Ca khúc “Ai Khổ Vì Ai” được nhạc sĩ Thương Linh sáng tác vào khoảng đầu thập niên 1970 và đã được thu thanh qua tiếng hát Phương Hồng Quế cho hãng dĩa Sóng Nhạc. Theo lời của Phương Hồng Quế chia sẻ, khi thu âm ca khúc “Ai Khổ Vì Ai” cũng là lúc cô được làm việc cùng với nhóm tác giả Lê Minh Bằng trong hãng dĩa Sóng Nhạc, và cái tên Thương Linh, theo một số lời kể lại, là bút danh của nhạc sĩ Anh Bằng khi sáng tác trong nhóm Lê Minh Bằng.
Click để nghe Phương Hồng Quế hát Ai Khổ Vì Ai trước 1975
Nội dung ca khúc “Ai Khổ Vì Ai” là lời tâm sự cho mối tình dang dở của một cô gái đã chịu nhiều đau thương trong cuộc tình đã từng mang nhiều mộng ước về tương lai:
“Anh biết chăng anh, em khổ vì ai, em khóc vì ai?
Ngày vui đã tan, nhân tình thế thái còn lại đống tro tàn
Em muốn kêu lên cho thấu tận trời cao xanh
Rằng tình em yêu sao giống đời đoá phù dung: sớm nở tối tàn
Xót xa duyên mình chưa thắm đành dở dang.”
Mở đầu bài hát là những câu hỏi thể hiện nỗi cay đắng tột cùng của mối tình dang dở khi “ngày vui đã tan” và nhân tình thế thái giờ chỉ còn lại là “đống tro tàn”. Nàng hỏi người yêu, nhưng người đã xa rồi, nên đó chỉ là lời cảm thán cho riêng mình, muốn kêu lên cho thấu tận trời cao xanh vì những nỗi đau buồn phải gánh chịu, trách cho số phận mình như đoá phù dung sớm nở tối tàn. Phù dung là tên một loài hoa rất đặc biệt vì nở những màu khác nhau trong các thời điểm trong ngày, và loài hoa này cũng gắn với truyền thuyết giữa nàng tiên Phù Dung và Đông Tâm khởi nguồn cho cụm từ “sớm nở tối tàn”. Loài hoa mong manh này cũng là biểu tượng cho mối tình “chưa thắm đành dở dang”, chịu nhiều đau xót.
Phần điệp kể lại mối tình thuở xưa, từ những ngày gắn bó đến phút lìa xa:
“Thuở xưa ngày đầu của nhau hai đứa vang câu tình ca
Ngày đầu của nhau anh đón đưa em về nhà
Trăng nước hiền hoà, ngày đầu của nhau hương sắc tình yêu đậm đà.”
Những ngày đầu bước vào yêu bao giờ cũng là những giây phút đẹp đẽ nhất, khi người được trong vòng tay người, chìm đắm và say men tình, ngày ngày “đón đưa em về nhà” và tận hưởng chuỗi “ngày đầu của nhau hương sắc tình yêu đậm đà”. Tình yêu nhiều quyến luyến như vậy nên càng đau đớn nhiều hơn cho đến một ngày người bỏ ra đi:
“Ngày nay người đành bỏ em canh vắng bơ vơ sầu đau
Người đành bỏ em, quên khúc ca yêu lần đầu
Trăng nước bạc màu, người đành bỏ người như sương khói sau chuyến tàu.”
Tưởng như sẽ được vang mãi khúc tình ca của thuở yêu ban đầu, nhưng rồi người đã phụ tình và “quên khúc ca yêu lần đầu”. Ngày xưa trăng nước hiền hòa, nay thì trăng nước đã bạc màu, và “người đành bỏ người như sương khói sau chuyến tàu”. Cuộc tình thắm thiết tưởng như là trăm năm, nhưng nhanh chóng trở thành màn ảo ảnh tan dần vào sương khói, vĩnh viễn hòa tan vào với hư không.
“Anh biết chăng anh, em ngủ nào yên, em thức nào yên?
Nhiều khi cố quên, nhưng chỉ thêm chuốc vào lòng những ưu phiền
Âu yếm hôm qua không xoá được buồn hôm nay
Người phụ đời em khi đã cạn chén tình say
Để lại thương sầu, trót yêu nhau rồi sao nỡ làm khổ nhau?”
Khi lớn lên, ai cũng bước vào đường tình yêu, sẽ có lần vương sầu khổ lụy, vì có mấy ai ngay lập tức tìm được ý trung nhân suốt đời. Bài hát viết cho một cuộc tình đau khổ, nhưng cũng nói thay được nỗi lòng của hàng triệu người con gái mong manh và khờ dại, vì cả tin vào lời yêu ngọt ngào đầu môi nên chuốc lấy nhiều nỗi sầu đau. Khi người đã cạn chén tình say đã liền ngoảnh mặt làm ngơ và đặt ra muôn ngàn lý do để rời xa, hoặc thậm chí có thể là ra đi không một lời từ biệt. Âu yếm hôm qua làm sao nguôi được nỗi lòng của em nay đã chạm đến cả vực sâu của cõi buồn. Nhiều khi cố quên đi, nhưng “khi cố quên là khi lòng nhớ thêm”, nên cô gái càng bị lún sâu vào vũng lầy yêu đương và sẽ luôn bị đắm chìm trong câu hỏi muôn đời rằng vì sao trót yêu nhau rồi sao nỡ làm khổ nhau hỡi người?
Bài: Minh Hiếu
Bản quyền bài viết của nhacxua.vn