Những người nhạc sĩ thường tài hoa và rất đào hoa. Có lẽ nhạc sĩ Y Vân cũng không ngoại lệ. Tuy nhiên tình trường của người nhạc sĩ này thường bị người đời thêu dệt lên những mối tình rất ly kỳ và có vẻ hoang đường. Theo lời kể của vợ và con gái của nhạc sĩ Y Vân sau đây thì ông chỉ có 3 mối tình công khai và chính thức.
Đấu tiên là mối tình đầu với cô Tường Vân, cũng là lý do mà nhạc sĩ chọn bút danh Y Vân (tức Yêu Vân) và sử dụng trọn cả sự nghiệp của mình. Đó là năm 1952, khi Y Vân 19 tuổi, còn cô gái mới 16 tuổi. Giữa họ hé nở một mối tình thơ mộng. Khi gia đình biết được giữa con gái và anh nhạc sĩ nghèo đang nảy sinh tình cảm thì tìm cách ngăn cản. Tường Vân nghe lời cha mẹ đi Pháp du học, bỏ lại anh nhạc sĩ nghèo đau khổ.
Bà Minh Lâm, vợ của nhạc sĩ Y Vân kể lại: “Sau này, anh vào Nam, cô Vân có gửi thư nhưng vì bận, anh không trả lời, đưa tôi giữ đến tận bây giờ. Mối tình đó tôi rất tôn trọng”.
Chị Ngọc Tú – con gái của nhạc sĩ Y Vân cũng bày tỏ sự ngưỡng mộ khi nhắc về tình đầu của cha. Chị cho biết: “Bố không liên lạc vì muốn cô Vân hạnh phúc. Cô Vân nguyện sống độc thân nên từ trước đến nay thư từ chỉ một hướng từ cô. Tôi thấy thương cô”.
Mối tình đầu sâu nặng đó, ngoài việc để lại cái tên Y Vân nối tiếng, còn là nguồn cảm hứng để cố nhạc sĩ Y Vân cho ra đời nhiều ca khúc nổi tiếng về sau.
Cuộc hôn nhân với hai chị em họ
Ít người biết rằng nhạc sĩ Y Vân đã 2 lần lập gia đình, và 2 người vợ của ông lại là 2 chị em họ với nhau. Sau câu chuyện tình đầu dang dở với cô Tường Vân, nhạc sĩ Y Vân dành trọn tâm sức cho âm nhạc. Thời gian sau, ông được một người bạn thân mai mối với một cô gái tên Như Hường. Khác với Tường Vân, Như Hường không mê nhạc mà chỉ thích thơ.
Quen nhau chưa được bao lâu, Y Vân về nói chuyện với mẹ. Bà cụ thân sinh đã sang nhà Như Hường để tìm hiểu về cô con dâu tương lai. Giai thoại kể rằng khi qua đến nhà, bà xin phép xuống nhà dưới đi vệ sinh nhưng mục đích để xem thử bếp núc như thế nào. Thấy gọn ghẽ nên bà đồng ý tác hợp cho con trai và cô Như Hường.
Năm 1959, nhạc sĩ Y Vân kết hôn với bà Như Hường chỉ sau 5 tháng quen nhau. Họ có với nhau 4 người con. Đây cũng là thời điểm người nhạc sĩ tài hoa đã sáng tác 2 ca khúc Biển Sầu và Người Vợ Hiền tặng vợ, như để tỏ bày tình yêu và lòng trân trọng.
Hơn mười năm sau, với sự hy sinh hiếm có, bà Như Hường đã đi cưới vợ cho nhạc sĩ Y Vân. Người vợ thứ hai của ông, không ai khác chính là em con cô, con cậu với bà Như Hường – bà Trần Thị Minh Lâm. (Cha của bà Minh Lâm là em trai của mẹ bà Như Hường).
Do cảm thông trước mối tình mãnh liệt của cô em gái nên bà Hường có quyết định trên, mặc cho gia đình khi ấy phản đối dữ dội. Điều đáng nói là hai chị em rất hòa thuận và yêu thương nhau, gia đình trong ấm, ngoài êm. Có lẽ, họ xác định rất rõ, họ đứng sau một người đàn ông tài hoa, lận đận nên không có điều gì quý giá hơn bằng sự cảm thông sâu sắc từ trái tim của những người vợ.
Tuy nhiên sau này, không có thông tin nào nhắc đến bà Như Hường như thế nào ở thời gan sau đó nữa.
Bà Minh Lâm, vợ sau của cố nhạc sĩ Y Vân tâm sự: “Mấy mươi năm chung sống, hai vợ chồng tôi chưa một lần to tiếng. Tôi với ông như hai người bạn tri kỷ và thấu hiểu tâm can của nhau. Có những hôm chúng tôi trò chuyện thâu đêm suốt sáng. Ông là người rất thật thà và chung thủy, yêu thương vợ con”.
Bà cho biết, những bản nhạc của ông được người đời thêu dệt thành những mối tình đâu đó, thật ra là những rung cảm thường tình của một tâm hồn nghệ sĩ. Không hẳn phải có tình yêu với một người nào đó mới sáng tác ra những bài hát hay, có khi ông xúc cảm trước một câu chuyện tình nào đó mà ông bắt gặp, rồi làm chất liệu cho sáng tác mà thôi.
Mối tình bị thêu dệt mà bà Minh Lâm đã nhắc tới có thể là cuộc tình với cô gái tên Huyền trong ca khúc Ảo Ảnh do nhà báo Lâm Tường Dũ viết.
Khi được hỏi về hình ảnh cô gái trong ca khúc nổi tiếng này, bà Minh Lâm tiết lộ người tình trong bài hát chỉ là sự tưởng tượng của chồng bà khi sáng tác. “Không có người nào tên Huyền như lời đồn đại nhiều năm qua. Anh rất nghiêm túc. Sống với nhau 23 năm tôi chưa thấy anh có một ‘bóng hồng’ nào hết”.
Theo bà Minh Lâm, tuy là một nhạc sĩ nổi tiếng nhưng khi trở về với gia đình nhạc sĩ Y Vân vẫn là một người chồng mẫu mực và người cha có trách nhiệm, yêu thương con cái. Bà cho biết ngoài đời ông là người khá vui tính hay chọc cười người khác. Đặc biệt trong suốt 23 năm chung sống với nhau vợ chồng nhạc sĩ luôn nhường nhịn và san sẻ với nhau mọi điều, chưa một lần cãi vã. Con gái nhạc sĩ Y Vân nói thêm: “Từ trước đến nay tôi chưa bao giờ thấy bố mẹ lớn tiếng hay bất đồng quan điểm với nhau. Ý của bố cũng là ý của mẹ và ngược lại”.
Mối tình với cô gái tên Huyền trong giai thoại ca khúc Ảo Ảnh mà bà Minh Lâm nhắc tới ở trên là câu chuyện ly kỳ và hoang đường như chuyện tiểu thuyết, được nhà báo Lâm Tường Dũ nêu ra đầu tiên trong cuốn Tình Sử Nhạc Khúc. Sau này nhiều báo tưởng là chuyện có thật nên đã dẫn lại mà không tìm hiểu rõ ràng. Câu chuyện như sau:
“Năm 1965, nhạc sĩ Y Vân lúc này 32 tuổi, đã lập gia đình được 2 năm, đang là nhạc trưởng của một ban nhạc lớn: ban nhạc Y Vân. Một hôm sau buổi trình tấu nhạc nơi đài phát thanh Saigon vừa tan, trên đường về, Y Vân bị một chú bé lạ mặt chặn xe ông lại và mời vào một quán café bên đường. Bên trong, một thiếu nữ khá xinh ngồi chờ sẵn, chú bé giới thiệu đó là chị của mình, tên Huyền, đang là sinh viên Ban Việt-Hán, Đại học Văn khoa Sài Gòn.
Huyền có đôi mắt to, đen và buồn. Trên bâu áo của nàng có chít một mảnh tang đen. Y Vân cố nhớ lại xem mình đã gặp cô gái này ở đâu chưa, nhưng chịu thua. Theo phép xã giao anh ngỏ lời chia buồn khi thấy mảnh khăn đen trên áo. Nhưng cô gái lắc đầu, buồn bã: “Em đâu có người thân nào qua đời. Mảnh tang này là dành cho mối tình của em đó!”. Y Vân sượng sùng, anh cũng manh nha đoán rằng phải có một điều bí ẩn gì đó mới khiến cô gái này vượt qua nỗi e dè thường thấy của phái nữ, không ngại điều thị phi để đánh bạo gặp anh, nhưng cũng khó mở miệng để hỏi, đành chỉ ngồi nói chuyện bâng quơ một lát rồi viện cớ cáo từ.
Hai hôm sau, Y Vân tìm đến nhà Huyền theo địa chỉ cô đã cho. Đó là một căn nhà vách gỗ đơn sơ nhưng ngăn nắp, sạch sẽ nằm bên chiếc ao rau muống trong con hẻm đường Trương Minh Giảng (gần chợ Phú Nhuận bây giờ). Huyền không có nhà nhưng cậu em trai đã thổ lộ với chàng nhạc sĩ những điều thầm kín của chị mình. Chú bé cho biết họ là con của một địa chủ tiếng tăm ở Long An, được gia đình gửi lên Sài Gòn trọ học. Huyền rất thích âm nhạc và ca hát, đặc biệt là thích nhạc của tác giả Y Vân. Những cuốn vở học trò của Huyền cũng được cô kẻ khung, chép nhạc (hầu hết là nhạc của Y Vân). Tiền gia đình gửi lên để Huyền hoàn tất chương trình cử nhân Văn khoa lại được nàng đem đóng học phí vào… lớp dạy đàn Tây Ban cầm. Suốt ngày Huyền chỉ ôm đàn và hát nhạc Y Vân.
Việc học bê trễ, mấy năm liền chẳng đậu thêm được chứng chỉ nào. Thấy vậy, ông bố đã bắt hai chị em về quê, ép gả Huyền cho một anh trung úy hải quân. Huyền quyết liệt từ chối. Bẽ mặt với nhà trai, ông bố đăng báo từ con. Huyền đau khổ, trút tâm sự với em trai rằng đã yêu nhạc sĩ Y Vân. Sau khi bàn tính, hai chị em trốn nhà lên Sài Gòn, Huyền phải tìm việc làm để mưu sinh và nuôi hy vọng có ngày sẽ được cùng người trong mộng kết tóc se tơ. Sau nhiều lần dò hỏi, biết chắc nhạc sĩ Y Vân đã có gia đình, Huyền làm một mảnh tang đen, luôn đeo nó trên bâu áo.
Nhưng lòng nàng lúc nào cũng tơ tưởng đến nhạc sĩ tài hoa. Nàng đã nhờ em trai tìm cách cho nàng gặp anh để nói với anh điều này. Nhưng khi gặp, nàng lại không dám nói. Y Vân ra về như chạy. Nhạc phẩm “Ảo Ảnh” ra đời sau buổi ra về với trọn đêm thức trắng. Trí tưởng tượng của Y Vân đi trên niềm hối hận. Ảo ảnh cuộc đời, ảo ảnh tình yêu đã có thực nơi những tâm hồn lãng mạn: Yêu mặn nồng, đắng cay, tha thiết. Gió ở trên non, gió cuốn mây trôi, cho dù bầu trời vẫn xanh thờ ơ không mảy may hay biết:
Click để nghe Thanh Lan hát Ảo Ảnh trước 1975
Lời bài hát Ảo Ảnh:
Yêu cho biết sao đêm dài
Cho quen với nồng cay
Yêu cho thấy bao lâu dài
Chỉ còn vài trang giấy
Giòng mực xanh còn đấy
Hứa cho nhiều dù bao lời nói
Đã phai tàn thành mây thành khói
Cũng xem như không mà thôi
Những ân tình em đong bằng nước mắt
Khóc cho đầy hai chữ tình yêu
Phấn hương nồng anh xem tựa tấm áo
Đã thay màu ân ái từ lâu
Những neo thuyền yêu thương dễ đứt
Khiến bao chiều trên bến tịch liêu
Vắng con tàu sân ga thường héo hắt
Thiếu anh lòng em thấy quạnh hiu
Xưa đêm vắng đưa nhau về
Nay đơn bóng đường khuya
Khi vui thấy trăng không mờ
Lòng buồn nên trăng úa
Kìa phồn hoa còn đó
Những con đường buồn vui lộng gió
Những ân tình chìm trong lòng phố
Cũng theo hư không mà đi…
nhacxua.vn tổng hợp