Bí ẩn khu mộ cổ dòng họ Lâm của nhạc sĩ Lam Phương hiện vẫn còn ở công viên Tao Đàn

Ngày nay, trong khuôn viên của công viên Tao Đàn (Vườn Tao Đàn xưa) vẫn còn một khu mộ cổ hơn 200 năm tuổi đã được nhà nước xếp hạng di tích kiến trúc nghệ thuật cấp thành phố năm 2014. Đó là mộ cổ nhà họ Lâm, và ít người biết, chủ nhân của khu mộ này ông Lâm Tam Lang, chính là cụ tổ 7 đời của nhạc sĩ Lam Phương – tên thật là Lâm Đình Phùng.

Nếu bạn là người yêu thích nhạc xưa, hãy theo dõi kênh YouTube này để nghe đọc các bài cảm nhận về âm nhạc (phân tích ý nghĩa, hoàn cảnh sáng tác, tiểu sử ca nhạc sĩ): LINK YOUTUBE  < Click

Khu mộ này gồm 2 ngôi mộ lớn nằm kề nhau được xây dựng bằng hợp chất ô dước (vôi sống, cát mịn, bột vỏ sò trộn với mật mía và nước nhớt của một loại cây rừng), cùng một số ngôi mộ nhỏ khác.

Bên trong quần thể này có tiền sảnh, sân thờ và nhà mồ. Trước mộ có bia bằng chữ Hán. Căn cứ từ tấm bia này có thể xác định, người nằm trong mộ kia là ông Lâm Tam Lang (mất năm 1795) và vợ là bà Mai Thị Xã.

Từ dòng chữ trên bia “Đại Nam. Hiển khảo trọng giang…” cho thấy, ngôi mộ được xây vào thời vua Minh Mạng.

Căn cứ theo quy mô của khu mộ cổ, có thể thấy đây là nơi an nghỉ của một người rất quyền thế hoặc giàu có. Vậy ông Lâm Tam Lang là ai?

Tìm lại gia phả họ Lâm ở Kiên Giang, có ghi thủy tổ dòng họ này như sau:

Đời Thứ 1: Ông Lâm Tam Lang (17?? – 1795)

Ông Lâm Tam Lang, tự là Nguyên Thất, không biết năm sinh. Ông mất vào mùa thu năm Ất Mão (1795). Ông là người gốc ở Quảng Đông, Trung Quốc, không biết di cư sang Việt Nam từ khi nào, cư ngụ tại Saigon, Gia định.

Ông có vợ là bà Mai Thị Xã. Không biết năm sinh, năm mất.

Song mộ nguyên táng của ông và bà tại Vườn Ông Thượng, Sài Gòn (nay là công viên Tao Đàn). Vào vườn Tao Đàn phía cổng đường Nguyễn Thị Minh Khai – Trương Định thì mộ ông bà ở ngay phía bên trái. Mặt tiền vòng mộ xoay hướng ra cổng vườn Tao Đàn đường Nguyễn Du – Trương Định.

Hậu duệ đời thứ 4 của ông Lâm Tam Lang là võ tướng Lâm Quang Ky, người được xem là Lê Lai cứu chúa của xứ Kiên Giang, được đặt tên cho đường lớn ở Rạch Giá, song song với đường Nguyễn Trung Trực. Ngoài ra tên của Lâm Quang Ky cũng được đặt cho một con đường ở Quận 2, Sài Gòn ngày nay, bên hông công viên Thạnh Mỹ Lợi.

Lâm Quang Ky là phó tướng của anh hùng chống Pháp Nguyễn Trung Trực, đã giả làm chủ tướng để bị bắt và bị hành quyết, nhờ vậy mà lãnh tụ nghĩa binh Nguyễn Trung Trực chạy thoát.

Các thế hệ đời sau của ông Lâm Quang Ky hầu hết đều theo con đường binh nghiệp, trong đó tên tuổi lẫy lừng nhất là người đời thứ 7 của họ Lâm, cháu gọi Lâm Quang Ky bằng ông cố: Đại tá Lâm Quang Phòng.

Cũng đời thứ 7 của họ Lâm, nhưng ở nhánh khác của Lâm Quang Phòng, là một nhân vật kiệt xuất khác, chính là nhạc sĩ Lam Phương, tên thật là Lâm Đình Phùng.

Khu mộ thập niên 1960

Ngày 10-4-2014, UBND thành phố quyết định công nhận mộ cổ họ Lâm là di tích lịch sử cấp thành phố để gìn giữ, bảo tồn.

Theo đánh giá hiện trạng di tích trong Danh mục kiểm kê di tích lịch sử – văn hóa trên địa bàn Sài Gòn giai đoạn 2010-2020: Tổng thể công trình kiến trúc mộ cổ họ Lâm được bảo tồn tương đối nguyên vẹn. Đây là một trong những ngôi mộ hợp chất có diện tích lớn và kiến trúc đẹp còn lại ở Sài Gòn.

“Cụm mộ là một trong những kỷ niệm cuối cùng của những thế hệ tiền hiền – hậu hiền trong nhiều lớp lương dân đi “mở nước” và xây đắp lãnh thổ và lãnh hải trên các nẻo đường thiên lý hướng về Nam”, Phó giáo sư – tiến sĩ Phạm Đức Mạnh nói.

Khu mộ sau khi được sơn lại:

Tổng hợp

Exit mobile version