Bùi Giáng và tình cảm đặc biệt dành cho nữ ca sĩ Hà Thanh

Thi sĩ Bùi Giáng và ca sĩ Hà Thanh, 2 cái tên tưởng như không liên quan gì đến nhau đó đã từng sống chung 1 thời, dưới cùng một bầu trời của nghệ thuật miền Nam trước 1975. Ít người biết rằng Bùi Giáng đã dành cho nữ ca sĩ Hà Thanh một tình cảm đặc biệt. Khác với mối tình có nhiều điều ly kỳ với nghệ sĩ Kim Cương, tình cảm dành cho Hà Thanh của Bùi Giáng được tiết chế hơn, ít ồn ào hơn.

Vào một ngày mùa thu năm 1993, thi sĩ Bùi Giáng đã đến chùa Pháp Vân ở Sài Gòn và cầm giấy bút viết bài tóm lược cuộc đời mình.

Ở giai đoạn mà tác giả ghi là 1971-75-93, ông viết:

“Bình sinh mộng tưởng vấp phải niềm thương yêu của Kim Cương Nương Tử, Hà Thanh Cố Nương và Mẫu Thân Phùng Khánh (tức Trí Hải Ni Cô)” 

3 người phụ nữ được nhắc tới trong những phút giây tỉnh táo đó của Bùi thi sĩ là diễn viên điện ảnh và kịch nói Kim Cương, ca sĩ Hà Thanh và Ni sư Trí Hải, tức học giả Công Tằng Tôn Nữ Phùng Khánh.

Những người phụ nữ này được Bùi Giáng tôn vinh như là “mẫu thân sinh đẻ ra mình”, tuyệt nhiên không có chút gì là quan hệ nhục thể của tình yêu nam nữ, không có nhớ mong, hờn ghen, đau khổ, hẹn hò, mộng mơ như trong thơ tình của những nhà thơ khác.

Trong bài Quốc Sắc Việt Nam, ông đã tả chân ba người phụ nữ ấy như sau:

“Kim Cương Nương tử đẹp một cách thoải mái, Hà Thanh Công chúa đẹp một cách cởi mở, Trí Hải Ni cô đẹp một cách không lời”.

Những dòng thơ Bùi Giáng dành cho ca sĩ Hà Thanh và Ni sư Trí Hải đều có một điểm chung là nửa hư nửa thực, lơ lửng giữa cõi thanh và cõi tục. Một điểm chung khác nữa là cách trộn lẫn giữa sự thu hút giới tính lẫn lòng ngưỡng mộ bản năng làm mẹ tiềm tàng trong một phụ nữ, dù là trong vô thức.

Bùi Giáng từng viết về ca sĩ Hà Thanh như sau:

Trước sự ngưỡng mộ đặc biệt của một bậc kỳ tài như Bùi Giáng dành cho mình, ca sĩ Hà Thanh hầu như chỉ im lặng, bỏ ngoài tai, hoặc có thể là đã có hình thức tế nhị nào để đáp lại một cách trân quý tình cảm của Bùi Giáng.

Hà Thanh – ngoài việc được biết đến như là một nữ ca sĩ huyền thoại của dòng nhạc vàng, bà còn là một giai nhân nổi tiếng, một nàng thơ của nhiều văn nhân. Bà là cảm hứng để nhạc sĩ Tuấn Khanh sáng tác bản nhạc Nhớ Nhau (mang âm điệu Huế) và nhạc sĩ Phạm Thế Mỹ sáng tác bản nhạc Áo Lụa Vàng, nhà văn Mai Thảo là một người rất si mê Hà Thanh, ông đã từng từ Sài Gòn ra Huế để xin cưới Hà Thanh nhưng không thành. Hà Thanh cũng là người đẹp đã từng gắn nó rất thân thiết với đại tá nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông. Vì vậy Bùi Giáng chỉ là một trong những người dành cho Hà Thanh những tình cảm đặc biệt mà thôi.

Ngay từ nhiều năm trước, Bùi Giáng đã thấy ở Hà Thanh một nét thoát tục:

“Ði về phố rộng mà ra
Đi tu giản dị cô Hà Thanh ôi”

Quả thật vài chục năm sau, năm 1988 Hà Thanh đã ghi tên theo Thiền sư Thích Nhất Hạnh đi hành hương 3 tuần lễ ở Ấn Độ. Khi đoàn lên núi Linh Thứu, Hà Thanh xin được quy y lại với Thiền sư và được cho pháp danh mới là Tâm Ca Lăng Tần Già. Từ những năm 1990 cho đến cuối đời, Hà Thanh dành mọi tâm lực dành cho thể loại nhac Phật đạo ca.


Click để nghe nhạc Hà Thanh hát trước 1975

nhacxua.vn biên soạn

Exit mobile version