Bolero đang bị “sáng tạo” quá đà?

Cùng với xu thế thị hiếu, nhạc vàng đang bùng nổ trên nhiều sân khấu Việt. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, việc “phá cách ” thái quá đang vô tình bóp méo tính đơn giản, gần gũi của dòng nhạc này.

Chia sẻ trong một cuộc họp báo mới đây, nhạc sĩ Vũ Thành An cho hay, nhạc vàng là thể loại dễ nghe nhưng khó hát. Ca từ giản dị, giai điệu sâu lắng khiến bolero được nhiều người nghe và hát theo. Nhưng cách dàn hơi, nhả chữ, chuyển giọng khi biểu diễn thể loại này lại là một thách thức với nhiều ca sĩ.

Theo ông, bolero là thể loại nhạc trữ tình với giai điệu chậm, có xuất xứ từ các nước Latin. Thể loại này bắt đầu du nhập vào Việt Nam từ những năm 1950 với tên gọi bình dân như nhạc “sến”. Tuy nhiên, đối với thế giới, bolero chính là nhạc trữ tình.

“Bản chất của một dòng nhạc trữ tình đã rất hay rồi nên không cần quá nhiều sự cách tân, dễ khiến bolero trở nên nặng nề, méo mó”, nhạc sĩ Vũ Thành An nhận xét.

Cũng bàn về bolero, danh ca Giao Linh cho rằng sức sống của bolero chính là ở sự giản dị, dễ hiểu, gần gũi với đời sống. Theo bà, để hát hay bolero, ca sĩ không cần có quá nhiều kỹ thuật, cũng không cần quá nhiều sự phiêu linh hay phá cách mà chỉ cần cảm được cái tình của ca khúc.

Nữ danh ca nhận thấy, nhiều ca sĩ trẻ Việt Nam đang lựa chọn bolero để thể hiện. “Nhưng nhiều người chưa hiểu đúng ý nghĩa của các ca từ. Thậm chí, họ hát sai lời khiến nội dung bài hát cũng thay đổi”.

Bà viện dẫn tác phẩm “Thành Phố Buồn”, trong đó có nhiều nghệ sĩ rất nổi tiếng đã hát sai lời. “Lẽ ra trong bài hát đó phải là “Rồi từ đó, trốn phong ba, em làm dâu nhà người” thì họ lại hát thành “chốn phong ba, em làm dâu nhà người”.

“Người con gái đó chạy trốn phong ba, chạy trốn cuộc sống ồn ào ngoài kia để chịu về “làm dâu nhà người”, an phận với cuộc sống bình thường. Ý nghĩa bài hát là vậy nhưng không phải ai cũng hiểu cặn kẽ hết được”, danh ca Giao Linh thổ lộ.

Mới đây, với chủ trương bỏ cấp phép các ca khúc trước 1975, trong đó có nhiều ca khúc nhạc vàng, dòng nhạc này sẽ còn xuất hiện nhiều và được công chúng Việt Nam đón nhận. Nhiều ca sĩ trẻ lựa chọn dòng nhạc này để theo đuổi như một trào lưu để chiều lòng khán giả.

Tuy nhiên, hát nhạc vàng làm sao để sáng tạo mà giữ được bản sắc, tinh thần của dòng nhạc vẫn là câu hỏi đối với nhiều ca sĩ.

Theo nhạc sĩ Đài Phương Trang, nhạc vàng có sức sống lâu bền là do ca từ, nhạc điệu đơn giản, gần gũi khi nghe. Điều đó tạo nên cảm xúc tự nhiên, tha thiết. Ông cũng khẳng định, nhạc vàng không cần quá nhiều sự cách tân. “Chỉ hát đúng tinh thần bolero theo cách cảm nhận của mỗi một tâm hồn nghệ sĩ là đủ chạm được trái tim người nghe”.

Theo Yến Phi (laodong.vn)

Exit mobile version