Bí ẩn nội dung của bài hát “Hai Vì Sao Lạc” (nhạc sĩ Anh Việt Thu)

Trong các bài nhạc vàng, danh xưng phổ biến nhất trong lời bài hát là “anh và em” (đối với nam và nữ) hoặc “anh và tôi” (đối với nam và nam), nhưng với bài hát Hai Vì Sao Lạc của nhạc sĩ Anh Việt Thu thì danh xưng đó là “người và ta”.

Nếu bạn là người yêu thích nhạc xưa, hãy theo dõi kênh YouTube này để nghe đọc các bài cảm nhận về âm nhạc (phân tích ý nghĩa, hoàn cảnh sáng tác, tiểu sử ca nhạc sĩ): LINK YOUTUBE  < Click

Nội dung của bài hát là hình ảnh hai người bạn đưa tiễn nhau trong một đêm không trăng. Cho dù bài hát không nói rõ là ai đưa tiễn ai, tiễn đi đâu, nhưng hoàn cảnh đưa tiễn như vậy rất phổ biến ở ngoài đời, mang lại sự đồng cảm sâu sắc đối với người nghe nhạc. Có nhiều bài hát nổi tiếng mang nội dung này là Tiễn Đưa (Song Ngọc), Chuyến Tàu Hoàng Hôn (Minh Kỳ), Tiễn Người Đi (Lam Phương), Một Người Đi (Mai Châu)… Trong đó bài Hai Vì Sao Lạc được nhiều thế hệ yêu thích vì giai điệu mượt mà, tha thiết và tràn đầy cảm xúc, với ca từ dạt dào thi ngữ, toát ra từ tâm hồn phong phú và đa cảm của một nhạc sĩ tài hoa nhưng vắn số. Nhân vật trong bài hát gọi nhau là người và ta, có thể đó là hai người bạn, hoặc cũng có thể là hai người yêu nhau.

Đã từ lâu, khi nhắc đến nhạc sĩ Anh Việt Thu cùng những sáng tác nổi tiếng nhất, người ta đều nhắc đến ca khúc Hai Vì Sao Lạc, nhưng ý nghĩa, nội dung của lời ca và hoàn cảnh sáng tác của bài hát thì ít được nhắc tới.

Nhạc sĩ Anh Việt Thu sinh quán ở Mỹ Tho, ông qua đời từ rất sớm, vào năm 1975 khi mới 37 tuổi, vì vậy hầu như không có ai biết chính xác về hoàn cảnh sáng tác những tác phẩm của ông. Theo một bài viết của người bạn của nhạc sĩ Anh Việt Thu, vào thời trẻ, Anh Việt Thu ở chung với một người bạn là thi sĩ Anh Phương, quê ở Sóc Trăng. Tình nghệ sĩ, tình đồng hương miền Tây gắn bó nên hai người rất thân nhau, khắn khít như hình với bóng.

Một hôm, gia đình đã gọi Anh Phương về quê Sóc Trăng để sinh sống và làm việc. Trong mấy tuần cuối trước khi chia tay, hai người thường dẫn nhau đi chơi, tâm sự rất khuya mới về. Không biết sự tâm đắc và mật thiết giữa hai người như thế nào mà cả hai lại nghĩ rằng: “Hai người có lẽ là hai vì sao trên trời bị lạc xuống trần gian và vô tình gặp lại nhau”. Sau khi chia tay người bạn thân, Anh Việt Thu đã sáng tác Hai Vì Sao Lạc để tặng bạn, ví mình và bạn như hai vì sao đã lạc nhau trên đường đời.


Click để nghe Thanh Lan hát Hai Vì Sao Lạc trước 1975

Gần đây, có một câu chuyện khác kể về hoàn cảnh sáng tác bài hát này. Trong chương trình Chân Dung Cuộc Tình được phát trên đài THVL, người em của nhạc sĩ Anh Việt Thu là Huỳnh Hữu Phi Long (nhạc sĩ Anh Việt Thu tên thật là Huỳnh Hữu Kim Sang) kể lại rằng bài hát Hai Vì Sao Lạc được sáng tác kể về buổi chia tay của 2 anh em hồi giữa thập niên 1950, cũng là lần gặp nhau cuối cùng của họ. Nhạc sĩ Anh Việt Thu chọn ở lại Sài Gòn để tiếp tục học, còn người em về lại quê để chuẩn bị lên đường “tập kết” ra Bắc. Nhiều năm sau đó, vì hoàn cảnh anh em bị chia lìa ngàn dặm, kẻ Bắc người Nam, nhạc sĩ Anh Việt Thu nhớ lại buổi chia tay hôm nào và viết thành ca khúc Hai Vì Sao Lạc. Không ai trong số họ có thể ngờ rằng đó là buổi gặp nhau cuối cùng, vì chỉ hơn 1 tháng trước khi kết thúc cuộc ᴄhιến thì nhạc sĩ Anh Việt Thu qua đời (15/3/1975).


Click để nghe Tuấn Vũ hát Hai Vì Sao Lạc 

Người về, một mùa thu gió heo may 
Về đâu có nhớ chăng những vì sao long lanh 
đưa tiễn người một đêm không trăng 
Nói sao nên lời, lòng buồn như chiều rơi 
Như trong đêm khuya những buớc chân qua thềm gợi niềm thương nhớ vô vàn 

Người về, đường đi kết gió trăng sao
Người đi có biết chăng trong chiều nay bơ vơ 
Nghe lá thu vàng rơi bâng khuâng 
Bước chân ai về chừng thời gian ngừng trôi 
Như quên đêm khuya để gió sương thêu thùa thầm làm ướt áo vai gầy 

Cuộc từ ly diễn ra trong một đêm khuya thanh vắng, không trăng, chỉ có những vì sao lóng lánh, rưng rưng như những ngọt lệ chực chờ rớt xuống. Từng chiếc là cuối thu khẽ khàng rơi xuống, lao xao những nỗi buồn, vương vít những nỗi niềm bâng khuâng, bịn rịn. Thời gian, không gian, vạn vật nhưng ngừng lại, tê lặng trong khoảnh khắc chia ly nặng nề đó.

Câu hát “để gió sương thêu thùa thầm làm ướt áo vai gầy” với hai chữ “thêu thùa” vô cùng đắt giá và thi vị nhưng lại thường bị nhiều ca sĩ hát sai thành: “để gió xuôi theo màu thầm làm ướt áo vai gầy” đã làm mất đi chất thơ tuyệt mỹ của bài ca.

Người về chiều mưa hay nắng 
Sao để khói lam chiều như se trùng màu không gian 
Người về giòng sông thương nhớ
để bến vắng con đò buồn mong người, người hay chăng? 

Hai chữ “người về” lặp đi lặp lại nghe như mơ hồ, hư hư thực thực bởi người ở lại vẫn chưa thể chấp nhận được thực tại chia ly phũ phàng đó. Dòng tâm trạng trùng xuống, u uẩn, thê lương được khắp hoạ ấn tượng bằng một loạt hình ảnh, màu sắc đặc biệt của hoàng hôn: “Lòng buồn như chiều rơi”, “Sao để khói lam chiều như se trùng màu không gian”. Cái buồn lặng của hoàng hôn cộng hưởng với cái lạnh lẽo của đêm sương khuya vắng phủ lên đôi “vai gầy” của kẻ ở người đi, khiến cuộc từ ly càng thêm phần thê thiết.

Người là vì sao nhỏ bé 
Ta mãi ước cho lòng làm bầu trời xanh xanh 
Người về lòng ta thương nhớ
Ta khẽ hỏi đưa người về hay thầm người đưa ta 

Những lời ca bay bổng, đầy chất tự sự thắm thiết trong giai điệu ngọt ngào, êm ả kéo người nghe chìm trôi trong dòng chảy tâm trạng của người nghệ sĩ, trong ước mơ phiêu bồng như vừa chợt vút lên: “Người là vì sao nhỏ bé, ta mãi ước cho lòng làm bầu trời xanh xanh”. Giữa màu vàng u uẩn của bầu không gian, nhạc sĩ khéo léo điểm xuyết chút màu trời xanh xanh khiến bức tranh chia ly bất chợt ánh lên những tia hy vọng, bớt phần u ám để niềm thương, nỗi nhớ thăng hoa dìu dịu.

Người về, người về đâu nhớ ta chăng 
Người ơi mỗi lá thu rơi làm ta bâng khuâng 
Như áng mây chiều lan trong sương 
Bước đi âm thầm lòng buồn như thời gian
Nghe chăng thu ơi để lá rơi chi hoài gợi niềm thương nhớ ai nhiều

Có thể xem Hai Vì Sao Lạc là một trong những bài nhạc vàng có lời ca đẹp và thị vị nhất trong âm nhạc Việt. Nhạc sĩ Anh Việt Thu như là đã thêu hoa dệt gấm cho ca từ bằng việc sử dụng một loạt những từ ngữ đầy chất thơ, tạo thành một bức tranh tuyệt mỹ, nhưng cũng thật buồn để khắc hoạ tình cảm của kẻ ở người đi trong buổi chia ly.

Bài: Đông Kha
Bản quyền bài viết của nhacxua.vn

Exit mobile version