Vào năm 1919, khi hồ Xuân Hương – lúc đó được người Pháp gọi là Hồ Lớn (Grand Lac) được tạo lập để tạo cảnh quan trung tâm Đà Lạt, người phụ trách quy hoạch Đà Lạt lúc đó là kiến trúc sư Hébrard đã thiết kế thêm một điểm nhấn cho hồ nước nhân tạo này, và một đảo nhỏ hình oval gần như tròn được hình thành, là điểm kết không gian của trục đường đi dạo từ Lianbian Palace (nay là Đà Lạt Palace) để tiếp cận không gian mặt nước của hồ.
Đầu tiên, một nhà sàn bằng gỗ xinh xắn như mời chào những khách nhàn du muốn dừng chân câu cá. Để tới dược nhà gỗ ở khu đảo nhỏ đó, người ta phải đi qua một cây cầu gỗ nhỏ như trong hình dưới đây:
Ban đầu, hồ Lớn được chia thành 2 bởi một con đập, nhưng rồi một lụt lịch sử tháng 5-1932 đã làm đập nước bị bể và nước đã cuốn trôi tất cả theo dòng Cam Ly. Năm 1935, một con đập mới được tính toán xây dựng lại tại vị trí như ngày nay – Đập Ông Đạo, là cầu Ông Đạo hiện tại.
Trận lụt đó đã làm thúc đẩy việc mở rộng hồ, và cũng dịp đó Nhà Thủy Tạ được xây dựng bên trên đảo nhỏ hình oval, với chức năng là một Câu lạc bộ thể thao dưới nước (bơi lội, thuyền chèo,…), với kiến trúc tuy nhỏ mà độc đáo, có hình dạng tựa một con ếch (la Grenouillère), cấu trúc nhà sàn trên cột như bay bỗng trên mặt nước. Hệ thống cầu nhảy ba cấp cao với mặt đứng chỉ gồm những nét thẳng dứt khoát và thanh mảnh.
Hình ảnh Nhà Thủy Tạ khi vẫn còn alf một câu lạc bộ thể thao dưới nước:
Sau đó do nhiều nguyên nhân, phong trào thể thao bơi lội ở Đà Lạt không phát triển được, Câu lạc bộ được giao thầu khai thác như một quán giải khát nhỏ. Sau 1975, Nhà Thuỷ Tạ trở thành một nhà hàng nhỏ dưới sự quản lý điều hành của Công ty Du lịch Lâm Đồng. Công trình kiến trúc Nhà Thuỷ Tạ luôn được tô điểm với màu vôi trắng nổi bật trên nền xanh của mặt nước hồ Xuân Hương, đã trở thành một hình ảnh đặc trưng của Đà Lạt.
Mời các bạn xem lại hình ảnh nhà Thủy Tạ trên hồ Xuân Hương qua từng thời kỳ:
Hình ảnh sau năm 1975:
Hình ảnh ngày nay: