Bài nhạc xuân bất hủ “Cảm Ơn” của nhạc sĩ Nhật Ngân – “Xuân đang về trên khắp đất trời, nhưng tất cả Xuân là ở đây…”

Ca khúc Cảm Ơn của nhạc sĩ Nhật Ngân là 1 trong những ca khúc nhạc xuân nổi tiếng nhất 1975. Bài hát này được nhạc sĩ ký bút danh là Ngân Khánh và có nội dung rất gần với bài hát Xuân Này Con Không Về của nhóm Trịnh Lâm Ngân (Trần Trịnh và Nhật Ngân). Có lẽ vì vậy mà nhiều người đã tưởng rằng Ngân Khánh là một bút danh khác của Trần Trịnh – Nhật Ngân (Trịnh Lâm Ngân). Kỳ thực, ca khúc Cảm Ơn chỉ của 1 mình nhạc sĩ Nhật Ngân sáng tác, và ông lấy tên con gái của mình là Ngân Khánh để làm bút danh cho bài hát.

Nếu bạn là người yêu thích nhạc xưa, hãy theo dõi kênh YouTube này để nghe đọc các bài cảm nhận về âm nhạc (phân tích ý nghĩa, hoàn cảnh sáng tác, tiểu sử ca nhạc sĩ): LINK YOUTUBE  < Click


Click để nghe Duy Khánh hát Cám Ơn trước 1975

Này là cánh thư, nghiêng nghiêng nét chữ cô em học trò
Này là bánh chưng, mẹ già tự tay gói gửi cho con
Này là áo len, bao nhiêu đêm thâu em ngồi em đan
Nay em gởi ra tới chiến trường,
Mang chút tình hậu phương thương mến.

Người lính nơi biên thùy xa nhà, xa gia đình, chỉ có thể liên lạc được với người thân qua những cánh thư. Đầu xuân nên gửi kèm theo thư sẽ có thêm những món quà đơn sơ từ quê nghèo, như là bánh chưng mẹ già tự tay gói gửi, hay là chiếc áo len được người yêu học trò đan suốt những đêm thâu, là những món quà chứa đựng trong đó muôn vàn tình yêu thương gửi người đang ở nơi xa.

Nhìn bánh chưng, người trai lính như nhìn thấy lại được dáng quen thuộc của mẹ hiền đã cặm cụi ngồi đong nếp, lót từng lớp lá, chun từng thanh củi, và chợt thương mẹ bao năm vất vả vì đàn con mà chưa biết ngày nao mới được vui sum vầy.

Mặc vào cái áo len, chàng thấy ấm áp vì cảm nhận được tình yêu vô bờ của của người con gái vẫn ngày đêm mong ngóng tin về. Những tấm áo đó được đan từ những bàn tay xinh thiếu nữ, có thể không đẹp bằng một chiếc áo được dệt lên từ dàn máy hiện đại, nhưng lại khiến người mặc cảm thấy ấm lòng, hạnh phúc. Vì trong từng sợi len sẽ cảm nhận được sự quan tâm, tình yêu thương từ người đan gửi tặng. Sự giá rét khi trời sang xuân cũng là lúc mà nỗi cô đơn, sự nhung nhớ dâng tràn trong tâm hồn đôi lứa vì cách xa nhau:

Ngồi đọc lá thư đơn sơ tha thiết văn chương học trò
Nhìn cặp bánh chưng, mà lòng chợt thương mẹ già xa xôi.
Mặc vào áo len, sao như tôi nghe trong hồn chơi vơi.
Xuân đang về trên khắp đất trời.
Nhưng tất cả Xuân là ở đây.

Xuân đang về ở muôn nơi, hoa rừng đua nở rợp trời, nhưng với người lính thì điều đó không mang nhiều ý nghĩa, vì tất cả mùa xuân là ở đây, là được ngồi đọc lá thư từ người yêu học trò, mặc vào tấm áo len em tặng, và nhìn bánh chưng mẹ già gói gửi mà rưng rưng nước mắt. Bấy nhiêu thôi cũng đủ làm một mùa xuân hạnh phúc ở nơi miền biên địa.

Tôi xin cảm ơn người
Cảm ơn ai, đã đem luyến thương nồng ấm đến với lính.
Cảm ơn ai khi Xuân về vui thật là vui,
Không quên người sương gió sa trường
Âu yếm gửi tình đi muôn nơi.

Thật nhiều mến thương, tâm tư tha thiết tôi xin gửi về
Gửi Mẹ kính yêu vài lời của con chúc mừng năm nay
Và gửi đến em bao nhiêu yêu thương anh dành cho em
Khi Xuân về xin hãy yêu đời.
Ta đón đợi Xuân hồng ngày mai…

Bài hát chứa đựng những cảm xúc chân thành nhất và thường gặp nhất của một người lính thời xưa. Ở nơi chốn xa, họ không thể có gì nhiều hơn ngoài lời chúc mừng xuân gửi về hậu phương. Và sự khỏe mạnh, yêu đời của họ chính là món quà lớn nhất để đáp lại tình cảm của người thân nơi quê nhà, để rồi cùng nhau nuôi chung một ước vọng: Được đón xuân hồng ngày mai.

Đông Kha
Bản quyền bài viết của nhacxua.vn

Exit mobile version