Bài phỏng vấn nhạc sư Vĩnh Bảo năm 1963 về thể loại “quốc nhạc” (nhạc dân tộc cổ truyền)

Mời các bạn đọc lại bài phỏng vấn nhạc sư Vĩnh Bảo năm 1963, nói về nhạc cổ truyền dân tộc Việt, mà thời đó được người trong giới gọi là “quốc nhạc”. Qua bài phỏng vấn này, có thể thấy ngay từ 60 năm trước, nhạc sư Vĩnh Bảo đã có nhiều trăn trở về sự tồn vong của cổ nhạc bởi vì nhiều khuyết điểm đã tồn tại qua hàng ngàn năm của loại nhạc này…

Nếu bạn là người yêu thích nhạc xưa, hãy theo dõi kênh YouTube này để nghe đọc các bài cảm nhận về âm nhạc (phân tích ý nghĩa, hoàn cảnh sáng tác, tiểu sử ca nhạc sĩ): LINK YOUTUBE  < Click

Cái ưu điểm lớn nhất của cổ nhạc là nó là của mình!

Nói xong, người đối diện tôi cười, vui vẻ và cởi mở. Tôi chưa kịp bồi gì thêm thì anh giải thích:

Cũng như cơm mình vậy mà. Ta có ăn cơm Tây, cơm Tàu, thì cũng ăn chơi cho biết, chớ rồi cũng quay về với cơm ta. Nhạc cổ truyền là tiếng nói của tâm hồn dân tộc từ mấy mươi đời, nó hòa với cuộc sống nội tâm của người Việt mình từ lâu. Chính những bạn phải ở nước người, khi được nghe một điệu nhạc xưa quen thuộc chẳng hạn như một bài Bình-bán hay một câu hò…, thì như thấy lại lũy tre xanh, mái nhà thân yêu xa cách… Quốc nhạc đã là một sản phẩm thuần túy dân tộc, thì dù muốn dù không, nó vẫn sống mãi trong lòng người Việt.

Anh ngừng nói, phà một hơi thuốc, mấy ngón tay xao động.

Cổ nhạc còn một ưu điểm này, cái kỹ thuật nhấn, vuốt rất là đặc biệt.

– Đờn các nước gần ta, như Nhật Bản, Trung Hoa, tôi thấy họ cũng có nhấn, có vuốt như đờn mình.

Có, nhưng lối nhấn, vuốt của họ không tinh tế bằng của ta.

Thấy anh im lặng hơi lâu, tôi hỏi:

– Quốc nhạc còn ưu điểm nào nữa, xin anh cho biết.

Anh lắc đầu.

Tôi chỉ thấy có hai, như vừa nói. Nhưng còn khuyết điểm, thì lại nhiều.

– Xin anh cho biết khuyết điểm nào quan trọng nhất.

Anh trở nên buồn trồng thấy.

Phải nói là khuyết điểm căn bản mới đúng, anh à. Vì do nó mà nảy sanh những khuyết điểm khác. Tôi cho nó như một chứng bịnh trầm trọng mà tới nay chưa tìm được thuốc trị cho dứt hẳn. Đó là nhạc cổ chúng ta thiếu một phương pháp ký âm cho rõ ràng, cho thật đúng. Ta có thể nói là hầu hết nhạc sĩ quốc nhạc ngày trước chỉ học đàn theo lỗi truyền ngón, ai khéo bắt chước, ai lắm công phu tập luyện thì đàn được giống thấy nhiều. Rồi khi những người này truyền lại cho con em hay môn đệ, thì bài đàn lại khác một chút.

Đó là ta chưa nói những bản của địa phương này không được y khuông như những bản của địa phương khác.

– Nghĩa là bài bản cổ nhạc ta không được thống nhất?

Đúng vậy. Vì thế mà khi nhạc sĩ khác địa phương hay khác thế hệ hòa đàn với nhau, tuy vẫn hòa với nhau được đấy, nhưng bị kém hay vì có những đoạn trong bài không được “ăn” với nhau.

– Tôi được biết có vài người tìm được phương pháp ghi những bản nhạc của ta, hoặc theo kí âm pháp Tây Phương, hoặc theo lối cổ chia từng ô… Chắc anh cũng đã biết, Chẳng hay anh thấy có lới nào hoàn hảo chưa?

Tôi được biết. Có thể nói mỗi nhạc sĩ quốc nhạc đều có lối ghi riêng của mình, mà nhạc sĩ khác đọc ít hiểu. Tuy đã có nhiều cố gắng, nhưng chưa có phương pháp nào hoàn bị cả. Còn như cách ghi của các bậc đàn anh để lại, thì quá thô sơ, thành chưa lột hết ý nghĩa của bản nhạc.

– Xin hỏi anh thêm về phượng pháp kí âm, vì theo anh thì đó là khuyết điểm gốc của quốc nhạc. Giữa hai khuynh hướng, ghi bằng kú âm pháp Tây-phương và phương-pháp ghi bằng ô – phương pháp tablature – anh thấy phương pháp nào nên theo hơn.

Anh lưỡng lự một hồi.

Tôi thấy điều đó tùy người. Riêng tôi, tôi nghĩ có thể dùng kí âm pháp Tây-Phương, song le với phương pháp này, e bản nhạc sẽ quá rườm rà, rắc rối vì các dấu riêng phải đặt thêm để ghi những chỗ nhấn, rung, mổ, v.v… Lối này có phần tiện cho ta trong việc giải thích cho người ngoại quốc hiểu qua một phần nào nền nhạc cổ của ta, chớ nó không thể giúp họ diễn tả đúng theo tinh thần bản nhạc của ta với nhạc khí của họ. Vả lại cũng gây nhiều thắc mắc cho người nhạc sĩ cổ truyền vì chưa được quen thuộc với nó.

Tôi thiên về lối dùng âm hiệu quốc nhạc: Hò, xừ, xàng, xề, cồng…, tiện hơn, và chép theo phương pháp tablature để qui định trường độ của từng chữ đàn, thêm vào đó những dấu riêng để chỉ chỗ nhấn, rung, mổ, đàn to, đàn nhỏ, đàn tiếng đục, đàn tiếng trong…

Trên kia, tôi có nói cách chép bản nhạc của ta thô sơ quá, tôi xin nói rõ hơn. Đầu bản, không có dấu hiệu gì bảo cho ta biết rằng bản nhạc này là bản buồn hay bản vui, ta nên đàn nhanh, chậm hay vừa vừa. Và trong một nhịp, thí dụ có 5 chữ đàn thì bản nhạc chỉ chép đủ số 5 chữ đàn trong ô nhịp, nhạc sĩ muốn phân cách nào tùy ý, miễn là đàn làm sao cho 5 chữ đàn ấy gom vào trong một nhịp, chẳng được như nhạc Tây-Phương, mỗi nốt nhạc đầu được qui định rõ ràng: mỗi nốt chiếm một phần mấy của nhịp, tổng cộng giá trị 5 nốt ấy bằng một nhịp.

– Thế là hai khuyết điểm rồi, thiếu phương pháp kí âm thật chính xác, bài bản không được thống nhất, và khuyết điểm trên đẻ ra khuyết điểm dưới.

Khuyết điểm thứ ba, là ta có thể nói bài bản xưa ông bà để lại bao nhiêu, thì nay ta chỉ có bấy nhiêu.

– Bài bản quốc nhạc của ta độ chừng bao nhiêu, anh?

Bài bản chính gốc, độ trên bốn chục.

– Nói cách khác, nghĩa là quốc nhạc ngày nay thiếu phần sáng tác?

Anh gật đầu, rồi nói:

Vì thiếu phần sáng tác, nên đàn mãi những bài cũ, hóa ra nhàm. Thành ra nhạc sĩ ta muốn có gì khang khác, mới thêm mắm thêm muối, thêm nhưn thêm nhị vào các bài mình đàn, tùy thích riêng của mỗi người: kẻ thì dời nhịp, kẻ thì thêm chữ đàn, kẻ thì kéo dài một chữ đàn nào đó, lắm lúc cho xen vào những chữ đàn phản hòa âm, hay đối âm “trật chìa” làm lệch lạc nhạc phẩm, mất hay đi phần nào, và nhất là làm mất tính chất căn bản của bản nhạc.

Trường hợp một vài nhạc sĩ có căn bản, có tâm huyết, như ông Nguyễn-Tri-Khương vừa quá vãng, đặt thêm bản mới như “Yên tước tranh ngôn”, “Phong xuy trịch liễu”, “Thất trỉ bi hùng”… là trường hợp rất hiếm.

Phương pháp giảng dạy, ta có thể xem như chưa có. Và nhạc lí, nhạc sử, ít khi nghe dạy, thản hoặc có, thì chỉ căn cứ vào những lời truyền khẩu vu vơ. Dạy bài bản, thì mạnh ai nấy dạy, theo thói quen, theo sáng kiến của mỗi người. Có khi cùng một bản, mà học với thầy này thì như thế này, mà học với thầy khác, như thể khác. Khiến người theo học dễ chán nản vì mất nhiều thời giờ một cách không đáng.

Quốc nhạc ta trong sự hòa tấu thường hay thiếu tinh thần đồng đội (Jeu d’équipe) cho nên những cuộc hòa nhạc của ta không đạt được kết quả mong muốn, người ta thường đờn không “ăn” với nhau, chẳng những thế mà còn có người tự tiện chế biến khi đờn để phá những người khác khiến cuộc hòa tấu đã không hòa hóa ra loạn.

– Như thế chắc là hết phần khuyết điểm rồi chớ?

Còn một, anh à. Quốc nhạc thiếu cách phổ biến trong đại chúng sao cho… hấp dẫn. Nên nó bị coi thường, gần như rẻ rúng. Anh cũng thấy: dạy nhạc ở học đường, người ta dạy nhạc… Tây-Phương.

Nhưng anh lại cười:

Nói vậy, chớ có ai “cắc cớ” bảo những người phụng sự quốc nhạc chúng tôi thử đưa ra phương pháp và chương trình dạy quốc nhạc ở học đường, thì chúng tối lúng túng không ít!

– Tôi có thấy một số sách dạy đờn ta, chảng hay chúng có giúp ít được người mới chân ướt chân ráo vào quốc nhạc không?

Tiếc rằng số những sách loại này đã ít, mà chúng giúp ích người tự học không bao nhiêu. Phải có thầy kèm mới thâu được kết quả. Cũng có những nhạc phẩm cổ truyền được in thành sách, nhưng chúng chỉ giúp một phần nào cho những ai đã học qua rồi, mà vì lâu ngày quên, xem lại chúng để mà nhớ lại.

Nhạc khí của ta cần nghiên cứu lại để sao cho hình thức đẹp, gọn hơn và tiếng được tốt hơn.

– Gắn điện vào đàn để tiếng nó to hơn, anh thấy có nên không?

Tôi thấy không nên, vì tiếng có to hơn thật, nhưng lại có phần khác…

– Khuyết điểm anh nêu ra, quả là có nhiều như anh nói. Chắc rằng anh cũng có nghĩ đến cách bổ khuyết.

Anh thở dài:

Người nào ở trong ngành quốc nhạc mà không nghĩ đến điều ấy, chẳng nhiều thì ít. Nhưng cái khó mấu chốt, vẫn chưa tìm được lối giải quyết ổn thỏa, thì những cái khó phụ thuộc, có giải quyết được, cũng bằng thừa.

– Hẳn anh muốn nói đến phương pháp kí âm?

Phải. Tôi mong rằng những bạn nào được dịp đi ra ngoài nghiên cứu lối kí âm của tất cả các cm tọc tren tc guon ba họp lại để chọn lọc, chế biến hầu tìm ra một lỗi kí âm để ghi cổ nhạc ta một cách thật rõ, thật đung, mà giản dị. Chớ còn hiện nay, theo chỗ tôi biết, anh em chúng tôi ở trong nước chỉ tìm được những lối tương đối hơn lối của người xưa, song còn xa sự hoàn hảo.

– Song lại vấp phải khó khăn này. Lối kí âm lí tưởng tìm được rồi, ta mới biết chọn bài bản nào để cho là đúng nhất để mà dạy, mà phổ biến. Vì như anh đã nói, cùng một bản, mà đờn ra không giống hẳn như nhau, tùy người, tùy địa phương.

Anh nói đúng. Chừng ấy, ta phải có Âm nhạc viện mới đủ thẩm quyền định đoạt. Đến đây, tôi nhớ đến hai bậc đàn anh đã gián tiếp chuẩn bị việc này. Cả hai đều làm giám học ngành quốc gia của của trường quốc gia Âm nhạc, một cựu, anh Nguyễn-Hữu-Ba và một đương kim, anh Nguyễn-Văn-Thinh.

Anh Nguyễn-Hữu-Ba sưu tầm bài bản cổ truyền miền Trung; anh Nguyễn- Văn-Thinh sưu tập bài bản cổ truyền miền Nam; hai anh giúp cho ngành quốc nhạc hai miền Trung, Nam có một số bài bản giữ được căn bản. Sự thiết tha của hai anh trong công cuộc dài hơi và lắm công phu này đã là một cái gương sáng cho người cùng giới. Riêng tôi, từ ngày cộng tác với trường quốc gia Âm nhạc, tôi mới bắt đầu nghiên cứu và tìm học thêm về âm nhạc cổ truyền, được thế là nhờ anh Nguyễn Văn-Thinh đã tận tình nâng đỡ.

– Và anh bắt đầu học nhạc Tây-Phương cũng vào lúc đó?

Phải. Vì tôi thấy cần biết thêm nhạc Tây Phương để giúp mình so sánh tìm tòi.

– Anh có ý kiến gì để bổ khuyết điểm thiếu bài bản mới.

Tôi mong các nhạc sĩ hiểu rành nhạc Tây Phương sẽ cùng chúng tôi hợp tác chặt chẽ và chân thành, để có thể tạo những nhạc phẩm mới mẻ, song vẫn còn giữ phần nào dân tộc tính. Và những nhạc phẩm mới này có thể chơi với nhạc khí của ta chung với một vài nhạc khí Tây-Phương mà “bản tính” gần gần “bản tính” nhạc khí của ta. Có thế, quốc nhạc ta mới có cơ tiến bộ, không thì đứng ì một chỗ hay có tiến thì là tiến trong cái loạn!

– Xin anh cho vài thí dụ về nhạc khí ta, Tây gần nhau…

Ví dụ như dương cầm có “bản-tính” gần như đàn tranh (đờn thập lục), vĩ cầm gần với đờn cò (đờn nhị), Tây ban cầm gần với đờn kìm (đờn nguyệt)…

Anh như sực nhớ một điều gì:

À! sẵn nói đến bản tính đờn ta giống đờn Tây, tôi nghĩ sao ta không dựa vào các sách Tây nói về phương pháp dạy dương cầm, vĩ cầm, Tây ban cầm mà tìm phương pháp dạy đờn tranh, đờn cò, đờn kìm. Tự nhiên là ta không “cóp” hẳn phương pháp của họ, song ta chỉ bắt chước – hoặc theo đó mà chế biến – những gì hợp với “bản tính” đờn ta, không mất bản sắc của dân tộc.

– Hồi nãy, anh có than phiền sự lôi thôi trong các cuộc hòa nhạc của ta. Vậy thì ta phải có nhạc trưởng hẳn hoi.

Phải. Nhưng nhạc trưởng trong các cuộc hòa tấu của ta sẽ không giống hẳn nhạc trưởng trong các giàn nhạc Âu-Mĩ. Đó là người đứng ra để sắp xếp bài bản cho từng nhạc khí của giàn nhạc chỉ bảo, dắt dẫn lối hòa tấu, qui định rõ rệt vai tuồng của mỗi nhạc khí, chỗ nào phải đờn to, nơi nào phải đờn nhỏ, lúc nào phải lặn để nhường lại cho các nhạc khí khác. Như thể mới gây được tinh thần đồng đội và làm tăng uy tín cho quốc nhạc.

– Nghe anh nói “tăng uy tín cho quốc nhạc” làm tôi nhớ có lần tôi bực mình vì vài ban nhạc cổ truyền của vài đài phát thanh trong nước.

Anh đưa tay ra, như muốn chặn tôi nói.

Có phải anh nghe bản nhạc mở đầu của các ban ấy trong mấy cuộc phát thanh của…

Tôi gật đầu.

Và anh bực mình vì bản nhạc mở đầu của ban quốc nhạc ấy lại đờn theo giọng Quảng?

– Mà Quảng đây chẳng phải Quảng-Nam, Quảng-Ngãi, mà là Quảng-Đông mới chết chớ.

Anh bực mình, thì tôi cũng tức mình, giận cả ban và cả đài không ý thức việc mình làm. Việc làm không đứng đắn ấy theo tôi chẳng những làm giảm uy tín quốc nhạc mà còn mất danh dự quốc gia.

– Chắc anh có xem màn tranh tài giữa đờn cò ta và cờ Tây có một dạo thường diễn trên sân khấu các đại nhạc hội?

Anh cười.

– Thế anh nghĩ sao?

Nếu điều đó nhằm vào việc chọc cười khán giả thì chẳng phải nói chi, nếu trái lại tôi nghĩ đó cũng là một việc làm thiếu ý thức. Không khéo người ngoại quốc cho rằng ta là người dân vừa được độc lập, muốn ra vẻ “ta đây” nên tìm đủ mọi cách để tưởng rằng mình ngang hàng hay giỏi hơn các nước độc lập lâu đời. Đờn vi-ô-lon có cái hay của nó; đờn cò có cái bay của nó. “Bản tính” của chúng giống nhau, chớ đờn vi ô-lon đờn một bản ta nghe sao bằng đờn cò, cũng như đờn cò mà đờn một bản Tây sao bằng đờn vi-ô-lon.

– Có là họ đưa ra để mua vui trong chốc lát.

Nhưng mua vui cách đó, thì tai hại vô cùng.

– Vậy thì anh không hoan nghinh cái lối “cổ kim hòa điệu”?

Đúng vậy. Tôi cho rằng các bạn đi đường này đáng khen ở chỗ ráng tìm đường lối mới, song thành công, thì tôi cho là chưa hẳn. Cái áo dài của ta đi với bộ điệu thướt tha, uyến chuyển. Chớ mặc áo dài ta mà đi cứng đơ, rụp rụp như gái Mĩ gái Âu thì tội nghiệp cho cái áo dài của người Việt chúng ta.

– Nhưng tôi thấy thính giả phần đông lấy làm thích thú.

Có gì là khó hiểu. Công chúng đòi cái gì mới, lạ. Thấy và nghe đờn ta đờn với đờn Tây, thì cho là ngồ ngộ, nên tán thưởng. Hòa điệu cổ kim như đã làm, có khác gì kho mắm, mà ta để chút bơ vào. Là lạ vậy thôi

– Anh chắc không ưa Tân nhạc?

Nói không ưa thì không đúng hẳn. Tôi chỉ thích những bài nào có cái gì của dân tộc. Những bài như “Đêm tàn bến Ngự”, chế biến một điệu nhạc của dân tộc, tôi rất thích. Chớ còn những bài mô phỏng theo điệu nhạc cuồng loạn Âu, Mĩ hay vá víu những điệu Tây-Phương, lấy của người làm vốn mình, hoặc giả cứ một giọng mà được, xào đi nấu lại, thì thú thật với anh, tôi chịu không nổi. Thà nghe hẳn nhạc Tây-Phương!

Anh lại định hỏi tôi đổi với nhạc Tây-Phương có ý kiến gì? Mình cần học hiểu nhạc Tây Phương, nhưng trọng tâm của ta phải là quốc nhạc.

Tiếc rằng quốc nhạc chưa được chú ý và nâng đỡ đúng với giá trị và sự quan trọng của nó. Nhớ đến vài em đi học quốc nhạc mà lén cha mẹ như là làm một việc gì phạm pháp mà tôi không khỏi lo cho số phận hiện giờ của nó.

NGUIỄN-NGU-Í thực hiện

Exit mobile version