Ảnh màu hiếm về đường phố Sài Gòn năm 1954

Mời các bạn xem lại những hình ảnh tuyệt đẹp về đường phố Sài Gòn lúc gần 70 năm trước qua loạt ảnh màu của một thủy thủ trên chiến hạm Mỹ USS Rochester thực hiện.

Hình bên trên là khu vực bùng binh trước Dinh Xã Tây và Opera House. Chỉ một năm sau đó (1955), Dinh Xã Tây được gọi là Tòa Đô Chánh, Opera House thay đổi công năng để trở thành Nhà Quốc Hội của đệ nhất cộng hòa, khoảng đất trước Quốc Hội cũng đổi từ tên Pháp là quảng trường Francis Garnier thành Công Trường Lam Sơn. Đặc biệt, giao lộ này từ 2 cái tên Bonard và Charner được đổi thành Lê Lợi – Nguyễn Huệ cho đến ngày nay.

Một góc ảnh khác của quảng trường Francis Garnier (Công trường Lam Sơn). Bên phải là tòa nhà công ty Công Ty Saigon Garage, đại của lý Simca (S.E.I.C) thành lập từ năm 1936. Liền kề với S.E.I.C là dãy nhà xây từ thời Pháp sau này đã bị thay thế bằng tòa nhà Phòng Thông Tin Đô Thành ở góc Lê Lợi – Tự Do. Sau này Saigon Garage S.E.I.C cũng không còn, thay thế vào đó là văn phòng chi nhánh của Sài gòn Ngân hàng.

Hình bên trên là bồn binh Bồn Kèn trước Dinh Xã Tây ở giao lộ Bonard và Charner. Bên trái là Saigon Garage S.E.I.C, bên phải là tòa GMC (Grands Magasins Charner), đến năm 1960 đổi tên thành Thương Xá TAX.

Một góc ảnh khác của Bồn binh Bồn Kèn, phía xa xa là Dinh Xã Tây. Lúc này xích lô máy đã rất phổ biến ở Sài Gòn.

Bên trái của hình phía trên là Công Trường Lam Sơn, lúc này vẫn còn mang tên Place Francis Garnier. Có thể nói năm 1954 là năm “giao thời”, trước khi các tên đường Pháp, công trình tiếng Pháp dần dần bị thay thế bằng những cái tên thuần Việt.

Lề đường Bonard (sau này là Lê Lợi), bên dưới khu trung tâm thương mại Grands Magasins Charner, từ năm 1960 đổi thành Thương xá TAX.

Một góc đại lộ Bonard (Lê Lợi), bên kia đường là GMC (Thương xá TAX).

Hãng xe hơi Mỹ Ford cũng đã có mặt ở Sài Gòn từ hơn 70 năm trước, trong hình bên trên là đại lý Ford trên đại lộ Bonard, liền kề với GMC.

Vỉa hè đại lộ Bonard, góc ngã tư Lê Lợi – Công Lý ngày nay.

Tiệm cà phê Impérial ở góc đường d’Ormay và Catinat, một năm sau đó đổi tên thành đường Tự Do – Nguyễn Văn Thinh, sau năm 1975 lại đổi tên thành Đồng Khởi – Mạc Thị Bưởi.  Cho đến tận ngày nay, kiến trúc của căn nhà này vẫn cơ bản được giữ tương đối nguyên vẹn, đang cho thuê kinh doanh nhà hàng.

Một góc ảnh khác của tiệm cà phê Impérial, cho đến thập niên 1970 thì vẫn còn cửa hiệu Impérial này.

Một cửa hàng đồ lưu niệm trên đường Catinat, sau này là đường Tự Do nổi tiếng. Hiện nay đường này mang tên Đồng Khởi, vẫn còn những cửa hiệu bán đồ lưu niệm dành cho du khách nước ngoài.

Bên dưới là một số hình ảnh ở gần khu chợ Bến Thành vào năm 1954:

Bùng binh trước chợ Bến Thành
Cửa Đông của chợ Bến Thành ở đường Viénot (sau 1955 đổi thành Phan Bội Châu), phía cuối đường là d’Espagne, sau 1955 đến nay mang tên đường Lê Thánh Tôn.
Hình ảnh khác của Cửa Đông
Bến xe thổ mộ (xe ngựa kéo) ở khu trước chợ Bến Thành. Ngày xưa ở đây cũng là khu vực ga xe lửa, nên có một bến tập trung nhiều xe ngựa để phục vụ việc cho hành khách đi xe lửa, có lẽ vì vậy mà ở Sài Gòn thường có câu “ngựa xe như nước” để mô tả sự sầm uất ở khu vực trung tâm Sài Gòn – nhà ga xe lửa này.
Góc ảnh khác của bến xe ngựa
Xe thổ mộ trước chợ Bến Thành
Vỉa hè đường Colonel Budonnet, sau này đổi tên thành đường Lê Lai nằm ở gần khu vực chợ Bến Thành, ngay bên hông của cổng nhà ga xe lửa Sài Gòn cũ.

Bệnh viện Saint-Paul, cũng thường được gọi là Dưỡng đường Saint-Paul, hay đúng ra là Bệnh xá Saint-Paul (tiếng Pháp là Clinique Saint-Paul), là bệnh viện tư nhân hoạt động ở Sài Gòn từ năm 1938 đến 1975, nằm trên đường Legrand de la Liraye, sau 1955 là đường Phan Thanh Giản, sau năm 1975 là đường Điện Biên Phủ. Sau năm 1975, chính quyền mới đã quốc hữu hóa cơ sở này để trở thành bệnh viện Mắt. Tuy nhiên cái tên bệnh viện Xanh Pôn (Saint-Paul) vẫn được người Sài Gòn quen gọi cho đến nay.

Bài: Đông Kha (nhacxua.vn)
Nguồn hình ảnh: flickr manhhai

Exit mobile version