Ai nghe boléro cũng được, ai vui miệng ca boléro cũng xong; nhưng để là một nghệ sĩ boléro lại vô cùng khó. Như một mảnh đất đông dân, đủ mọi thành phần, nhưng để bước vào hàng phú hào thì phải là những người ưu tú.
Mỗi vùng văn hóa có hệ ngôn ngữ âm nhạc riêng, không nhất thiết chỉ trong ranh giới dân nhạc truyền thống. Tân nhạc boléro miền Nam hay tiền chiến miền Bắc là di sản quý giá vì là dấu ấn tân nhạc bản địa gần như cuối cùng trước khi chúng ta bước vào thời kỳ mà nhạc pop ở đâu cũng na ná nhau. Boléro là cái tên ước lệ cho kho tàng đồ sộ các tác phẩm ở nhiều tiết điệu, được sáng tác trong một thời kỳ nhạc Việt.
Mang đầy đủ thuộc tính bản địa của nơi sinh ra nó, boléro giống như cách ta hình thành nên Sài Gòn, cơm tấm hay bánh mì thịt nguội. Nó mang tính đa dạng của thị dân nhập cư, được bản địa hóa trong quá trình hội nhập. Tiết điệu latin với cung trưởng trong ngũ cung Huế hoặc dân nhạc Kinh Bắc; món lạp xưởng của người Hoa, bì da heo và thính gạo rang… được hợp thể, điều chỉnh cho hợp thẩm mỹ vị giác hay thính giác của cư dân đô thị này.
Có lẽ đó là lý do mà tới nay boléro vẫn chiều chuộng được một lượng khán thính giả cũng đa thành phần như chính nó, gồm cả “người già con nít”; không chỉ nửa thế kỷ trước mà cho tới tận bây giờ.
Một lúc nào đó giữa đời sống, như một cơ chế tự vệ tâm lý, nhiều người muốn tránh đối diện với những trạng thái mang màu sắc buồn và chậm. Nhưng sự mùi mẫn của boléro, tiểu thuyết diễm tình, phim truyền hình dài tập hay những tuồng cải lương tâm lý xã hội lại cho phép ta “thanh tẩy tâm hồn” một cách nhẹ nhõm. Đối diện với các bế tắc cảm xúc hay những nỗi buồn riêng; việc hòa mình vào ca từ, số phận một nhân vật, và thương khóc cho tha nhân có khi lại là cách giải tỏa tốt hơn.
Xong một vở tuồng, bữa hát; người ta có thể nhẹ nhõm ra về mà không việc gì phải tha nỗi buồn sân khấu đó vào đời riêng. Nhưng những nỗi buồn giả tưởng, được cường điệu hóa trên sân khấu lại giúp công chúng của nó phóng thích những tiêu cực cá nhân và biến tất thảy thành một ưu chất: lòng trắc ẩn.
Một học giả âm nhạc cau mày trước boléro hay một chuyên gia ẩm thực phát hoảng vì tính thập cẩm trong dĩa cơm bụi bình dân Sài Gòn là điều dễ hiểu. Đặc sản tâm lý xã hội miền Nam thật khó phân tích bằng dữ liệu học thuật. Tính “dễ đoán” trong tân nhạc boléro và khúc thức giản dị khiến nó bị cho là hình thức nghệ thuật thô sơ. Nhưng sự “thô sơ” ấy đã mang cho boléro miền Nam, hay country Mỹ và những trường phái tương đồng một sức sống bền bỉ và phạm vi phổ cập đáng thèm muốn so với các trường phái hàn lâm.
Trong cơn lốc phát triển hiện tại, có thể các lối thể hiện mới của nhiều nghệ sĩ boléro đương thời khiến thính giả thủ cựu khó lòng chấp nhận. Boléro truyền hình hóa, boléro với dàn nhạc bán cổ điển, boléro công nghệ hóa… làm ta “mệt”. Nhưng có một thứ không một giọng ca từ bất cứ cổ họng vạm vỡ nào có thể ngụy tạo được trong bản ngã boléro: cái tình.
Như kiểu một tiệm ăn hút khách ở Sài Gòn có khi không vì công thức gia truyền mà vì sự hào sảng của ông chú giữ xe, mấy trái chuối tráng miệng không tính tiền và cái sổ nợ dày như cuốn từ điển ghi đầy tên sinh viên. Cái tình trong sự bày soạn và tâm thế kẻ bày soạn quyết định độ mùi mẫn đặc thù của cả món ăn hay bản nhạc. Như nồi kho thấm gia vị, người ta không thể mang xảo thuật rung ngân của dân ca và một thanh quản cường tráng học thuật để chen lên sân khấu boléro.
Người nghệ sĩ boléro, khi cất lên tiếng hát, là đã phải được “ướp” bằng bầu không khí thành thị miền Nam, thuần thục cách “bỏ nhỏ” câu vọng cổ; và phải trong không gian rất riêng của nó.
Dân miền Nam, Sài Gòn có cái nết rất ngộ: hiếu kỳ nhưng rộng lòng với mọi yếu tố du nhập. Họ nghe nhạc tiền chiến và dung dưỡng nó trở thành bất hủ. Họ đón nhận Hồ Quảng lẫn nhã nhạc và jazz, cho đến thính phòng cổ điển Tây phương và pop Mỹ. Nếu chẳng may nghe hoài không hiểu, người ta cười xòa, gãi đầu gãi tai. Nhưng nếu phải vô rạp nghe bữa hòa nhạc, họ sẽ ráng mặc lên người bộ “đồ vía” để tỏ lòng tôn trọng.
Nếu không hiểu boléro, ta có thể lựa chọn đứng bên ngoài (có ai cột kéo ta vào đâu), nhưng nên giữ lại sự liêm sỉ khách quan của người có am hiểu và sẵn sàng “tôn trọng sự khác biệt” như cách chính người ta vẫn nói thay vì bỉ bai.
Miền Bắc có lối hát xẩm, có những bản Quan Họ gieo sầu thấm thía, thì câu hò trong dân nhạc Trung phần, hay bản vọng cổ, bài boléro miền Nam cũng là những nỗi buồn tuyệt đẹp như vậy.
Chớ vội coi khán thính giả boléro là bình dân, dễ dãi. Boléro sinh ra giữa đại đồng công chúng, được công chúng nuôi nấng và đặt lên sân khấu bằng nhu cầu và bằng tiền của chính họ, thì một trường phái vị lai nào đó sẽ chẳng có cơ hội chơi trò “chiếc áo mới của hoàng đế” bằng cách cho rằng công chúng xuẩn ngốc.
Theo Trác Thúy Miêu (báo Phụ Nữ Online)