Bộ sưu tập ảnh Vũng Tàu (Cap Saint Jacques) hơn 70 năm trước. Nguồn gốc tên gọi “Ô Cấp”

Những năm thế kỷ 17, dưới thời các chúa Nguyễn, Vũng Tàu chỉ là một làng đánh cá nhỏ của Đàng Trong. Lúc đó người Bồ Đào Nha đặt tên cho vùng đất này là Thánh Jacques, theo tên vị thánh mà họ tôn kính. Thế kỷ 19, người Pháp tới xâm lược Nam kỳ và gọi vùng này là Cap Saint Jacques (Mũi đất Thánh Jacques).

Người Việt thời cuối thế kỷ 19 về sau đã gọi nơi này là Vũng Tàu, nguyên do có thể là vì người ta thường xuyên thấy 3 chiếc tàu lớn của Pháp đậu ở đây trong thời gian người Pháp đặt dây cáp điện tín dưới biển trong thời khai thác thuộc địa. Tuy nhiên lúc đó Vũng Tàu chỉ là tên dân gian gọi cho thuận miệng, tên chính thức từ đó cho tới năm 1954 vẫn là Cap Saint Jacques.

Những năm đầu thế kỷ 20, khi những người Việt khá giả ở Sài Gòn thường đi chơi biển Vũng Tàu cuối tuần, họ gọi nơi này là Ô Cấp, hoặc nói gọn thành Cấp. Chữ Ô Cấp xuất phát từ câu allez au Cap, tiếng Pháp là đi tới Cấp, người Việt nói thành Ô Cấp. Tuy nhiên rất có thể là tên gọi Ô Cấp chỉ thường xuyên được sử dụng vào những thập niên 1940 tới năm 1975, bởi vì khi đọc lại các tác phẩm văn học thời tiền chiến của tác giả Hồ Biểu Chánh, nhà văn vẫn thường xuyên nhắc tới tên gọi Vũng Tàu, chứ không nói gì tới “Ô Cấp”.

Ngoài ra Vũng Tàu từng có một tên gọi khác, đó là Tam Thắng.

Trước khi Pháp xua quân xâm lược Nam kỳ, thì vùng đất này được gọi là Lục tỉnh, tức 6 tỉnh, với 3 tỉnh miền Đông là Biên Hòa, Gia Định, Định Tường, 3 tỉnh miền Tây là Vĩnh Long, An Giang, Hà Tiên. Trong đó. Vũng Tàu thuộc về trấn Biên, tức tình Biên Hòa, gồm có 3 làng bắt đầu bằng chữ Thắng là Thắng Nhất, Thắng Nhì và Thắng Tam, vì vậy mới có tên là Tam Thắng.

Lịch sử của 3 làng này được ghi trong sử liệu rằng: Thuở ấy vùng biển này thường có bọn hải khấu người Mã Lai khuấy động, đón đường cướp bóc các thuyền buôn người Việt. Vua Gia Long bèn phái 3 đội quân đi trên 3 chiến thuyền vào Nam để bảo vệ thương thuyền người Việt, 3 thuyền đó mang tên: thuyền Thắng Nhất, thuyền Thắng Nhì và thuyền Thắng Tam. Mỗi chiến chuyền có một đội quân do Đội trưởng chỉ huy. Ba đội quân này đóng tại mũi Vũng Tàu, là nơi thuận lợi để kiểm soát vùng biển và sông, khi cần có thể nhanh chóng đuổi theo để diệt trừ hải tặc. Ba đội quân đổ bộ lên đất liền, lập trại và đặt tên là Phước Thắng.

Chỉ trong vòng mấy năm, phần nhiều hải tặc Mã Lai và Tàu Ô bị diệt trừ, số còn lại không dám bén mảng tới cướp bóc nữa. Nhiệm vụ hoàn thành, năm 1822 vua Minh Mạng sắc chiếu ban khen, ban thưởng phẩm hàm cho các quân nhân, họ được giải ngũ và được vua cấp đất cho họ lập làng tại chỗ, 3 làng đó mang tên 3 chiến thuyền là Thắng Nhất, Thàng Nhì và Thắng Tam, được miễn hoàn toàn các loại sắc thuế.

Đội trưởng của các thuyền cũng trở thành trưởng 3 làng. Đội thứ nhứt do Đội trưởng Phạm Văn Dinh, là người có tuổi tác và kinh nghiệm hơn hết nên chỉ huy được cả 2 chỉ huy kia, là trưởng làng Thắng Nhứt. Làng thứ hai do ông Lê Văn Lộc đứng đầu tên là Thắng Nhì. Làng thứ ba là Thắng Tam của ông Ngô Văn Huyền. Những vị này sau cũng đã trở thành Thần hoàng của các làng.

Bãi Sau Vũng Tàu
Bãi Dứa đông đúc một buổi chiều. Các xe con này đa phần là dân Sài Gòn “đi Cấp”

Hình ảnh Bãi Trước:

Bãi Trước còn có tên bãi Tầm Dương. Ở phía mặt tiền thành phố Vũng Tàu, là một trong những bãi biển đẹp của Vũng Tàu. Nằm giữa núi Lớn và núi Nhỏ. Ngày xưa, dọc theo bãi Trước có rất nhiều dừa, nên được đặt tên là vịnh Hàng Dừa, ngoài ra cũng có trồng dương liễu và rất nhiều bàng. Những hàng cây liên tiếp nhau che rợp gần hết bãi cát.

Từ trên núi chụp xuống Bãi Trước Vũng Tàu

Mời các bạn đọc lại một đoạn mô tả cảnh biển Vũng Tàu năm 1930 trong truyện Hồ Biểu Chánh, để thấy rằng từ hàng trăm năm trước, nơi này đã là một địa điểm nghỉ mát nổi tiếng khắp Nam kỳ.

Do chữ nghĩa đã có biến đổi theo thời gian, nên xin mở ngoặc […] để giải thích những chữ ngày nay đã ít được sử dụng.

[…]

Về chiều, ở Vũng Tàu, phía Bãi Sau, nước đương lớn, gió đương thổi hiu hiu, hơi nước nơi gió hiệp nhau làm cho bầu không khí rất mát mẻ.

Xa xa ngoài khơi, mặt biển linh láng [lênh láng] nổi lên cao, bị ánh mặt trời chiều giọi [dọi] nên nhuộm màu vàng vàng. Mấy chiếc thuyền đánh lưới đều trương buồm nhắm bến mà về, thuyền chạy rề rề, cánh buồm trắng trắng.

Bên phía tay trái, núi miệt Long Hải, Long Phú nằm giăng ngang một dãy, uốn éo chỗ thấp chỗ cao, như ai phết một vết xanh lè nơi góc trời xám xám.

Gần trong bờ, bị gió đùa nên mặt nước guộn [cuộn] có vồng thành sóng, rồi lượn sau tiếp lượn trước mà tràn lên bãi, đập vô gành dội tiếng ồn ào, phun bọt trắng xóa.

Chưn [chân] trời xa mù, mặt biển mênh mông, sóng bủa lào xào, gió chiều hây hẩy. Người giàu tình cảm hoặc có viễn chí, ai ngồi ngắm cái cảnh nầy một hồi, cũng phải rồi hồi khoan khoái, rồi chẳng khỏi sanh tình lai láng như biển rộng, hoặc sanh chí cao xa như chơn [chân] trời, hoặc xét thân người như thuyền con lửng đửng [lững thững] ngoài khơi, hoặc nghĩ công danh như bọt nước rã rời trên bãi.

Quan Phủ Bình ngồi trên một cỗ xe ngựa mà ra Bãi Sau, thấy khách hứng gió đông đảo, kẻ chòm nhom ngồi trên bãi mà chơi, người lăng xăng lội đùa nhau dưới biển. Ngài muốn tìm nơi thanh tịnh nên xuống xe rồi đi bộ lên đường vòng chưn núi. Ngài thủng thẳng đi một hồi, đã xa Bãi Sau, tới một chỗ cao, thấy trong núi lồi ra một miếng đá lớn mặt bằng phẳng nằm tròi trọi dựa đường, ngài bèn ngồi trên đó đặng ngó mông ra biển.

Biển Vũng Tàu năm 1969

Một số hình ảnh Vũng Tàu tuyệt đẹp khác của nhiếp ảnh gia Nguyễn Bá Mậu chụp trong thập niên 1960:

Bãi Sau, còn có tên là bãi Thùy Vân. Nằm ở phía Đông Nam thành phố Vũng Tàu, bãi Thùy Vân là bãi biển dài nhất ở Vũng Tàu, dài hơn 8km, từ chân núi Nhỏ đến tận cửa Lấp. Mặc dù ở bãi này thiếu bóng mát nhưng phần lớn khách tắm biển đều đổ về đây. Bãi luôn nhộn nhịp, đông vui từ sáng tới chiều. Mùa gió Nam, mặt biển im lặng, nhưng mùa gió Bắc thì sóng rất to, gió rất mạnh. (nguồn: artcorner.vn)

Hình ảnh bên trên cho thấy bãi Thùy Vân ban đầu vốn là tên Tì Vân, tên Pháp là Tiouane. Trong hình này có ghi tiếng Pháp: Plage de Tiouane, nghĩa là bãi biển Tiouane. Xem lại trong bản đồ xưa, con đường Thùy Vân ở Vũng Tàu ngày nay cũng được đặt tên là Tiouane. Người Việt phiên âm thành bãi Tì Vân, hoặc Tùy Vân. Tiouane (Ti-Ouane) là ai mà được đặt tên như vậy? Có giả thuyết cho rằng Ti-Ouane chính là cách người Pháp phiên âm từ chữ Tùy Vân của người Việt. Tùy Vân là núi Tùy Vân (mây rũ), theo Trương Vĩnh Ký cho biết chính là núi Minh Đạm ngày nay, nằm ở phía Long Hải. Tàu thuyền qua lại nhìn vô đất liền thấy núi này có mây rũ xuống nên gọi là núi Tùy Vân, người Pháp gọi là Cap Ti-Ouane (mũi Tùy Vân). Như vậy, tên Thùy Vân ở Vũng Tàu ngày nay chính là có nguồn gốc từ núi Tùy Vân, và người Pháp đã phiên âm thành Ti-Ouane như trong hình này. Cũng nói thêm rằng núi Minh Đạm còn có tên khác là Kỳ Vân, có lẽ cũng từ chữ Tùy Vân mà ra.

Chợ Vũng Tàu
Bãi Trước Vũng Tàu
Thích Ca Phật Đài nằm trên triền Đông Bắc của núi Lớn, ba phía là biển. Nét độc đáo của Thích Ca Phật Đài là một quần thể kiến trúc điêu khắc dựa theo tích nhà Phật. Thích Ca Phật Đài được khởi công từ tháng 7-1961, sau hơn một năm thì việc xây dựng hoàn thành. Đứng tại khu Thích Ca Phật đài, ta thấy tâm hồn mở rộng trước thiên nhiên hùng vĩ, nước biếc non xanh, xa xa là mũi Cần Giờ, đảo Long Sơn… (nguồn: artcorner.vn)
Những cỗ xe ngựa có hai chiếc bánh bằng cây “trắc” với 12 cây căm cũng bằng cây, niềng bánh bằng cao su để cho êm. Ngựa và xe được nối với nhau bằng hai chiếc gọng dài độ 2m, và cột lại bằng những sợi dây da, ngựa luôn bị bịt mắt bởi hai miếng da. Người đánh xe cứ cầm hai sợi dây cương và một chiếc roi dài, muốn ngựa chạy mau hay chậm thì tùy theo người đánh xe. Khách ngồi trên xe ngựa thưởng cảnh và hít không khí trong lành của biển cả thì không còn gì bằng… (nguồn: artcorner.vn)
Khách hóng mát ở Bãi Trước Vũng Tàu
Từ trên núi chụp xuống Bãi Trước
Thuyền bè ở Bãi Trước
Bãi Trước Vũng Tàu
Bãi Trước nhìn từ trên núi

 

Đông Kha

Exit mobile version