Nguyễn Bính là nhà thơ nổi tiếng của Việt Nam thời kỳ Thơ Mới thập niên 1930-1940, còn thi sĩ – soạn giả Kiên Giang là một tên tuổi nổi bậc của thi đàn miền Nam trước năm 1975. Giữa họ đã từng có một cuộc tương phùng thú vị, được chính Kiên Giang kể trong một bài báo năm 1968 ở sau đây:
Hồi đó khoảng năm 1944, một người bạn cho tôi hay Nguyễn-Bính hiện đang tá túc tại nhà của một công chức ở xóm biển của quê hương tôi (Rạch Giá – Kiên Giang). Tôi tìm suốt cả tuần mới hay nhà vị công chức đó là nhà thầy L. Tìm tới nhà thì vợ thầy L chỉ tôi ra phía đình cụ Nguyễn Trung Trực và nói rằng:
“Nhà chật chội quá, ông Bính ra ở ngoài đình”
Ra tới đình thì một người ở cạnh đình chỉ cho tôi chiếc nóp và nói rằng:
“Cái ông ưa ngâm thơ ngủ ở đó”
Tôi đi vòng quanh chiếc nóp hai ba lần những chưa dám đánh thức người ngủ trong nóp dậy vì chưa tin là nhà thơ mà tôi mến mộ lại ngủ trong nóp trước cửa đình. Tôi đành đi tới đi lui trước sân đình đếm lá rơi để chờ đợi. Gần 10 giờ, người trong nóp mới chui ra. Tôi bước tới, ấp úng cúi đầu chào:
– Thưa ông, có phải ông là thi sĩ Nguyễn-Bính hay không? Nghe ông đến đây tôi đã tìm suốt tuần nay mới gặp.
Nguyễn-Bính gật đầu. Nét vui mừng hiện rõ trên gương mặt hốc hác. Nguyễn-Bính vỗ vai tôi rồi nói :
– Cậu có ngờ tôi ngủ nóp ngay cửa đình không? Cậu có khinh rẻ thằng ngủ nóp không?
Tôi lắc đầu, cúi mặt xuống, nín lặng rất lâu mới nói nên lời:
– Tôi gặp ông chỉ mong ông thu nhận làm học trò để học thêm về nghệ thuật thi ca chớ đâu có dám có ý nghĩ gì khác nữa.
Nguyễn-Bính mỉm cười rồi nói :
– Cậu có thuốc lá không ?
Lúc ấy đáng tiếc rằng tôi chưa biết hút thuốc nên không thỏa mãn được nhu cầu cần thiết của nhà thơ lưu lạc đến xứ tôi. Tôi toan chạy đi mua thì Nguyễn-Bính đã nắm tay tôi siết thật mạnh và liền đó, anh rút cây bút trong túi áo tôi đề ngay lên bao thuốc lá Bastos xanh không bốn câu thơ sau đây:
Có những dòng sông chảy rất mau
Nhớ chi nghĩa bến với duyên cầu
Lá vàng, hoa đỏ trôi không kịp
Lưu lạc ai ngờ lại gặp nhau.
Trong lúc Bính cuốn nóp, tôi đọc đi, đọc lại nhiều lần bốn câu thơ đó và cảm thấy sung sướng vô cùng. Sau khi gửi nóp cho người giữ đình, Bính đi ra bờ sông, xuống bực gạch, khoát nước rửa mặt rồi chải đầu bằng ngón tay. Chải đầu xong, Bính vừa giũ áo vừa phủi bụi.
Lần đầu tiên tôi được nói chuyện đời, chuyện thơ với Bính trước ly cà phê bốc khói tại quán cà phê Quảng Phát. Bính uống cà phê còn tôi uống nước đá sữa. Qua câu chuyện hàn huyên tôi biết tại sao Bính phải ra ngủ nóp ở cửa đình.
Vợ của ông công chức nơi Bính tá túc lại rất mê thơ Nguyễn-Bính. Nhiều bài thơ trong tập Lỡ Bước Sang Ngang, Hương Cố Nhân, Một Nghìn Cửa Sổ, Tâm Hồn Tôi, đều được người đàn bà ấy ngâm vang, lúc nằm ghế xích đu và cả trước giờ đi ngủ hay mới thức dậy. Vì thế mà người chồng đâm ghen và hay gấu ó với vợ.
Nguyễn-Bính muốn giữ vẹn hạnh phúc gia đình của người nên đành xách nóp ra ngủ ở cửa đình cụ Nguyễn Trung-Trực.
Sau khi biết tình cảnh đó của Bính, tôi bàn cùng Bính nên tìm một nơi nào khác mà ở để còn viết lách. Cả hai đồng ý thuê một ngôi nhà của ông giữ sân banh Rạch-giá. Ngôi nhà này chỉ hơn được cái nóp một chút thôi nghĩa là xiêu vẹo, tiều tụy, như một ngôi nhà hoang. Người ta phải dùng một cây đòn lớn để chống đỡ hàng cột giữa, hàng ba, hàng nhì. Chỉ có ba hàng cột mà hàng nào cũng xiêu cả thì không hiểu có nên gọi cái nhà nầy là cái nhà không? Thôi cứ tạm gọi nó là Lều Thơ cũng được.
Một con đường đất vào nhà sẵn sàng ngập nước sau một trận mưa lớn hay mỗi mùa biển động. Từ lâu, thềm nhà này vắng bước chân người nên đã phủ đậm màu rêu. Bước chân hai thầy trò tôi đã phá trinh tấm thảm rêu nhà này và để yên những lớp cỏ dại mọc đầy giữ nguyên nét hoang tàn, quái dị. Hai người quyết vào đây trốn những kẻ không thích thi nhân. Bốn hàng cột gạch ở mái hàng ba lở lói như tháp Chàm. Bính tự ví mình là một dân Chàm đang nhốt mình trong cổ mộ nên dán bốn câu thơ sau đây lên hàng cột :
Từ độ về đây sống rất nghèo
Bạn bè chỉ có gió trăng theo
Những thằng bất nghĩa xin đừng đến
Hãy để thềm ta xanh sắc rêu.
Mỗi câu thơ được viết theo chiều dài của tấm giấy nhựt trình trắng như câu đối. Trong nhà chúng tôi dọn dẹp, mua các thứ nấu bếp và dự trữ lương thực. Má tôi vốn bán thực phẩm ngoài chợ nên tôi đánh cắp một ít gạo một gói mắm giấu vào một chiếc cà ròn. Chỉ cần năm cắc rau, vài đồng cá lóc, cá biển là chúng tôi đã có thể có một bữa cơm ê hề. Bữa cơm nào có thêm thịt bò thì thường kéo dài suốt buổi sáng hay suốt chiều.
Bính làm bếp rất khéo. Tôi chụm lửa hơi ẩu, cứ việc chế dầu lửa rồi đút củi vào. Bính thường cự nự: “Cậu chụm lửa thiếu nghệ thuật, thiếu vẻ thơ”. Nói rồi, Bính gắp từng que củi, sắp lại theo kiểu đan lồng mốt, lồng hai. Nhà bớt khói, bữa cơm được dọn ra trên bộ ván cũ. Trong bữa ăn, Bính thường kể chuyện đời lưu lạc cho tôi nghe và chỉ cho tôi thêm về kỹ thuật làm thơ. Nhờ hơi men rượu đế, câu chuyện giữa Bính và tôi càng về khuya càng thêm kỳ thú.
Những lúc cao hứng, Bính liền đứng dậy ngay trên phản ngựa, lớn giọng ngâm nga những bài thơ anh mới làm chưa xuất bản hoặc lấy giấy chép thơ dán khắp nhà. Cạnh nhà cũng có một cậu công tử, cũng theo đòi thi phú nhưng không hề biết rằng có Nguyễn-Bính ở bên cạnh mình mặc dù hai nhà cách nhau không quá một thước. Có thể, cậu ta không thích lối sống của hai thằng điên, dở hơi nên không thích làm quen với hai thằng điên giữa thành Rạch Giá.
Hai bạn thơ nghèo vẫn không buồn để ý đến nhân tình, cứ thơ và rượu kéo dài ngày tháng trong căn nhà hoang như hai triết nhân. Ở quê tôi trong mùa biển động, hai tôi thường đốt lửa suốt ngày để trấn áp sự trống trải và lạnh lẽo.
Trong mùa mưa bão, khi nào nhà hết rượu và gạo, tôi lại đội mưa trở về nhà ăn cắp gạo và mua rượu chịu. Khi trở lại nhà hoang đã nghe giọng Bính ngâm vang lên:
Ở đây mưa ngày lại ngày
Nhà không mở ngỏ mưa đầy tuần trăng…
(Bài thơ này rất dài. Bính viết trong cơn say để riêng tặng tôi nhưng bài thơ này bị thất lạc).
Có rượu rồi, chúng tôi lại nối tiếp làm thơ và ngâm thơ. Hết dầu lửa, chúng tôi đốt đèn cầy. Hết đèn cầy, chúng tôi đốt lửa. Lửa tắt, chúng tôi mượn tiếng mưa rơi và tiếng sóng biển ì ầm làm nhạc đệm cho những vần thơ cảm khái, ru hồn mộng, quên bóng tối và đêm dài.
Sau đó ít lâu, Nguyễn-Bính bị bắt vì những bài thơ dán trên vách mà người ta cho là dán khẩu hiệu tuyên truyền. Đáng tiếc là khi bị bắt, những bài thơ tuyệt tác của Nguyễn-Bính bị gỡ hết đem về bót và chắc bây giờ đã hóa thành tro bụi. Bính giam ở bót gần trường học con trai. Tôi chỉ gởi được một gói xôi và một gói thuốc rồi chẳng bao giờ gặp lại Bính nữa. Sau đó tôi hay tin Bính đi kháng chiến.
Dầu có ra sao, Nguyễn-Bính không bao giờ quên những ngày tháng sống hẩm hiu trong gian nhà hoang tại Rạch-Giá, nơi tôi và anh đã qua những phút rất thần tiên và tự ví mình là hai thằng điên giữa tỉnh thành Rạch-Giá.
Nhưng năm rồi, bạn Thanh-Nam cho hay Bính đã chết rồi, tôi khóc Bính trong chương trình thi văn Mây Tần với tấm lòng của một thằng điên.
(Sài-Gòn 2/4/1968 – Thi sĩ Kiên-Giang Hà Huy Hà)