Âm nhạc luôn phản ánh nét văn hóa của một dân tộc. Do vậy, trong phạm vi bài này tôi chỉ bàn về ca khúc thuộc loại nhạc sang, nhạc sến hay nhạc view ở góc độ văn hóa mà không đi sâu vào nhạc thuật. Cái hồn của một ca khúc phần lớn do người nhạc sĩ tạo ra, ca khúc chính là hình thức thể hiện tâm hồn của người nghệ sĩ, do vậy, để đánh giá ca khúc ấy sang, sến hay tầm thường hoàn toàn phụ thuộc vào cách sống, nét văn hóa của chính nhạc sĩ.
- Nhạc sĩ “sang” sẽ tạo ra nhạc “sang”
Xã hội nay, rất nhiều người chịu ảnh hưởng bởi tư tưởng vật chất, thậm chí trong giáo dục ở nhà trường, học sinh, sinh viên cũng bị nhồi nhét lối suy nghĩ này, nên đa số họ cho rằng “sang” ở đây là gắn liền với sự giàu có về vật chất, từ đó xuất hiện các từ ngữ như xe sang, điện thoại sang, quần áo sang, tóc tai sang…. và nhạc sang cũng được hiểu theo nghĩa đó, đặc biệt là trong giới trẻ, tuổi teen ngày nay. Rất nhiều các video ca nhạc (MV) xuất hiện thể hiện rõ nhất quan niệm đó, các nhân vật trong MV đều luôn tỏ ra là người có nhiều của cải, sống trong nhung lụa, nhiều nhân vật tự cho mình như một ông hoàng với các cung tần mỹ nữa vây quanh hầu hạ; một số nhân vật nữ tự đặt mình như những tầng lớp thượng lưu (hight society) chà đạp lên luân lý của xã hội. Nhưng buồn thay, nội dung (cái hồn) của bài hát thì thật nông cạn, là những câu chuyện hời hợt, thứ triết lý “lá cải” của những người thiếu ý thức về nét văn hóa của dân tộc.
Từ “sang” ở đây là sự phản ánh về vẻ đẹp của tri thức, của văn hóa, của cách cư xử đúng mực, là lòng nhân ái, bao dung của con người. Do vậy, có những người rất bình thường, đi chiếc xe bình thường, điện thoại bình thường, ăn mặc bình thường nhưng ở họ luôn toát ra vẻ sang trọng bởi vì họ có tri thức, có lòng nhân ái, biết đau khi thấy những trẻ em bất hạnh, biết buồn khi nạn nhũng nhiễu ngày càng nhiều, biết âu lo cho tình trạng ô nhiễm ở nhiều lĩnh vực ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống người dân, họ không vô cảm và ích kỷ như những kẻ gọi là “giàu sang” về vật chất nhưng thiếu tình người trong xã hội ngày nay.
Như vậy, nhạc sang thực chất là tâm hồn “sang” đúng nghĩa của người nhạc sĩ biểu hiện ra bên ngoài với tình thương yêu con người, yêu thiên nhiên và yêu non sông gấm vóc. Rất nhiều ca khúc đượm nét buồn trong giai điệu, nhưng luôn toát lên cái tình của người nhạc sĩ, không nhỏ nhen, ích kỷ; một số bài hát có thể là câu chuyên riêng của tác giả hay của một ai đó mà tác giả cảm nhận nhưng với một nhạc sĩ “sang” thì những câu chuyện đó luôn in đậm nét tình người và trở thành cái chung của rất nhiều người qua triết lý nhân sinh của ông cha ta; từ đó ca từ và giai điệu bài hát cũng hình thành trên nền tảng đó, tạo nên nét “sang” của bài hát.
Do vậy, không thể có một khái niệm chính xác nào đối với “nhạc sang” mà nó phụ thuộc hoàn toàn vào người nhạc sĩ và người cảm thụ. Một bài hát có người cho là rất sang, nhưng đối với người khác thì không thấy sang đâu cả, bởi vì chính bản thân họ thiếu đi tình người, thiếu tình yêu đối với thiên nhiên, nên họ không thể cảm nhận được cái sang của bài hát. Điều này cũng tương tư như việc một số người xót thương cho việc các hàng cây cổ thụ bị chặt phá, còn những người kia thì cứ dửng dưng đốn ngả để xây dựng các công trình tiền tỷ. Với ý ngĩa đó thì nhạc sang luôn mang thông điệp của tình người, trong đó có tình yêu giữa con người với nhau và tình yêu thiên nhiên luôn hòa quyện với nhau tạo nên chất “sang” của bài hát. Thậm chí nhạc bolero mà nhiều người cho là nhạc “sến” nếu có đủ các yếu tố trên thì nghe cũng rất sang, đó là điều rất bình thường.
Trong các bài hát “sang”, đặc biệt tác giả rất ít sử dụng tục ca, dục ca, hùng ca hay là hận ca để diễn tả bài hát, bởi vì điều đó không phù hợp với nét văn hóa tình người, tình yêu quê hương và yêu thiên nhiên của con người nói chung. Chẳng hạn như một số bài hát của nhạc sĩ Ngô Thụy Miên, Trịnh Công Sơn chúng ta luôn bắt gặp tình người và thiên nhiên hòa quyện trong đó, mặc dù nhiều bài hát có giai điệu rất buồn nhưng trong cái buồn đó tác giả vẫn khát khao tình yêu, tình người, tình yêu thiên nhiên, yêu cỏ cây, hoa lá…. Chính các yếu tố này tạo nên sức sống lâu dài của bài hát, thậm chí không bao giờ chết.
- Nhạc “sến” vẫn có những nét “sang”
Từ “sến” đã có rất nhiều bài viết nói về từ này, nên tôi không bàn về từ ngữ mà chỉ đề cập đến nội dung các bài hát mà nhiều người cho rằng là “sến”.
Thứ nhất, các bài hát sến thường diễn tả các câu chuyện riêng của tác giả. Câu chuyện riêng này có thể trùng hợp với hoàn cảnh của nhiều người vào thời điểm đó nên sự chia sẻ, cảm thông được lan truyền rất nhanh, bài hát rất gần gũi và trở nên phổ biến, ai cũng có thể hát được, nhất là giới lao động. Nhạc sĩ Vinh Sử được truyền thông đặt cho tên “ông vua nhạc sến” cũng đã từng phát biểu rằng, mỗi một bài hát là câu chuyện tình của tôi. Chính câu chuyện riêng này tạo nên nét giản dị, đời thường của bài hát, bởi vì tác giả của nhạc “sến” ít sử dụng các ca từ hoa mỹ diễn tả cái chung, cái triết lý của con người, mà chủ yếu kể về câu chuyện làm sao dễ thấu và dễ cảm để chia sẻ với mọi người.
Thứ hai, nhạc sến luôn chất chứa nét “u buồn” riêng của tác giả.
Do điều kiện, hoàn cảnh sống của tác giả vào thời điểm đó, nhất là trong thời kỳ chiến tranh, sự chia ly, mất mát đã ảnh hưởng phần lớn các bài hát sến. Chính vì điều này mà các bài hát diễn tả cảm xúc rất thật của tác giả, in đậm nét văn hóa của người miền Nam, mà đã là cảm xúc thật thì rất dễ đi vào lòng người, và cũng do điều này đã tạo nên sức sống đến tận ngày nay vang lên khắp các nẽo đường, mặc dù nhiều bài hát có ca từ không còn phù hợp với lối sống hiện nay.
Thứ ba, nhạc “sến” vẫn có những nét “sang”
Rất nhiều người cũng thừa nhận rằng, không phải cứ điệu bolero là nhạc sến. Điều này cũng có cái lý của nó, bởi vì như đã trao đổi ở trên, nhạc sang luôn phản ánh, khát khao tình người, tình yêu thiên nhiên và luôn mang một thông điệp nhất định, do vậy, điệu bolero hay ballade hay habanera không đồng nghĩa với từ “sến” mà chủ yếu phụ thuộc và nội dung của bài hát, nếu nó chứa đựng các giá trị của tình người, tình yêu quê hương, đất nước thì nó sẽ bộc lộ nét sang trong đó.
- Nhạc “view” với giai điệu trẻ, ca từ rẻ
Nhiều người cho rằng nhạc trẻ, nhạc teen ngày nay là loại nhà thị trường hay nhạc chợ, nhạc ngoài da (từ của cố nhạc sĩ Phạm Duy) cũng có cái lý, bởi vì đa số các bài hát có đời sống rất ngắn như một thức ăn nhanh trong thời hiện đại “ăn cho qua”. Riêng tôi, thì đặt tên cho loại nhạc này là nhạc “view” có lẽ phù hợp với điều kiện hiện nay mà nó có vẻ cũng sang sang, bởi vì nhạc này được đánh giá chủ yếu qua lượng xem (view) thông qua các hãng truyền thông như youtube, NCT, Zing…
Phần lớn các bài hát thuộc loại nhạc view do các nhạc sĩ trẻ sáng tác, do vậy về giai điệu mang chút trẻ trung và có phần pha chút giai điệu của nhạc Hàn Quốc, nhạc Hoa… nên rất được giới trẻ tuổi teen tung hô, thậm chí nhiều người trở thành Fan cuồng của nhiều ca sĩ. Việc vay mượn giai điệu của nhạc nước ngoài là điều rất bình thường, ngay cả ở nhiều lĩnh vực văn hóa khác cũng vậy. Vấn đề là làm sao các giai điệu ấy phù hợp với nét văn hóa của Việt Nam, phù hợp với ngôn ngữ tiếng Việt, từ đó mới có thể phát triển được nền âm nhạc nước nhà. Nhưng rất tiếc là loại nhạc view lại thường pha trộn không chỉ giai điệu (melody) mà cả ca từ (lyrics). Tôi đã từng nghe một số ca khúc loại nhạc này, có những giai điệu tươi vui, trong sáng bỗng nhiên chen vào đó vài từ tiếng Anh làm tôi bị cụt hứng. Rất nhiều bài hát loại này có ca từ vừa ngây ngô vừa sáo rỗng, thiếu chất thơ và văn chương của ngôn ngữ tiếng Việt, thể hiện tình cảm hời hợt của con người, như cố nhạc sĩ Phạm Duy gọi là nhạc ngoài da, nghĩa là nó chỉ lớt phớt ngoài da rồi trôi đi, không đọng lại chút gì trong ký ức của con người. Đành rằng các nhạc sĩ trẻ ngày nay có điều kiện học hành bài bản về âm nhạc nhưng ở họ thiếu đi cái chất của người nghệ sĩ, thiếu đi tình người theo nghĩa rộng nên về giai điệu họ có những sáng tạo nhất định nhưng thiếu đi cái “sang” mang đậm nét văn hóa của dân tộc. Nhạc “sến” mặc dù giai điệu phần lớn là u buồn nhưng nét văn hóa luôn được truyền tải trong mỗi ca khúc, chính điều này làm cho nhạc “sến” vẫn tồn tại mãi đến ngày nay nhất là ở miền Nam, không chết yểu như nhiều các bài hát triệu view.
Một vấn đề cũng đáng bàn luận về nhạc view, đó là sự thiếu vắng đi các triết lý nhân sinh của dân tộc mà thay vào đó là các khẩu hiệu cửa miệng của giới trẻ nên nhiều khi nghe cứ tưởng là những câu chuyện tán gẫu trên mạng xã hội facebook, zalo, nên trôi nhanh là điều không tránh khỏi.
Và điều cuối cùng tôi muốn nói về nhạc view chính là sự in đậm chủ nghĩa vật chất trong giới trẻ. Điều này thể hiện ở nhiều khía cạnh, từ việc tìm kiếm các khẩu hiệu gọi là “hot” để tạo nên bài “hit”, làm các MV tạo ra nhiều ấn tượng, bất chấp sự suy đồi về văn hóa, tìm mọi cách để câu view và cuối cùng là đạt được nhiều view để tạo sự nỗi tiếng và kiếm tiền quảng cáo từ trang youtube. Như vậy, mục đích cuối cùng của các nhạc sĩ và ca sĩ trẻ là để thu được nhiều tiền và sự nỗi tiếng trên các phương tiện truyền thông được xem là mạch sống của giới trẻ, còn giá trị về mặt văn hóa, truyền thống, nghệ thuật, tình người dường như rất ít ca khúc trẻ có được, thậm chí thời gian gần đây nhiều bài hát triệu view còn bộc lộ sự xuống cấp rõ rệt của văn hóa, đạo đức, nhiều tác giả đã sử dụng tục ca và dục ca để làm nỗi bật bài hát. Một khi chủ nghĩa vật chất được tôn thờ thì họ có thể làm bất cứ điều gì nhằm để đạt được mục đích, điều này rõ ràng hoàn toàn không phù hợp với văn hóa người Việt của chúng ta.
Nguyên nhân của vấn nạn này sẽ được đề cập ở bài viết sau.
Tác giả: Nhạc sĩ Võ Thanh Bình
Gửi riêng cho nhacxua.vn