“Bốn chiều” của một ca khúc bất hủ sống mãi cùng năm tháng

Một người viết ca khúc bao giờ cũng mong ước ca khúc của mình được đông đảo người nghe ủng hộ và tồn tại lâu dài qua nhiều thế hệ, thậm chí là tồn tại mãi theo thời gian. Tuy nhiên, để được như vậy thật sự không đơn giản, bởi vì đòi hỏi người viết ca khúc phải thấu hiểu và đạt đến một nhận thức sâu sắc về tự nhiên và xã hội. Khi đã đạt đến nhận thức đó thì tất yếu sẽ được đúc kết thành hồn của ca khúc thể hiện chủ yếu qua giai điệu và lời ca để ca khúc có thể tồn tại theo thời gian. Vậy những yếu tố nào tạo nên hồn của một ca khúc, đó là câu hỏi mà tác giả bài viết này muốn đề cập đến.

Hồn của ca khúc được cấu tạo bởi bốn chiều là, chiều đứng, chiều ngang, chiều sâu và chiều phẳng. Chúng ta hãy hình dung một ca khúc xem như một cái cây mà chúng ta nhìn thấy trong rừng, trong công viên, trong vườn hay thấy ở ven đường…, có những cây đã trở thành cây cổ thụ, nhưng cũng có những cây sống được vài tháng đã héo úa, sâu mọt và chết hoặc có những cây chỉ mang tính trang trí trong một dịp nào đó… Dòng nhạc xưa trước 1975, đặc biệt là nhạc của Ngô Thụy Miên, Trịnh Công Sơn, Tuấn Khanh, Hoàng Thi Thơ và nhiều tác giả khác đã tồn tại mãi đến ngày nay và được xem như là những cây cổ thụ bởi vì hội đủ bốn chiều của một ca khúc; còn nhiều ca khúc trẻ ngày nay phần lớn “chết yểu” mặc dù được giới truyền thông hùa vào nâng đỡ, tô vẽ lòe loẹt, là bởi vì thiếu đi các chiều cơ bản của nó.

Bốn chiều này không thể tách rời nhau mà luôn quyện vào nhau tạo nên linh hồn của ca khúc.

Chiều thứ nhất: Chiều đứng – chiều của tự nhiên

Một cây muốn tồn tại lâu dài nó phải thuận theo tự nhiên, tức là cần nước, không khí, ánh sáng… Một ca khúc cũng vậy, giai điệu, âm thanh phải hòa quyện với tự nhiên, tiếng suối phải róc rách; tiếng sóng biển có khi rì rào, phẳng lặng, có khi dồn dập; tiếng gió có những lúc réo rắc, có lúc co giật, cuồn cuộn nhưng cũng có lúc dịu dàng, êm đềm; tiếng chim hót có lúc vui tươi, nhộn nhịp nhưng cũng có lúc chơi vơi lẻ bạn, tiếng côn trùng quạnh quẽ nhưng cũng có lúc hân hoan, nhộn nhịp như dàn hợp xướng của thiên nhiên… và còn rất nhiều giai điệu, âm thanh khác của tự nhiên tác động đến tâm hồn của người viết ca khúc. Nếu ca khúc đi ngược lại những giai điệu và âm thanh của tự nhiên, hoặc loại bỏ yếu tố tự nhiên thì ca khúc đó khó có thể tồn tại lâu dài trong lòng người nghe. Bởi vì bản thân con người luôn gắn với tự nhiên, không thể tách khỏi tự nhiên, bị chi phối bởi các quy luật của vũ trụ, nên tất cả suy nghĩ, tâm tư, tình cảm đều phải dựa trên nền tảng của tự nhiên.

Chúng ta có thể điểm qua một vài ca khúc xưa để thấy rõ điều này.

Một trong những ca khúc tiền chiến đến nay đã hơn 81 năm nhưng vẫn còn in đậm trong lòng những người yêu nhạc, đó là bài “Đêm Đông” của Nhạc sĩ Nguyễn Văn Thương, trong đó tâm hồn của tác giả và khung cảnh tự nhiên quyện chặt vào nhau tạo nên linh hồn bất tử của ca khúc.

Chiều chưa đi màn đêm rơi xuống.
Đâu đấy buông lững lờ tiếng chuông.
Đôi cánh chim bâng khuâng rã rời.
Cùng mây xám về ngang lưng trời.

Bài “Ướt Mi”, cũng diễn tả cảnh thiên nhiên rất hòa quyện theo giai điệu của tiếng mưa rơi “Ngoài hiên mưa rơi rơi, lòng ai nghe chơi vơi, người ơi nước mắt hoen mi rồi”,  rõ ràng khi nghe câu hát cất lên làm ta liên tưởng ngay đến cảnh mưa rơi nhè nhẹ từng giọt như nước mắt đã hoen trên bờ mi của người con gái từ từ lăn nhẹ xuống đôi má. Cũng có rất nhiều người nhìn thấy cảnh mưa rơi như vậy nhưng để chuyển thành giai điệu thì không phải ai cũng làm được, bởi vì, Trịnh Công Sơn đã thấu hiểu được những quy luật của trời – đất qua những triết lý nhân sinh trong ca khúc của ông. Hay trong bài “Chiếc Lá Cuối Cùng” của Nhạc sĩ Tuấn Khanh, ta cũng thấy những hình ảnh của tự nhiên và tâm hồn con người quyện vào nhau tạo nên ca khúc bất hủ như:

“Đêm qua chưa mà trời sao vội sáng
Một đàn chim cánh nhỏ chở mùa sang
Chiều vào thu tiễn em sầu lạnh giá
Lá trên cành từng chiếc cuốn bay xa”

Nhạc sĩ Ngô Thụy Miên cũng là một cây đại tài trong việc nối kết giai điệu, lời ca bài hát với tự nhiên, “Chiều còn vương nắng để gió đi tìm, vết bước chân em qua bao nhiêu lần” (Dấu Tình Sầu),“Dù cho mưa tôi xin đưa em đến cuối cuộc đời, dù cho mây hay cho bão tố có kéo qua đây, dù có gió, có gió lạnh đầy, có tuyết bùn lầy, có lá buồn gầy” (Niệm Khúc Cuối),  hay “Tình yêu như nắng, nắng đưa em về, bên giòng suối mơ, nhẹ vương theo gió, gió mang câu thề, xa rời chốn xưa” (Riêng Một Góc Trời).

Trong dòng nhạc vàng trước 1975, ta cũng thường bắt gặp điều này trong rất nhiều ca khúc như, “Ngoài hiên mưa tuôn mưa lạnh xuyên qua áo ai, canh dài nghe bùi ngùi” (Mưa Nửa Đêm), “Đêm nay trăng sáng quá anh ơi, sao ta lìa cách bởi dòng sông bạc hai màu. Lênh đênh trên sóng nước mông mênh, bao đêm lạnh lẽo em chờ mong gặp bóng chàng” (Chuyến Đò Vĩ Tuyến), “Ngoài trời trăng tỏ, mà sao ướt đôi mi gầy. Bóng đêm ngỡ ngàng vì quạnh hiu” (Khóc Thầm), “Lá xa cành, héo sầu cả tuổi xanh” (Đổi Thay), “Những đồi hoa sim tím chiều hoang biền biệt” (Những Đồi Hoa Sim), “Một căn nhà xinh có hoa thơm trái hiền” (Căn Nhà Ngoại Ô)… Đó là một trong những yếu tố vừa tạo chất thơ của ca khúc nhưng cũng vừa diễn tả các quy luật của tự nhiên được đúc kết thành giai điệu, lời ca, làm cho ca khúc tồn tại mãi đến ngày nay.

Một số ca sĩ sau 1975 muốn làm mới lại các ca khúc xưa, trong đó có ca khúc của Trịnh Công Sơn, như là Thanh Lam, Hà Lê, Bùi Lan Hương… đó là điều đáng trân trọng của thế hệ sau đối với dòng nhạc xưa, nhưng rất tiếc một điều là, các ca sĩ này quên đi hoặc chưa thấu hiểu chiều tự nhiên của ca khúc, cũng như các quy luật riêng của nó, nếu đi ngược với quy luật đó bằng cách áp dụng các kỹ thuật, kỹ xảo trong âm nhạc thì tất yếu sẽ không được khán giả đón nhận. Tương tự, dòng nhạc vàng cũng vậy, khi các ca sĩ chưa thấu hiểu và cảm nhận được các quy luật này của tự nhiên thì không thể diễn tả hết được cái hồn của ca khúc, nên dân mạng thường cho rằng các ca sĩ trẻ ngày nay hát nhạt nhẽo không bằng các ca sĩ trước 1975 là một điều bình thường.


Nghe Hà Lê và Bùi Lan Hương “làm mới” ca khúc Mưa Hồng của Trịnh Công Sơn

Chiều tự nhiên này cũng lý giải được vì sao các bài hát của giới trẻ ngày nay thường “chết yểu”. Bởi vì đa số người viết ca khúc trẻ ngày nay chưa thấu hiểu hết các quy luật vận động của vũ trụ, thậm chí họ tách khỏi tự nhiên hoặc báng bổ tự nhiên, họ chủ yếu chú trọng vào chiều phẳng (chiều thứ tư) của ca khúc được trình bày ở phần sau, nên tồn tại trong thời gian rất ngắn, điều này cũng tương tự như người trồng cây nhưng không hiểu loại cây thích ứng với môi trường nào, ánh sáng, nguồn nước nào… nên cây mau chết hoặc cằn cỗi đó là điều tất nhiên.

Cổ nhân cũng cho rằng, âm nhạc chính là biểu hiện của đạo trời, giúp con người hun đúc đạo đức, tu tâm dưỡng tính. Đạo trời ở đây chính là các quy luật tự nhiên của trời, đất, nếu âm nhạc đi ngược lại các quy luật này thì sẽ không tồn tại lâu được, nếu thể chế mà suy tôn loại nhạc trái với đạo trời thì thể chế đó sẽ không được lòng người dân và sẽ sớm tiêu vong.

Chiều thứ hai: Chiều ngang – Chiều của đạo làm người (đức âm, nhiều bài viết khác gọi là đức nhạc)

Đạo làm người ở đây có nghĩa là nói đến đạo đức trong âm nhạc như cổ nhân đã từng nói: “phẩm vị thanh cao hay thô tục khi chọn lựa âm nhạc có liên quan đến phong thái chung của thời đại, phản ánh chuẩn mực đạo đức xã hội cao hay thấp, cũng như nền cai trị minh bạch hay ám muội”, hay “Đức âm chi vị nhạc” (Âm thanh có đạo đức mới gọi là âm nhạc); và Sách nhạc ký (Khổng giáo) cũng ghi lại: “Người quân tử thích nghe nhạc vì để tu dưỡng đạo đức, từ đó đắc đạo, kẻ tiểu nhân thích nghe nhạc vì để thoả mãn dục vọng. Dùng đạo đức ức chế dục vọng, thì sẽ hạnh phúc mà không bị loạn, còn thoả mãn dục vọng đánh mất đạo đức chắc chắn sẽ mê muội mà không hạnh phúc”.

Qua đây chúng ta thấy rằng, âm nhạc đóng vai trò rất quan trọng, phản ánh các giá trị đạo đức của một thời đại, chính vì vậy các vua chúa anh minh thời phong kiến luôn chú trọng lễ nhạc để truyền đạt các lễ giáo chính thống của triều đình. Bởi vì Nhạc là âm vang của đức tính, còn Lễ là những quy tắc hướng dẫn tư tưởng và hành vi của con người, do vậy, âm điệu của nhạc ở cấp thấp đều đi ngược lại với nguyên tắc của đạo trời, cổ võ sự thả lỏng những bản tính xấu xa của con người, từ đó sẽ hướng dẫn người ta đi theo văn hoá đồi trụy, phóng túng hoặc hung bạo, hận thù, cuối cùng sẽ đi đến sự huỷ hoại bản tính thiện của con người. Đặc trưng của loại nhạc này là loại nhạc Rab của những người da đen ở Mỹ hay còn gọi là nhạc “nổi loạn” hướng con người đến tự do phóng túng và tự do tình dục. Còn âm điệu của nhạc ở tầng cấp cao là thể hiện quy luật của đạo trời, khiến cho người nghe cảm thấy tâm hồn nhẹ nhàng, thư thái và hun đúc, nuôi dưỡng bản tính thiện của con người, hướng con người đến những giá trị nhân văn, cao cả của bậc quân tử.

Trong rất nhiều ca khúc trước 1975 thể hiện rõ nét các giá trị đạo đức của tác giả, đây cũng là yếu tố làm nên sự bất hủ của dòng nhạc, bởi vì các giá trị chuẩn mực đạo đức của con người là mạch sống, là lẽ phải mà ai ai cũng dựa vào đó để soi rọi, một ca khúc đề cao giá trị chuẩn mực đạo đức tất nhiên sẽ được khán giả chân chính đón nhận. Những ca khúc tiêu biểu đề cao các giá trị đạo đức trong tình yêu phải kể đến đó là các ca khúc của nhạc sĩ Ngô Thụy Miên, mặc dù đa số có giai điệu buồn man mác nhưng người nghe cảm thấy rất nhẹ nhàng, không bi lụy, không oán trách, hận thù khi cuộc tình tan vỡ. “Dù sao đi nữa tôi cũng yêu em” (Niệm Khúc Cuối), hay “Ta vẫn yêu hồn ta vẫn say qua bao nhiêu năm tháng ơ thờ. Một ngày nào đó tóc xanh xưa bạc màu, một ngày nào đó ta có thôi hết yêu người” (Bản Tình Cuối), hoặc “Trông áng mây u hoài, giọt lệ nào thương vay, tình đành tràn mi cay, đau thương xé môi gầy mà lòng vẫn mơ say. Ôi giọt nước mắt ngà cho cuộc tình đầu tiên” (Giọt Nước Mắt Ngà).

Trong tình mẫu tử thì “Lòng Mẹ” của nhạc sĩ Y Vân như một biểu tượng của âm nhạc Việt Nam mà bất kỳ một ai cũng đều nghĩ đến. Có rất nhiều bài viết nói lên cảm nhận về bài “Lòng Mẹ” và lý giải tính bất hủ của bài hát ở nhiều khía cạnh khác nhau, nhưng xét thấy đều có điểm chung đó là sự hòa quyện giữa giá trị đạo đức về tình mẫu tử của con người với quy luật tự nhiên như đã trình bày trên, Nhạc sĩ Y Vân đã đưa hình ảnh của biển, của suối, cánh đồng, ánh trăng, của gió…để diễn tả tấm lòng cao cả, bao dung của người mẹ nhưng rất giản dị, mộc mạc và hòa trong giai điệu du dương, trầm bổng như con sóng biển dạt dào nâng niu chiếc thuyền con nhỏ bé.

Nói về tình yêu quê hương với câu hò, điệu hát, mái tranh, xóm làng, chúng ta nghĩ ngay đến dòng nhạc của Hoàng Thi Thơ thể hiện rõ nét tình cảm sâu sắc của tác giả đối với làng quê Việt Nam mà ngày nay trong sự hổn độn của các ca khúc trẻ chúng ta mỏi mắt tìm không thấy những ca khúc như thế. “Ai nhớ chăng những ngày rau cháo với dưa cà, quê nghèo vui sống trong mặn mà, đời vang lên ngàn câu ca, mà tình thấy càng bao la, ngàn lòng như chan hòa” (Ai Nhớ Chăng Ai), hay “Ô ! ô sáng hôm nay trên quê hương tôi, quê hương xinh xinh quê hương hữu tình, quê hương xinh xinh quê hương hòa bình, đường nở hoa trắng, xanh, vàng, tím, đẹp làm sao bướm bay chập chờn…” (Đám Cưới Trên Đường Quê) hay trong bài “Đường Xưa Lối Cũ” chúng ta cũng bắt gặp cảnh thôn xóm, làng quê có bóng tre, có ánh trăng, có câu ca, có sông dài… gợi lên khung cảnh êm đềm, thơ mộng đầy ấp những kỷ niệm tuổi thơ mà dường như ai ai cũng có: “Đường xưa lối cũ có bóng tre, bóng tre che thôn nghèo. Đường xưa lối cũ có ánh trăng, ánh trăng soi đường đi. Đường xưa lối cũ có tiếng ca, tiếng ca trên sông dài”.

Trong tình yêu ở lứa tuổi học trò thì đến tận ngày nay chúng ta đều nghĩ ngay đến nhạc sĩ Thanh Sơn với “Nỗi Buồn Hoa Phượng”, “Ba Tháng Tạ từ”, “Hạ Buồn”… với giai điệu buồn vời vợi nhưng toát lên tình yêu rất thơ mộng, trong trắng của tuổi học trò. Thiết nghĩ chỉ những nhạc sĩ đã thấu hiểu sâu sắc trên nền tảng những giá trị nhân văn của thời kỳ đó mới có thể viết nên được những ca khúc bất hủ như vậy. Tuy nhạc sĩ ngày xưa ít có điều kiện tiếp xúc với thế giới hiện đại, nhưng các nhạc sĩ luôn sáng tác bằng cả trái tim được hun đúc từ nền giáo dục nhân bản, nên mỗi tác phẩm âm nhạc mang tính giáo dục thẩm mỹ cao đối với công chúng.

Ngày nay, việc giáo dục đạo đức, trong đó có việc giáo dục đạo đức âm nhạc vẫn còn những khoảng trống nhất định, kể cả trong các trường nhạc như lời của Giáo sư âm nhạc  Micheal Lee thuộc Đại học Azusa Pacific (California, Mỹ) khi đến trao đổi ở Việt Nam đã thốt lên, vì vậy rất khó để các nhạc sĩ sáng tác nên những ca khúc in đậm tình yêu quê hương, tình người cao cả trong lòng khán giả.

Chiều thứ ba: Chiều sâu của ca khúc

Trở lại với hình tượng cái cây như đã đề cập trên, thì chiều sâu của một ca khúc gồm hai yếu tố, đó là rễ của cây phải ăn sâu dưới đất và thân cây phải có lõi có giá trị, hay nói cách khác, ca khúc phải qua quá trình thai nghén rồi đến độ chín muồi và phải chất chứa một triết lý sống phù hợp với chuẩn mực xã hội.

Viết một bài hát thì không khó nhưng viết một bài hát có giá trị, có chiều sâu thì hoàn toàn không đơn giản, phải qua một quá trình thai nghén, thậm chí mất rất nhiều thời gian để đọc, tìm tòi, va chạm thực tế… từ đó mới có ý tưởng về nội dung, cốt truyện trên cơ sở cảm xúc thật của chính tác giả, từ đó lần lượt hoặc cùng lúc tìm giai điệu và lời ca phù hợp. Quá trình này, nhiều nhạc sĩ xưa cho rằng có khi mất cả năm hoặc hơn để có thể hoàn thành cơ bản một ca khúc, sau đó có thể tham khảo ý kiến chuyên môn của các bậc đàn anh, bè bạn rồi mới đến giai đoạn chỉnh sửa và hoàn thành. Tác giả bài viết này cũng có viết một ca khúc với tựa đề là “Quê Nghèo”, mà từ giai đoạn thai nghén đến hoàn chỉnh, phát hành trên mạng mất gần 15 tháng nhưng vẫn còn nhiều điểm chưa hài lòng và còn bị giới chuyên môn chê bai.

Nhiều nhạc sĩ trẻ ngày nay viết ca khúc mà một số người so sánh như “gà để trứng”, thì rõ ràng chất lượng, tính thẩm mỹ thấp là điều hiển nhiên.

Vấn đề thứ hai là, cái lõi bên trong của ca khúc, điều này rất quan trọng và hoàn toàn phụ thuộc vào hai chiều như đã trình bày trên. Như vậy đòi hỏi người viết phải có va chạm, trãi nghiệm thực tiễn hoặc đọc nhiều để thẩm thấu các quy luật vận động của tự nhiên và các giá trị, chuẩn mực đạo đức được đúc kết hàng ngàn năm của ông cha ta. Rõ ràng không phải ai cũng có thể làm được. Đã có rất nhiều người được đào tạo bài bản từ các trường nhạc nhưng không sáng tác nỗi một bài có giá trị, bởi đa số họ được đào tạo về chuyên môn nhưng thiếu được đào tạo hai chiều trên, do vậy các ca khúc viết ra thường có hình phẳng, không có chiều sâu, tiêu biểu cho loại ca khúc này là các bài hát trẻ, tạm gọi là loại ‘nhạc view” ngày nay, họ chú trọng hình ảnh, âm thanh, kỹ xảo để cố tạo nên chất lượng của bài hát. Thậm chí có nhiều bài hát đi ngược lại các chuẩn mực đạo đức và xem thường các quy luật vận động của của vũ trụ, đây là những biểu hiện lệch lạc trong sáng tác của một số nhạc sĩ trẻ ngày nay mà gốc rẽ là do các thiết chế xã hội tạo nên. Nói như vậy không có nghĩa là tất cả các bài hát trẻ đều như thế, bên cạnh cũng có những bài đáp ứng được phần lớn ở chiều ngang nên vẫn có những giá trị nhất định trong lòng người nghe.

Cái lõi của ca khúc là những triết lý về nhân sinh quan mà tác giả mong muốn mang đến cho người nghe, muốn gởi gấm một thông điệp nào đó để hướng con người đến chân, thiện, mỹ. Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã rất thành công trong việc đúc kết những triết lý trong các ca khúc của ông, chẳng hạn như “Xin hãy cho mưa qua miền đất rộng, ngày sau sỏi đá cũng cần có nhau” (Diễm Xưa), hay “Ðời xin có nhau, dài cho mãi sau nắng không gọi sầụ, áo xưa dù nhầu cũng xin bạc đầu, gọi mãi tên nhau” (Hạ Trắng), hoặc “Ngày mai em đi thành phố mắt đêm đèn vàng, nửa bóng xuân qua ngập ngừng, nghe trời gió lộng mà thương” (Biển Nhớ)…

Điều đặc biệt ở Trịnh Công Sơn là, ông luôn quan niệm rằng cỏ cây, sỏi đá, các sự vật luôn có sự sống, có linh hồn và tồn tại quanh ta, cùng với chúng ta trên trái đất tuân theo các quy luật vận động của vũ trụ, nên chúng ta phải biết yêu thương, chia sẻ và bao dung để các sự vật tồn tại mãi trên cõi đời này.

Chiều thứ tư: Chiều phẳng (chiều trực quan)

Chiều phẳng muốn nói ở đây đó là hình ảnh và âm thanh khi ca khúc được phát hành đến với công chúng. Trong đó vai trò của nhạc sĩ hòa âm, phối khí hay nhạc công và ca sĩ cũng đóng vai trò rất quan trọng để tô đẹp và chuyển tải nội dung ca khúc. Nhìn chung, nhạc sĩ hòa âm, phối khí và ca sĩ cũng phải thấm nhuần các giá trị cốt lõi (ba chiều trên) của ca khúc thì mới có thể chuyển tải hết được cái hồn của ca khúc, làm cho ca khúc trở thành bất tử. Ngoài ra, chất lượng hình ảnh, âm thanh (các buổi biểu diễn hay bản ghi hình, ghi âm) hoặc ngày nay trong thời buổi công nghệ phát triển thì MV (Music Video) cũng có ý nghĩa quan trọng để truyền tải hồn ca khúc đến với người nghe. Nhưng một điều rất quan trọng trong chiều này đó là phải hòa quyện, kết chặt với ba chiều trên của ca khúc, hay nói một cách hình tượng là, chiều thứ tư là thể xác, còn ba chiều trên là linh hồn của con người, hai điều này phải hòa vào nhau tạo nên một con người hoàn chỉnh. Những cây mang bóng mát, khí thở trong lành, che chở cho đời, đến khi ngả xuống vẫn có ích cho cuộc sống, rất đáng để chúng ta trân trọng, còn những cây tạp, những dây leo ăn bám, cuối cùng cũng chỉ là những mảnh vụn, cặn bã của xã hội.

Trong dòng nhạc xưa trước 1975 đã lưu truyền đến ngày nay muôn vàn cây cổ thụ cho dù chiều phẳng chưa đạt đến trình độ kỹ thuật, kỹ xảo. Ngược lại, với kỹ thuật, công nghệ phát triển như hiện nay thì phần lớn người ta trồng những loại cây tạp nham, cây tầm gửi tràn ngập trong xã hội, làm u mê, băng hoại các giá trị văn hóa, đạo đức ngàn đời của ông cha ta; và thậm chí được được cổ xúy bởi hệ một số công cụ truyền thông rẻ rốn chạy theo các giá trị ảo, các giá trị vật chất tầm thường, bất chấp luân lý, để rồi làm xuy đồi đạo đức, đẩy nền văn hóa xuống tột cùng, trong đó có nền ca khúc Việt Nam.

Sài Gòn, tháng 9/2020

Võ Thanh Bình
(Bài viết này cũng mượn nhiều ý tưởng trong Trang Quán Nhạc Vàng. Xin chân tnh cám ơn).

Bài viết được tác giả Võ Thanh Bình gửi cho nhacxua.vn

 

 

Exit mobile version