Bàn về việc sáng tác ca khúc xưa: “Giữ mãi tâm hồn luôn tươi xanh”

Nhạc sĩ Nguyễn Thiện Tơ viết “Giáo Đường Im Bóng” vào lúc 17 tuổi. Nhạc sĩ Đặng Thế Phong viết “Con Thuyền Không Bến”, “Giọt Mưa Thu” vào độ tuổi hai mươi. Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn sáng tác “Ướt Mi” vào năm 19 tuổi. Nhạc sĩ Văn Cao cho ra đời “Buồn Tàn Thu” vào năm 16 tuổi. Nhạc sĩ Phạm Duy phổ thơ Nguyễn Bính cho ra đời “Cô Hái Mơ” lúc bước sang tuổi 23… và có lẽ Cung Tiến là người trẻ tuổi nhất khi viết ca khúc đầu tay và trở nên bất hủ vào tuổi 14!

Nếu bạn là người yêu thích nhạc xưa, hãy theo dõi kênh YouTube này để nghe đọc các bài cảm nhận về âm nhạc (phân tích ý nghĩa, hoàn cảnh sáng tác, tiểu sử ca nhạc sĩ): LINK YOUTUBE  < Click

Danh sách trên còn dài nhưng tôi chỉ lấy một số tên tuổi tiêu biểu của nhạc Việt thời kỳ đầu của tân nhạc, nhạc tiền chiến và sau khi chia đôi đất nước mà thôi.

Sở dĩ có cái thống kê nhỏ đó là tôi muốn nói rằng trong nghệ thuật cái tinh khôi của tinh thần nó quyết định đến dấu ấn nghệ thuật hơn là kỹ thuật.

Chúng ta thấy qua các tác phẩm kể trên dù được viết ở tuổi đời non trẻ và sự am hiểu về nhạc lý kỹ thuật của họ còn rất non nhưng lại cho ra đời những tác phẩm mang dấu ấn rõ nét cho cá tính âm nhạc sau này, cũng như nghiễm nhiên là một trong những tác phẩm tiêu biểu nhất của họ.

Có một sự thật nữa là, một số tác giả sau những bài hát đầu tay của những năm tháng thanh xuân họ bắt đầu học hỏi và nghiên cứu sâu vào nhạc lý, hoà âm… nói chung là kỹ thuật âm nhạc hoặc theo học trường nhạc chính quy thì họ không có thêm những tác phẩm hay như thuở “còn non” nữa. Lúc này sự già dặn, am tường, lão luyện về kỹ thuật chẳng giúp ích gì cho việc có một tác phẩm rung động lòng người mãnh liệt. Và người nghe sẽ nhắc đến họ là bởi những tác phẩm ban đầu khi chưa thủ đắc được những kỹ thuật cao cường.

Nên thiết nghĩ, việc viết một ca khúc cho hay không cần phải vào nhạc viện hay rèn luyện kỹ thuật gì cho lắm mà chỉ cần thông thuộc nhạc lý cơ bản. Thậm chí, việc viết ra một bài hát khiến nhiều người thích có khi tác giả lại… mù nhạc là việc không hiếm. Có người còn chưa rành mặt nốt nhạc, dẫn đến việc không ký âm lại được bài hát của mình mà phải nhờ người khác, như người chưa đánh vần được vậy.

Dạo trước trong thời kỳ Làn Sóng Xanh của nhạc Việt nhiều tác giả nổi lên như cồn với các ca khúc top này, hit nọ. Sau đó, một số người phấn khởi quyết đầu tư cho sự nghiệp âm nhạc lâu dài bèn xin vào nhạc viện học. Kết quả, khi ra trường họ không viết bài hát nào gây chú ý nữa, đồng thời sự học cao cấp này cũng không khiến họ viết nên một tác phẩm hàn lâm hay giao hưởng nào ra hồn cả. Rồi họ quay sang viết nhạc nghệ thuật. Nó cũng chả thành công. Nên nó dở dở ương ương, nửa thầy nửa thợ. Một số khác chỉ làm được cái công việc soạn hoà âm phối khí để kiếm sống và cái việc viết ca khúc tưởng là cho hay cho ấn tượng hơn hoàn toàn là không có và lại còn viết ra bài hát nhạt nhẽo hơn xưa.

Dĩ nhiên, nếu muốn viết hay soạn nhạc cao cấp hơn như giao hưởng, thính phòng…thì phải học nhạc viện hay tu dưỡng về kỹ thuật viết một cách công phu và trong thời gian dài. Ngoại trừ là thiên tài như Mozart!

Học để viết giao hưởng thì ai học cũng xong nhưng để viết một giao hưởng hay và ấn tượng lại là chuyện khác. Nó cũng khó như viết một ca khúc phổ thông nhưng hay và bất hủ. Nghĩa là anh cao cường về kỹ thuật nhưng anh còn giữ được tần số rung động của tâm hồn, của tinh thần như thuở nào không. Việc khó này lại vô tình trở nên dễ với một số tác giả còn trẻ, chưa nắm vững về kỹ thuật.

Vậy mới thấy, cái tinh thần, cái hồn của người viết nó quyết định. Sự học, sự lão luyện về kỹ thuật chỉ là phương tiện.

Cho nên, số đông thường là chỉ để lại vài ba hay có khi chỉ một ca khúc hay để đời. Số ít còn lại may ra mới kéo dài sự nghiệp viết ca khúc trải dài suốt đời mà vẫn giữ được dấu ấn trong lòng người nghe mà thôi. Những người này thường là không bỏ thời gian đi học trường lớp nhạc chính quy nào cả.

Đây cũng là một câu trả lời hay và thực tế trong nghệ thuật.

Cũng có thể “lái” sang chuyện hát. Nó cũng tương tự như viết ca khúc. Ca sĩ để lại dấu ấn trong lòng người nghe là khi họ hát với tiếng hát bẩm sinh nó đượm cái tinh thần riêng của họ. Có người sau đó vào nhạc viện thì hát có vẻ kỹ thuật hơn nhưng lại đánh mất chính mình và cái tinh thần đẹp đẽ ban đầu. Bởi, kỹ thuật thanh nhạc trong nhạc viện nó đào tạo ra những ca sĩ hát opera. Nếu không khéo ta đem opera cưỡng hiếp nhạc nhẹ thì hỏng. Một số ca sĩ tốt nghiệp nhạc viện được phong diva này nọ chỉ là khiên cưỡng. Họ cũng nửa mỡ nửa nạc. Hát ca khúc thì phá hỏng tinh thần ca khúc. Hát đúng chất hàn lâm lại chưa đủ chín. Nhưng một số họ lại dương dương tự đắc. Nghĩ là mình có học. Càng nghĩ vậy lại càng phô trương kỹ thuật. Càng phô trương sự học thì càng giết cái tinh thần của nghệ thuật.

Tóm lại, trong nghệ thuật, có học không phải quyết định. Cái quyết định là có tinh thần và linh hồn của nghệ sĩ không.

Học hỏi kỹ thuật chỉ là con đò qua sông. Khi qua sông không ai mang theo con đò nữa. Nó vô ích và lại vướng bận một cách ngu ngốc. Vậy mà tiếc thay, không hiếm những ca, nhạc sĩ khi qua sông cứ khăng khăng mang theo con đò chỉ để mà khoe mẽ và doạ người yếu bóng vía!

Giữ lấy tâm hồn mình luôn xanh, qua sông nên bỏ lại con đò- không chỉ là tâm niệm của người làm và sáng tác âm nhạc mà bao trùm luôn cả những cái gì gọi là nghệ thuật (Thi ca, văn chương, hội hoạ…)

Điều này cực kỳ khó vô cùng hơn ngàn lần mài dũa kỹ thuật cả trăm năm!

(Từ “Nhật Ký Nghệ Thuật” của tôi)
Tác giả: Nhạc sĩ Trần Minh Phi
Đăng lại với sự đồng ý của tác giả

Exit mobile version