Bộ ảnh về cuộc đời “thứ phi” Mộng Điệp cùng số phận long đong của báu vật ấn – kiếm triều Nguyễn

“Thứ phi” Mộng Điệp tên thật là Bùi Mộng Điệp, sinh ngày 22 tháng 6 năm 1924, nguyên quán Bắc Ninh, nhưng sau đó lên Hà Nội sống. Tại đây, năm 16 tuổi, bà gặp và trở thành người yêu của bác sĩ Phạm Văn Phán tốt nghiệp Y Sĩ Đông Dương khoá 1935. Tiếng tăm và địa vị xã hội của một bác sĩ vào thời đầu thập niên 1940 ở Hà Nội đã đủ hấp dẫn người thiếu nữ Mộng Điệp. Còn ông Phán thì bị thu hút bởi nhan sắc của nàng. Hai người có với nhau một con trai năm 1944.

Nếu bạn là người yêu thích nhạc xưa, hãy theo dõi kênh YouTube này để nghe đọc các bài cảm nhận về âm nhạc (phân tích ý nghĩa, hoàn cảnh sáng tác, tiểu sử ca nhạc sĩ): LINK YOUTUBE  < Click

Bà Mộng Điệp lúc chưa gặp cựu hoàng Bảo Đại

Nhưng điều bất hạnh cho Mộng Điệp là khi bà muốn bác sĩ Phán chính thức làm đám cưới thì ông cho biết điều này không thể thực hiện được. Lý do là vì ông đã có gia đình và là người theo đạo Công Giáo nên không được phép có hai vợ. Do đó, Mộng Điệp dứt khoát cắt đứt liên hệ với bác sĩ Phán và tự lực nuôi con. Bà đặt tên cho con trai là Bùi Hữu Hưng, lấy họ của mẹ. Sau này khi Mộng Điệp ở với cựu hoàng Bảo Đại và được ông nhận Hưng làm con đỡ đầu.

Bảo Đại và Bùi Hữu Hưng

Sau khi thoái vị năm 1945, cựu hoàng Bảo Đại ra Hà Nội làm cố vấn cho chính phủ VNDCCH. Lúc này Mộng Điệp được một trí thức Hà Nội là Nguyễn Đình Liên sắp xếp cho gặp Bảo Đại (lúc này là công dân Vĩnh Thụy) ở một sân tennis, và cả hai đã phải lòng nhau ngay lập tức.

Tắm biển ở Nha Trang

Cựu hoàng và bà Mộng Điệp về chung sống tại căn hộ số 51 đường Trần Hưng Đạo và có với nhau người con đầu lòng tại đây, đặt tên là Phương Thảo, sinh năm 1946.

Căn hộ 51 Trần Hưng Đạo

Lúc sinh con gái đầu lòng – Nguyễn Phước Phương Thảo

Năm 1948, Bảo Đại thành lập Chính phủ Quốc Gia Việt Nam. Từ đó cho tới tận ngày nay, báo chí, sách vở, và người ta vẫn gọi bà Mộng Điệp là “Thứ phi”. Gọi như vậy e rằng không được chính danh. Bởi vì khi thoái vị, Hoàng Đế Bảo Đại với câu nói đi vào lịch sử “thà làm dân một nước độc lập còn hơn làm vua một nước nô lệ”, đã trở thành công dân Vĩnh Thụy. Rồi khi lập ra chính phủ Quốc Gia Việt Nam, ông Bảo Đại chỉ xưng là Quốc Trưởng (Head of State) chứ không xưng là Quốc vương hay Hoàng đế. Như thế không thể tôn bà Mộng Điệp là Thứ phi được. Vì theo thứ phi, từ Hán Việt ngĩa là vợ bé của một ông vua. Hơn nữa, dù đã có với ông Bảo Đại mấy mặt con, nhưng ông không làm hôn thú với bà.

Cựu hoàng Bảo Đại năm 1948, thời điểm chính phủ Quốc Gia Việt Nam ra đời

Năm 1949, Quốc trưởng Bảo Đại đem bà Mộng Điệp lên Đà Lạt ở. Bà cũng được ra mắt cựu hoàng thái hậu, tức là bà Từ Cung. Bà vốn khéo léo và tính tình cũng cởi mở, thẳng thắn nên ăn ở rất đẹp lòng đức Từ Cung.

Bà Mộng Điệp cùng với đức Từ Cung

Quãng thời gian này là những tháng ngày bà Mộng Điệp và cựu hoàng Bảo Đại sống hạnh phúc nhất. Nhờ tài tổ chức đời sống, tháo vát, biết lái xe hơi, cưỡi voi, đi săn nên bà rất hợp với ông vua thích săn bắn.

Với Bảo Đại trong 1 lần đi săn

Mặc dù làm vợ thứ và không được tổ chức cưới xin nhưng nhờ chăm lo việc thờ cúng tổ tiên của hoàng tộc rất chu đáo nên bà Mộng Điệp luôn được Đức Từ Cung quý mến. Bà cũng được ban áo mũ để thay mặt Hoàng hậu Nam Phương trong các cuộc tế lễ (vì bà Nam Phương là người theo Thiên Chúa giáo).

Năm 1953, bà Mộng Điệp được Quốc trưởng Bảo Đại ủy nhiệm đem thanh kiếm báu và chiếc kim ấn nhà Nguyễn sang Pháp. Nhân dịp này, bà mang luôn cả Phương Thảo lẫn người con riêng Bùi Hữu Hưng theo. Tại Pháp, bà trao trả ấn kiếm cho cựu hoàng hậu Nam Phương và Bảo Long. Sau đó, bà lại sinh tiếp cho Ông Bảo Đại hai người con trai đặt tên là Bảo Hoàng và Bảo Sơn.

Cùng con trai Bảo Hoàng

Với Bảo Đại ở Pháp

Bảo Hoàng sinh năm 1954 nhưng vắn số, chỉ sống được một tuổi, đến năm 1955 thì qua đời vì bệnh. Còn Bảo Sơn sinh năm 1955, lớn lên được đi học ở những trường danh tiếng, đỗ đạt và có địa vị trong xã hội. Nhưng đến năm 1987 đi du lịch ở Nhật, khi tắm biển không may bị sóng lớn đánh va đầu vào ghềnh đá nên tử nạn khi mới 32 tuổi.

Bảo Sơn

Nguyễn Phước Phương Thảo lúc còn trẻ

Từ đó bà Mộng Điệp chỉ còn lại người con gái là Phương Thảo. Phương Thảo kết hôn với một người Pháp khá giàu, nhưng cô này bị bệnh tim nên theo bà Mộng Điệp thì cũng mấy lần “sống dở chết dở”, song cũng may là cô vẫn còn sống cho tới nay. Tuy nhiên, sau khi mất cả ba người con trai (một với bác sĩ Phán và hai với ông Bảo Đại), chỉ còn lại người con gái, nhưng cô này cũng không sống gần với mẹ, nên càng ngày bà Mộng Điệp càng cảm thấy cô đơn.

Bà sống lẻ loi trong căn nhà thuộc hạng trung bình nằm trong một dãy chung cư trên đường Neuilly, quận 12, Paris.

Trên tường phòng khách đã từ nhiều năm có treo bức họa chân dung vị vua trẻ Bảo Đại đang ngồi, khoảng mười sáu, mười bẩy tuổi, mặc hoàng bào. Bà Mộng Điệp bảo rằng bức chân dung này do một nữ họa sĩ người Pháp vẽ. Nhưng không hiểu tại sao nó lại bị đem bán ở một chợ trời. May mắn có người báo cho bà biết nên bà vội tới ngay và cố mua cho bằng được bức họa. Kể từ ngày đó bức họa vẫn có vị trí trang trọng trên bức tường ở phòng khách.

Trở lại chuyện bà Mộng Điệp đem bảo vật ấn, kiếm của triều Nguyễn sang Pháp trao lại cho Hoàng Hậu Nam Phương. Sau khi Bảo Đại thoái vị năm 1945, bộ ấn kiếm này được trao cho Việt Minh, nhưng sau đó đã bị thất lạc vào cuối năm 1946.

Bộ ấn – kiếm lúc được trao cho Việt Minh năm 1945 – khi vua Bảo Đại thoái vị

Khi quân Pháp tìm lại được những báu vật triều Nguyễn này, họ thông cáo tìm người thân cận với ông Bảo Đại để trao trả. Vì ông Bảo Đại cùng mẹ con bà Nam Phương đều ở cả bên Pháp, nên tại Việt Nam chỉ còn có bà Mộng Điệp. Do đó họ trao cho bà trong một buổi lễ tổ chức ở Đà Lạt. Bà Mộng Điệp trước đó chưa thấy ấn kiếm bao giờ, nên phải mời bà cụ Từ Cung từ Huế lên Đà Lạt để chứng kiến. Sau đó bà sai người tìm thợ hàn thật giỏi để hàn lại thanh kiếm đã bị gãy đôi, rồi mài dũa chỗ hàn làm cho bóng mịn như mới.

Kiếm và ấn được trao trả cho bà từ năm 1952, nhưng tới năm 1953 khi tình hình chiến sự quá rối ren nên Quốc Trưởng Bảo Đại ở luôn bên Pháp không đặt chân về Việt Nam. Ông bảo bà Mộng Điệp mang sang Pháp cho ông ấn kiếm và một số đồ cổ quí giá. Trong chuyến đi này, bà đem theo cả hai người con là Bùi Huy Hưng 9 tuổi, và Phương Thảo 7 tuổi.

Cuộc sống nơi đất khách có lúc khó khăn về kinh tế nhưng bà sống tự lập, không nhờ vả đến sự giúp đỡ của chính phủ Pháp. Dù sau này không còn sống cùng Bảo Đại nhưng bà Mộng Điệp vẫn chăm lo việc thờ cúng tổ tiên nhà Nguyễn, đúng với phận sự của một vương phi thực sự.

Bảo Đại, Bảo Sơn trong đám cưới Phương Thảo

Cặp ấn kiếm bà Mộng Điệp đem sang được cựu hoàng hậu Nam Phương giữ. Sau khi bà qua đời năm 1963 thì chuyển qua thái tử Bảo Long giữ. Đến khi cựu hoàng Bảo Đại viết cuốn hồi ký Le Dragon d’Annam” (Con Rồng An-nam) năm 1982, muốn mượn cái ấn để đóng vào cuối mỗi chương cho cuốn sách thêm trang trọng. Nhưng Bảo Long không cho mượn.

Thời điểm đó cựu hoàng đang sống cùng bà Monique – một người phụ nữ Pháp được mô tả là có tính cách rất ghê gớm và không ai trong hoàng tộc có cảm tình với bà, trong đó có Bảo Long.

Cựu hoàng Bảo Đại và người vợ người Pháp – Monique Marie Eugene Baudot

Thế là cha con Bảo Đại – Bảo Long xung khắc, đối xử với nhau không còn chút tình nghĩa. Rồi cựu hoàng kiện Bảo Long để đòi lấy lại ấn kiếm. Kết quả toà án Pháp xử cựu hoàng được giữ cái ấn, còn Bảo Long giữ thanh kiếm. Điều chua xót là khi cựu hoàng qua đời, cái ấn bằng vàng nặng suýt soát 13kg đương nhiên thuộc về quyền sở hữu của bà Monique (người duy nhất có hôn thú hợp pháp với Bảo Đại vào thời điểm đó).

Bà Mộng Điệp và con gái Phương Thảo bên mộ cựu hoàng Bảo Đại

Hoàng nữ Phương Thảo có chồng là một quí tộc Pháp. Bà tích cực vận động tài chính của các tổ chức quốc tế, giúp Huế trùng tu Văn Thánh và Minh Lâu trong lăng Minh Mạng. Bà cũng vận động các tổ chức ở Tây Ban Nha giúp trùng tu một số di tích ở phố cổ Hội An.

Bà Mộng Điệp bị mắc bệnh tim bẩm sinh, đã qua đời vào lúc 12 giờ ngày 26 tháng 6 năm 2011 tại bệnh viện Saint Antonie Pháp sau ca phẫu thuật tim không thành công.

Những năm cuối đời bà có nguyện vọng được về sống tại quê nhà. Tuy nhiên, do tuổi già sức yếu, nguyện vọng của bà chưa thể thực hiện được.

Tổng hợp dựa theo bài viết của Vĩnh Phúc và hình ảnh của nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân

Exit mobile version