Sau khi bài hát Hoa Trinh Nữ được Đức Tuấn phát hành chính thức, đã có rất nhiều dư luận trái chiều xung quanh việc ca sĩ Đức Tuấn đổi lời bài hát này, vốn đã rất quen thuộc với khán giả yêu nhạc vàng. Trong đó có cả ý kiến phản đối của ca sĩ Mỹ Lan, là phu nhân của nhạc sĩ Trần Thiện Thanh.
nhacxua.vn vừa nhận được bài viết này của tác giả Du Vân, phân tích việc ca sĩ Đức Tuấn đã đúng hay sai khi hát: “Tôi chỉ là người khách phong trần”.
Xin phép đăng tải bài viết này để có thêm ý kiến đa chiều xung quanh sự việc đang gây xôn xao này.
Việc ca sĩ Đức Tuấn hát bài Hoa Trinh Nữ và phát hành ở trong nước, theo quy định thì anh bắt buộc phải mua tác quyền để được phép hát.
Trước tiên, xin được nhắc lại tóm tắt về bản quyền tác giả (sau đây gọi tắt là “tác quyền”) các bài hát của nhạc sĩ Trần Thiện Thanh kể từ khi ông qua đời năm 2005.
Như một bài viết trước đây đã đề cập đến, sau khi nhạc sĩ Trần Thiện Thanh qua đời năm 2005 vì ung thư phổi, ông không để lại di chúc nên tác quyền nhạc Trần Thiện Thanh sẽ được 6 người con của ông đồng sở hữu. Theo thỏa thuận, Thanh Toàn (tức Anh Chương, là con trai cả của nhạc sĩ Trần Thiện Thanh) sẽ đại diện cho phần tác quyền của 5 người con đầu (Anh Chương, Thanh Trúc, Thanh Trân, Anh Chính, Anh Châu), ca sĩ Mỹ Lan (người vợ sau của Trần Thiện Thanh) sẽ đại diện cho phần tác quyền của con út Anh Chí (là con của Mỹ Lan). Các công ty, các ca sĩ muốn hát nhạc của Trần Thiện Thanh chỉ lần liên hệ với Thanh Toàn hoặc Mỹ Lan để mua tác quyền.
Hình ảnh Trần Thiện Thanh & Mỹ Lan & Anh Chí
Tuy nhiên sau khi Thanh Toàn – Trần Thiện Anh Chương qua đời năm 2014, bốn người con còn lại của Trần Thiện Thanh (là Thanh Trúc, Thanh Trân, Anh Chính, Anh Châu) đã thực hiện việc bán tác quyền nhạc Trần Thiện Thanh cho trung tâm Làng Văn, không thông qua Mỹ Lan – người giữ phần tác quyền của Anh Chí. 4 người con đó cho rằng Anh Chí không phải là con ruột của Trần Thiện Thanh và gạt Mỹ Lan ra khỏi phần thừa kế tác quyền.
Sau khi mua được tác quyền từ 4 người con này, trung tâm Làng Văn lại bán phần tác quyền nhạc Trần Thiện Thanh đó cho Trung Tâm Bảo Vệ Quyền Tác Giả Âm Nhạc Việt Nam (VCPMC) để đại diện ở trong nước, đứng ra thu tiền ca sĩ khi hát nhạc Trần Thiện Thanh.
Thông báo của VCPMC về việc trung tâm này được Làng Văn uỷ quyền thu tiền tác quyền nhạc Trần Thiện Thanh
Vì vậy Đức Tuấn đã trả tiền cho VCPMC để được phép hát nhạc Trần Thiện Thanh ở trong nước. Về mặt pháp lý, Đức Tuấn phải hát bài hát Hoa Trinh Nữ đúng theo lời bài hát được quy định bằng văn bản mà Làng Văn đã đăng ký khi uỷ quyền cho VCPMC. Văn bản này người ngoài không được biết, nên không rõ là lời nhạc trong đó ghi là “lính xa nhà” (lời gốc trước 1975) hay là “khách phong trần” (lời bị chỉnh sửa).
Bài hát Hoa Trinh Nữ – Đức Tuấn được đăng trên youtube
Tuy lời gốc trong sheet nhạc được phát hành trước 1975 ghi rõ là “lính xa nhà” hoặc “lính phong trần”, tuy nhiên sau đó, tác giả Trần Thiện Thanh hoàn toàn có quyền đổi lại lời thành “khách phong trần”, việc này có thể có hoặc có thể không. Vì vậy về mặt pháp lý, chưa thể đổ lỗi cho Đức Tuấn là anh tự tiện đổi lời, vì có thể anh đã hát theo lời đã được Làng Văn đăng ký với VCPMC.
Ai cũng biết câu chuyện khi đăng ký tác quyền âm nhạc ở trong nước, đối với các bài hát sáng tác trước 1975, đơn vị sở hữu tác quyền bắt buộc phải sửa lại và thay thế các phần lời nhạy cảm (nhắc đến lính, chiến tranh, chiến trường…) để dễ dàng qua cửa kiểm duyệt. Việc sửa lời này không phải lỗi của ca sĩ, mà có thể là chính đơn vị sở hữu (ở đây là Làng Văn) tự nguyện sửa lại lời (với sự đồng ý của tác giả hoặc gia đình tác giả) để được phép đăng ký tác quyền.
Việc các ca sĩ sau 1975 hát nhạc vàng đã đổi lại lời bài hát gốc diễn ra khá phổ biến. Nổi tiếng nhất là lùm xùm vụ bài hát Con Đường Xưa Em Đi bị đổi vài chữ để qua cửa kiểm duyệt: “Chiến trường anh bước đi” bị đổi thành “Lối mòn anh bước đi”. Gia đình nhạc sĩ Châu Kỳ chấp nhận bài hát bị đổi lời như vậy để bài hát được phép hát ở trong nước.
Ngoài ra cũng có nhiều trường hợp chính nhạc sĩ đổi lại lời bài hát của họ để phù hợp với không gian, thời gian mới. Điển hình là nhạc sĩ Duy Khánh với bài Xin Anh Giữ Trọn Tình Quê.
Lời bài hát trước năm 1975 của bài này là:
Biên cương xa vời, mơ ước gì hỡi lòng trai…
…
Hơn hai mươi năm, chinh chiến điêu tàn…
Sau khi sang hải ngoại, nhạc sĩ Duy Khánh hát thành:
Xa xôi quê người mơ ước gì hỡi lòng trai…
…
Bao nhiêu năm qua, chinh chiến điêu tàn…
Trở lại với bài hát Hoa Trinh Nữ, sẽ có người đặt câu hỏi: Ai là người đầu tiên sửa lời bài hát này, từ “lính xa nhà” thành “khách phong trần”. Theo tìm hiểu của anh Huyvespa, thì chính tác giả Trần Thiện Thanh đã hát “tôi chỉ là người khách phong trần, thấy hoa nhớ người yêu rất xa” khi ông (Nhật Trường) thu âm bài này cho trung tâm Thanh Lan ở hải ngoại, với CD nhạc chủ đề “Mười Năm Tình Cũ”. Bạn có thể nghe lại sau đây:
Như vậy rõ ràng Đức Tuấn không phải là người đầu tiên hát “khách phong trần”, mà là chính tác giả bài hát là Trần Thiện Thanh đã đổi thành như vậy ở 1 trong rất nhiều phiên bản Hoa Trinh Nữ mà ông đã hát.
Bìa CD của Nhật Trường có bài Hoa Trinh Nữ, track số 8
Xét về pháp lý, ca sĩ Đức Tuấn phải hát theo lời nhạc đã được quy định từ VCPMC (như đã nói bên trên). Xét về tình, thì Đức Tuấn cũng không phải là người đầu tiên đổi lời bài hát Hoa Trinh Nữ. Vì vậy theo thiển ý của người viết, Đức Tuấn không có lỗi trong việc hát sai lời bài hát này. Lỗi duy nhất của Đức Tuấn có lẽ là ở việc anh hát quá dở mà thôi. Bài hát Hoa Trinh Nữ được biết đến như là một bài nhạc vàng bolero, đã bị Đức Tuấn phá hỏng bằng cách phối jazz rất không phù hợp với bài hát mang tính tự sự này.
Nói tóm lại, Đức Tuấn có thể không sai trong việc hát sai lời bài hát, nhưng anh cần chú ý hơn trong việc lựa chọn dòng nhạc phù hợp với giọng hát của anh, đồng thời nên cầu thị hơn trong việc đối thoại với khán giả nghe nhạc.
Du Vân