“Dừng chân trên Bến khi chiều nắng chưa phai”
Đó là câu hát nổi tiếng trong ca khúc Sài Gòn của nhạc sĩ Y Vân, và cho dù bài hát này không nhắc đến “Bến” cụ thể nào, nhưng người ta vẫn luôn cho rằng đó chính là Bến Bạch Đằng – bến sông đẹp nhất của Sài Gòn xưa.
Sau năm 1955, khi vừa được thành lập, chính quyền đệ nhất cộng hòa gấp rút đổi tên đường ở đô thành Sài Gòn từ tên Pháp sang tên tiếng Việt. Bên cạnh đó, những con đường dọc bên sông Sài Gòn được đặt tên của địa danh gắn liền với những bến sông, chiến dịch chống ngoại xâm bên sông Bạch Đằng là Bến Hàm Tử, Vân Đồn, Chương Dương, Vạn Kiếp, Bạch Đằng.
Từ năm 1955 đến khoảng năm 1980, con đường mang tên Bến Bạch Đằng là đoạn từ cầu Khánh Hội cho tới cảng Ba Son. Cái tên này không chỉ dành để gọi tên đường, mà cũng thường được gọi cho bến sông, khu vực vỉa hè, cảng biển, và Bến Bạch Đằng trở thành nơi rất quen thuộc với người Sài Gòn qua nhiều thời kỳ suốt hơn 1 thế kỷ qua.
Thời Pháp, đoạn đường Bến Bạch Đằng này mang rất nhiều tên và chia thành 2 đoạn như sau:
Đoạn 1: Từ cầu Khánh Hội cho đến công trường Mê Linh ngày nay, khi người Pháp vừa chiếm được thành Gia Định và bắt đầu đặt tên cho các tuyến đường đầu tiên ở Sài Gòn, họ gọi đoạn đường này bằng cái tên Quai de Donnai, sau đó lại đổi thành Quai Napoléon, năm 1870 đổi là Quai du Commerce, đến 1896 đổi là Quai Francis Garnier, và 1920 đổi thàmh Quai le Myre de Vilers.
Đoạn thứ 2 là từ công trường Mê Linh đến cảng Ba Son, lúc đầu mang tên Primauguet, đến năm 1920 đổi thành Quai d’Argonne.
Điểm chung của đoạn 1 và 2 này là đều giáp sông Sài Gòn, 1 bên là sông, 1 bên là quận 1 sầm uất.
Năm 1955, chính quyền Sài Gòn nhập đoạn đường 1 và 2 này (Le Myre Vilers và Argonne) và đặt tên là Bến Bạch Đằng. Đến năm 1980, chính quyền nhập Bến Bạch Đằng với đường Cường Để (là đoạn từ Lê Duẩn ngày nay cho đến cảng Ba Son) để trở thành đường Tôn Đức Thắng như ngày nay.
Tuy cái tên Bến Bạch Đằng đã không còn chính thức, nhưng người dân vẫn quen gọi bến sông đoạn đầu đường Nguyễn Huệ, Hàm Nghi bằng cái tên Bến Bạch Đằng như những ngày xưa cũ.
Sau đây, mời các bạn xem lại những hình ảnh xưa của khu vực Bến Bạch Đằng, nơi có cảng biển dân sự với tàu thuyền tấp nập, có quân cảng, cột cờ thủ ngữ, có công trường Mê Linh với nhiều biến động, có bức tượng đức Trần Hưng Đạo chỉ tay ra vùng xa khơi, có nhà hàng Mỹ Cảnh, có khách sạn Majestic ở đầu đường Tự Do, có công viên nơi hẹn hò của nhiều đôi tình nhân trai gái…
Sau đây là những hình ảnh chụp xuống Bến Bằng Đằng từ trên tầng thượng Majestic:
Nhìn xuống cảng biển với các loại tàu dân sự – quân sự:
Khu vực công viên ở bờ sông:
Đi một đoạn nữa là đến gần công trường Mê Linh, nơi đặt tượng Hai Bà Trưng trước năm 1963.
Một số hình ảnh trắng đen chụp Bến Bạch Đằng:
Đông Kha (biên soạn)
Nguồn ảnh: manhhai flickr
Bản quyền bài viết của nhacxua.vn