Ca khúc “Bông Bí Vàng” (nhạc sĩ Bắc Sơn) – Bài hát cho những mối tình dở dang chốn miệt vườn

Trong các bài hát mang âm hưởng dân ca Nam Bộ, người yêu nhạc có lẽ ấn tượng với ca khúc Bông Bí Vàng của nhạc sĩ Bắc Sơn. Đó là bài hát có giai điệu nghe tha thiết, cảm thương cho cuộc tình dở dang ở chốn miệt vườn.

Nếu bạn là người yêu thích nhạc xưa, hãy theo dõi kênh YouTube này để nghe đọc các bài cảm nhận về âm nhạc (phân tích ý nghĩa, hoàn cảnh sáng tác, tiểu sử ca nhạc sĩ): LINK YOUTUBE  < Click


Click để nghe Hương Lan hát Bông Bí Vàng

Tác giả mượn hình ảnh của bông bí vàng, một loại bông dung dị, thân thuộc với người dân quê để nói về mối tình của một đôi trai gái không được gia đình của cả 2 bên chấp thuận.

Bông bí vàng ngoài giàn
Công em trồng anh không hái
Trời sa mưa bông kết trái
Từ đó buồn, em buồn.

Đó là tâm tư thầm kín của người con gái, là lời trách móc sâu xa không có người thấu hiểu. Nàng nhìn những giọt mưa sa ngoài đồng, nhìn những lượt rào mà cha mẹ ngăn cách rồi thấy buồn tủi cho tình duyên của mình.

Ở vùng thôn quê nghèo khó, vào cái thời mà cha mẹ đặt đâu con ngồi đó, con cái khó cưỡng lời cha mẹ, thì có hàng trăm ngàn lý do để mà cả 2 bên nhà đều không chấp nhận họ đến được với nhau:

Nhà anh dậu đổ bìm leo
Mà nhà em mẹ cha rào mấy lượt rào
Hỏi chớ con đường mòn nào
Mà hai đứa để gặp nhau…

Xui nên ta làm việc nhiều
Kiếm đồng tiền dành mua sắm trầu cau
Trâu cày ruộng gò trâu thở liền vo
Con trâu ơi thương giùm cuộc tình
họ đang cần có đôi bạn làm ăn…

Tủi cho duyên tình không may mắn, đôi tình nhân trong bài hát không thể biết làm gì hơn ngoài việc cố gắng làm việc nhiều để dành dụm, mong chờ một ngày nếu được “mẹ cha ngó xuống” để thấu hiểu và chấp thuận, thì cũng đã có sẵn tiền để có thể tự lo liệu cho tương lai mình. Đôi trâu ơi xin thương giùm đôi bạn, thương cho cuộc tình này, dù có phải cày ruộng gò thô cứng mệt đến mức phải thở “liền vo” liền tì thì cũng hãy cùng nhau cố gắng.

Bây giờ trầu xanh vườn trầu
Cau trổ quầy cau
Mà mẹ cha không ngó xuống

Gió thổi năm non
Mà mẹ cha chưa mát trong lòng
Hái bông bí em trồng
Anh đem luộc cầu xin.

Rồi một ngày đạt được thành quả, trầu xanh vườn trầu, cau trổ quầy cau: Cau và trầu là một hình tượng để hiện rằng họ đã chuẩn bị đầy đủ hành trang, sẵn sàng tươm tất cho một đám cưới, một cuộc sống mới nếu như được gia đình chấp thuận. Nhưng thật buồn là tất cả điều đó là vô nghĩa, bởi vì “mẹ cha không ngó xuống”.

Những định kiến xã hội đã kéo dài qua nhiều đời và trở thành một cái vòng lẩn quẩn. Ông bà áp đặt cho cha mẹ, cha mẹ áp đặt lại con cháu và không chịu chấp nhận những cái vượt ra ngoài quy chuẩn đã được định ra từ cái thời xa xưa nào đó chẳng ai hay.

Những rào cản đó đã ngăn cách tình cảm của nhiều đôi lứa, và dường như cũng ngăn cách cả sự gần gũi thấu hiểu nhau giữa cha mẹ và con cái.

Bây giờ trời mưa ngập ruộng
Thương muộn còn thương
Cuộc tình duyên trôi theo dòng nước

Bí trổ bông thơm một giàn bông
Không muốn hái bông nào
Nhớ thương nửa cuộc tình
Sao nghe ruột quặn đau.

Thời gian dần qua, những cơn mưa giông của cuộc đời cuốn trôi đi theo tất cả, và mối duyên tình dang dở cũng đành để trôi xuôi… Nay thì dù bí đã trổ bông thơm, nhưng vì vẫn nhớ về cuộc tình không trọn nên cô gái luyến tiếc “không muốn hái bông nào”, rồi nghe ruột quặn đau trong niềm thương nhớ.

Bài: Đông Kha
Bản quyền bài viết của nhacxua.vn

Exit mobile version