Bài báo năm 1957 phỏng vấn danh ca Kim Tước năm 19 tuổi

Danh ca Kim Tước sinh năm 1938, là một trong những giọng ca xuất sắc nhất của thể loại nhạc bán cổ điển ở miền Nam trước 1975. Bà được mệnh danh là “Con Chim Hoa Mi” trong làng nhạc Sài Gòn thập niên 1950, vào thời điểm đó Kim Tước mới ở tuổi 18.

Nếu bạn là người yêu thích nhạc xưa, hãy theo dõi kênh YouTube này để nghe đọc các bài cảm nhận về âm nhạc (phân tích ý nghĩa, hoàn cảnh sáng tác, tiểu sử ca nhạc sĩ): LINK YOUTUBE  < Click

Sau đây là một bài báo đăng trên tờ Kịch Ảnh năm 1957, trò chuyện và phỏng vấn Kim Tước vào năm 19 tuổi.

Hình ảnh tư liệu của Leminh Saigon

“Cách đây ít lâu, tôi đã mấy đêm liền, viết rồi lại bỏ đi, khi tôi tả một cô con gái có một chiếc răng khểnh. Giá mà tôi gặp cô hồi đó có lẽ đoạn văn ấy trong quyển tiểu thuyết của tôi đã linh hoạt hơn…”

Nghe tôi nói như thế, Kim Tước chỉ cười, vẫn cái cười muôn thuở của Kim Tước! Chiếc răng khểnh của Kim Tước nổi bật hẳn lên, duyên dáng lạ thường.

Anh bạn tôi – người phải chụp tấm ảnh mới nhất của Kim Tước – cũng góp thêm vào câu chuyện:

– Chụp ảnh cũng như viết về cô Kim Tước mà không có chiếc răng khểnh, quả là một thiếu sót không thể nào tha thứ được…

Chiếc răng khểnh…

Kim Tước có một chiếc răng khểnh tình tứ và Kim Tước chẳng khác… chiếc răng khểnh kia một mảy may nào cả.

Con chim họa mi ấy của làng tân nhạc luôn luôn nở một nụ cười đi đôi với chiếc răng khểnh. Nụ cười nữ sinh đương độ ấy, tưởng đã vui, thế mà hình như không phải thế!

Đêm đêm, Kim Tước trằn trọc không ngủ được.

– Nhớ ai? Thương ai?

Không! Không nhớ, không thương ai cả! Kim Tước không ngủ được vì Kim Tước thấy mình – cũng như chiếc răng khểnh kia – đang bị lạc lõng giữa những nếp sống thẳng đến tăm tắp của lớp học, của bạn bè, của các em, của gia đình.

Kim Tước nghĩ, hay đúng hơn, là mơ, mơ mộng: Tuần lễ sắp tới đây, nếu Kim Tước thi đỗ, Kim Tước sẽ xin học ban triết học. Đỗ nữa, sẽ học về luật. Đỗ nữa, sẽ làm nữ luật sư…

– Rồi sao nữa?

Kim Tước lại cười. Lại chiếc răng khểnh! Phải mà, thế nào cũng có một ngày con chim họa mi ấy phải tính chuyện chọn được một người chồng vừa ý nhất…

– Ấy chết! Tôi hỏi cô hơn hai trăm câu, tôi thấy cô như là một triết nhân, không thiết tha với bất cứ một cái gì (cả về nhạc, vì Kim Tước định học luật), cô không thích “nhất” một điều gì cả, cô biết làm thế nào để chọn người chồng vừa ý nhất?

Vẫn chiếc răng khểnh! Vẫn một nụ cười…, Kim Tước hơi díu mắt lại:

– Nếu không chọn được người nào vừa ý nhất thì nguy quá anh nhỉ. Đó là một vấn đề sinh tử mà… (Kim Tước nói bằng tiếng Pháp). Tôi mong rằng…

– Lấy chồng, có phải một cuộc tuyển lựa ca sĩ đâu mà cô có thể chọn lựa được một người hay nhất trong trăm ngàn người dự thi…

– Thế… đành chịu phục tùng theo số mệnh vậy thôi, hả anh?

Đó là một vấn đề khá nghiêm trọng, nhưng Kim Tước vẫn cười và vẫn để lộ chiếc răng khểnh như khi Kim Tước quả quyết:

– Tôi cũng không hiểu rõ lòng tôi nữa anh ạ. Ở trong tôi, như có sự pha trộn của nhiều thái cực khác nhau. Tôi thấy tâm trạng của tôi có lúc giống như James Dean trong phim À l’est d’Éden, có một chút… phẫn uất nhưng chẳng biết phẫn uất vì ai, vì cái gì… Tôi rất vui tính nhưng tôi có rất ít bạn; tôi sợ các bạn tôi hiểu lầm tôi, thì họ đã hiểu lầm tôi thực; tôi nhiều tình cảm, nhưng tôi thích làm luật sư, chuyên về lý luận; tôi nhiều tưởng tượng, nhưng tôi lại không thích đọc tiểu thuyết và thơ văn; tôi chỉ là một người con gái, nhưng đôi lúc tôi lại thích trở thành con trai; tôi ưa nhẹ nhàng, nhưng tôi lại thích xem phim trinh thám, hành động; tôi thích mầu trắng, nhưng hôm nay tôi lại mặc áo xanh…

Khó thực!

James Dean trong phim À l’est d’Éden

Hiểu được một người đã khó; mà hiểu được tâm trạng của một thiếu nữ còn lưỡng lự trên nhịp cầu giữa một dòng sông muôn ngàn lối rẽ, thực còn khó hơn.

Tôi đã hỏi Kim Tước hơn hai trăm câu (Thích mầu gì? Phim loại nào? Tài tử nào? Tại sao? Vì lẽ gì lại thích thể thao? Có quần áo cao bồi không? Có hay đi xa không? Có nhiều bạn trai không?…) và cuối cùng tôi đành phải thú nhận rằng tôi không hiểu gì về Kim Tước cả, và cũng không biết phải viết làm sao về Kim Tước…

Kim Tước chỉ ra ngoài đường:

– Trời mưa…

– Vậy! Trời mưa to quá!

– Trời mưa… Tôi vẫn thích mặc áo mưa đi dạo dưới cơn mưa. Những khi ấy… lòng thấy vui vui, nhè nhẹ…

Giữa lúc này, bạn đang đọc báo, trời đang mưa… Bạn có hiểu tại sao có một con chim họa mi lại thích đội cơn mưa đi lang thang khắp mọi nẻo đường không?

Phải chăng vì lòng người ấy đang bùng cháy? Hay, trái ngược, đó chỉ là một sự tự nhiên không giải thích được, cũng như… chiếc răng khểnh nhẩy ra đứng một mình hàng lối thông thường của cả một hàm răng? (Báo Kịch Ảnh)

nhacxua.vn biên soạn

Exit mobile version