người ly hương.
Nàng thơ của thi sĩ mặc áo lụa của Hà Đông, như khoác lên người cả màu quê hương luôn ở trong tiềm thức, nên vì yêu màu áo lụa mà thấy yêu luôn cả người…
Mà mùa Thu rải nắng ở chung quanh
Linh hồn anh vội vã vẽ chân dung
Bày vội vã vào trong hồn mở cửa
Các thi sĩ thường thích làm thơ ca ngợi mái tóc thề buông xõa bờ vai. Nhưng ở đây lại là “anh vẫn nhớ em ngồi đây tóc ngắn”. Có thể là vì nàng thơ của Nguyên Sa để tóc ngắn đờ-mi, một kiểu tóc thời xưa của các cô gái Sài Gòn tân thời. Ở nơi nàng ngồi luôn có “mùa thu rải nắng ở xung quanh”, vì anh thấy được ở nàng có những hấp lực kỳ diệu để quyến rũ được cả một mùa thu rải nắng. Chữ “rải” thật tuyệt diệu, thể hiện được sự chầm chậm của thời gian trôi qua ở quanh chỗ nàng ngồi, đủ để chàng thi sĩ vội vã vẽ chân dung người bằng những câu từ mỹ tuyệt, vội vã hồn mở cửa để đón “Người Thơ” vào trong vườn thi ca vĩnh cửu.
Em chợt đến chợt đi, anh vẫn biết
Trời chợt mưa, chợt nắng chẳng vì đâu
Nhưng sao đi mà không bảo gì nhau?
Để anh gọi tiếng thơ buồn vọng lại…
Dẫu biết trước rằng em sẽ chợt đến và chợt đi, như là trời Sài Gòn chợt mưa rồi chợt nắng như tính tình con gái, nhưng chàng thi sĩ vẫn trách nhẹ nhàng rằng: “Nhưng sao đi mà không bảo gì nhau?”, nghe như có chút gì đó giận hờn và luyến tiếc. Người nghe cảm nhận được nỗi âu sầu của người ở lại, thương nhớ thẫn thờ và hoài vọng quạnh hiu.
Nàng ra đi mà không bảo gì nhau, để anh bơ vơ với tiếng lòng thê thiết mà chỉ thấy có tiếng thơ buồn vọng lại mà thôi. Lời thơ dịu xoa nỗi cô đơn, thơ an ủi niềm cô quạnh, và khi “tiếng thơ buồn vọng lại” thì biết vọng cho đến bao giờ mới hết được nỗi u hoài này.
Em ở đâu, hỡi mùa Thu tóc ngắn?
Giữ hộ anh màu áo lụa Hà Đông
Anh vẫn yêu màu áo ấy vô cùng
Anh vẫn yêu màu áo ấy vô cùng
Anh vẫn yêu màu áo ấy em ơi,
“Em ở đâu hỡi mùa Thu tóc ngắn?” như là tiếng kêu thương ngơ ngác và thiết tha trước cuộc tình đã chia xa, khiến người ở lại bỡ ngỡ bàng hoàng vì người ra đi không nói một lời nào. Dù đã xa rồi, và dù nàng có ở đâu, lời cuối cùng xin nhắn nhủ là người hãy “giữ hộ anh màu áo lụa Hà Đông”, vì đó là màu áo kỷ niệm thuở còn bên nhau, cũng là màu áo của quê hương mà anh trót mang theo cả đời trong tiềm thức. Điệp khúc được lặp lại: Anh vẫn yêu màu áo ấy vô cùng, như là lời khẳng định vẫn mãi mãi sẽ còn yêu người.
Áo Lụa Hà Đông, cùng với Tuổi Mười Ba và Paris Có Gì Lạ Không Em là bộ 3 ca khúc nổi tiếng mà nhạc sĩ Ngô Thuỵ Miên phổ nhạc từ thơ Nguyên Sa. Dù vẫn còn một vài ca khúc khác nữa, nhưng chỉ với 3 ca khúc này thôi cũng đủ để người yêu nhạc nhắc hoài về sự kết hợp hoàn hảo giữa thơ và nhạc Ngô Thụy Miên và Nguyên Sa.
Click để nghe Duy Trác hát Áo Lụa Hà Đông trong băng nhạc Tình Khúc Ngô Thụy Miên năm 1974
Năm 1998, khi hay tin nhà thơ Nguyên Sa qua đời, nhạc sĩ Ngô Thụy Miên đã nhớ lại:
“Tôi không rõ nhà thơ Nguyên Sa từ Pháp trở về Việt Nam từ năm nào, chỉ biết cùng với nhà thơ Cung Trầm Tưởng, ông đã đem Paris về cho bọn trẻ chúng tôi. Một Paris với hè phố Saint Michel, với sông Seine, tháp Eiffel, những cặp tình nhân, giáo đường sương mù… Cùng một lúc ông đã mang nắng Sài Gòn, lụa Hà Đông và đâu đó bóng dáng Hà Nội vào thi ca Việt Nam của chúng ta một cách thân thiết nhẹ nhàng.
Nhiều người hỏi tôi có quen biết hay có họ hàng với nhà thơ? Như tôi đã nói, chúng tôi không có liên hệ gì ngoài sự cảm thông của hai con người cùng yêu nghệ thuật. Nói rõ hơn, tôi chỉ là một trong hàng triệu người yêu quý thơ ông, một người may mắn có thể gửi lời biết ơn giòng thơ tuyệt vời của ông qua những nốt nhạc giản dị, chân tình.
Cuối năm 1969, khi một số tình khúc của tôi đã được phổ biến rộng rãi trên các đài phát thanh, cũng như trong những đêm sinh hoạt văn nghệ được tổ chức tại nhiều trung tâm văn hoá, hay các giảng đường đại học. Tôi đến với thơ Nguyên Sa, không từ một chọn lựa, mà vì tôi đã nhìn thấy mình trong thơ của ông, đã nghe những rung động thầm kín nhất của tuổi trẻ mình được ông tạo lên bằng những lời thơ ngọt ngào tình tứ, tươi mát. Cũng như bao nhiêu anh em thanh niên sinh viên học sinh của thập niên 60, tôi yêu và thuộc không ít thơ của ông. Nói đến Áo Lụa Hà Đông, có lẽ chúng ta mấy ai không biết:
Nắng Sài Gòn anh đi mà chợt mát
Bởi vì em mặc áo lụa Hà Đông”
Ca khúc Áo Lụa Hà Đông của Ngô Thụy Miên – Nguyên Sa đã gắn liền với tên tuổi của danh ca Duy Trác, và bản thu âm của ông trong băng nhạc Miên Khúc 1974 với phần hoà âm của Văn Phụng đã trở thành một chuẩn mực của dòng nhạc trữ tình. Sau này Duy Trác có kể lại như sau:
“Thi sĩ Nguyên Sa đã có lần nói rằng bài thơ Áo Lụa Hà Đông của ông có một số mệnh rất đặc biệt. Khi bài thơ được nhạc sĩ Ngô Thụy Miên phổ thành ca khúc, và ca sĩ Duy Trác trình bày, thì từ đó cái tên Áo Lụa Hà Đông đã gắn chặt tên tuổi của 3 người, thi sĩ, nhạc sĩ và ca sĩ. Nó đã trở thành một định mệnh, mặc dù đây không phải là bài thơ hay nhất của Nguyên Sa, cũng như không phải là ca khúc tuyệt tác nhất của Ngô Thụy Miên, cũng như không phải là bài hát mà ca sĩ Duy Trác trình bày thành công nhất”.
Bài: Trương Đình Tuấn
Bản quyền bài viết của nhacxua.vn